Bạo hành trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập nhìn từ góc độ tâm lý học – giáo dục học
Bạo hành trẻ mầm non đang là một thực trạng đáng báo động gây bức xúc cho toàn xã hội và để lại hậu quả nghiêm trọng cả về mặt thể chất lẫn tinh thần của trẻ. Trẻ bị bạo hành ngay chính ở những nơi mà tưởng như là an toàn nhất đó là gia đình và trường học. Nhiều vụ bạo hành trẻ gây bức xúc dư luận xảy ra ở các cơ sở GDMN bị báo chí phanh phui, trong đó tại các cơ sở GDMN ngoài CL chiếm gần 90% [5].
Loại hình trường, lớp mầm non ngoài CL là một hướng phát triển tất yếu của ngành học mầm non. Sự ra đời của loại hình này đã phần nào giải quyết được nhu cầu gửi trẻ của các bậc phụ huynh ở những vùng đô thị khi mà loại hình trường CL không đủ để đáp ứng. Theo số liệu thống kê năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng số các cơ sở GDMN ngoài CL trên cả nước chiếm khoảng 25%, nhiều nhất là các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập. Nhiều tỉnh/thành có tỉ lệ trường ngoài CL cao như Đà Nẵng 64,8%, Bình Dương 63%, TPHCM 60,8%...
Không thể phủ nhận những lợi ích to lớn mà các cơ sở GDMN ngoài CL mang lại, nó góp phần bảo đảm quyền đi học của trẻ em, giảm bớt áp lực cho các trường CL…Tuy nhiên, cùng với những đóng góp tích cực, hàng loạt vụ bạo hành trẻ MN xảy ra ở những cơ sở ngoài CL đã ảnh hưởng đến tiến trình phát triển thể chất và tâm lý của trẻ.
Dưới góc nhìn Tâm lý học – Gáo dục học, chúng tôi muốn đi sâu phân tích nguyên nhân của tình trạng bạo hành trẻ tại các cở sở GDMN ngoài CL và những hệ lụy của nó.
1. Khái niệm bạo hành trẻ mầm non ở các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập
1.1. Bạo hành trẻ mầm non
Có rất nhiều định nghĩa khái nhau về bạo hành trẻ em. Trong bài viết này, chúng tôi sử dụng khái niệm của tổ chức Sức khỏe Thế giới WHO, bạo hành trẻ em là tất cả những hành vi đối xử tệ bạc với trẻ em về cả thể chất và tinh thần như đánh đập, xâm hại tình dục, lợi dụng hay bỏ bê… dẫn đến những mối nguy hiện tiềm năng hay hiện hữu đối với sức khỏe, nhân phẩm và sự phát triển của trẻ. Bất kỳ ai cũng có thể có hành vi bạo hành trẻ em, kể cả cha mẹ, người trông nom hay đứa trẻ khác.
Dựa trên khái niệm bạo hành trẻ em của Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO). Chúng tôi xác định khái niệm bạo hành trẻ mầm non: là tất cả những hành vi đối xử tệ bạc đối với trẻ mầm non về cả thể chất lẫn tinh thần, dẫn đến những mối nguy hiểm tiềm năng hay hiện hữu đối với sức khỏe, nhân phẩm và sự phát triển của trẻ. [Theo 5].
Các loại bạo hành trẻ mầm non. Có rất nhiều hình thức bạo hành khác nhau nhưng được phân thành 2 loại chính là bạo hành về mặt thể xác và bạo hành về mặt tinh thần.
Bạo hành về mặt thể xác là hành vi ngược đãi, đánh đập… của GV, gây ra những tổn thương trên thân thể trẻ như: Đánh đập trẻ (đấm, đá, tát, nắm tóc, dùng roi, …); Bóp cổ trẻ, lắc trẻ thô bạo; Ném, xô đẩy trẻ; Làm phỏng, đốt trẻ; Cắn trẻ, Bỏ độc trẻ và tất cả các hành vi có khả năng gây thương tích về mặt thể chất khác.
Bạo hành về mặt tinh thần là những lời nói, thái độ, hành vi ngược đãi hoặc sỉ nhục của GV làm tổn hại đến tâm lí của trẻ, như: GV từ chối hay bỏ bê trẻ; Nhạo báng hay nhục mạ; Khủng bố tinh thần trẻ.
Bạo hành tinh thần chia làm 2 loại. Một là bạo hành trực tiếp, nghĩa là trẻ em trực tiếp là nạn nhân bị GV chửi mắng, sỉ nhục, dùng những từ ngữ thô lỗ ảnh hưởng tới nhân phẩm và tâm lý trẻ. Hai là bạo hành gián tiếp, nghĩa là trẻ không phải là nạn nhân mà chỉ là người chứng kiến những hành vi bạo hành của GV với những trẻ khác.
1.2. Cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập
- Cơ sở GDMN ngoài CL bao gồm:
Nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đảm bảo kinh phí hoạt động và được chính quyền địa phương hỗ trợ.
Nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục do tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.
- Quản lý nhà nước đối với các cơ sở GDMN ngoài công lập
Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã) quản lý nhà trường, nhà trẻ dân lập; nhà trường, nhà trẻ tư thục và các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập trên địa bàn.
Phòng giáo dục và đào tạo thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với mọi loại hình nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập trên địa bàn.
1.3. Bạo hành trẻ em ở các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập
Thực trạng các vụ bạo hành trẻ mầm non bị phát hiện có tính chất vô cùng nghiêm trọng, xảy ra ở đủ các lứa tuổi MN, thậm chí có trẻ mới vài tháng tuổi. Trẻ bị bạo hành cả về mặt thể xác lẫn tinh thần và xảy ra trong hầu hết các hoạt động trong ngày của trẻ, cụ thể như: quăng quật trong giờ ngủ; dọa nạt, nhồi nhét thô bạo trong giờ ăn; đánh đập trong lúc tắm, lúc đi vệ sinh.... Ngoài bạo lực bằng tay chân, các đối tượng bạo hành trẻ bằng bất cứ thứ gì và lên bất cứ bộ phận nào của trẻ như: dép, can nhựa, đũa, vá, rẻ lau, gậy học thể dục, kể cả dao, kéo... và thậm chí có trẻ còn bị cô đẩy lên cho các bạn trong lớp đánh hội đồng hay cho trẻ ngồi trên bô suốt ngày để khỏi phải mặc quần…[5].
Dù ở đâu, trong bất cứ hoàn cảnh, tình huống nào thì bạo hành trẻ em cũng để lại những hậu quả của nó. Chúng ta cần nghiên cứu để có biện pháp khắc phục, hạn chế những hậu quả mà nó mang lại đặc biệt là đối với tâm lý trẻ em.
2. Hậu quả của tình trạng bạo hành trẻ mầm non
Tất cả những hành vi bạo hành trẻ dù ở mức độ nào, loại hình nào đều để lại hậu quả nhất định. Hậu quả bạo hành trẻ em không chỉ là những ảnh hưởng nặng nề về sức khỏe thể chất, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần của trẻ kéo theo nhiều hệ lụy tâm lý. Xét về góc độ tâm lí, những tổn thương tinh thần, di chững về tâm lý do bạo hành gây ra chưa thể thấy ngay như về mặt thể xác mà có thể diễn ra trong thời gian dài sau khi trẻ trưởng thành và có thể sẽ đi theo trẻ suốt cả cuộc đời.
Những hành vi mắng chửi, lăng nhục, dọa nạt, đánh đập… khiến đứa trẻ thiếu tự tin, rụt rè, luôn trong trạng thái thảng thốt. Bị bạo hành thường xuyên sẽ khiến trẻ có những rối loạn hành vi và ứng xử. Có hai kiểu phản ứng ở trẻ thường xảy ra khi bị bạo hành. Nếu biểu hiện ra bên ngoài, trẻ có thể thay đổi tính nết:
- Phản ứng kiểu thứ nhất là trẻ đang hiền lành bỗng trở nên hung bạo, có xu hướng gây hấn, bạo lực với những người xung quanh bằng nhiều hình thức, mức độ khác nhau như cáu gắt, khóc lóc, thậm chí có hành vi hung tính như đánh đập người khác hoặc độc ác với thú vật. Việc thiết lập mối quan hệ của trẻ với người khác cũng khó khăn hơn rất nhiều.
- Kiểu thứ hai là trẻ thu mình lại. Với trẻ bị bạo hành, ngay cả khi không gặp phải những vấn đề thực thể, nhưng những hình ảnh về bạo lực sẽ được ghi dấu trong đầu chúng. Sau này, khi chứng kiến lại những cảnh tương tự hoặc chẳng may trẻ bị lặp lại những vấn đề này, những dấu vết đã hằn sâu sẽ khiến đứa trẻ lo lắng, hoảng sợ, buồn phiền, xa lánh mọi người, không thích tiếp xúc và luôn mang cảm giác sợ sệt. Một biểu hiện rõ nhất nữa là trẻ chán học, chán đến trường. Theo một khảo sát của gần đây với 200 trẻ, khi hỏi "có sợ cô giáo không", thì có 48% trẻ trả lời "có". Mức độ trầm trọng hơn là trẻ bị rối loạn tâm thần với các triệu chứng như hoang tưởng, ảo giác.
