Điều kiện đảm bảo và những kiến nghị về dạy học trực tuyến ở Phổ thông hiện nay
I. Từ thực tế dạy học trong những ngày phòng chống dịch
Đã bước sang năm học thứ 3, năm học 2021-2022 chúng ta sống chung với đại dịch Covid 19, mặc dù thầy, trò và phụ huynh cũng như xã hội không còn “luống cuống” đối phó với dịch như các năm trước, song việc dạy học ở các nhà trường vẫn còn gặp không ít khó khăn, vất vả.
Hết học kì 1 mà GV và HS chưa được gặp nhau, chỉ biết nhau qua màn hình máy tính, điện thoại; chào nhau qua chiếc khẩu trang. Có lớp đang học trực tiếp nhưng phát hiện GV f0, lại phải nghỉ học. Có lớp chỉ có vài HS (4 hoặc 5 HS) đến học trực tiếp, GV cũng vẫn phải dạy.
Khảo sát của Sở GD-ĐT Hà Nội cho thấy, thời gian qua (cho đến 7/3), tỷ lệ trẻ em mắc Covid-19 xấp xỉ 10% so với tổng số ca nhiễm, tương đương hơn 17.300 trẻ. Trong đó, gần 600 phải điều trị tại các bệnh viện, chiếm 3,4% (theo Dân trí ngày 7/3/2022). Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho cán bộ, GV, HS, theo phương châm "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", Sở đề nghị các Trưởng Phòng GD-ĐT, Hiệu trưởng các trường THPT, Giám đốc các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, báo cáo UBND quận, huyện, thị xã xin ý kiến chỉ đạo và Thông báo đến các trường phổ thông, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trên địa bàn các xã, phường, thị trấn nếu có dịch cấp độ 3 thì cho HS tạm dừng đến trường, chuyển sang phương án dạy, học trực tuyến kể từ thứ hai, ngày 07/3/2022. Đối với các địa bàn xã, phường, thị trấn có mức độ dịch cấp độ 1, cấp độ 2 thì cho HS học tập trực tiếp theo kế hoạch.
Thực tiễn cho thấy, chưa bao giờ các trường học, lớp học lại đứng trước nhiều thách thức như thời gian vừa qua, trong những năm tháng dịch Co vid 19 đang hoành hành, tàn phá ghê gớm. Trường học và lớp học có rất nhiều biến động. Phải điều chỉnh kế hoạch dạy học một cách linh hoạt, thích ứng với hoàn cảnh cụ thể của từng trường, từng lớp, từng hoàn cảnh cụ thể. Ở nhiều cơ sở gáo dục, do lượng GV mắc Covid 19 nhiều, việc dạy học phải điều chỉnh rất linh hoạt không chỉ theo tuần, mà còn điều chỉnh theo giờ. Trong hoàn cảnh như vậy các nhà quản lí giáo dục (hiệu trưởng, hiệu phó, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn và GV chủ nhiệm, GV bộ môn) đã tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong điều hành hoạt động dạy học. Hai hình thức dạy học: dạy học online và dạy học trực tiếp phải được sử dụng một cách linh hoạt, phù hợp. Chỉ có như vậy việc học của HS mới không bị ngắt quãng. Nhìn vào thực tiễn của nhiều trường chúng ta thấy có nhiều mô hình dạy học sáng tạo: có lớp G (lớp học dành cho những HS mắc Co vid).
Nhiều trường học ở TP Hồ Chí Minh đang linh hoạt chuyển đổi việc dạy và học trực tiếp, duy trì nhiều mô hình đứng lớp trong cùng một trường trước bối cảnh F0 trường học gia tăng. Duy trì nhiều mô hình đứng lớp trong cùng một trường. Một số lớp phải dạy học song song trực tiếp và trực tuyến; một số lớp GV vừa dạy vừa quay lại clip để gửi cho HS học tại nhà. Nếu trường cùng một lớp số ca f0 từ 6, 7 em kéo theo số f1 sẽ đột biến, nhà trường sẽ phải thông tin với y tế phường, xã để hướng dẫn về phương án dạy học, phòng dịch trong nhà trường.
