Trường ĐH Oxford dẫn đầu bảng xếp hạng thế giới 7 năm liên tiếp
Theo sau là các trường của Mỹ dù giáo dục đại học nước này đang có dấu hiệu sụt giảm.
Tổ chức nghiên cứu giáo dục đại học quốc tế Time Higher Education (THE) vừa công bố danh sách các trường đại học thế giới năm 2023. Đứng đầu danh sách là Trường Đại học Oxford. Đây cũng là năm thứ 7 liên tiếp trường được bình chọn là trường đại học nghiên cứu tốt nhất thế giới.
Theo sau Oxford và nằm trong top 10 lần lượt là ĐH Harvard, ĐH Cambridge, ĐH Stanford, Viện Công nghệ Massachusetts, Viện Công nghệ California, ĐH Princeton, ĐH California tại Berkeley, ĐH Yale, ĐH Hoàng gia London. Trong danh sách gồm 7 trường từ Mỹ và 3 trường của Anh.
Dù Mỹ tiếp tục dẫn đầu về số lượng các trường đại học đầu bảng, các chuyên gia tại THE nhận định có sự phân hóa giữa chất lượng nghiên cứu của các trường tốp đầu và số còn lại trong bảng xếp hạng.
Ông David Watkins, người đứng đầu bộ phận Khoa học Dữ liệu của THE, cho biết: “Nhìn chung, các trường đại học Mỹ vẫn duy trì thứ hạng tốt trong bảng xếp hạng. Tuy nhiên phân tích sâu vào dữ liệu, chúng tôi nhận thấy sự khác biệt giữa 25% trường hàng đầu và 75% còn lại. Số này đang tụt hạng trong bảng xếp hạng và giảm điểm so với các trường khác trên thế giới”.
Cụ thể, trong 5 năm qua, số lượng các trường đại học chuyên nghiên cứu của Mỹ trong danh sách 100 trường đại học thế giới giảm từ 43 trường vào năm 2018 xuống 34 trường vào năm 2023. Ngược lại, số lượng trường đại học Trung Quốc góp mặt vào bảng xếp hạng tăng từ 2 lên 7 trường.
Điểm cho các trích dẫn nghiên cứu của trường đại học Trung Quốc đã tăng đáng kể từ 55,6 vào năm 2021 lên 58 vào năm 2022. Cùng kỳ, điểm số của Mỹ giảm nhẹ từ 70 xuống 69,4 điểm.
Xu hướng này thậm chí còn rõ rệt hơn trong 5 năm qua. Vào năm 2019, điểm trích dẫn trung bình của Trung Quốc là 41,1 nhưng hiện nay tăng lên 55,6. Trong khi đó, điểm số của Mỹ giảm từ 75,9 xuống 72,9.
Ông Phil Baty, tác giả nghiên cứu của THE, nhận định với xu hướng hiện tại, Trung Quốc có thể sẽ vượt qua Mỹ trong những năm tới.
Trong hơn 20 năm qua, Chính phủ Trung Quốc đã tăng cường đầu tư cho giáo dục đại học, nghiên cứu và phát triển. Nước này đã phân bổ nguồn vốn đặc biệt cho việc phát triển các trường đại học chất lượng hàng đầu thế giới, ngang hàng với các cơ sở giáo dục phương Tây.
Theo dữ liệu của Quỹ Khoa học quốc gia, Trung Quốc chi 526 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển vào năm 2019 còn Mỹ chi 656 tỷ USD. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang dần thu hẹp khoảng cách so với Mỹ. Trong giai đoạn 2010 – 2019, trung bình mỗi năm, nước này tăng 10,6% chi phí cho nghiên cứu.
Tuy nhiên, bức tranh không phải toàn “màu hồng” cho quốc gia châu Á. Dữ liệu xếp hàng của THE cũng chỉ ra mức độ quốc tế hóa của Trung Quốc đang suy giảm. Nguyên nhân có thể do vấn đề địa chính trị thay vì việc đóng cửa biên giới do Covid-19.
Bảng xếp hạng của THE dựa trên phân tích 15,5 triệu ấn phẩm nghiên cứu, 121 triệu trích dẫn và hơn 40 nghìn câu trả lời khảo sát học thuật hàng năm cùng hàng trăm nghìn dữ liệu bổ sung liên tục về môi trường giảng dạy, triển vọng quốc tế và liên kết ngành của các trường đại học. Tổng cộng 1.799 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng.
Trong bảng xếp hạng đại học thế giới năm 2023 của THE, Việt Nam có hai trường đại học nằm trong top 500 là Trường Đại học Duy Tân và Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Ngoài ra, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội nằm ở vị trí nhóm 1.001 – 1.200.
Theo báo Giáo dục và thời đại