Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội: Học tập suốt đời giúp mỗi người trở thành phiên bản tốt hơn
TCGCVN - Sáng 26/4, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức Diễn đàn học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập với chủ đề “Học tập suốt đời để trở thành những người hữu dụng”. Sự kiện không chỉ lan tỏa thông điệp ý nghĩa về giá trị của việc học tập liên tục, mà còn khẳng định cam kết mạnh mẽ của ngành giáo dục Thủ đô trong việc xây dựng một xã hội học tập.
Học tập suốt đời: Con đường phát triển năng lực cá nhân
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương nhấn mạnh: Trong bối cảnh kinh tế số, trí tuệ nhân tạo và hội nhập quốc tế sâu rộng, mỗi công dân không chỉ cần có kiến thức chuyên môn mà còn phải trang bị khả năng học tập không ngừng, thích ứng linh hoạt và sáng tạo đổi mới.
Theo ông Cương, học tập suốt đời không chỉ là khẩu hiệu mà phải trở thành phương châm sống, là nét văn hóa trong mỗi người dân Hà Nội. "Học để biết, học để làm, học để khẳng định giá trị bản thân. Học tập suốt đời là con đường giúp mỗi người trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình, phát huy tối đa năng lực và đóng góp tích cực cho gia đình, xã hội", Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định.
Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, Sở GD&ĐT Hà Nội cam kết tiếp tục đóng vai trò nòng cốt trong việc tham mưu, điều phối và tổ chức triển khai các hoạt động, phấn đấu để Hà Nội trở thành thành viên chính thức của Mạng lưới "Thành phố học tập toàn cầu" của UNESCO vào năm 2025.
Các trường học trên địa bàn sẽ đổi mới phương pháp giảng dạy, chú trọng phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu, kỹ năng sống và tinh thần học tập suốt đời cho học sinh. Giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được kỳ vọng trở thành những "người truyền cảm hứng" cho hành trình học tập không ngừng của thế hệ trẻ.
Những câu chuyện lay động lòng người về hành trình học tập
Trong phần giao lưu, cô Phạm Thị Huyền (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã chia sẻ câu chuyện hơn 30 năm kiên trì mở lớp học xóa mù chữ cho học sinh cơ nhỡ. Xuất phát từ tình thương yêu những đứa trẻ thiệt thòi, cô Huyền đã thắp sáng ước mơ đến trường cho hàng trăm em nhỏ. "Chỉ có tình yêu thương với trẻ, lòng yêu nghề, nhiệt huyết mới giúp mình có thể đứng lớp dạy trẻ khó khăn một cách vui vẻ", cô Huyền xúc động nói.
Một câu chuyện truyền cảm hứng khác đến từ anh Phạm Quang Giang, 40 tuổi, học viên khiếm thị đang theo học lớp 10 tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố (quận Hoàn Kiếm). Vượt lên nghịch cảnh và những hạn chế về sức khỏe, anh Giang không ngừng nỗ lực chinh phục con chữ, tiếp tục hành trình học tập đầy nghị lực.
Những tấm gương như cô Huyền, anh Giang đã để lại nhiều xúc động, lan tỏa tinh thần học tập suốt đời tới đông đảo học sinh, phụ huynh và giáo viên tham dự diễn đàn.
Hà Nội đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập
Hiện nay, Hà Nội có 579 trung tâm học tập cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn. Nhiều mô hình khuyến học, khuyến tài được phát triển đa dạng, sáng tạo, góp phần thay đổi nhận thức và thúc đẩy phong trào học tập suốt đời trong cộng đồng.
Thông qua những hoạt động thiết thực này, Thủ đô đang từng bước xây dựng nền tảng vững chắc cho một xã hội học tập năng động, hiện đại, bắt kịp xu thế phát triển của thời đại số.
Bùi Bình