Từ chỉ định của y tế, lớp được chuyển sang học trực tuyến, đồng thời làm công tác tư tưởng cho phụ huynh. Sau thời gian cách lí phụ huynh sẽ xin phường Giấy hoàn thành cách li và test âm tính cho HS trước khi trở lại trường.
Với lớp học có 50% số HS đến trường và 50% HS nghỉ ở nhà là f0, f1 trường sẽ triển khai hình thức lớp học song song, GV vừa dạy trực tiếp trên lớp, vừa livestream giờ học phát cho HS ở nhà.
Với lớp học chỉ có một vài em nghỉ ở nhà là f0. F1, GV chủ nhiệm sẽ quay video gửi cho phụ huynh, kết hợp ôn tập vào các buổi tối qua Zoom để hướng dẫn HS hoàn thành bài tập.
Trong bối cảnh như vậy, một mặt, trường siết chặt các biện pháp phòng dịch, một mặt làm công tác tư tưởng cho GV, đẩy mạnh thông tin sâu với phụ huynh để nâng cao ý thức. Đề phòng khi số ca f0 có thể tăng cao thì sẽ bình tĩnh xử lí, duy trì việc dạy của GV và việc học của HS. Lớp học còn 5, 7 em cũng vẫn phải dạy trực tiếp. Trường xây dựng kế hoạch dạy học theo hướng linh hoạt, kết hợp trực tiếp với trực tuyễn phù hợp với tình hình hiện tại.
Việc duy trì dạy và học trực tiếp đảm bảo an toàn cao nhất cho HS là nhiệm vụ hàng đầu được các nhà trường và toàn thể đội ngũ GV, hội đồng sư phạm đặt ra.
II. Một số tiền đề lí luận về dạy học trực tuyến
Ứng dụng công nghệ số vào hoạt động giáo dục trực tuyến đang trở thành xu thế tất yếu của xã hội, không chỉ ở Việt Nam mà ở hầu hết các nước trên thế giới. Giờ đây, chỉ với một chiếc smartphone hoặc laptop kết nối internet, HS có thể học trực tuyến bất cứ khi nào và ở bất cứ nơi đâu.
Vậy dạy học trực tuyến là gì? Những thuận lợi và khó khăn khi HS tiếp cận phương pháp học này như thế nào, chúng ta cùng tham khảo các nội dung sau đây.
Dạy học trực tuyến và hệ thống dạy học trực tuyến
Ngày 30 tháng 3 năm 2021, Bộ giáo dục và Đào tạo đã có Văn bản 09/2021/TT-BGDĐT quy định về quản lí và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. Theo Thông tư đó, “dạy học trực tuyến là hoạt động dạy học được tổ chức thực hiện trên hệ thống dạy học trực tuyến”. “Hệ thống dạy học trực tuyến là hệ thống phần mềm dạy học trực tuyến và hạ tầng công nghệ thông tin (gọi chung là hạ tầng kĩ thuật dạy học trực tuyến) cho phép quản lí và tổ chức dạy học thông qua môi trường internet, bao gồm: phần mềm tổ chức dạy học trực tuyến trực tiếp; hệ thống quản lí học tập trực tuyến; hệ thống quản lí nội dung học tập trực tuyến.”
“Dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông là hình thức dạy học trực tuyến thực hiện một phần nội dung bài học hoặc chủ đề trong chương trình giáo dục phổ thông để hỗ trợ dạy học trực tiếp bài học hoặc chủ đề đó tại cơ sở giáo dục phổ thông”
“Dạy học trực tuyến thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông là hình thức dạy học trực tuyến thực hiện toàn bộ nội dung bài học hoặc chủ đề trong chương trình giáo dục phổ thông để thay thế dạy học trực tiếp bài học hoặc chủ đề đó tại cơ sở giáo dục phổ thông”
Dạy và học trực tuyến là phương pháp trao đổi, thảo luận tiếp cận nội dung, kiến thức trực tuyến thông qua các thiết bị điện tử như smartphone, laptop, máy tính bảng,… kết nối internet. Nhờ có các thiết bị điện tử có kết nối internet, GV và người học có thể tương tác dễ dàng thông qua các ứng dụng, tính năng được tích hợp sẵn như video call, chat, email, diễn đàn trực tuyến...
