Thời trang tôn vinh lịch sử - văn hóa dân tộc
Dự án Việt phục trải dài qua các triều đại
Là gương mặt sáng trong làng thời trang Việt Nam, NTK Lê Long Dũng đến từ thương hiệu Golden Era, là “cha đẻ” của những bộ trang phục National Costume (quốc phục) ấn tượng. Anh ghi dấu với các thiết kế sang trọng, độc đáo, vì thế, luôn mang lại sự kỳ vọng và chờ đợi đối với công chúng trong từng BST. Trong Aquafina Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam 2021, Lê Long Dũng đã tái hiện một nước Việt khởi sắc sau đại dịch với Việt Nam rực rỡ gấm hoa lấy cảm hứng từ bộ môn nghệ thuật Cải lương tuồng cổ, vốn được xem là di sản văn hóa lâu đời… Được biết, BST thuộc dự án Việt phục mà Lê Long Dũng đang tâm huyết thực hiện. Trước đó, cũng trong năm 2021, NTK trẻ này đã gây ấn tượng và thành công với dự án Thái hậu Dương Vân Nga - cùng với NSND Bạch Tuyết và Hoa hậu Hoàn vũ Khánh Vân.
Chia sẻ với Văn Hóa, NTK Lê Long Dũng tâm sự: “Từ thời đi học, khi có dịp đến các bảo tàng, nhìn ngắm các cổ vật như trống đồng, trang phục các triều đại Việt Nam…, Dũng bị cuốn hút kỳ lạ và không rời khỏi suy nghĩ về không gian đó. Mình cứ mường tượng về bức tranh lịch sử được tái hiện trong các hiện vật, khiến mình có cảm giác muốn những trang phục, họa tiết này phải được bước ra ngoài đời thực ở thời hiện đại. Điều đó thôi thúc mình lưu tâm đến việc thiết kế trang phục cổ của người Việt và dần hình thành dự án Việt phục như hôm nay”. Từ đó, Lê Long Dũng bắt đầu mày mò tìm kiếm tư liệu, đọc sách lịch sử và đến với các chuyên gia văn hóa - lịch sử, nhà mỹ học, nhà lý luận phê bình để học hỏi thêm… Song, anh vẫn chưa hiện thực hóa được dự án nào trọn vẹn như mong muốn.
Sau này, có dịp thực hiện các bộ quốc phục cho người đẹp Việt đi thi các đấu trường nhan sắc quốc tế, và đã có nhiều tác phẩm đoạt giải Trang phục dân tộc đẹp nhất, nhưng anh vẫn trăn trở, “Không lẽ cứ đứng mãi ở đây hay sao, mình luôn tìm lời giải cho những câu hỏi: Bộ trang phục đi thi National Costume này có ứng dụng gì trong cuộc sống? Chất Việt Nam nằm ở đâu?… Thế rồi, khi có những gợi ý của bạn bè, mình không ngần ngại bắt tay vào thực hiện dự án Việt phục. Khởi đầu cho dự án là show thời trang Thái hậu Dương Vân Nga. Khi làm dự án này xong, mình rất thích và nhanh chóng hoàn thành tiếp những bản vẽ thuộc về cổ phục triều Lý và hiện đã vẽ qua triều Trần rồi”, NTK trẻ hào hứng chia sẻ.
Anh cũng cho biết kế hoạch dài hơi là sẽ tiếp tục thực hiện các trang phục thời Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn… Trước mắt, trong năm 2022, ba dự án tái hiện các giai đoạn lịch sử lớn của dân tộc với những nhân vật Lý Thánh Tông, Lý Chiêu Hoàng và Trần Hưng Đạo sẽ tiếp tục được anh và ê kíp thực hiện, hứa hẹn sẽ là những BST ấn tượng và có ý nghĩa. “Mình sẽ thực hiện dần dần tất cả các triều đại. Đây là dự án phi lợi nhuận nhưng mình không ngại khó. Mình muốn phác thảo bức tranh lịch sử - văn hóa dân tộc qua ngôn ngữ thời trang, để qua đây, có thể tạo sự hứng khởi tìm hiểu về nguồn cội của người trẻ nhiều hơn, đồng thời thổi làn gió mới vào ngành thời trang Việt, khi kết hợp được giá trị cổ xưa và đương đại, giữa sàn diễn thời trang và nghệ thuật sân khấu truyền thống…”, Lê Long Dũng bày tỏ.
