Siết chặt dạy thêm học thêm: Khi chính sách cần đồng bộ với nhận thức
TCGCVN - Dù Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT về quản lý dạy thêm, học thêm (DTHT) đã có hiệu lực hơn hai tháng, vẫn còn những hoài nghi về tính bền vững cũng như hiệu quả thực thi. Dư luận cho rằng, để trị tận gốc tình trạng dạy thêm tràn lan, tiêu cực, cần những giải pháp đồng bộ, từ cơ chế đến nhận thức xã hội.
Thông tư 29 được đánh giá là bước đi mang tính đột phá, nhằm lập lại trật tự trong hoạt động DTHT ở giáo dục phổ thông. Đây là biện pháp hành chính mang tính khả thi, được nhiều địa phương, nhà trường và phụ huynh ủng hộ. Tuy nhiên, việc triển khai chưa đồng đều, vẫn còn một số nơi thực hiện hình thức, thiếu quyết liệt, khiến hiệu quả chưa rõ nét.
Truyền thông yếu, nhận thức chưa thay đổi
Một trong những rào cản lớn nhất hiện nay là truyền thông về chính sách còn yếu. Nhiều giáo viên, phụ huynh chưa thực sự hiểu rõ tinh thần của Thông tư 29, dẫn đến việc thực hiện chưa nghiêm túc. Truyền thông cần đóng vai trò cầu nối, giúp cộng đồng tiếp cận đúng thông tin, từ đó thay đổi tư duy về việc học thêm.
Thực tế, Thông tư không cấm học thêm hoàn toàn mà đưa hoạt động này vào khuôn khổ quản lý. Học sinh vẫn có thể học thêm tại các cơ sở được cấp phép, với mức phí rõ ràng và minh bạch. Vấn đề nằm ở việc giáo viên không được lợi dụng dạy thêm để gây áp lực cho học sinh, bỏ bê giờ học chính khóa, hoặc dùng chiêu trò để lôi kéo học sinh tới lớp học thêm riêng.
TS. Đặng Tự Ân – Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Đổi mới Giáo dục Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), cho rằng: “Học thêm đúng nghĩa phải là học cách học, học phương pháp tự học, kỹ năng sống, rèn luyện thể chất, phát triển cảm xúc và đạo đức. Không thể để học thêm chỉ là học thuộc, luyện thi điểm số.”
Tuy nhiên, hiện nay đa số các lớp học thêm chỉ tập trung vào nội dung nâng cao kiến thức trong sách giáo khoa, đi ngược lại mục tiêu đổi mới giáo dục là phát triển năng lực toàn diện.
Phụ huynh cần thay đổi cách đầu tư
Phụ huynh là một mắt xích quan trọng trong việc thay đổi thực trạng này. Nhiều gia đình vẫn xem học thêm là “khoản đầu tư chính đáng” để con thi đỗ trường chuyên, lớp chọn. Có phụ huynh còn sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng mỗi tháng cho con học thêm, nhưng lại ít quan tâm đến việc con học kỹ năng sống, tham gia các hoạt động ngoại khóa hay phát triển năng khiếu.
TS. Đặng Tự Ân nhấn mạnh: “Chi tiền cho học thêm điểm số là đầu tư chưa thông thái. Đầu tư thực sự nên là giúp trẻ phát triển đúng sở trường, học điều trẻ yêu thích và trưởng thành trong môi trường giáo dục lành mạnh.”
Tuy nhiên, không ít nhà trường, giáo viên vẫn chưa chuyển hóa nhận thức thành hành động thực chất. Ở một số nơi, kế hoạch triển khai Thông tư 29 vẫn còn bị chậm trễ, hình thức hoặc đối phó. Cá biệt, có giáo viên vẫn dạy thêm “chui” dưới nhiều hình thức biến tướng, gây bức xúc trong dư luận.
Trường chuyên, lớp chọn tiếp tay cho học thêm
Một thực tế đáng lo ngại là việc mở rộng các lớp chuyên, lớp năng khiếu một cách tràn lan tại bậc Tiểu học và THCS. Dù được gắn mác là lớp chất lượng cao hay trực thuộc các trường đại học, việc dạy văn hóa phổ thông ở cấp học không đúng quy định là vi phạm Luật Giáo dục.
Theo Điều 62 và Điều 38 của Luật Giáo dục, các trường đại học không được phép trực tiếp giảng dạy chương trình phổ thông. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn lách luật, mở lớp nâng cao trái phép, kéo theo hệ lụy là phong trào luyện thi, học thêm rầm rộ, càng khiến học sinh bị áp lực từ sớm.
Việc tổ chức tuyển sinh vào các lớp chuyên, lớp chọn bằng đề thi nâng cao cũng góp phần duy trì nhu cầu học thêm, vì phụ huynh muốn con giải được đề khó, vượt chuẩn chương trình chính khóa. Điều này vô hình trung cổ xúy cho dạy thêm, đi ngược lại chủ trương giáo dục toàn diện và giảm tải áp lực thi cử.
Giải pháp căn cơ để xóa bỏ nhu cầu học thêm là nâng cao chất lượng giảng dạy trong giờ học chính khóa. Khi học sinh được học đủ, học tốt ngay tại trường, phụ huynh sẽ không còn thấy cần thiết phải cho con đi học thêm.
Giáo dục cần trở về đúng giá trị: phát triển con người toàn diện, không chạy theo điểm số, thành tích. Khi niềm tin vào chất lượng giáo dục chính khóa được củng cố, hoạt động dạy thêm học thêm tự khắc sẽ không còn đất sống.
Thu Hà