Sách giáo khoa tiếng Anh mới: Cuộc cách mạng trong giảng dạy
TCGCVN - Nhằm phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã hợp tác với các nhà xuất bản quốc tế hàng đầu để phát hành những bộ sách giáo khoa tiếng Anh chất lượng cao.
Chương trình sách giáo khoa tiếng Anh mới của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã mang đến những đổi mới trong giảng dạy ngoại ngữ, giúp học sinh không chỉ nâng cao trình độ tiếng Anh mà còn phát triển các kỹ năng quan trọng cho công dân toàn cầu.
Sách giáo khoa Tiếng Anh trong bộ Chân trời sáng tạo hướng học sinh trở thành “công dân toàn cầu” - Ảnh: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam
Theo thạc sĩ Lương Quỳnh Trang từ Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội nhận xét rằng bộ sách được xây dựng dựa trên các chủ đề phong phú, tích hợp kiến thức ngôn ngữ bao gồm ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp, giúp học sinh hình thành kỹ năng giao tiếp qua bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, đạt đến bậc 3 của Khung năng lực ngoại ngữ.
Chương trình mới còn nổi bật ở tính liên môn qua phương pháp học CLIL (Content and Language Integrated Learning), giúp học sinh vừa học tiếng Anh, vừa khám phá kiến thức các môn khác như Khoa học, Lịch sử, Địa lý. Các bộ sách như Chân trời sáng tạo và Global Success tích hợp nội dung văn hóa Việt Nam và quốc tế, với các bài học thực tế về sức khỏe, du lịch, phong tục… tạo động lực cho học sinh chủ động tìm hiểu và khám phá.
Một điểm đặc biệt của sách tiếng Anh thuộc bộ sách Chân trời sáng tạo là tài liệu Đọc/Nghe được mở rộng, cập nhật thông tin thực tế - Ảnh: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam
Cùng với việc đánh giá thường xuyên, học qua dự án và tình huống thực tế giúp học sinh phát triển kỹ năng tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, và làm việc nhóm. Công nghệ thông tin cũng được ứng dụng rộng rãi, cho phép học sinh học tiếng Anh qua phần mềm, trang web giáo dục và ứng dụng di động.
Thạc sĩ Chu Quang Bình từ Trường Đại học Hà Nội cho biết chương trình mới không chỉ dạy ngôn ngữ mà còn truyền tải văn hóa các nước nói tiếng Anh, giúp học sinh mở rộng hiểu biết quốc tế. Thay vì chỉ tập trung vào ngữ pháp và từ vựng, chương trình chú trọng phát triển kỹ năng giao tiếp thực tiễn thông qua các hoạt động như thảo luận, tranh luận, thuyết trình.
Phương pháp lấy người học làm trung tâm và học qua dự án giúp học sinh có điều kiện chủ động, tự khám phá kiến thức. Giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn, khuyến khích học sinh tham gia vào các hoạt động giao tiếp và từng bước nâng cao khả năng tự học, đáp ứng các nhu cầu giao tiếp cơ bản trong cuộc sống và học tập. Sự đổi mới này không chỉ giúp học sinh thành thạo tiếng Anh mà còn góp phần hình thành kỹ năng học tập và làm việc của thế kỷ 21, nuôi dưỡng thói quen học tập suốt đời.
Huyền Vy