BÀN VỀ "BÌNH DÂN HỌC VỤ SỐ" – MỘT MÔ HÌNH HỌC TẬP SUỐT ĐỜI CHO NGƯỜI LỚN Ở VÙNG NÔNG THÔN, MIỀN NÚI
TCGCVN - Ngày 18/11/2024, tại buổi gặp mặt đại diện các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo phát động phong trào “Bình dân học vụ số”, nhằm phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, nơi người dân còn hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ. Tổng Bí thư nhấn mạnh đây không chỉ là một sáng kiến giáo dục mà còn là cầu nối giữa quá khứ và tương lai, giúp xây dựng một xã hội giàu tri thức và sức mạnh công nghệ.
1. Mở đầu
Chuyển đổi số quốc gia đang là yêu cầu, là đòi hỏi cấp bách của việc xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay. Bởi lẽ, công nghệ số đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và len lỏi vào mọi mặt của đời sống xã hội. Từ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp đến thương mại điện tử, từ quản lý nhà nước đến dịch vụ công, từ giáo dục đến y tế – tất cả đều đang được tái cấu trúc trên nền tảng số. Tuy nhiên, để quá trình này thực sự bao trùm và không ai bị bỏ lại phía sau, thì một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết là phải nâng cao năng lực số cho toàn dân – bao gồm cả những nhóm yếu thế về mặt công nghệ, như người trung niên và cao tuổi ở nông thôn, miền núi.
Thực tế cho thấy, bộ phận người dân này đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ do rào cản tâm lý, trình độ học vấn hạn chế, điều kiện tiếp cận thiết bị và Internet còn nhiều trở ngại. Việc phổ cập kỹ năng số cho nhóm đối tượng này không chỉ là bài toán kỹ thuật mà còn là nhiệm vụ giáo dục, văn hóa, và nhân văn. Mô hình "Bình dân học vụ số" ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu đó.
Để có thể thực hiện được mục tiêu trên, tác giả xin được đề xuất cách thực hiện ‘Bình dân học vụ số’ trong gia đoạn hiện đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia.
2. Xác định cụ thể mục tiêu và đối tượng
‘Bình dân học vụ số’ hướng đến người học lớn tuổi (từ 40 tuổi trở lên), chủ yếu sinh sống tại các vùng nông thôn, miền núi, có trình độ học vấn hạn chế, ít tiếp xúc với công nghệ. Mục tiêu chính:
- Biết sử dụng thiết bị số cơ bản (smartphone Android/iPhone).
- Làm chủ các thao tác nghe/gọi, nhắn tin, chụp ảnh, vào Zalo, tìm kiếm thông tin.
- Tiếp cận dịch vụ số: quét mã QR, mua hàng online, dịch vụ công.
- Kết nối cộng đồng qua mạng xã hội một cách an toàn, tích cực.
Người người dùng điện thoai thông minh
3. Một só kiến thức cơ bản cuả ‘Bình dân học vụ số’
Nội dung gồm có thể thực hiện theo 4 mô-đun chính triển khai trong 12 buổi học (mỗi buổi 90–120 phút):
Mô-đun |
Nội dung |
Kết quả mong đợi |
1 |
Làm quen thiết bị số |
Biết bật/tắt, sạc pin, cảm ứng, gọi/nhắn tin/chụp ảnh |
2 |
Ứng dụng thiết yếu |
Sử dụng Zalo, Google, YouTube, bản đồ |
3 |
Dịch vụ số |
Quét QR, truy cập dịch vụ công, mua hàng online |
4 |
Cộng đồng số |
Tham gia nhóm Zalo, nhận biết tin giả, tương tác xã hội |
4. Cách thức thực hiện
Đặc thù người học là lớn tuổi, ngại học, dễ quên, không biết chữ (hoặc biết chữ ở trình độ thấp) nên phương pháp giảng dạy cần phù hợp:
- “Cầm tay chỉ việc”, học qua hành, trực quan minh họa.
- Chia nhóm nhỏ để hỗ trợ cá nhân hóa.
- Dùng ngôn ngữ đời thường, ví dụ cụ thể, sử dụng tiếng địa phương nếu cần.
- Không đánh giá bằng điểm mà đánh giá bằng khả năng thực hiện thao tác.
5. Tổ chức thực hiện:
- Số lượng: 15–25 người/lớp.
- Thời lượng: 90–120 phút/buổi, 2–3 buổi/tuần.
- Bố trí: bàn ghế nhóm nhỏ, wifi/4G, điện thoại thông minh, tình nguyện viên hỗ trợ.
- Đặc biệt phải sử dụng lực lượng xã hội để hỗ trợ cho người học: Người biết, hướng dẫn cho người chưa biết, con biết hướng dẫn cho cha mẹ, anh hướng dẫn cho em, làm sao thành phong trào học tập ;Bình dân học vụ số’.
Lớp học “Bình dân học vụ số”
6. Tài liệu cần có
Tài liệu hướng dẫn giảng viên bao gồm:
- Cách tổ chức lớp học: Sắp xếp bàn ghế hợp lý, kết nối wifi/4G ổn định, phát thiết bị đúng đủ.
- Phương pháp giảng dạy hiệu quả: Dạy trực quan, “cầm tay chỉ việc”, khuyến khích động viên học viên thường xuyên.
- Hướng dẫn xử lý tình huống: Khi học viên không biết chữ, có tâm lý e ngại, hoặc nhầm lẫn giữa các nút bấm – giảng viên cần kiên nhẫn, dùng hình ảnh thay lời nói, mượn tay học viên thao tác nhiều lần.
- Bài giảng mẫu: Có sẵn các ví dụ gần gũi như “gọi điện cho con”, “tìm thông tin về cây trồng”, “mua thuốc qua mạng”, cùng với các câu hỏi gợi mở để khuyến khích học viên chia sẻ, thảo luận.
7. Hiệu quả và triển vọng nhân rộng:
Qua triển khai thử nghiệm, học viên bước đầu có thể sử dụng điện thoại để gọi video, gửi ảnh cho con cháu, tra cứu kỹ thuật nông nghiệp, quét mã QR khi mua hàng. Điều quan trọng hơn là họ cảm thấy tự tin, hứng thú và được kết nối với cộng đồng công nghệ.
‘Bình dân học vụ số’ có thể nhân rộng thông qua phối hợp với các tổ chức như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, các trung tâm học tập cộng đồng. Tài liệu hướng dẫn giảng viên chính là công cụ then chốt đảm bảo tính thống nhất và chất lượng khi triển khai đại trà.
8. Kết luận:
“Bình dân học vụ số” không chỉ là dạy kỹ năng số, mà còn là một hoạt động nâng cao năng lực công dân số, góp phần thực hiện mục tiêu học tập suốt đời cho mọi người dân. Việc biên soạn tài liệu cho hướng dẫn viên bài bản, sát thực tiễn là một bước đi cần thiết để đảm bảo chất lượng và khả năng nhân rộng mô hình.
'Bình dân học vụ số' này chỉ là bước khởi đầu hết sức sơ giản và cơ bản, nhằm tiếp cận những người chưa bao giờ sử dụng điện thoại hay các thiết bị kỹ thuật số. Đây cũng là bước đầu tiên để giúp những người dân chưa quen với việc sử dụng công nghệ, cũng như những người chưa biết đọc, viết chữ quốc ngữ, có cơ hội làm quen và hòa nhập vào cuộc sống số. Hy vọng rằng, qua ‘Bình dân học vụ số’ này, những kỹ năng cơ bản sẽ giúp họ có thể tiếp cận, sử dụng các công cụ kỹ thuật số một cách tự tin, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững và góp phần thu hẹp khoảng cách số trong cộng đồng".
'Bình dân học vụ số' không chỉ dừng lại ở bước đầu tiên. Sau khi hoàn thành chương trình cơ bản, người học sẽ có cơ hội tiếp cận các nội dung, kiến thức nâng cao, nếu họ muốn tiếp tục phát triển kỹ năng số của mình. Những giai đoạn tiếp theo sẽ cung cấp kiến thức chuyên sâu hơn như kỹ năng số trong cuộc sống, ứng dụng công nghệ trong các hoạt động hàng ngày; Kỹ năng số cho công việc, tận dụng công nghệ để học nghề, kinh doanh, kiếm thu nhập và Tư duy số và học tập suốt đời, người học tự tin học online, phát triển nghề nghiệp cá nhân liên tục. Từ đây giúp họ sử dụng công nghệ một cách thành thạo hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong thời đại số. Điều này không chỉ nâng cao khả năng tự chủ trong cuộc sống mà còn tạo điều kiện để họ tham gia tích cực vào nền kinh tế số, đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng".
Ngày 25/04/2025
PGS. TS Tô Bá Trượng (Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục)