Cố NGƯT Lô Xuân Minh Cả cuộc đời tâm huyết với giáo dục miền núi
Khi nói về công lao của những thầy, cô giáo đối với sự nghiệp giáo dục miền núi Nghệ An, không thể không nói đến cố Nhà giáo Ưu tú Lô Xuân Minh – cố Hiệu trưởng Trường THSP Miền núi Nghệ An.
Thầy giáo Lô Xuân Minh là người dân tộc Thái, sinh năm 1928 trong một gia đình nông dân có truyền thống yêu nước, cách mạng ở bản Bãi Gạo, xã Châu Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An. Tháng 8 năm 1945, thầy tham gia Đoàn Thanh niên Cứu quốc; Từ Cách mạng thành công đến năm 1947, thầy công tác ở Ty Quốc dân thiểu số Nghệ An. Sau đó, chuyển sang công tác ở Ty Bình dân học vụ cho đến năm 1950. Quá trình công tác, thầy luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; năm 1949 thầy được kết nạp vào Đảng Cộng sản.
Năm 1951, thầy Lô Xuân Minh được Trung ương và tỉnh cử đi học lớp đào tạo cán bộ nguồn cho Đảng tại Khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc). Năm 1954 ra trường, thầy được phân về công tác tại Khu tự trị Thái Mèo và được cử làm Phó Giám đốc Khu Học xá Sơn La, kiêm Hiệu trưởng Trường Thiếu nhi Vùng cao Tây Bắc. Năm 1956, thầy Lô Xuân Minh được công nhận là Hiệu trưởng xuất sắc và được Bác Hồ tặng Huy hiệu.
Năm 1960, thầy Lô Xuân Minh được điều về tăng cường cho Trường Sư phạm Miền núi Nghệ An, lúc này đang đóng ở Vinh. Sau đó thầy được đi học nâng cao tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Vinh. Năm 1966, sau khi tốt nghiệp, thầy về công tác tại Trường Phổ thông Cấp 3 Tương Dương.
Từ năm 1967 trở đi cho đến khi nghỉ hưu (tháng 8/1988), thầy Lô Xuân Minh liên tục là Hiệu trưởng Trường Sư phạm Cấp 2 Miền núi và sau này là Trường THSP Miền núi Nghệ An (1980).
Với trên 20 năm làm Hiệu trưởng trường SPC2, THSP miền núi, dấu ấn của nhà giáo Lô Xuân Minh để lại thật sâu đậm.
Trong tâm khảm của thầy Lô Xuân Minh luôn đau đáu một nỗi niềm với quê hương mình, với đồng bào mình, là làm sao đem cái chữ Cụ Hồ về với dân bản. Trước hết, là chăm lo đào tạo đội ngũ giáo viên phục vụ miền núi, vùng dân tộc. Đặc điểm lớn nhất ở thầy Lô Xuân Minh là táo bạo, quyết đoán trong suy nghĩ và hành động; dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Và sự quyết đoán ấy, đôi khi cũng kèm theo sự nóng nảy, có thể va chạm đến một số người, kể cả cán bộ quản lý cấp trên. Nhưng ở thầy, không có sự hằn học hay thành kiến cá nhân.
Thầy Lô Xuân Minh luôn có ý thức tìm thầy giáo giỏi về cho Trường Sư phạm Miền núi. Có thể kể ra nhiều "cây đa, cây đề" của ngành giáo dục Nghệ An được điều động về đây. Thầy giáo Dương Như Xuyên, giáo viên Vật lý, về sau là NGƯT, PGS.TS; thầy giáo Nguyễn Tiến Lễ, giáo viên Toán đã từng dạy lớp Toán đặc biệt của tỉnh Nghệ An đặt tại Đô Lương; NGƯT Chu Văn Tần, dạy văn lớp SPC2 (10+3); thầy giáo Đàm Hữu Kháng từng tốt nghiệp thủ khoa của trường sư phạm; các thầy giáo Trần Văn Phỉ, Nguyễn Lâm Mậu, Đặng Thành Công và rất nhiều thầy cô giáo có năng lực chuyên môn giỏi đã được thầy Lô Xuân Minh vận động về Trường.
Khi trao đổi với giáo viên, thầy Lô Xuân Minh nói rất thật: “Tôi không giỏi, miền núi không có nhiều người giỏi; Đảng và Nhà nước giao cho tôi mời các thầy, các cô lên đây giúp đỡ tôi, để làm sao có giáo viên đủ điều kiện giảng dạy, giáo dục ở miền núi, giúp đỡ con em đồng bào dân tộc. Thay mặt đồng bào vùng cao tôi rất biết ơn các thầy, các cô”.
Thầy Lô Xuân Minh có cách nhìn rất biện chứng trong quan điểm đào tạo. Theo thầy, đào tạo một giáo viên cho miền núi, ngoài việc làm giáo dục, giảng dạy theo nghĩa hẹp, người giáo viên còn phải là một cán bộ chính trị của địa phương, từ ủy ban xã, thôn bản đến việc làm một cán bộ y tế,... Thầy cô phải có trách nhiệm giúp chính quyền xã viết các văn bản; thầy cô phải biết chăm sóc, biết sơ cứu ban đầu cho học sinh tại trường. Vì thế, Trường SPMN đã bổ sung vào chương trình Y tế dân bản, rèn kỹ năng viết các loại biên bản,… Rất thiết thực! Nhiều giáo sinh của trường đào tạo ra, sau một thời gian giảng dạy, đã trở thành những cán bộ lãnh đạo của các huyện miền núi.
