Sáp nhập cấp xã: Hiệu trưởng, hiệu phó các trường có bị cắt giảm?
TCGCVN - Việc sắp xếp, sáp nhập cấp xã trong quá trình thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp đang đặt ra nhiều câu hỏi, đặc biệt là lo ngại về khả năng cắt giảm đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục như hiệu trưởng, hiệu phó các trường học.
Tuy nhiên, theo Công văn số 1581 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị sự nghiệp giáo dục như trường tiểu học, trung học cơ sở, mầm non vẫn được giữ nguyên sau khi sáp nhập cấp xã. Chức năng quản lý nhà nước đối với các trường học này sẽ được chuyển giao cho chính quyền cấp xã.
Trong khi đó, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và trung tâm giáo dục thường xuyên thuộc UBND cấp huyện sẽ được chuyển về Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý. Các đơn vị này đồng thời sẽ được tổ chức lại để thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ quản lý theo khu vực liên xã, phường.
Tính đến thời điểm hiện tại, các trường học cơ bản vẫn giữ nguyên mô hình tổ chức và không nằm trong diện sáp nhập. Điều này đồng nghĩa với việc đội ngũ hiệu trưởng, hiệu phó tại các trường học vẫn tiếp tục duy trì, chưa có thay đổi.
Sau khi hoàn tất việc sắp xếp tổ chức chính quyền các cấp, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ được phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn trong công tác quản lý đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Cụ thể, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh và các cấp có thẩm quyền trong việc quyết định vị trí việc làm, biên chế công chức và tổng số người làm việc tại các trường công lập. Đồng thời, Sở cũng sẽ trực tiếp thực hiện công tác tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, thay đổi chức danh nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng và đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên tại các trường học.
Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giáo viên phù hợp với nhu cầu địa phương, bảo đảm đủ nhân sự theo đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt. Sở cũng chịu trách nhiệm giải trình về hoạt động giáo dục, chất lượng đào tạo, đội ngũ giáo viên và học sinh.
Đặc biệt, Sở Giáo dục và Đào tạo được trao quyền công nhận, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động và thay đổi vị trí việc làm đối với hiệu trưởng, hiệu phó các trường học. Cùng với đó là trách nhiệm thường xuyên cập nhật thông tin đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý vào cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục, đồng thời kết nối với UBND tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trước đây, việc tuyển dụng giáo viên công lập được thực hiện như tuyển dụng viên chức nói chung và do ngành Nội vụ hoặc UBND cấp huyện, tỉnh đảm nhận. Tuy nhiên, theo quy định mới, chức năng tuyển dụng giáo viên các cấp sẽ được phân cấp mạnh hơn về cho Sở Giáo dục và Đào tạo tại các địa phương. Riêng đối với giáo viên mầm non, việc tuyển dụng vẫn do chính quyền cấp xã quyết định.
Việc phân quyền này được xem là một trong những bước đi đột phá của ngành giáo dục, nhằm giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, đồng thời phát huy tối đa nguồn lực và sử dụng hiệu quả đội ngũ nhân lực chất lượng trong các nhà trường.
Bùi Bình