Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: 100% sở GD&ĐT đã dự thảo quy định về dạy thêm, học thêm
TCGCVN – Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, đến nay toàn bộ các sở giáo dục và đào tạo trên cả nước đã chủ động tham mưu, phối hợp với các sở, ban, ngành để xây dựng dự thảo quy định về dạy thêm, học thêm tại địa phương.
Thông tin trên được Bộ trưởng báo cáo trước Quốc hội trong phiên làm việc về việc thực hiện các nghị quyết chất vấn liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Liên quan đến hoạt động dạy thêm, học thêm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đã tiến hành 88 cuộc kiểm tra tại các địa phương và cơ sở giáo dục, trong đó có 4 UBND tỉnh, 46 sở GD&ĐT, 3 trường đại học, 2 đại học quốc gia, 2 học viện và 56 cơ sở giáo dục đại học. Một trong những nội dung được kiểm tra là việc thực hiện các quy định liên quan đến dạy thêm, học thêm tại các sở giáo dục và đào tạo.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành Thông tư 29/2024 nhằm quy định cụ thể về dạy thêm, học thêm. Đây được xem là công cụ quản lý quan trọng, giúp kiểm soát chặt chẽ các hoạt động dạy thêm trong và ngoài nhà trường, đồng thời là căn cứ để tiến hành thanh tra, kiểm tra.
Bộ cũng chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác giám sát, thành lập các đoàn kiểm tra và triển khai kiểm tra trực tiếp tại một số địa phương như Hà Nội, Quảng Trị, Hải Phòng, Bắc Giang, Thái Bình và TP.HCM. Đồng thời, Bộ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành công điện về việc tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh THCS, THPT và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm.
Bộ trưởng cho biết, đến nay, 100% các sở giáo dục và đào tạo đã hoàn tất dự thảo quy định về dạy thêm, học thêm, đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến nhân dân, đồng thời trình UBND cấp tỉnh xem xét, thẩm định và ban hành.
Tính đến cuối tháng 3/2025, đã có bốn tỉnh ban hành quyết định chính thức về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm gồm: Long An, Cà Mau, Hải Dương và Bình Dương. Đến thời điểm hiện tại, nhiều tỉnh, thành khác cũng đã hoàn tất và ban hành quy định này.
Thử nghiệm sách giáo khoa điện tử
Về công tác biên soạn và thẩm định sách giáo khoa, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ đã ban hành Thông tư 26/2024, sửa đổi và bổ sung một số quy định liên quan đến tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa, cũng như tiêu chuẩn đối với tổ chức và cá nhân tham gia biên soạn.
Thông tư cũng quy định rõ thời gian tiếp nhận hồ sơ đề nghị thẩm định vào tháng 5 hằng năm, trong khi hồ sơ thẩm định lại được tiếp nhận vào tháng 9. Bên cạnh đó, Bộ chỉ đạo các địa phương đăng ký nhu cầu sử dụng sách giáo khoa, đồng thời yêu cầu các nhà xuất bản, đơn vị phát hành bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ trước mỗi năm học mới.
Bộ trưởng khẳng định, công tác cung ứng sách giáo khoa hiện nay cơ bản đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng và tiến độ, phục vụ tốt nhu cầu của giáo viên, học sinh và phụ huynh trên cả nước.
Đáng chú ý, Bộ đang xây dựng kế hoạch thử nghiệm và triển khai sử dụng sách giáo khoa điện tử theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, quá trình in ấn và phát hành sách giáo khoa tiếng Việt – tiếng dân tộc thiểu số vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Việc biên soạn tài liệu dành cho học sinh khuyết tật, cũng như tổ chức dịch song ngữ sách giáo khoa theo chương trình mới, đang vướng mắc từ khâu thiết kế đến triển khai thực hiện.
Thanh Trường