Hơn nữa, việc trẻ bị bạo hành cũng có thể khiến trẻ bị tách biệt khỏi bạn bè. Những đứa trẻ thấy các bạn bị đánh khi không hiểu lý do, chỉ nghĩ rằng hư sẽ bị đánh, từ đó tạo ra sự tẩy chay giữa các trẻ với nhau. Dần dần bạn bị bạo hành sẽ cảm thấy bị cô độc, bản thân có vấn đề, tự đổi lỗi cho bản thân…
Điều đặc biệt lưu ý là việc bạo hành sẽ gây hậu quả trầm trọng đến việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Bị bạo hành, trẻ dần dần hình thành một nhân cách nhút nhát, tự ti, thiếu sự khẳng định mình. Trẻ gặp nhiều khó khăn trong việc thích nghi chấp nhận và vượt qua các thử thách biến cố hay thất bại trong cuộc sống sau này. Nếu tình trạng này kéo dài, đến một lúc nào đó, trẻ rất dễ rơi vào tình trạng trầm cảm, lo âu và rối loạn về mặt cảm xúc. Có những trẻ biểu hiện lúc nhỏ có thể đơn giản là hung bạo, hay cáu gắt, khó tính, nhưng khi lớn lên, trẻ có thể trở thành một con người cục cằn, lỗ mãng và độc ác. Sống trong môi trường không lành mạnh, bị bạo hành hoặc chứng kiến sự bạo hành, trẻ sẽ có quan niệm sống lệch lạc, không biết tôn trọng người khác và cũng không biết tôn trọng chính bản thân mình. Thậm chí trẻ trở nên vô cảm, không biết lên án những hành vi phi đạo đức của người khác.
Như vậy có thể nói nhìn từ góc độ tâm lý, những hậu quả do nạn bạo hành trẻ em nói chung để lại về mặt tinh thần là vô cùng nghiêm trọng. Việc tìm ra nguyên nhân của bạo hành trẻ em tại các cơ sở GDMN ngoài CL sẽ giúp chúng ta đưa ra một số giải pháp thiết thực để ngăn chặn, phòng chống vấn nạn này.
3. Các nguyên nhân bạo hành trẻ em tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập
3.1. Các nguyên nhân chủ quan
- Tình cảm nghề nghiệp của giáo viên mầm non
Tình cảm là động lực thúc đẩy con người nỗ lực vượt qua mọi khó khăn vất vả của nghề nghiệp. Tình cảm nghề nghiệp của GVMN thể hiện ở lòng yêu nghề, mến trẻ.Một trong những yêu cầu về phẩm chất nghề nghiệp đối với GVMN là phải có lòng yêu trẻ [1].Có tình thương yêu trẻ, cô giáo sẽ thực sự yêu thích công việc, yêu người bao nhiêu ta yêu nghề bấy nhiêu. Có tình thương yêu trẻ, cô giáo sẽ nhạy cảm với trẻ, dễ dàng phát hiện ra những biến đổi dù là rất nhỏ về thể chất và tâm lý của trẻ. Lòng yêu nghề, mến trẻ giúp GV có thể vượt lên mọi khó khăn, vất vả, thiếu thốn để thỏa mãn hợp lý các nhu cầu phát triển của trẻ, dịu dàng, nhẹ nhàng với trẻ... Sự trưởng thành của mỗi đứa trẻ sẽ là niềm vui, niềm hạnh phúc của người GV.
Tuy nhiên, một thực tế cho thấy rất nhiều GVMN vào nghề không xuất phát từ lòng yêu nghề, mến trẻ. Trong một nghiên gần đây đã chỉ ra rằng động cơ vào nghề của GVMN chỉ có khoảng 15% xuất phát từ lòng yêu nghề, mến trẻ, còn lại là do các nguyên nhân khác như: không đỗ vào các trường khác; bị cha mẹ ép; học theo bạn bè cho vui...[4]. Chính điều này khiến GV chưa thực sự tâm huyết với nghề, yêu thương trẻ, chăm sóc trẻ như con em của mình mà chỉ làm cho xong trách nhiệm, dễ có những phản ứng tiêu cực như cáu gắt, nặng lời, đánh đập trẻ...
- Trách nhiệm nghề nghiệp của GV mầm non
Trách nhiệm là điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình [6]. Trách nhiệm nghề của GV thể hiện ở chuẩn mực đạo đức nghề, kỷ luật nghề, sáng tạo nghề… Đạo đức nghề nghiệp là thước đo phẩm chất, phản ánh năng lực và tạo ra nội lực bên trong giúp điều chỉnh hoàn thiện nhân cách của người thầy. Nói đến đạo đức nghề là nói đến lương tâm nghề nghiệp. Lương tâm nghề nghiệp của GV chính là ý thức trách nhiệm của họ đối với hành vi của mình trong hoạt động nghề, là thái độ, cách ứng xử của GV trước lợi ích, là sự tự phán xử về các hành vi nghề nghiệp của mình. Trách nhiệm nghề nghiệp là thước đo trình độ nhận thức của GV về nghề, đòi hỏi mỗi GV phải nhận thức được đầy đủ về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của nghề đó, cũng như những hiểu biết sâu sắc về các quy chuẩn hành vi nghề nghiệp. Trách nhiệm nghề nghiệp khiến người GV trở thành những cô giáo có tính kỷ luật chuyên môn cao, hoạt động nghề sáng tạo, hiệu quả. Nếu người GV có trách nhiệm nghề nghiệp cao, họ sẽ nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ ở mức độ tốt nhất có thể.
