TP. Thanh Hóa tuyển giáo viên: Có "vênh" chỉ đạo tạm dừng của Trung ương?
Ngày 07/3/2025, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 128-KL/TW yêu cầu tạm dừng tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ để phục vụ sắp xếp bộ máy. Thế nhưng, bằng một loạt quyết định, thông báo ban hành liên tiếp sau đó, UBND TP. Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) vẫn hoàn tất kỳ tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục vào giữa tháng 4/2025. Động thái này đang đặt ra câu hỏi lớn về tính thống nhất và kỷ cương trong thực thi chính sách của Đảng và Nhà nước tại địa phương này.
Kết luận số 128-KL/TW.
Nhằm đảm bảo sự đồng bộ, hiệu quả trong công tác cán bộ giai đoạn triển khai sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, ngày 07/3/2025, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 128-KL/TW. Văn bản này chỉ đạo rõ ràng việc tạm dừng các hoạt động tuyển dụng, quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử các chức vụ lãnh đạo, quản lý ở tất cả các cấp, có hiệu lực ngay từ ngày 07/3/2025 cho đến khi hoàn thành việc sắp xếp tổ chức. Mục tiêu là tạo sự ổn định, tránh biến động nhân sự không cần thiết, tạo thuận lợi cho việc thực hiện chủ trương lớn của Đảng. Kết luận 128 là yêu cầu chung, áp dụng thống nhất trên toàn quốc, bao gồm cả các thành phố trực thuộc tỉnh như TP. Thanh Hóa của tỉnh Thanh Hóa.
TP. Thanh Hóa: Chuỗi quyết định "về đích" kỳ tuyển dụng
Tuy nhiên, trên thực tế tại TP. Thanh Hóa, chỉ 4 ngày sau khi Kết luận 128 có hiệu lực, vào ngày 11/3/2025, Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa đã ký ban hành Phương án số 1687/PA-UBND, chi tiết hóa kế hoạch và quy trình thực hiện kỳ tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo năm 2025.
Diễn biến này tiếp tục nối dài khi ngày 13/3/2025, Quyết định số 2224/QĐ-UBND được ký, chính thức thành lập Hội đồng tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo TP. Thanh Hóa năm 2025, cơ quan trực tiếp tổ chức kỳ tuyển dụng. Ngay sau đó, vào ngày 21/3/2025, UBND TP. Thanh Hóa ra Quyết định số 2610/QĐ-UBND phê duyệt danh sách 407 thí sinh đủ điều kiện tham gia Vòng 2.
Trên cơ sở danh sách này, Hội đồng tuyển dụng đã ra Thông báo số 402/TB-HĐTD ngày 31/3/2025, công khai triệu tập các thí sinh đủ điều kiện đến tham dự kiểm tra sát hạch Vòng 2. Buổi kiểm tra sát hạch bằng hình thức phỏng vấn đã được tổ chức vào ngày 04/4/2025 theo đúng kế hoạch.
Cuối cùng, chỉ một tuần sau, vào ngày 11/4/2025, kết quả của kỳ tuyển dụng đã chính thức được công nhận thông qua Quyết định số 3433/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa và được công bố công khai đến các thí sinh qua Thông báo số 477/TB-HĐTD của Hội đồng tuyển dụng. Như vậy, bằng một chuỗi các văn bản nối tiếp và hoạt động khẩn trương, kỳ tuyển dụng viên chức giáo dục của TP. Thanh Hóa đã hoàn thành sau khi chỉ đạo tạm dừng của Bộ Chính trị có hiệu lực.
Đối chiếu với chuỗi hành động này, Kết luận 128-KL/TW tuy có đề cập trường hợp ngoại lệ tại Khoản (5), Mục 2 ("Đối với các trường hợp khác, đã thực hiện quy trình nhân sự và gửi văn bản đề nghị đến cơ quan có thẩm quyền (...) trước ngày 07/3/2025 thì được xem xét theo quy định."), nhưng các văn bản pháp lý then chốt, cụ thể hóa việc triển khai của TP. Thanh Hóa (Phương án 1687, QĐ 2224, QĐ 2610...) đều được ký ban hành sau ngày 07/3. Điều này làm dấy lên nghi vấn liệu toàn bộ quy trình nhân sự và văn bản đề nghị chính thức có thực sự được hoàn tất và gửi đến cơ quan có thẩm quyền trước ngày 07/3 để được xem xét là trường hợp ngoại lệ hay không? Dữ liệu công khai dường như cho thấy điều ngược lại.
Sự việc này đang tạo ra những băn khoăn lớn trong dư luận, đặc biệt là trong đội ngũ cán bộ, giáo viên. Tại sao lại có sự khác biệt trong việc chấp hành chỉ đạo của Trung ương tại TP. Thanh Hóa? Hành động này có tạo ra sự thiếu công bằng, thiếu nhất quán trong công tác cán bộ, ảnh hưởng đến chủ trương chung về sắp xếp bộ máy không? Tính kỷ cương, kỷ luật hành chính đang được thể hiện ra sao? Liệu có một sự chấp thuận đặc biệt nào không được công bố? Sự thiếu vắng thông tin giải thích chính thức từ phía chính quyền TP. Thanh Hóa càng làm gia tăng những nghi ngại.
Việc thực hiện nghiêm túc, thống nhất các chỉ đạo của Trung ương là yêu cầu quan trọng để đảm bảo hiệu lực quản lý nhà nước và giữ vững kỷ cương. Công tác cán bộ, nhất là trong ngành giáo dục, càng cần sự cẩn trọng và tuân thủ quy định.
Thực tế cho thấy, việc không tuân thủ có thể dẫn đến những hệ lụy không đáng có. Điển hình như mới đây, vào ngày 9/4/2025, UBND tỉnh Gia Lai đã phải có văn bản yêu cầu UBND huyện Ia Grai chấn chỉnh và thu hồi ngay Quyết định số 307 ngày 24/3/2025 về việc công nhận kết quả trúng tuyển cho 61 giáo viên. Lý do được UBND tỉnh Gia Lai chỉ rõ là do huyện Ia Grai chưa thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ về việc tạm dừng tuyển dụng. UBND tỉnh Gia Lai cũng nhấn mạnh, việc không tuân thủ này có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế theo Nghị quyết 18 và không phù hợp khi tỉnh chưa hoàn tất việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện. Huyện Ia Grai đã được yêu cầu giải trình rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan.
Trường hợp tại Gia Lai một lần nữa cho thấy tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc chấp hành nghiêm Kết luận 128. Điều này càng nhấn mạnh sự cần thiết phải có lời giải thích thỏa đáng từ UBND TP. Thanh Hóa và sự xem xét, làm rõ của các cơ quan chức năng có thẩm quyền đối với kỳ tuyển dụng giáo viên vừa qua, nhằm đảm bảo tính thượng tôn pháp luật, sự công bằng và củng cố niềm tin của nhân dân.
Doãn Tài