Một đặc điểm nổi bật ở thầy giáo Lô Xuân Minh là có những suy nghĩ độc đáo, vượt thời gian. Nói đến chương trình đào tạo, thầy Lô Xuân Minh có suy nghĩ rất táo bạo, thực tế, thiết thực. Những câu nói kiểu cụ thể, dễ nhớ của thầy cách đây bốn mươi, năm mươi năm làm cho nhiều người phải suy nghĩ: “Hiện tại, chúng ta đang đưa người mù tiếng lên dạy người mù chữ”. Thế là một chương trình bồi dưỡng tiếng dân tộc Thái ra đời (tiếng đặc trưng của các dân tộc ít người ở Nghệ An). Hôm nay, việc học tiếng dân tộc được xem là một nội dung cần thiết và có khi được thay thế một chứng chỉ ngoại ngữ!
Với thầy Lô Xuân Minh, “đào tạo chuyên sâu là tốt, nhưng một giáo viên cấp 2 đào tạo một môn sẽ lên dạy ai ở miền núi, với mỗi trường chỉ dăm ba lớp, mỗi lớp chỉ có năm, bảy học sinh. Nên chăng đào tạo hai ban Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội". Hôm nay, chúng ta đang bàn về giảng dạy tích hợp!
Vào đầu những năm 80 thế kỷ trước, thầy giáo Lô Xuân Minh đưa ra một ý tưởng rất táo bạo, đó là thành lập các lớp thực hành trong lòng trường sư phạm. Thầy Minh trực tiếp đến làm việc với thầy giáo Đào Văn Tương, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tân Kỳ và cô giáo Vũ Thị Kim Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Tân Kỳ. Năm học 1982-1983, thầy cho lập ngay khối thực hành sư phạm có 6 lớp (2 lớp 1, 2 lớp 2 và 2 lớp 3), với cơ chế quản lý song trùng và sau 3 năm có tất cả 10 lớp, đủ mỗi khối 2 lớp. Việc thực hành, kiến tập, thực tập rất hiệu quả. Sau khi vận hành một thời gian, mặc dầu hiệu quả chuyên môn rất tốt, nhưng cơ chế tuyển dụng giáo viên và trả lương bắt đầu vướng mắc. Thầy Lô Xuân Minh và lãnh đạo Trường THSP Miền núi Nghệ An đành bàn giao số lớp trên cho Trường Tiểu học thị trấn Tân Kỳ. Nhưng mấy năm sau đó, Trường Trung học Phổ thông thực hành của Trường ĐHSP Hà Nội được thành lập lấy tên là Trường THPT Nguyễn Tất Thành. Mấy năm tiếp theo, các trường phổ thông thực hành của các trường ĐHSP ra đời,… Thì ra, những suy nghĩ táo bạo của thầy Lô Xuân Minh đã đi trước thời gian!
Những năm 80 thế kỷ trước, thầy Lô Xuân Minh chủ trương xếp lớp sư phạm gắn với địa bàn các huyện miền núi, ngay từ khi mới vào trường. Lãnh đạo các huyện miền núi quan tâm đến lớp theo địa bàn từ năm thứ nhất. Các em được tìm hiểu lịch sử, địa lý, phong tục của địa phương và được thâm nhập thực tế ngay từ đầu. Những khóa đào tạo theo địa chỉ này khá hiệu quả.
Thầy Lô Xuân Minh cho xây dựng Phòng truyền thống của Trường. Thầy đã mời cả những họa sỹ, chuyên gia từ Hà Nội về để đắp các sa bàn nơi Trường từng đứng chân. Những ngày mới vào trường, ngoài việc học chính trị theo quy định, giáo sinh sư phạm được học tập truyền thống của nhà trường, học tập địa lý địa phương các huyện miền núi. Phòng truyền thống của trường - cái mà hôm nay các trường phổ thông muốn đạt chuẩn quốc gia đều phải có!
Trường Trung học Sư phạm Miền núi Nghệ An thời kỳ đó có cơ sở vật chất khá khang trang; ngoài sự quan tâm của Nhà nước, là ý chí tự lực, tự cường cuả thầy và trò, mà công đầu thuộc về thầy Lô Xuân Minh.
Thầy Lô Xuân Minh quan tâm toàn diện đến tất cả các hoạt động: giáo dục đạo đức, chuyên môn, đời sống... Hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao là đặc trưng của đồng bào mền núi. Đây chính là giải pháp để đảm bảo duy trì sỹ số, giúp các em bớt nhớ nhà, an tâm học tập.
Ở những giai đoạn khó khăn của đất nước và nhà trường, thầy Lô Xuân Minh cùng với chiếc xe đạp Thống nhất đã rong ruổi khắp các bản làng miền Tây Nghệ An để làm công tác tuyển sinh, hay nắm tình hình chất lượng đào tạo; thầy còn đạp xe đạp đi Hà Nội họp. Có lần thầy Lô Xuân Minh vào tận phòng làm việc của Cố Phó Chủ tịch Thường trực HĐBT Tố Hữu, đề nghị Nhà nước tăng cường CSVC cho nhà trường. Ngay sau đó Hội đồng Bộ trưởng đã rất quan tâm đến Trường, cấp cho Trường cả xe ca Ba Đình để đưa giáo sinh đi thực tế.
Tháng 11/2010, Chủ tịch nước đã phong tặng thầy Lô Xuân Minh danh hiệu cao quý: Nhà giáo Ưu tú. Ngày 24/3/2015, thầy trút hơi thở cuối cùng ở mảnh đất Bãi Gạo, Châu Khê, Con Cuông – nơi 70 năm trước thầy ở đó ra đi làm Cách mạng, dấn thân vào sự nghiệp đào tạo giáo viên cho giáo dục miền núi Nghệ An.
Trần Hữu Hy - Phạm Huy Đức Hội Cựu Giáo chức tỉnh Nghệ An