Một bộ phận GVMN được đào tạo bài bản nhưng lại thiếu ý thức trách nhiệm của một nhà giáo, thiếu đạo đạo đức nghề nghiệp, họ thực hiện công việc với một tinh thần hời hợt, không nỗ lực hết mình trong chăm sóc, giáo dục trẻ; làm việc đối phó, thiếu tính kỷ luật. Từ đó dẫn đến có những hành vi bạo hành trẻ.
- Điều chỉnh cảm xúc bản thân của giáo viên mầm non.
Điều chỉnh xúc cảm bản thân là một quá trình tâm lý mà cá nhân đó nhận ra và thực hiện việc chỉnh lại, sửa lại các mức độ cảm xúc không phù hợp (liên quan đến sự nhận diện, kiềm chế, kiểm soát, sử dụng... trạng thái hay hành vi cảm xúc) của một con người trong một tình huống cụ thể. [10 ].
Một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bạo hành trẻ của GVMN là do họ không có khả năng điều chỉnh cảm xúc tiêu cực bản thân như: lo lắng, buồn bực, nóng giận... Theo nhiều nghiên cứu của các nhà sinh lý học thần kinh, khí chất là đặc điểm cơ bản của hệ thần kinh, tạo ra các diện mạo nhất định của toàn bộ hoạt động ở mỗi cá thể. Nhà triết học cổ đại Hy Lạp Hipôcrát đã tìm hiểu các quá trình thần kinh của con người thông qua việc quan sát các hành vi phong phú của họ và ông đã phân ra bốn loại tính khí: Tính khí nóng nảy, tính khí ưu tư, tính khí linh hoạt và tính khí điềm đạm. Khí chất của con người có ảnh hưởng đến cảm xúc của họ. Chẳng hạn: người có khí chất nóng nảy sẽ dễ bị kích động, xuất hiện những cơn thịnh nộ...[7].
Việc GV có kỹ năng điều chỉnh xảm xúc của bản thân thể hện ở khả năng quản lý, kiểm soát tốt các trạng thái cảm xúc bên trong như sự bốc đồng, buồn bực cũng như nỗi đau của bản thân, sẽ giúp họ có những lời nói, hành vi phù hợp và đúng đắn nhất với trẻ. Điều đó sẽ ngăn chặn được các hành vi bạo hành trẻ. Ngược lại, khi GVMN không kiểm soát điều chỉnh được cảm xúc bản thân, trẻ sẽ có nhiều nguy cơ trở thành thành đối tượng trút giận từ chính người nuôi dạy mình.
- Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên mầm non
Trước đây, trình độ chuẩn của GVMN là có bằng tốt nghiệp Trung cấp sư phạm mầm non. Từ khi luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 có hiệu lực, trình độ chuẩn được đào tạo của GVMN là có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm mầm non. Người GV có trình độ chuyên môn, được đào tạo bài bản, sẽ có khả năng nhận thức, am hiểu đặc điểm tâm sinh lý trẻ, có năng lực chuyên môn và và kỹ năng nghề nghiệp..., từ đó khiến họ tự tin, chủ động, tích cực hơn trong hoạt động nghề. Có kỹ năng ứng xử, giao tiếp với phù hợp với từng trẻ nhất là những trẻ cá biệt. Thực tế đã cho thấy,thời gian qua nhiều trẻ mầm non bị bạo hành do các GV, không đạt chuẩn, mới chỉ có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn, thậm chí chưa hề qua trường lớp đào tạo.
Bên cạnh đó một bộ phận GV có trình độ đạt chuẩn, trên chuẩn nhưng được đào tạo không bài bản, theo kiểu “ăn xổi ở thì” tại các cơ sở đào tạo GVMN chất lượng kém. GV thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý trẻ, yếu về kỹ năng xử lý tình huống sư phạm, dẫn đến khi trẻ có hiếu động vi phạm kỉ luật, quấy khóc, biếng ăn…. Thay vì dùng tình cảm dỗ dành, hoặc nghiêm khắc uốn nắn bằng các phương pháp sư phạm khác thì cô lại quát mắng, dọa nạt, đánh đập trẻ…
- Tâm lý việc làm không ổn định, đứng núi này trông núi nọ.
