Cần hiểu đúng tinh thần của Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm
TCGCVN - Ngày 30/12/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ 14/02/2025. Do có rất nhiều điểm mới nên Thông tư này đã thu hút sự quan tâm và có không ít ý kiến trăn trở của đông đảo giáo viên, phụ huynh và học sinh khi thực thi các quy trên thực tế. Vậy chúng ta cần hiểu quy định của Thông tư này như thế nào?
Để tìm hiểu thêm về thông tin này được khách quan hơn phóng viên Tạp chí Giáo chức Việt Nam đã có buổi trao đổi với Luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc Công ty Luật TNHH Bảo Tín.
Thưa ông cho biết quan điểm của luật sư về thông tư 29 về việc dạy thêm học thêm, điểm tích cực ở đây là gì ?
Luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc Công ty Luật TNHH Bảo Tín chia sẻ
Theo đó, Thông tư 29 có ba điểm mới chính:
Thứ nhất, Thông tư mới quy định không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Thứ hai, việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho ba đối tượng thuộc trách nhiệm của nhà trường.
Thứ ba, đối với quy định dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, Thông tư mới quy định: Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm có thu tiền của học sinh phải thực hiện một cách công khai, minh bạch, đúng các quy định của pháp luật; giáo viên đang dạy học tại các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh của mình.
Như vậy, có thể thấy, quan điểm của Thông tư 29 là thay đổi tư duy từ “không quản được thì cấm” sang “quản lý để đảm bảo chất lượng”. Theo đó, giáo viên cần đổi mới phương pháp giảng dạy để học sinh có thể tiếp thu đầy đủ kiến thức ngay trong giờ học chính khóa thay vì phải tham gia thêm các lớp học bên ngoài. Đồng thời, nhà trường cũng cần tạo điều kiện cho học sinh tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, thể thao, nghệ thuật để đảm bảo sự phát triển toàn diện.
Chúng ta không thể phủ nhận nhu cầu dạy thêm và học thêm là một nhu cầu có thật của cả thầy cô và học sinh, phụ huynh. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi ở đây là cần quản lý, tổ chức như thế nào để góp phần hạn chế tối đa nhất những vấn đề tiêu cực mà dạy thêm học thêm có thể mang lại. Điển hình, trong nhiều năm qua không ít trường hợp học sinh dù không thực sự có nhu cầu nhưng vẫn buộc phải tham gia các lớp học thêm đặc biệt là các lớp do chính giáo viên dạy trên lớp hoặc nhà trường tổ chức chỉ vì lo ngại bị đánh giá, sợ lạc lõng so với bạn bè hoặc không muốn làm thầy cô phật lòng. Điều này không chỉ tạo ra áp lực học tập nặng nề mà còn làm ảnh hưởng đến thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, sáng tạo của học sinh.
Do vậy, tôi cho rằng việc dạy thêm, học thêm theo quy định của Thông tư 29 hoàn toàn không bị cấm mà chỉ hạn chế các trường hợp các vi phạm về quy định dạy thêm, học thêm và quản lý tốt hơn hoạt động này. Khoản 1 Điều 6 của Thông tư này là thể hiện rõ nét nhất về vấn đề này: “Tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật.”
Bên cạnh đó, tại Điều 4 về các trường hợp của Thông tư này cũng không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm trong đó Giáo viên đang dạy học tại các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh của mình.
Lúc này, hoạt động dạy thêm trở thành một hoạt động hợp pháp, có kiểm soát thay vì tồn tại dưới dạng tự phát, thiếu minh bạch như trước đây, giáo viên sẽ có cơ hội nâng cao thu nhập chính đáng, học sinh và phụ huynh cũng có thêm sự lựa chọn phù hợp với nhu cầu thực tế.
Ngoài ra, việc quy định như vậy nhằm tăng cường giữ gìn hình ảnh, đảm bảo sự tôn nghiêm của nhà giáo và của cả ngành giáo dục nhất là khi ngành đang tích cực đổi mới để thực hiện nhiệm vụ tạo nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Học sinh cũng được phát huy tính chủ động, sáng tạo, thói quen tự học, giáo viên chỉ đóng vai trò là người tổ chức, kiểm tra, định hướng.
Dù vậy, để Thông tư thực sự đi vào cuộc sống, ngành giáo dục cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát, nâng cao năng lực, phương pháp giảng dạy của giáo viên, phát huy năng lực tự học của học sinh; đổi mới công tác kiểm tra đánh giá, đảm bảo đời sống cho nhà giáo để giáo dục phát triển theo hướng công bằng và bền vững hơn.
Đồng Mão