Mục đích dạy học trực tuyến
1. “Hỗ trợ hoặc thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông giúp cơ
sở giáo dục phổ thông nâng cao chất lượng dạy học và hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
2. Phát triển năng lực sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy
và học; thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Giáo dục.
3. Mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho HS, tạo điều kiện để HS được học ở mọi nơi,mọi lúc”.
Nguyên tắc dạy học trực tuyến
1. “Nội dung dạy học trực tuyến phải đáp ứng mức độ cần đạt hoặc yêu cầu cần
đạt của chương trình giáo dục phổ thông.
2. Bảo đảm các điều kiện tối thiểu về hạ tầng kĩ thuật dạy học trực tuyến và đội
ngũ GV đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học trực tuyến.
3. Tuân thủ các quy định hiện hành về an toàn thông tin, quy định về dữ liệu,
thông tin cá nhân, sở hữu trí tuệ theo các quy định của pháp luật.”
Những năm gần đây, phương pháp học online đang dần phổ biến tại Việt Nam. So với phương pháp giáo dục truyền thống, học trực tuyến / online mang lại nhiều ưu điểm vượt trội, từng bước trở thành xu hướng giáo dục trong tương lai.
Thuận lợi của việc dạy và học trực tuyến hiện nay
Dưới đây là một số thuận của phương pháp dạy và học trực tuyến hiện nay:
1. Linh hoạt về thời gian và địa điểm học tập
Khi lựa chọn phương thức học trực tuyến, HS có thể thoải mái tham gia các lớp học ở bất cứ nơi đâu với khung thời gian linh hoạt. Ngoài ra, với hình thức học này các bài giảng trực tuyến có thể được ghi lại, lưu trữ và chia sẻ. Qua đó, giúp việc ôn tập kiến thức cũng trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động nghiêm trọng tới sức khỏe con người trên toàn cầu, học trực tuyến đã trở thành phương pháp giáo dục lý tưởng tại nhiều nơi. HS vẫn có thể dễ dàng học và ôn tập trực tuyến ngay tại nhà mà không cần phải di chuyển đến trường hay các trung tâm gia sư.
2. Ứng dụng công nghệ hiện đại vào học tập
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ cũng là lúc con người ngày càng được tiếp cận với nhiều công nghệ kỹ thuật số hiện đại. Theo Appota, nhà phát triển và cung cấp nền tảng sáng tạo giải trí kỹ thuật số, tính đến tháng 5/2021 Việt Nam đang có khoảng 70% dân số sử dụng smartphone kết nối Internet. Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi để mọi HS có thể dễ dàng tham khảo mọi nguồn tài liệu và ứng dụng công nghệ hiện đại vào học tập thông qua các thiết bị điện tử.
Ngoài ra, cùng với làn sóng công nghệ kỹ thuật số, GV và HS học trực tuyến cũng có thể dễ dàng trao đổi thông tin thông qua video, âm thanh, hình ảnh... Qua đó, tạo ra một môi trường học tập sinh động, thú vị và được tiếp cận với công nghệ thông tin theo xu hướng tất yếu của xã hội.
3. Tiết kiệm thời gian và chi phí học tập
So với phương pháp đào tạo truyền thống, học trực tuyến qua mạng internet giúp HS tiết kiệm tới 40% thời gian đi lại và sự phân tán. Đồng thời, phương pháp học này cũng giúp HS tiết kiệm tối đa chi phí về in ấn tài liệu, phí đi lại, gửi xe...