Vào biên chế là mục tiêu phấn đấu, là niềm khao khát của không ít người, vì đây là vị trí công việc phục vụ lâu dài, đảm bảo sự ổn định cho đến tuổi nghỉ hưu, nếu không thuộc diện bị tinh giản biên chế hoặc không tự nguyện nghỉ việc. Trong khi đó, nếu như làm việc tại các cơ sở GDMN ngoài CL chỉ có hợp đồng, GV làm việc theo thời hạn và có thể sẽ phải nghỉ việc nếu GV không đáp ứng được yêu cầu của chủ cơ sở hoặc chủ cơ sở không có nhu cầu tuyển dụng… Nên có thể nói nhiều người coi biên chế nhà nước là tấm khiên chắn tuyệt vời cho sự ổn định. Môi trường làm vệc ổn định cũng sẽ giúp GV yên tâm công tác, có động lực phấn đấu và có trách nhiệm hơn với công việc.
Qua tâm sự với một số GV, chúng tôi thấy đa số GV ở các cơ sở GDMN ngoài CL không yên tâm công tác, nhất là GV tại các cơ sở nhỏ lẻ, nhóm trẻ tự phát... Họ chỉ coi đây là nơi làm việc tạm thời, chờ để thi viên chức nhà nước hoặc nếu có cơ hội họ sẽ chuyển đến các trường có điều kiện tốt hơn. Vì thế họ thường không có mục tiêu phấn đấu, không có sự gắn bó với trường lớp. Nên dễ dẫn đến những hành vi ứng xử không phù hợp với trẻ.
- Tuổi đời và kinh nghiệm nghề nghiệp của gáo viên mầm non
Một thực tế cho thấy, GV lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc, giáo dục trẻ; nhẫn nại, bình tĩnh hơn trong xử lý các tình huống sư phạm; GV trẻ mới vào nghề có sức khỏe, năng nổ, nhiệt tình, nhưng lại thiếu kinh nghiệm, nóng vội...
Do đặc thù sàng lọc, tuyển chọn hàng năm của chủ cơ sở và GV xin nghì vì đã có công việc mới tốt hơn nên tỉ lệ GV có thâm niên nghề nghiệp trong các cơ sở GDMN ngoài CL khá thấp, chủ yếu là GV trẻ mới vào nghề, có ít kinh nghiệm đứng lớp; kinh nghiệm trong trong giao tiếp, ứng xử với trẻ. Đây cũng là lý do tại một trong những nguyên nhân xảy ra tình trạng bạo hành tại các nhà trẻ, nhóm trẻ lớp mẫu giáo tư thục nhỏ lẻ.
3.2. Các nguyên nhân khách quan
- Về phía các cơ quan quản lí
Ngành Giáo dục đã có nhiều giải pháp để quản lý GDMN ngoài CL, song việc quản lý vẫn chưa thực sự hiệu quả:
Chưa có sự quản lý, giám sát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý: Việt Nam có rất nhiều cơ quan có nghĩa vụ bảo vệ quyền trẻ em. Nhưng hầu hết những vụ bạo hành trẻ em lẫn sai phạm trong các trường MN được phát hiện là do phụ huynh, người dân và các cơ quan báo chí. Bên cạnh đó, hàng nghìn các cơ sở trông giữ trẻ tư nhân không giấy phép vẫn ngang nhiên hoạt động.
Theo phân cấp quản lý, các cơ sở GDMN ngoài CL sẽ do các xã, phường, thị trấn quản lý và cấp phép hoạt động. Các phòng GDĐT được phân công quản lý các cơ sở này về mặt chuyên môn. Để việc cấp phép hoạt động đảm bảo chính xác, đúng quy định, các địa phương sẽ phải phối hợp chặt chẽ cùng với phòng GDĐT. Tuy nhiên trên thực tế, sự phối hợp này ở hầu hết các xã, phường, thị trấn trong tỉnh còn rất lỏng lẻo. Các địa phương chưa có sự quan tâm đúng mức cho loại hình giáo dục này, thậm chí có nơi chính quyền địa phương gần như thả nổi. Theo cả hai phía (ngành GDĐT và địa phương) nguyên nhân là do thiếu lực lượng làm công tác quản lý loại hình GDMN này.
Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Hoàng Thanh Hương cho biết, Mỗi năm, thành phố có thêm từ 25.000 đến 30.000 trẻ mầm non đến lớp, có khoảng 30% trong số này được gửi tại các cơ sở mầm non ngoài công lập, khó khăn tập trung ở việc quản lý các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục. Tại một số địa bàn còn có tình trạng nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục chưa được cấp phép thành lập, nhưng đã tiếp nhận trẻ; việc tuân thủ quy định về chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của GV ở một số nơi còn hạn chế... [Theo báo điện tử Hà nội mới ngày 15/11/2019].
Theo bà Đặng Thị Yến, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chương Mỹ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục thường "mọc lên" len lỏi ở khu dân cư, rất khó quản lý, kiểm soát. [Theo báo điện tử Hà nội mới ngày 15/11/2019].
Đào tạo dễ dãi; cấp phép đơn giản: Thực tế hiện nay, chúng ta đang thấy một thực trạng đào tạo dễ dãi; cấp phép đơn giản. Nhiều cơ sở đào tạo hiện nay vì chạy theo lợi nhuận mà bỏ quên chất lượng về đội ngũ giảng dạy, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo và chất lượng đầu vào. Tình trạng liên kết đào tạo tràn lan, khó kiểm soát dẫn đến chất lượng đào tạo giảm sút. Thậm chí, một vài chương trình đào tạo chứng chỉ nghiệp vụ bảo mẫu MN chỉ diễn ra vẻn vẹn 2 tháng cho đối tượng học là những người có trình độ từ THCS trở lên. GV mặc dù có đầy đủ bằng cấp nhưng thực tế lại thiếu kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ.
Chính quá trình đào tạo, cấp chứng chỉ dễ dàng, không được kiểm soát chặt chẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục mọc lên như nấm. Theo quy định hiện nay, ngoài các nguyên nhân cơ bản khác thì cơ cấu tổ chức ở nhóm, lớp này chỉ cần một tổ trưởng chuyên môn. Tổ trưởng chuyên môn có thể là chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập và chỉ cần có bằng tốt nghiệp từ trung cấp sư phạm MN trở lên (năm 2019 đổ về trước) và có các chứng chỉ, nghiệp vụ liên quan đi kèm. Điều kiện cấp phép dễ dãi khiến việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng đối với nhóm, lớp này gặp nhiều khó khăn.
Phụ huynh không tìm hiểu kỹ cơ sở GDMN mà họ gửi con; chưa quan tâm nhiều đến những biểu hiện của con để có những phát hiện kịp thời về bạo hành; giao phó con mình cho GV, nhưng khi có chuyện gì xảy ra với con, họ đổ hoàn toàn trách nhiệm cho GV và không có cái nhìn thông cảm, thấu hiểu, gây áp lực cho GV.
Một bộ phận người dân chưa có cái nhìn tích cực về nghề GVMN, đánh giá thấp, thậm chí có thái độ coi thường nghề GVMN. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến GVMN thiếu đi động lực và tình yêu thương đối với trẻ.
Các tổ chức xã hội trên địa bàn, những người dân gần cơ sở mầm non còn bàng quan, thiếu quan tâm, thậm chí vô cảm với những hành vi bạo hành trẻ. Khi sự việc bị phát hiện, họ trả lời báo chí rằng: họ biết sự việc nhưng chỉ nghĩ là các cô giáo đánh để răn dỗ con trẻ. Nếu họ đồng cảm với những người làm cha mẹ, có trách nhiệm với xã hội hơn, thì những sự việc đáng tiếc sẽ được ngăn chặn sớm.
-. Môi trường làm việc
Môi trường làm việc nhiều áp lực. Thời gian lao động của GVMN mang tính liên tục, vượt ra khỏi khuôn khổ giờ hành chính 8 giờ/ngày.Đối tượng lao động của người GVMN là trẻ em ở độ tuổi nhỏ nhất ở cuộc đời mỗi người, từ 0-6 tuổi, lứa tuổi có cơ thể non nớt, sức đề kháng kém, chưa có khả năng tự bảo vệ mình, hiếu động, hay quấy khóc, ăn uống khó khăn... Nên GVMN không chỉ thực hiện nhiệm vụ giáo dục mà còn phải bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. [1]. Theo số liệu thống kê từ các vụ bạo hành, những trẻ bị bạo hành hầu hết là do trẻ ăn chậm, hiếu động, đi vệ sinh không đúng quy định…[5].
Đặc thù nghề nghiệp gây nhiều áp lực cho GVMN, nhưng GV tại các cơ sở GDMN ngoài CL còn áp lực hơn. Do các cơ sở ngoài CL phải tự chủ về tài chính nên chủ cơ sở thường đặt nặng vấn đề thành tích, khẳng định thương hiệu để thu hút trẻ đến trường. Từ đó có yêu cầu cao đối với GV, nhiều cơ sở lắp đặt camera theo dõi, giám sát công việc hàng ngày của GV, nếu GV nào không đáp ứng được sẽ bị sa thải. Bên cạnh đó nhiều cơ sở vì quá quan tâm đến lợi nhuận mà nhồi nhét số lượng trẻ vượt quy định, vượt quá khả năng chăm sóc của GV. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhiều cơ sở có số lượng trẻ/nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục vượt quá quy định, có nơi lên đến 70 trẻ/nhóm. [Theo báo điện tử Hà nội mới ngày 15/11/2019]. Áp lực nhiều khiến GV dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, dẫn đến có những cảm xúc, hành vi tiêu cực với trẻ, thể hiện tâm lý “giận cá chém thớt”. Thực tế đã có nhiều vụ bảo mẫu, GV lôi trẻ vào góc khuất camera hành hạ thương tâm.
- Các cơ sở GDMN ngoài CL chưa quan tâm đến chất lượng
Nhiều cơ sở GDMN ngoài CL, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ, không quan tâm đến chất lượng giáo dục mà chỉ quan tâm đến lợi nhuận thu được: Tuyển người chưa qua đào tạo hoặc đào tạo ngắn ngày để giảm chi phí về lương; Không đầu tư cơ sở vật chất.
Thực tế cho thấy, nhiều cơ sở GDMN ngoài CL thường được mở ở vùng thuận lợi, có điều kiện kinh tế phát triển và nằm xen kẽ trong các khu dân cư. Thời gian đón và trả trẻ, mức đóng góp học phí hàng tháng... được thực hiện trên cơ sở thoả thuận giữa chủ cơ sở và phụ huynh nên các cơ sở giáo dục này có được chỗ đứng và là sự lựa chọn của không ít bậc phụ huynh.
Theo các bậc phụ huynh, gửi con ở các cơ sở GDMN ngoài CL rất thuận lợi, có thể gửi sớm, đón muộn và có thể gửi cả thứ bảy, chủ nhật, nếu có nhu cầu.Thế nhưng không phải cơ sở nào cũng đảm bảo đủ điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, đội ngũ GV để chăm sóc giáo dục trẻ. Theo kết quả khảo sát của Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh, chỉ có một con số rất nhỏ cơ sở GDMN ngoài CL đầu tư được cơ sở vật chất khang trang đáp ứng được yêu cầu để nhận trẻ. Hầu hết trong tình trạng thiếu các điều kiện cần thiết tối thiểu cho việc chăm sóc, giáo dục trẻ theo quy định của Bộ GD-ĐT. Hiện trên toàn tỉnh Quảng Ninh chỉ có 44% trong tổng số cơ sở GDMN ngoài CL có được nguồn nước sạch; 33% có công trình vệ sinh đạt yêu cầu; 23,3% có sân chơi, đồ chơi ngoài trời và 7,5% có bếp ăn hợp vệ sinh, đúng quy cách. Hằng năm, các cơ sở GDMN ngoài CL cũng chỉ dành 1% trong tổng kinh phí đầu tư để chi cho hoạt động chuyên môn... Chủ cơ sở và GV hầu hết chưa đạt chuẩn, thậm chí có những cơ sở cả chủ và người làm thuê không có chuyên môn và chưa được đào tạo qua bất kỳ một trường, lớp nào. Từ chỗ thiếu và yếu về cơ sở vật chất, đội ngũ quản lý, GV đứng lớp, nên chất lượng giáo dục ở những cơ sở GDMN ngoài CL không được đảm bảo. [3].
4. Giải pháp
4.1. Đối với các cơ quan quản lí nhà nước và giáo dục
Tăng cường giám sát các hoạt động của trường, lớp, các nhóm trẻ gia đình, lớp mẫu giáo độc lập. Kiên quyết không cấp phép đối với những cơ sở không đủ điều kiện CSGD trẻ.
Thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất các cơ sở. Ngoài việc kiểm tra định kì, các cấp quản lí cần kiểm tra đột xuất. Khi đó không có sự chuẩn bị, các cấp quản lí sẽ nắm bắt được các mặt yếu của các cơ sở để có biện pháp khắc phục và ngăn chặn kịp thời.
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng định kỳ nhằm nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ cho các cán bộ quản lý, GV, nhân viên tại các cơ sở GDMN ngoài CL. Xây dựng các chuyên đề về quyền trẻ em, bạo hành trẻ em và đạo đức nghề nghiệp để bồi dưỡng cho GVMN
Thực hiện việc sát hạch để cấp chứng chỉ hành nghề cho GVMN.Bởi khi đó mỗi người GV phải trang bị đầy đủ kiến thức cho bản thân để vượt kì sát hạch. Đồng thời giúp cho người GV tiếp thu và lĩnh hội được những kinh nghiệm của các thế hệ đi trước. Nghiêm khắc xử lí đối với những cá nhân có hành vi bạo hành đối với trẻ.
Có biện pháp quản lý chặt chẽ các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non, nhất là các cơ sở có chất lượng đào tạo kém, không có uy tín.