Những giá trị văn hiến lâu đời hiện diện trong đời sống đương đại
Được thành lập từ tháng 5.2019, Cổ Trang Đại Việt Quán mang trong mình mong muốn có thể khôi phục, trao tận tay những giá trị cốt lõi của cổ phục Việt cho người đương thời để gìn giữ, phát huy.
Chị Ngô Thị Hường, người sáng lập Cổ Trang Đại Việt Quán cho biết, xuất phát từ niềm đam mê với lịch sử và thời trang, chị quyết định kết hợp hai lĩnh vực để tạo dựng nên nhóm những người đam mê cổ phục Việt. Hơn cả một đơn vị cung cấp cổ phục, chị cùng các thành viên mong muốn lan tỏa niềm đam mê đến với nhiều người hơn. Để rồi, cổ phục Việt có chỗ đứng vững chắc trong đời sống đương đại.
Trải qua nhiều biến động thời cuộc, cổ phục Việt vẫn không ngừng tỏa sáng. Chính vì sức nặng giá trị, việc phỏng dựng được một bộ cổ phục Việt đòi hỏi rất nhiều công sức. Để có được bộ trang phục đúng với một thời kỳ, chỉ riêng khâu tìm hiểu sử liệu, tranh ảnh đã tốn rất nhiều thời gian. Chưa kể sau khi nắm được đặc điểm, hoa văn của từng loại trang phục, nhóm cần thực hiện thêm bước thiết kế lại trên máy tính để thêu, in ấn. Tất cả công đoạn thực hiện phải rất công phu, tỉ mỉ.
Nhằm tôn vinh được hết vẻ đẹp, giá trị của cổ phục Việt, vải được lựa chọn thiết kế cũng phải là loại cao cấp như tơ Nam Cao, sa, lụa Hà Đông, linen… Màu sắc đảm bảo được sự cân bằng, hài hòa. Trang phục đẹp nhưng vẫn bám sát đúng với những gì quá khứ đã thể hiện. Một bộ cổ phục được phỏng dựng thành công là khi mặc lên thể hiện được “hồn cốt” của dân tộc.
Với khao khát tìm về nguồn cội, cổ phục Việt hiện đang là lựa chọn của nhiều người cho các chuyến du xuân, lễ, Tết, sự kiện. Theo anh Bình Phan, cố vấn của Cổ Trang Đại Việt Quán, có rất nhiều cách để cổ phục đi sâu hơn vào đời sống: “Chúng tôi mong muốn mặc cổ phục không chỉ dừng lại ở mức độ trào lưu nhất thời mà hoàn toàn có thể hiện diện hằng ngày trong cuộc sống. Để làm được điều này, tăng tính ứng dụng của cổ phục là phương án mà nhóm đang cố gắng thực hiện”.
Là thành viên nhóm Cổ Trang Đại Việt Quán, bạn Nguyễn Minh Anh vẫn nhớ cảm giác lần đầu tiên được mặc cổ phục: “Em rất tự hào, bởi lẽ, cổ phục là trang phục mà ông cha ta đã gửi gắm vào đó hồn cốt dân tộc. Từng đường may, thớ vải đều mang đặc trưng, nét đẹp trong văn hóa Việt Nam. Nghe qua tưởng cũ nhưng thực chất, cổ phục lại mang đến rất nhiều giá trị mới mẻ cho thế hệ hôm nay”.