Ôn thi tốt nghiệp THPT 2025 theo chương trình mới: Học khoa học, ôn đúng hướng
TCGCVN - Năm 2025 đánh dấu kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trước sự thay đổi lớn này, các giáo viên đang tích cực hướng dẫn học sinh phương pháp ôn tập hiệu quả, phù hợp với cấu trúc đề thi và năng lực cốt lõi theo yêu cầu mới.
Môn Toán: Lập kế hoạch theo ba giai đoạn
Học sinh nên xây dựng kế hoạch ôn tập thành ba giai đoạn rõ ràng.
Giai đoạn 1 tập trung tổng hợp, hệ thống hóa toàn bộ kiến thức lớp 12 thông qua sơ đồ tư duy, giúp học sinh nhận diện được mối liên hệ giữa các chuyên đề. Việc kết hợp học lý thuyết với làm bài tập vận dụng cơ bản theo từng khung thời gian cụ thể trong ngày sẽ giúp tránh tình trạng học dồn, giảm áp lực và tăng hiệu quả ghi nhớ.
Giai đoạn 2 là thời gian luyện đề chuyên sâu theo từng dạng bài. Học sinh nên phân chia đề thi thành các chuyên đề nhỏ để luyện tập, tăng dần mức độ khó nhằm làm quen với áp lực phòng thi. Mỗi đề thi cần được phân tích kỹ lưỡng sau khi làm, đặc biệt chú ý ghi lại các lỗi sai để rút kinh nghiệm và hạn chế lặp lại.
Giai đoạn 3 là giai đoạn tăng tốc, tập trung giải đề thi minh họa của Bộ và đề thi thử từ nhiều trường. Học sinh nên đặt ra mục tiêu điểm số cụ thể, đồng thời luyện giải đề trong điều kiện giả lập thi thực tế (có bấm giờ, giới hạn thời gian) để rèn luyện tâm lý và kỹ năng quản lý thời gian.
Môn Ngữ văn: Hệ thống kiến thức và rèn kỹ năng trình bày
Để đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp, học sinh cần chú trọng rèn luyện kỹ năng trả lời câu hỏi đọc hiểu. Cần phân tích rõ từng mức độ tư duy trong các câu hỏi, từ đó có cách trình bày câu trả lời phù hợp với yêu cầu, tránh mất điểm đáng tiếc.
Ngoài ra, kỹ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội cũng rất quan trọng. Với định hướng đề thi thường nêu rõ chủ đề viết, học sinh cần đảm bảo độ dài, cấu trúc và trình tự lập luận hợp lý. Cần sử dụng các phép liên kết câu mạch lạc và ngôn từ rõ ràng, súc tích.
Đối với bài văn nghị luận, học sinh cần nắm chắc yêu cầu đề và biết cách triển khai bài viết theo bố cục mạch lạc, có luận điểm rõ ràng và dẫn chứng thuyết phục. Đặc biệt, thầy Khôi lưu ý đến hình thức trình bày và chữ viết: chữ viết cẩu thả có thể bị trừ điểm theo quy định mới trong hướng dẫn chấm thi. Việc luyện tập theo đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT là điều cần thiết để học sinh làm quen với cấu trúc đề và tích lũy kinh nghiệm làm bài.
Môn Tiếng Anh: Tăng vốn từ và nâng cao năng lực đọc hiểu
Điểm mới trong đề thi môn tiếng Anh năm nay là bỏ hoàn toàn các câu hỏi trắc nghiệm đơn lẻ như phát âm, trọng âm, và các tình huống giao tiếp. Thay vào đó, kiến thức ngữ pháp sẽ được lồng ghép trong các bài đọc và bài điền từ, đòi hỏi học sinh phải nắm vững cách sử dụng ngữ pháp trong ngữ cảnh cụ thể.
Cấu trúc đề mới tăng cường đánh giá năng lực đọc hiểu, đồng thời đòi hỏi học sinh có vốn từ vựng phong phú thuộc nhiều chủ đề, đặc biệt là các chủ đề thực tế ngoài sách giáo khoa. Điều này đòi hỏi học sinh phải chủ động mở rộng kiến thức từ vựng, đọc nhiều tài liệu và luyện tập với các bài đọc hiểu dài.
Không chỉ có vốn từ và ngữ pháp, học sinh còn cần rèn luyện kỹ năng tư duy logic và phân tích ngữ cảnh – yếu tố quan trọng để hiểu đúng và chọn lựa chính xác đáp án trong các bài đọc tích hợp.
Với nhiều điểm đổi mới theo định hướng năng lực, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 được đánh giá là một bước chuyển lớn trong kiểm tra, đánh giá học sinh sau 12 năm học phổ thông. Dù cấu trúc và cách ra đề có nhiều thay đổi, song với phương pháp học tập khoa học, chiến lược ôn thi đúng hướng và tinh thần chủ động, học sinh hoàn toàn có thể thích nghi và đạt kết quả cao.
Bùi Bình