Rất nhiều doanh nghiệp chuyển đổi số chậm do thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực
Rất nhiều doanh nghiệp chuyển đổi số chậm do thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực
Mặc dù thừa nhận vai trò đặc biệt quan trọng của chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay, nhưng thực tế rất nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thành công trong chiến lược này bởi rất nhiều nguyên nhân. Nêu trăn trở, nhiều doanh nghiệp cho biết hiện tiến trình chuyển đổi số đang rất chậm do thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực và cả đơn vị cung cấp giải pháp.
Ông Nguyễn Viết Toàn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp quận Tân Phú, TP.HCM cho biết, hiện các nền tảng chuyển đổi số do các cơ quan chức năng đang triển khai chỉ mới tập trung vào quản trị văn phòng mà chưa tính đến hoạt động sản xuất, dây chuyền công nghệ.
Một vấn đề nữa khiến quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp gặp khó và thậm chí không thành công là việc tìm kiếm đơn vị tư vấn và cung cấp giải pháp. Ông Lê Hữu Nghĩa, Chủ tịch Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Lê Thành, dẫn chứng, công ty đã một lần thất bại vì lý do này. Công ty ký hợp đồng trị giá 3 tỷ đồng để thực hiện chuyển đổi số trong vòng 1 năm nhưng hợp đồng đã phải dừng lại do phát sinh quá nhiều chi phí so với dự toán ban đầu. Hiện tại, công ty đang thuê một đơn vị khác để làm lại.
“Nhà sản xuất, kinh doanh cần có lộ trình chuyển đổi số, từ việc thuê đơn vị tư vấn đến chuẩn bị nguồn lực, dự trù kinh phí phát sinh”, ông Nghĩa chia sẻ.
Theo thống kê mới nhất của Cục Chuyển đổi số quốc gia, tính đến tháng 6/2022, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đã đạt 10,41%, tăng mạnh so với mức 9,6% cuối năm 2021. Tuy nhiên, kết quả trên vẫn còn cách khá xa mục tiêu đề ra là 20% GDP vào năm 2025...
Không lạc quan lắm về triển vọng chuyển đổi số của các doanh nghiệp, tại hội thảo "Tăng tốc chuyển đổi số vì lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp" tổ chức ngày 9/10, theo ông Đào Trung Thành – Chuyên gia về chuyển đổi số, chuyển đối số là câu hỏi được đặt ra đối với nhiều doanh nghiệp nhưng không có một lời giải cụ thể nào, bởi mỗi doanh nghiệp có đặc trưng khác nhau.
Để đánh giá thực trạng chuyển đổi số, có thể kể tới bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của Bộ TT&TT. Một số doanh nghiệp lớn thực hiện rất tốt, tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó có thể tiếp cận, đánh giá theo bộ chỉ số này.
“Tôi không lạc quan lắm về triển vọng chuyển đổi số của các doanh nghiệp. Theo báo cáo của Cisco & IDC năm 2020 về mức độ trưởng thành số của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) tại 14 quốc gia thuộc khu vực châu Á Thái Bình Dương, Việt Nam vẫn đứng cuối bảng về lãnh đạo số. Chuyển đổi số được hô hào rất nhiều nhưng lại rất ít chuyển biến thực chất. Một báo cáo của McKinsey cho biết, có tới gần 80% doanh nghiệp chuyển đổi số thất bại”, ông Thành nói.
Ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Khối nghiệp vụ doanh nghiệp và tư vấn giải pháp FPT Digital khẳng định, hiện nay, có khoảng 38% doanh nghiệp trên thế giới đầu tư trọng điểm vào công nghệ để chiếm lĩnh thị trường; 30% doanh nghiệp hiện đại hóa công nghệ lõi và năng lực để đảm bảo vận hành thông suốt; 19% doanh nghiệp tái thiết kế việc kinh doanh xoanh quanh công nghệ và 10% doanh nghiệp bắt đầu chuyển đổi số với mục tiêu tiết giảm chi phí.
Tuy nhiên, ngay cả một số doanh nghiệp lớn, tập đoàn, tổng công ty vẫn gặp khó khăn, thách thức trong việc xây dựng chiến lược chuyển đổi số phù hợp với chiến lược phát triển doanh nghiệp. Tổ chức thực hiện triển khai lộ trình chuyển đổi số chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng, thiếu sáng kiến số đột phá để dẫn dắt thị trường và hệ sinh thái...
Trong khi đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn trong việc hoạch định và triển khai lộ trình chuyển đổi số một cách tối ưu. Chi phí đầu tư cho hạ tầng công nghệ và nguồn lực thực hiện chuyển đổi số còn hạn chế; năng lực công nghệ chưa đủ để tiếp nhận và vận hành các sáng kiến số.
Chuyên gia của FPT Digital đưa ra một số khuyến nghị, để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần phải có chiến lược kinh doanh rõ ràng để tạo tiền đề cho định hướng chuyển đổi số, cùng với đó là sự đồng lòng tham gia chuyển đổi số của phần lớn nhân sự tập đoàn.
Đặc biệt phải thiết lập cơ cấu tổ chức “chuyên trách” điều hành giúp tăng tốc quá trình chuyển đổi số; phối hợp với các đơn vị độc lập nhằm tháo gỡ những vướng mắc; tận dụng xu hướng công nghệ điện toán đám mây để tối ưu chi phí chuyển đổi số; nghiên cứu, phát triển các ứng dụng và nền tảng số có khả năng dẫn dắt hệ sinh thái tăng trưởng.
"Chuyển đổi số không phải là đích đến mà là một hành trình dài theo cùng sự phát triển của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi số nhất định phải bắt đầu bằng cách làm đúng và có một lộ trình phù hợp", ông Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh.
Nêu góc nhìn, ông Huỳnh Long Thủy – Tổng giám đốc VieON cho hay, nhiều người cho rằng đã là một doanh nghiệp về công nghệ thì không cần thiết phải chuyển đổi số nữa, nhưng thực chất chuyển đổi số vẫn là một vấn đề khó khăn.
Câu hỏi đặt ra ở đây là, người lãnh đạo doanh nghiệp có thực sự muốn chuyển đổi số hay không?. Theo ông Thủy, điều hành một doanh nghiệp cũng giống như điều khiển một chiếc máy bay. Việc chuyển đổi số cũng giống như việc kết nối các bộ phận của máy bay với màn hình điện tử và người lái phải nhìn vào đó để đưa ra những quyết định đúng đắn.
Cũng theo ông Thủy, vấn đề cơ bản nhất trong chuyển đổi số chính là sợi dây kết nối. Điều quan trọng để thu hút nhân viên làm theo chính là phải giúp họ thấy được chuyển đổi số thực sự mang lại lợi ích như thế nào...