Cần tăng khung hình phạt đối với những đối những giáo viên, bảo mẫu có bạo hành trẻ em.
4.2. Đối với các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập
Đảm bảo hài hòa giữa lợi nhuận và lợi ích của người GV. Trả lương phù hợp với trình độ của GV để GV yên tâm công tác.
Tuyển dụng GV đã qua đào tạo và được đào tạo tại các trường có uy tín; Tạo điều kiện về tài chính và thời gian cho GV tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Không chạy theo “bệnh thành tích”, tạo áp lực cho GV. Không bao che khi phát hiện GV, bảo mẫu có hành vi bạo hành trẻ.
4.3. Đối với giáo viên
GV cần thường xuyên học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, trau dồi đạo đức nghề nghiệp.
Cần tìm hiểu, nắm bắt rõ đặc điểm tâm sinh lí của trẻ trong nhóm lớp để có biện pháp GD phù hợp.
Luôn rèn luyện bản lĩnh tâm lý, điều chỉnh cảm xúc của bản thân, tránh dẫn đến các hành vi bạo hành.
4.4. Đối với gia đình
Phụ huynh nên dành thời gian tìm hiểu để chọn trường có uy tín, đảm bảo các quy định về nuôi dạy trẻ về cơ sở vật chất, về chất lượng GV, về khẩu phần dinh dưỡng. Không theo quan niệm, suy nghĩ chọn trường cho thuận tiện công việc đưa đón và công việc của mình mà gửi con vào các cơ sở không uy tín về chất lượng và số lượng không đảm bảo.
Phụ huynh cần có cái nhìn tích cực, thể hiện sự tôn trọng nghề giáo viên mầm non và cô giáo của con mình
Không đặt nặng vấn đề tăng cân mà gây áp lực đối với GV. Khả năng phát triển tùy vào cơ địa của mỗi trẻ vì vậy các bậc phụ huynh không nên gây áp lực cho cô giáo, người trực tiếp nuôi dạy trẻ và dành thời gian quan tâm, trò chuyện, quan sát con để kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường của con để sớm có biện pháp ngăn ngừa.
Tóm lại, bạo hành trẻ em tại các cơ sở GDMN ngoài CL và những ảnh hưởng của nó, đặc biệt là những ảnh hưởng mạnh mẽ về tâm lý, tình cảm và nhân cách của trẻ đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh với cả xã hội, với các cơ quan quản lý nhà nước, với phụ huynh và với những người đã và đang có ý định kinh doanh giáo dục bậc học này. Những hình phạt, những bản án trong thời gian qua liệu có đủ thức tỉnh lương tri của những người trực tiếp nuôi dạy trẻ.
Trẻ em là sức sống, là niềm tin, là tương lai của đất nước. Và để trẻ thực sự là “niềm tin” và “tương lai” thì cả xã hội phải chung tay, nỗ lực hành động, đặc biệt là ngành giáo dục.
-------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1].Bộ Giáo dục và Đào Tạo (2008), Quy định về chuẩn nghiệp vụ giáo viên mầm non.
[2].James Borg (Lê Huy Lâm dịch) (2009) Ngôn ngữ cơ thể - 7 bài học đơn giản làm chủ ngôn ngữ không lời, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
[3].Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh (1/7/2021), GDMN ngoài công lập - Khó trong công tác quản lý.
[4].Vũ Thị Thanh Hiển (2020), Thái độ với nghề của giáo viên mầm non các tỉnh Tây Nguyên, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
[5].Vũ Thị Thanh Hiển (2021), Bạo hành trẻ em tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, thực trạng, nguyên nhân và giải pháp, Tạp chí Giáo chức, số 167, tháng 3/2021.
[6].Nguyễn Văn Hùng, Thái Xuân Đệ (2014), Từ điển Tiếng Việt, NXB Văn hóa Thông Tin.
[7].I.M.Xechenop (1963), Những phản xạ của não, NXB Giáo dục Hà Nội.
[8].Nguyễn Văn Lượt (2009), Nguyên nhân và biện pháp hạn chế bạo lực học đường, Tạp chí Thế giới mới, số 864 ngày 14/12/2009.
[9].Huỳnh Văn Sơn (2016 ), Những tổn hại trong tâm lí trẻ bị bạo hành, Báo Giáo dục ngày 20/06/2016.
[10.Vũ Thị Vân (2020), Điều chỉnh cảm xúc bản thân giữa cha mẹ với con lứa tuổi học sinh Trung học cơ sở, NXB Lao động.
[11].Trương Văn Vỹ (2013), Yếu chuyên môn và cái tâm dẫn đến bạo hành, Báo Người lao động ngày 09/12/2013.
TS.Vũ Thị Thanh Hiển, Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk