CÔNG XÃ PARIS - KHÚC CA BI TRÁNG CỦA NHÂN LOẠI
TCGCVN - Công xã Paris 1871 là cuộc cách mạng đầu tiên của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới lật đổ chính quyền của giai cấp tư sản ở nước Pháp. Tuy chỉ tồn tại 72 ngày, nhưng Công xã Paris xứng đáng là dấu son chói lọi trong lịch sử thế giới cận đại.
Công xã Pari – Nhà nước chuyên chính vô sản đầu tiên trên thế giới
Nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự xuất hiện của Công xã Paris là do có những mâu thuẫn gay gắt, không thể điều hòa được giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản. Tuy nhiên, nguyên nhân trực tiếp là sau thất bại nặng nề của nước Pháp trong cuộc chiến tranh với nước Phổ (1870-1871), cùng với chính sách đối ngoại đầu hàng quân xâm lược và chính sách đối nội phản động của Chính phủ Pháp do A.Chie cầm đầu, phong trào đấu tranh của nhân dân và các lực lượng tiến bộ Pháp ngày càng trở nên mạnh mẽ, đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Thủ đô Paris ngày 183/1871. Chỉ mười ngày sau Hội đồng Công xã được thành lập, đảm nhiệm chức năng quản lý xã hội. Các công xã cách mạng cũng thành lập ở Lyon, Marseille, Toulouse và một số thành phố khác của nước Pháp.
Ngay sau khi ra đời, Công xã Paris đã thi hành nhiều chính sách tiến bộ như: bãi bỏ chế độ quân thường trực, thành lập Đội Vệ binh quốc dân để bảo vệ thành phố và chống lại quân đội Phổ xâm lược; giải tán cảnh sát và hiến binh; tách hoạt động của nhà thờ ra khỏi các công việc của trường học và nhà nước. Công xã còn thi hành nhiều chính sách tiến bộ khác, như: thực hiện quyền làm chủ xí nghiệp cho công nhân, thành lập các hợp tác xã sản xuất, giải quyết nạn thất nghiệp, quy định mức lương tối thiểu bắt buộc, thi hành những biện pháp bảo hộ lao động; cải thiện điều kiện nhà ở và cung cấp lương thực cho dân cư; thực hiện cải cách trường học với nguyên tắc giáo dục phổ cập bắt buộc, không mất tiền... Công xã cũng đề ra những quy định về quan hệ giữa Công xã với hoạt động của các câu lạc bộ quần chúng, tổ chức công đoàn, phụ nữ, tạo mối quan hệ gắn bó giữa nhà nước và nhân dân. Hội đồng Công xã đã ra những sắc lệnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng như: thành lập các hội liên hiệp công nhân (ở các xí nghiệp do bọn chủ bỏ lại); thực hiện chế độ kiểm soát của công nhân; tổ chức bầu cử những người lãnh đạo một số xí nghiệp nhà nước... Trong chính sách đối ngoại, Hội đồng Công xã thực hiện đường lối hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc.
Những biến đổi về đời sống chính trị, văn hóa của xã hội do Công xã thực hiện đã vượt xa những cải cách mạnh bạo nhất trong các cuộc cách mạng trước đó ở nước Pháp nói riêng và trên thế giới nói chung. Các biện pháp mà Hội đồng Công xã đề ra đã góp phần ổn định tình hình, xây dựng và củng cố chế độ xã hội mới. Đây chính là một mô hình nhà nước kiểu mới, hình thức chuyên chính vô sản đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Bộ máy chính quyền Công xã được xây dựng theo nguyên tắc dân chủ: Tất cả các thành viên của Công xã đều phải thông qua bầu cử và thực hiện lãnh đạo, quản lý theo tập thể, lấy việc phục vụ lợi ích của nhân dân lao động làm mục đích cao nhất.
Từ ngày 21 đến 28/5/1871, chính phủ phản động do A.Chie cầm đầu câu kết với quân đội Phổ đã tập trung lực lượng bao vây, phản công đánh chiếm lại thành phố Paris, giải tán Công xã và đàn áp dã man các thành viên của Công xã. Chúng tàn sát gần 30.000 người, bắt hơn 40.000 người và có nhiều người về sau cũng bị chúng xử tử. Hy sinh trên chiến lũy của Công xã còn có nhiều thành viên của Quốc tế thứ nhất, nhiều chiến sĩ cách mạng của một số nước ở châu Âu. Công xã Paris với tất cả những cảnh tượng bi tráng và đau thương, chỉ một tháng sau khi Công xã thất bại, nhà thơ Pháp Ơ-gien Pô-chi-ê (Eugène Pottie, 1816-1887) đã sáng tác bài “Quốc tế ca”. Đến năm 1888, nhạc sĩ người Bỉ là Pi-e Đê-gây-tơ (Pierre Degeyter, 1848-1932) phổ bài thơ thành nhạc. Bài “Quốc tế ca” hùng tráng từ đó đã trở thành bài ca cách mạng bất hủ của giai cấp vô sản trên toàn thế giới.
Tuy chỉ tồn tại trong 72 ngày giương cao ngọn cờ cách mạng, nhưng Công xã Paris đã để lại dấu ấn rất sâu đậm trong lịch sử phong trào công nhân quốc tế, bởi nó đã giáng đòn chí mạng đầu tiên vào chủ nghĩa tư bản, đồng thời báo hiệu sự mở đầu của thời đại cách mạng vô sản với những bài học sâu sắc về tiến hành cách mạng, thiết lập và bảo vệ nền chuyên chính vô sản.
Đương thời, C.Mác đã tổng kết những bài học kinh nghiệm của Công xã Paris trong tác phẩm “Nội chiến ở Pháp”. C.Mác đánh giá rất cao tinh thần quật cường, ý chí hy sinh anh dũng và ý nghĩa lịch sử to lớn của Công xã Paris. Nhiều vấn đề lý luận của CNXH khoa học được C.Mác xác minh, kiểm nghiệm, bổ sung và phát triển. Ông cũng chỉ ra những nhược điểm, sai lầm và nguyên nhân dẫn đến thất bại của Công xã Paris và đó đều là những bài học kinh nghiệm xương máu của giai cấp vô sản thế giới.
Trung thành với những tư tưởng của các nhà kinh điển mác xít, V.I.Lênin chỉ ra rằng: “Trong phong trào hiện nay, tất cả chúng ta đều dựa vào kinh nghiệm của Công xã Paris” [1]. Công xã Paris là cuộc cách mạng vô sản đầu tiên, là hình thức thứ nhất của chuyên chính vô sản. Hình thức thứ hai của chuyên chính vô sản chính là Nhà nước Xô viết. Từ thực tiễn xây dựng và bảo vệ Nhà nước Xô viết với những thành công và khiếm khuyết của nó, V.I.Lênin không dừng lại ở việc khẳng định nhiệm vụ hàng đầu là tổ chức, xây dựng so với nhiệm vụ trấn áp, mà đã làm rõ nội dung, biện pháp của những nhiệm vụ đó trên nhiều bình diện khác nhau.
Trên bình diện kinh tế, V.I.Lênin cho rằng, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tổ chức, xây dựng xã hội mới thì trước hết phải hoàn thành việc tước đoạt giai cấp tư sản; phát triển không ngừng lực lượng sản xuất, củng cố kỷ luật lao động mới, mà một trong những nhiệm vụ cơ bản là phải nâng cao năng suất lao động...
Trên bình diện xã hội, V.I.Lênin chỉ rõ, phải tạo ra được những quan hệ xã hội mới, những tổ chức lao động để có khả năng phối hợp các thành tựu mới nhất của khoa học và kỹ thuật với việc huy động đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. V.I.Lênin đặc biệt coi trọng nhiệm vụ quản lý toàn diện đời sống xã hội của nhà nước vô sản, trong đó quản lý kinh tế được coi là vũ khí đặc biệt quan trọng để giai cấp vô sản sau khi giành được chính quyền có thể chiến thắng giai cấp tư sản.
V.I.Lênin đưa ra luận điểm nổi tiếng: “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự vệ”[2]. Đó có thể coi đây là một trong những quy luật quan trọng nhất của sự tiến bộ lịch sử nhân loại. Thực tiễn cho thấy, Công xã Paris thất bại bởi nó không thể tự bảo vệ trước sự chống trả quyết liệt của thù trong, giặc ngoài. Bài học thành công của Cách mạng XHCN Tháng mười Nga năm 1917, lập nên nhà nước XHCN đầu tiên trên thế giới và đứng vững trước sự chống phá điên cuồng của bọn phản cách mạng trong nước, cùng sự can thiệp vũ trang của 14 nước đế quốc suốt ba năm (1918-1920), bởi nước Nga Xô viết đã “biết tự vệ” dưới sự lãnh đạo của Đảng Bônsêvich (Nga), đứng đầu là lãnh tụ V.I Lênin,
Thực tiễn trong thế kỷ XX đã chứng minh, từ khi CNXH hiện thực trên thế giới xuất hiện đến nay, các thế lực thù địch cùng các phần tử cơ hội luôn tìm mọi cách chống trả quyết liệt và thực thi mọi âm mưu, thủ đoạn hiểm độc hòng tiêu diệt CNXH trên toàn cầu. Song, âm mưu và hành động thâm hiểm của chúng có thực hiện được hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào bản lĩnh, ý chí, trí tuệ và sự đoàn kết đồng lòng của chúng ta. Những thành quả của Việt Nam trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954, trong Đại thắng Xuân 1975 và gần 40 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN trong công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, là minh chứng hùng hồn cho quan điểm “tự bảo vệ”.
Sự sụp đổ của Liên Xô và sự tan rã của hệ thống XHCN thế giới trong những thập niên cuối của thế kỷ XX, một lần nữa khẳng định luận điểm hoàn toàn đúng đắn của V.I.Lênin: Giành được chính quyền đã khó, nhưng giữ được chính quyền còn khó khăn hơn.
Ngày nay, bối cảnh thế giới có nhiều biến chuyển sâu sắc so với thời kỳ nổ ra Công xã Paris năm 1871. Cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc vẫn diễn ra rất gay go, quyết liệt dưới nhiều nội dung, hình thức mới. Song, cho dù tình hình thế giới nói chung cũng như phong trào cộng sản và công nhân quốc tế nói riêng có sự biến đổi, tác động trực tiếp đến cuộc đấu tranh giai cấp hiện nay, thì những lý tưởng cao đẹp của Công xã Paris vẫn luôn tỏa sáng và hiện hữu ở nhiều quốc gia, dân tộc; vẫn đang chiếm được con tim, khối óc của hàng tỉ người trên thế giới. Những bài học kinh nghiệm của Công xã Paris đến nay vẫn có ý nghĩa to lớn đối với chúng ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
Tài liệu tham khảo:
[1]. V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb.Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1979, tập 9, tr.414.
[2]. V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb.Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1979, tập 37, tr.145.
[3]. TS. Ngô Hoàng Anh – Th.s Lê Thị Nghệ (2022), Công xã Pari – hình thức nhà nước chuyên chính vô sản đầu tiên trên thế giới; https://tuyengiaokontum.org.vn/ Lich-su/cong-xa-pari-hinh-thuc-nha-nuoc-chuyen-chinh-vo-san-dau-tien-tren-the-gioi-4308.html
Đại tá, ThS. Nguyễn Đức Thắng
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng