Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên cả cuộc đời gắn bó với sự nghiệp Khoa học và Giáo dục Nước nhà
GS. Nguyễn Văn Huyên (1905-1975)
|
1. Tóm tắt tiểu sử Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên (1905-1975) là một Giáo sư, tiến sĩ, nhà sử học, nhà dân tộc học, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Ông giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam từ tháng 11 năm 1946 đến tháng 10 năm 1975. Ông sinh ngày 16 tháng 11 năm 1905 tại Hà Nội, nguyên quán tại xã Kim Chung, huyện Đan Phượng (cũ), phủ Hoải Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội). Cha ông là cụ Nguyễn Văn Vượng, mẹ ông là cụ Phạm Thị Tí. Ông cụ Vượng làm công chức cho chính quyền thuộc địa Pháp và mất khi ông Huyên mới 8 tuổi, mẹ ông làm nội trợ. |
Năm 18 tuổi, ông và người em trai là Nguyễn Văn Hưởng được gia đình cho đi Pháp du học. Ông học tú tài toàn phần rồi Cử nhân Văn khoa năm 1929, Cử nhân Luật năm 1931 tại Đại học Sorbonne.
Năm 1934 ông là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ văn khoa tại Đại học Sorbonne, Pari với luận án chính "Hát đối đáp nam nữ thanh niên ở An Nam" và chuyên đề phụ của luận án "Nhập môn nghiên cứu nhà sàn ở Đông Nam Á". Hai bản luận án và chuyên đề này được xếp loại xuất sắc, được in thành sách và xuất bản ở Pháp với sự hoan nghênh của giới chuyên môn Pháp, Đức, Hà Lan …
Năm 1935 ông trở về nước, khước từ làm quan, dạy học tại Trường Bưởi (trường Bảo hộ), Ban Tú tài bản xứ. Năm 1936 ông kết hôn với tiểu thư Vi Kim Ngọc, con gái Tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định. Năm 1938 ông tham gia Hội truyền bá chữ quốc ngữ và chuyển sang nghiên cứu tại Trường Viễn Đông Bác cổ với chức danh Ủy viên thường trực, năm 1941 ông là Ủy viên Hội đồng nghiên cứu khoa học Đông dương. Năm 1938, ông tổ chức thành lập bộ môn Lịch sử văn minh Việt Nam tại trường Đại học Luật Hà Nội.
Trong cuộc Cách mạng tháng Tám, ông là một trong những người đại diện trí thức Thủ đô cùng với Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Xiển, Hồ Hữu Trường ký bức điện yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị, nhường quyền kiểm soát đất nước cho nhân dân qua chính phủ cách mạng.
Sau khi cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, ông được cử giữ chức Tổng Giám đốc Đại học vụ, Bộ Quốc gia Giáo dục kiêm Giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ.
Tháng 11 năm 1946, ông được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) của Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và giữ chức vụ này trong 29 năm cho đến khi mất vào tháng 10 năm 1975.
Ông là đại biểu Quốc hội Việt Nam từ khóa II đến khóa V, ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ông qua đời ngày 19 tháng 10 năm 1975 tại Hà Nội.
2. Công trình nghiên cứu
Ông để lại nhiều công trình khoa học, nhiều bài nghiên cứu về văn hoá và giáo dục, trong đó đáng chú ý là:
-Sự thờ phụng thần thánh ở nước Nam (1944).
-Văn minh nước Nam (1944).
-Toàn tập Nguyễn Văn Huyên (2000).
-Những bài nói và viết về giáo dục (1990) (Số in 56 - Số XB 234 - NCKT)
-Những kinh nghiệm tiên tiến của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa ở Cộng Hòa Dân Chủ Đức (1962) (Số in 557/HĐ. Số XB 29/TK) (Đồng tác giả)
-Vấn đề cải cách giáo dục ở Liên Xô (1962) (Số in 673. Số XB 13-TK) (Đồng tác giả)
3. Đóng góp về văn hóa học và giáo dục học
Về văn hóa, Nguyễn Văn Huyên được giới chuyên môn ở Việt Nam đánh giá là người đã cùng học giả Đào Duy Anh đặt nền móng cho nghiên cứu văn hoá, văn minh Việt Nam. Các nghiên cứu của ông góp phần khẳng định người Việt Nam có tín ngưỡng của riêng mình thể hiện qua việc thờ thành hoàng như Phù Đổng, Tản Viên, Chử Đồng Tử. Thông qua các nghiên cứu với phương pháp và cách tiếp cận khoa học của Nguyễn Văn Huyên về văn học dân gian, lễ hội truyền thống, kiến trúc, địa lý học lịch sử, cấu trúc giai tầng trong xã hội, người ta có thể nhận thấy tinh thần, tâm lý dân tộc Việt Nam. Nhà sử học Trần Quốc Vượng đã viết: "Ông, là một nhà khoa học nhân văn lớn và hiện đại đầu tiên ở nửa đầu thế kỷ XX này"..."Giới nghiên cứu trẻ/già hôm nay còn được học và phải học ở ông nhiều về phương pháp luận và các phương pháp tiếp cận những sự kiện nhân văn, vừa cụ thể vừa tổng thể."
Về giáo dục, ông có những đóng góp quan trọng và quyết định trong xây dựng nền giáo dục của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôn chỉ và tâm huyết của ông trong sự nghiệp xây dựng nền giáo dục mới được thể hiện qua bài diễn văn nổi tiếng đọc trong lễ khai giảng năm học đầu tiên của Đại học Quốc gia Việt Nam ngày 15 tháng 11 năm 1945: "Trong buổi lễ hôm nay, anh em giáo sư và sinh viên chúng tôi muốn tỏ rõ cho thế giới biết rằng trong giờ phút nghiêm trọng của tiền đồ Tổ quốc này, dân tộc Việt Nam, ngoài công cuộc đấu tranh bằng xương máu trên chiến địa cũng nỗ lực tham gia vào công cuộc tiến triển văn hoá của nhân loại. Chúng tôi muốn rằng nền đại học mới này là một lực lượng mạnh trong những lực lượng của Việt Nam. Chúng tôi muốn nó làm một thành luỹ để trường kỳ kháng chiến phục hồi hoàn toàn lãnh thổ, và giải phóng tinh thần cho dân tộc chúng tôi là một dân tộc văn hiến có ngoài nghìn năm lịch sử độc lập và đã tự gây nên một nền văn minh đặc sắc trên ven bể Thái bình dương này."
Trong gần 30 năm trên cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Giáo sư Nguyễn Văn Huyên đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà.
Thứ nhất là chống nạn mù chữ mà ông là người lãnh đạo, một người chiến sĩ xung kích. Ông đã đề xuất nhiều phương pháp dạy chữ quốc ngữ mang tính đại chúng phù hợp với các đối tượng người dân lúc bấy giờ.
Thứ hai là lãnh đạo việc dùng tiếng Việt trong sự nghiệp giáo dục, dùng ngay tiếng Việt chứ không phải dùng tiếng Pháp như ở nhiều nước khác. Điều đó đã góp phần xây dựng nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam.
Thứ ba là tổ chức xây dựng nền giáo dục kháng chiến kiến quốc. Mặc dù kháng chiến nhưng vẫn xây dựng, giữ vững và phát triển hệ thống các trường học, nhất là các trường đại học trên chiến khu.
Thứ tư là chủ trì tổ chức thực hiện cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất (1950) và cuộc cải cách giáo dục lần thứ hai (1956). Hai cuộc cải cách giáo dục đó đã tạo ra mô hình giáo dục mới, gắn kết giáo dục với nhiệm vụ chính trị của đất nước, với thực tiễn cuộc sống, góp phần tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và trong cả nước về sau.
Thứ năm là tổ chức xây dựng một hệ thống giáo dục quốc dân hoàn chỉnh từ mẫu giáo, phổ thông đến đại học. Ông luôn quan tâm đến việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa các cấp học, phương pháp giảng dạy và giáo dục, đến giáo dục ở các vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Ông rất coi trọng nhiệm vụ phổ cập giáo dục, xây dựng hệ thống các trường sư phạm, đào tạo bồi dưỡng giáo viên, cải thiện điều kiện vật chất và đặc biệt là đẩy mạnh phong trào thi đua "Hai tốt" trong toàn Ngành.
Thứ sáu là luôn bám sát thực tiễn, nhạy bén phát hiện và xử lý các tình huống trong thực tiễn giáo dục. Bộ trưởng đã đi khắp mọi nơi, xuống tận cơ sở trường học từ nông thôn đồng bằng đến miền núi cao xa xôi nhằm nắm vững thực trạng giáo dục, động viên cán bộ, thày trò giúp cho việc chỉ đạo của ngành sát với tình hình thực tế và xây dựng các điển hình tiên tiến. Trong thực tiễn xây dựng, phát triển nền khoa học giáo dục Việt Nam, ông luôn tâm đắc với quan điểm "Lý luận cộng với kinh nghiệm trường tiên tiến".
4. Tặng thưởng và tôn vinh
Do những cống hiến to lớn đó, Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương cao quý: Huân chương Kháng chiến hạng nhất; Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng nhất; Huân chương Độc lập hạng nhất. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 (năm 2000)
Tên ông được đặt cho một phố chạy ngang qua Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam ở Hà Nội.
Ngoài ra, tên của ông còn được đặt tên cho một trường Trung học cơ sở ở quê hương ông (huyện Hoài Đức - Hà Nội) trên địa bàn xã Sơn Đồng; và một trường Trung học phổ thông ở tỉnh Tuyên Quang. Gia đình ông cũng đã thành lập Trường Nguyễn Văn Huyên nhiều cấp học ở quận Đống Đa, Hà Nội.
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam chúng ta nhớ đến Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên là nhớ đến người thầy, người anh cả, người lãnh đạo ngành tiền bối thân thiết, uy tín, một tri thức yêu nước và cách mạng, một con người có tấm lòng nhân hậu thủy chung, một nhân cách lớn mẫu mực cho toàn thể cán bộ, giáo viên mãi mãi noi theo.
PGS.TS Trần Đình Tuấn