Với một số môn học, GV có thể xây dựng nội dung bài giảng trực tuyến để sử dụng đồng thời cho nhiều lớp học trực tuyến. Mục đích chính là để HS chủ động tự học, khi có vướng mắc thì trao đổi lại với GV. Như vậy, giúp GV tiết kiệm đáng kể thời gian xây dựng bài giảng, thời gian đi lại cũng như chi phí thuê mặt bằng lớp học.
4. Linh động và uyển chuyển trong tiếp cận phương pháp học
Mỗi HS có một phong cách học tập và tiếp nhận thông tin khác nhau. Do đó, với phương pháp học trực tuyến, HS có thể chủ động và linh hoạt trong việc tiếp cận phương pháp học phù hợp tại các website hay ứng dụng dạy học.
Ngoài ra, HS cũng có thể tự động điều chỉnh tốc độ học tập theo khả năng bản thân, nâng cao thêm kiến thức thông qua sự tư vấn của GV và những tài liệu trực tuyến.
5. Hệ thống hóa kiến thức
Với những tính năng nổi trội, nhiều ứng dụng học online hiện nay cho phép HS dễ dàng hệ thống hóa kiến thức và tham gia theo dõi tiến trình, kết quả học tập. Qua đó, HS dễ dàng nắm bắt được thời gian học, sự tiến triển trong quá trình học và đưa ra giải pháp học tập phù hợp với bản thân.
6. Cải thiện tính chuyên cần của HS
Bên cạnh những ưu điểm trên, với phương pháp học trực tuyến, HS có thể học tại nhà mà không cần quan tâm đến thời tiết bên ngoài ra sao, trang phục nào. Cũng nhờ vậy mà tâm lý HS sẽ trở nên thoải mái, dễ chịu hơn và tình trạng bỏ học, trốn học cũng được giảm thiểu đáng kể.
Khó khăn của dạy học trực tuyến
Dưới đây là một số khó khăn của phương pháp dạy học trực tuyến hiện nay:
1. Hạn chế về đường truyền internet và công nghệ
Kết nối internet và trang bị công nghệ dạy học đến nay vẫn là thách thức lớn đối với các lớp học trực tuyến tại Việt Nam. Mặc dù mạng lưới internet những năm qua đã có sự phát triển nhưng ở một số vùng nông thôn, không ít HS vẫn chưa được có điều kiện tiếp cận internet và các thiết bị điện tử phục vụ học tập.
2. Phân tâm bởi các nền tảng giải trí
Phương pháp học trực tuyến đòi hỏi HS tương tác qua màn hình máy tính hoặc điện thoại. Trong khi các bậc phụ huynh không thể kèm cặp con em trực tiếp, HS có thể bị phân tâm bởi các chương trình giải trí hoặc mạng xã hội trên máy tính, điện thoại.
Để giải quyết bài toán này, ngoài sự hỗ trợ kèm cặp từ phụ huynh, các GV cũng luôn phải giữ cho lớp học trực tuyến hấp dẫn và duy trì tương tác để HS tập trung hiệu quả hơn vào bài học.
3. Ảnh hưởng tới một số vấn đề về sức khỏe
Học trực tuyến nhiều ở trong phòng, trong 4 búc tường, HS thấy bức bối, tâm lí hoảng loạn, có em bị khủng hoảng về tâm lí, tổn thương tâm lí. Bố mẹ nhìn thấy con em ngồi học như vậy thì có vẻ như yên tâm nhưng thực ra đâu có hiểu nỗi khổ nội tâm của các em.
Không ít bậc phụ huynh lo ngại về sức khỏe của con cái khi dành quá nhiều thời gian chăm chú vào màn hình. Điều này cũng chính là bất lợi lớn nhất của phương pháp học trực tuyến với một số vấn đề về sức khỏe của HS như cận thị, loạn thị, đau lưng, đau vai do tư thế ngồi khom lưng trước màn hình quá lâu.
Giải pháp tốt nhất cho vấn đề này là sau giờ học trực tuyến, HS nên có thời gian nghỉ ngơi đầy đủ, tránh xa mọi thiết bị điện tử khi không cần thiết.
Trên đây là một số thuận lợi và khó khăn của phương pháp học trực tuyến đối với HS hiện nay. Nắm bắt được những đặc điểm này, các HS và GV sẽ có thể xây dựng phương pháp dạy học trực tuyến hiệu quả hơn, đảm bảo thành tích học tập một cách tốt nhất.
III. Các cơ sở giáo dục chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tổ chức dạy học trực tuyến, hỗ trợ HS không thể tham gia học tập trực tuyến có thể học tập tại nhà.
1. Trường học phải xây dựng kịch bản tổ chức dạy học cho tất cả phương án
gồm dạy học trực tuyến, dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến và dạy học trực tiếp nhằm linh động ứng phó trước tình hình dịch bệnh, xây dựng các phương án tổ chức hoạt động dạy học cho từng đối tượng HS.
Cụ thể, các tổ/nhóm chuyên môn rà soát, thống nhất nội dung, hình thức tổ chức dạy học phù hợp, tham mưu lãnh đạo đơn vị để tổ chức hoạt động dạy học sát với thực tế, không quá tải và có sự phù hợp với các đối tượng HS.
GV chủ nhiệm lớp có trách nhiệm phối hợp với GV bộ môn liên hệ cha mẹ HS và HS trong lớp mình phụ trách, từ đó có hướng dẫn học tập trực tuyến, lập thời khóa biểu học tập tại nhà hoặc phối hợp với đội ngũ cán bộ điều phối (thuộc phòng GD-ĐT, trường học hoặc phường, xã) để hỗ trợ HS không thể tham gia học tập trên internet có thể học tập tại nhà.
2. Đối với hai bậc THCS và THPT, các trường xây dựng kế hoạch, phâncông đội ngũ, chuẩn bị nội dung, tài liệu dạy học qua môi trường internet và tài liệu học tập cho HS học tại nhà (do không thể tham gia học trực tuyến).
Đồng thời, các trường tiến hành điều tra, lập danh sách HS học trực tuyến và HS không thể tham gia học tập trực tuyến, tìm hiểu những trường hợp gia đình đang gặp khó khăn để phối hợp với các cấp, các ngành hỗ trợ.
Cũng trong thời gian này, các trường hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu và học liệu để dạy học trực tuyến, liên hệ điều phối viên để kết nối hỗ trợ HS học tập tại nhà, hướng dẫn phương pháp học tập phù hợp cho HS theo từng đối tượng và xây dựng các quy định phù hợp với dạy học trực tuyến.
3. Các trường không nên tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho HS, triển khai các chủ đề dạy học trực tuyến và gửi tài liệu hướng dẫn cho HS học tập tại nhà.
Cơ sở giáo dục triển khai kế hoạch học tập trên hệ thống quản lý học tập để giúp HS hoàn thành các chủ đề học theo kế hoạch giáo dục nhà trường trong giai đoạn này.
Việc dạy học phải đáp ứng các yêu cầu gồm hướng dẫn chu đáo, dạy học nhẹ nhàng, lắng nghe chia sẻ, không tạo áp lực thực hiện chương trình, hướng dẫn tự học và xây dựng văn hóa đọc cho HS.
Các trường lựa chọn những chủ đề, môn học mà HS gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các nhiệm vụ học tập, tự học trên hệ thống quản lý học tập trực tuyến để bố trí thời khóa biểu trực tuyến giúp GV và HS tương tác, giải quyết các khó khăn, vướng mắc khi học tập phù hợp đặc điểm bộ môn.
Trường học tuyệt đối không sắp xếp thời khóa biểu trực tuyến giống hoàn toàn thời khóa biểu khi học trực tiếp vì sẽ gây quá tải cho người dạy, người học, không phát huy được hiệu quả của việc học tập trực tuyến.
4. Nhà trường tăng cường các hoạt động hướng dẫn học tập để giúp đỡ
HS hoàn thành các chủ đề, nhiệm vụ học tập do GV giao, phát huy hoạt động tổ/nhóm chuyên môn trong nghiên cứu bài học để phân công, phối hợp trong xây dựng các chủ đề dạy học, tài liệu dạy học để phát huy hiệu quả dạy học đồng thời giảm tải cho GV trong quá trình chuẩn bị kế hoạch bài dạy.
Bên cạnh đó, các trường cần xác định phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá thông qua việc sử dụng công nghệ giúp cho việc đánh giá và theo dõi tiến bộ của HS thường xuyên và dễ dàng hơn, kết hợp đánh giá quá trình và đánh giá tổng kết một cách hiệu quả, sử dụng đa dạng các hình thức đánh giá như quan sát, trắc nghiệm, tự luận, sản phẩm, thực hành, áp dụng nhiều tiêu chí trong suốt tiến trình học tập.
IV. Một số kiến nghị
1. Đối với nhà trường: Xây dựng hạ tầng mạng, trang thiết bị công nghệ
thông tin (như máy tính, camera, máy in, máy quét), đường truyền, dịch vụ internet, tận dụng tối đa các phương tiện để hỗ trợ cho GV khi dạy học trực tuyến. Bồi dưỡng đội ngũ nhân lực (cán bộ quản lý, GV, giảng viên, HS, SV) có kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Trước hết là kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, kỹ năng an toàn thông tin, kỹ năng khai thác, sử dụng hiệu quả các ứng dụng phục vụ công việc dạy - học. Hướng dẫn cụ thể về tổ chức học trực tuyến để triển khai, hướng dẫn, tập huấn cho GV kỹ thuật thực hiện, xây dựng kế hoạch chi tiết theo từng bộ môn.
Nhà trường, các GV cần phối hợp tốt với PHHS để trao đổi kế hoạch, thống nhất cách làm, tăng cường sự phối hợp của phụ huynh khi các em HS học tập tại nhà. Căn cứ vào đặc thù vùng miền và các điều kiện hiện có, các thầy cô giáo cần chủ động, linh hoạt lựa chọn hình thức tổ chức dạy học sao cho phù hợp.
Điều tra, khảo sát HS khả năng đáp ứng yêu cầu học trực tuyến về thiết bị học tập, tâm thế chuẩn bị học tập nhất là HS lớp 1, cần trang bị cho HS những kỹ thuật để duy trì sự hứng thú, sự tập trung trong học tập trực tuyến cũng như cách thức cân bằng sức khỏe tinh thần và thể chất trong bối cảnh học tập trực tuyến.
2. Đối với giáo viên: GV tự trang bị cho mình khả năng, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng thành thạo các phần mềm, hệ thống dạy học trực tuyến. Ngoài ra, có thể lựa chọn một trong các hình thức như dạy thông qua trực tuyến, qua online, qua nhóm zalo, messenger, facebook, email... Ở những nơi không có điều kiện về mạng, kỹ thuật thì cần tìm giải pháp để giao bài, giao nhiệm vụ cho HS như soạn bài ôn tập, in và thông báo phụ huynh đến nhận.
GV dành thời gian thiết lập các mối quan hệ, làm quen kết nối với HS và cha mẹ HS. Chuẩn bị các hoạt động dạy học cũng như các trò chơi, video clip với các hoạt động khởi động vui nhộn tạo bầu không khí thoải mái trong lớp học. GV luôn cài chế độ hình ảnh nổi lên màn hình chính, luôn tương tác với HS, ghi nhận và khen thưởng trong quá trình dạy học. Qua đó, tạo mối thân thiện giữa GV và HS, hướng dẫn HS cần chậm hơn bình thường, tránh việc vô ý tạo ra áp lực thời gian cho HS vì nó sẽ làm triệt tiêu hứng thú học tập.
3. Đối với cha mẹ học sinh: Cha mẹ luôn đồng hành, làm tốt công tác tư
tưởng cho các em đối với việc học trực tuyến để HS hiểu rõ, chuẩn bị tâm thế để tiếp cận phương pháp này nên tạo không gian yên tĩnh, cố định, sắp xếp đồ dùng học tập gọn gàng và dễ lấy khi cần. Nên loại bỏ tất cả những đồ vật gây phiền nhiễu và mất tập trung như ti vi, đồ chơi, vật nuôi,… ra khỏi tầm mắt của HS.
Điều quan trọng cha mẹ cần rèn nền nếp học tập tự lập, động viên, khen ngợi tạo sự hưng phấn trong học tập cho HS. Ngoài ra, cha mẹ còn phải chủ động tìm hiểu công nghệ thông tin, phương pháp sư phạm giúp các em sử dụng thành thạo, an toàn các thiết bị học trực tuyến. Thường xuyên, cập nhật kiến thức chăm sóc con cái đúng cách trong mùa dịch, tạo bầu không khí tâm lý thoải mái trong gia đình. Hướng dẫn các em hoạt động nhẹ nhàng như vệ sinh nhà cửa, chăm sóc cây cảnh, thú cưng...
4. Đối với học sinh: HS cần chuẩn bị tâm lý, tâm thế sẵn sàng, trang phục
nghiêm túc khi tham gia học trực tuyến và chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, thiết bị học tập quan trọng nhất là điện thoại thông minh, máy vi tính, máy tính bảng, tai nghe và sách giáo khoa.
HS chọn cho mình góc học tập, không gian yên tĩnh thoải mái phù hợp với ngôi nhà của mình. Trong quá trình học tập cần chú ý lắng nghe, tham gia thảo luận và đóng góp tích cực vào bài học. Để làm được như vậy HS cần chủ động đọc bài, soạn bài trước mỗi tiết học, buổi học. Tập thói quen lên lớp trước 10 phút để chào hỏi làm quen thầy, cô và các bạn tạo mối quan hệ thân thiện trong lớp học.
Ngoài ra, HS tạo nhóm học tập trên Zalo, Facebook để chia sẻ, giải đáp thắc mắc nội dung bài học và tham gia vận động, lao động nhẹ nhàng, đi ngủ đúng giờ, đảm bảo đủ 8 tiếng, tăng cường các hoạt động thể dục thể thao nâng cao sức khỏe học tập. Đặc biệt, rèn luyện khả năng tự lập trong học tập. Chú ý tắt một số tính năng trên thiết bị gây ảnh hưởng đến giờ học. Điều đó sẽ mang lại cho bản thân người học nhớ lâu hơn về kiến thức.
Kết luận
Hiện nay dạy học trực tuyến đang là hình thức giáo dục phổ biến từ lâu ở nhiều quốc gia. Rất có thể sẽ thay thế các hình thức dạy học truyền thống trong tương lai. So với các lớp học truyền thống, khi tham gia các lớp học trực tuyến, người học có thẻ hoàn toàn chủ động về mặt thời gian, không gian học tập. Điều này lại càng phù hợp cho những người bận rộn, khó sắp xếp thời gian cho những lớp học với khung giờ cố định. Đặc biệt trước diễn biến phức tạp của dịch covid thì dạy học trực tuyến lại là lựa chọn tối ưu nhất và ngày càng phát huy nhiều ưu điểm nổi bật. Cách dạy học trực tuyến chỉ có hiệu quả nếu có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường, GV, HS và cha mẹ HS. Để hoạt động dạy học thực sự chất lượng, trước mắt, GV và HS phải thay đổi, thích nghi và tìm ra các cách dạy học trực tuyến hiệu quả, tối ưu nhất. Hy vọng trong tương lai, hình thức dạy học trực tuyến sẽ thực sự trở thành xu thế để thế hệ trẻ có thể tiếp cận cách học mới, giáo dục các em HS trở thành người công dân toàn cầu.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo: Thông tư quy định về quản lí và tổ chức dạy học
trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, Hà Nội, ngày 30/3/2021
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2013), Nghị quyết số 29, NQ/TW, ngày 4/11/2013
về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
3. Benrd Meier, Nguyễn Văn Cường, Lí luận dạy học hiện đại, NXB Đại học
sư phạm, Hà Nội 2014
PGS. TS Nguyễn Gia Cầu - Tổng biên tập Tạp chí Giáo chức Việt Nam