SUY NGHĨ VỀ ĐỔI MỚI CĂN BẢN, TOÀN DIỆN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO KHI ĐỌC “LUẬN BÀN VỀ TÂM LÝ HỌC VÀ NGHIÊN CỨU CON NGƯỜI” CỦA GS. VS. PHẠM MINH HẠC
Là một giảng viên và cán bộ nghiên cứu tâm lý học được đào tạo theo hai trường phái tâm lý học - tâm lý học hoạt động của Nga và tâm lý học của Pháp, tôi có may mắn được thừa hưởng những công trình nghiên cứu tâm lý học và giáo dục học của GS. VS. Phạm Minh Hạc trong hơn 30 năm qua. Nhờ vốn liếng tâm lý học Vưgotxki qua một cuốn sách của Ông đã xuất bản ở Việt Nam, tôi đã vượt qua được những khó khăn ban đầu khi nghe các giáo sư Pháp giảng về Vưgotxki. Đối với chúng tôi, GS. VS. Phạm Minh Hạc là một nhà khoa học có tầm vóc lớn lao, không chỉ vì lý do Ông là học trò xuất sắc của những nhà tâm lý học nổi tiếng của thế kỷ 20 như A. Luria, A.N. Leonchiev, mà còn vì những cống hiến của Ông trong việc xây dựng nền tâm lý học Việt Nam từ những ngày đầu tiên cho đến nay.
GS. Viện sĩ Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
Đầu năm 2014, khi đang cùng các đồng nghiệp ở Học viện Quản lý giáo dục triển khai Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, tôi lại được thụ hưởng những gợi ý sâu sắc về giải pháp thực tiễn qua một cuốn sách mang tính chuyên khảo của Ông: “Luận bàn về tâm lý học và nghiên cứu con người”, do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành vào tháng 1-2014.
Cuốn sách dày 559 trang khổ lớn, tập hợp những bài viết của GS. Phạm Minh Hạc về tâm lý học, giáo dục học và nghiên cứu con người trong suốt 3 thập niên gần đây. Cuốn sách chứa đựng những thông điệp, suy tư, trăn trở của tác giả trong một quãng thời gian dài gắn bó với sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Điều cuốn hút đầu tiên của cuốn sách là những luận điểm cơ bản của tâm lý học được tác giả đề cập làm cơ sở lý luận cho phần luận bàn của mình lại mang màu sắc thực tiễn, định hướng cho hành động chứ không thuần túy là lý luận.
Ngay từ bài viết mở đầu, cách đây 40 năm về “Cơ sở phương pháp luận của tâm lý học hiện đại”, đăng trên Tạp chí Giáo dục số 1/1979, tác giả đã đứng về phía Tâm lý học hoạt động, với khẳng định“Tâm lý và hoạt động không bao giờ tách rời nhau - đây là tư tưởng chỉ đạo toàn bộ tâm lý học mác xít” (tr. 16).
Nếu trở lại đúng với luận điểm xuất phát trên đây, coi hoạt động là phạm trù trung tâm, thì các nhà tâm lý học, giáo dục học Việt Nam sẽ có nhiểu đóng góp sáng tạo mới cho công cuộc Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Đó cũng là kỳ vọng của GS. Phạm Minh Hạc, khi Ông cùng với thế hệ các nhà tâm lý học đầu tiên của Việt Nam bắt đầu xây dựng nền tâm lý học Việt Nam (PMH. tr. 16).
Hoạt động theo quan điểm của tác giả phải được tiếp cận dưới góc độ khoa học, theo phương pháp tiếp cận hệ thống – cấu trúc. Trong nghiên cứu tâm lý học, phương pháp này gợi mở rất nhiều cho các nhà tâm lý, giáo dục nhằm kiểm soát những sai lầm khá phổ biến trong thực tiễn nghiên cứu và ứng dụng tâm lý học trong những thập niên qua. Đó có thể là những sai lầm do không tính đến đầy đủ các đặc điểm như: tính chất tổng thể, trọn vẹn của đối tượng nghiên cứu; sự vận động, biến đổi, phát triển và tính ổn định tương đối của các hiện tượng tâm lý, mối quan hệ của hiện tượng được nghiên cứu trong hệ thống của các hiện tượng tự nhiên và xã hội,…Với một khoa học xã hội nhân văn như tâm lý học, nếu thiếu phương pháp tiếp cận hệ thống – cấu trúc, tâm lý học sẽ bị lệch hướng, những sản phẩm của tâm lý học sẽ trở nên phiến diện.
Song hành với phương pháp tiếp cận hệ thống – cấu trúc là phương pháp tiếp cận hoạt động - nhân cách. Nếu như tiếp cận hệ thống – cấu trúc là chìa khóa đảm bảo tính khoa học cho tâm lý học, thì tiếp cận hoạt động - nhân cách là chìa khóa làm nên tính nhân văn của tâm lý học, làm nên tính đặc thù của tâm lý học hoạt động và đem lại giá trị ứng dụng lớn lao của nó trong giáo dục và đào tạo. Theo GS. Phạm Minh Hạc, hoạt động đích thực phải làm cho “con người với tính cách là chủ thể của hoạt động trở thành nhân cách” (PMH, tr. 49).
Tiếp cận này được tác giả khai thác sâu hơn nữa và gần hơn nữa so với mục tiêu giáo dục bằng những nghiên cứu về giá trị nhân cách. Có thể nói mạch tư duy của tác giả đi từ phạm trù hoạt động, tiếp cận hệ thống – cấu trúc trong tâm lý học hoạt động đến tiếp cận hoạt động - nhân cách, rồi cuối cùng đến giá trị nhân cách đã tạo ra phần cơ sở lý luận vững chắc để xem xét những hạn chế, bất cập hiện nay trong giáo dục đào tạo, đặc biệt là những hạn chế đã được chỉ rõ trong Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng: “chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu”; “chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc…”.
So với những kiến thức kinh điển trong tâm lý học hoạt động, tiếp cận giá trị nhân cách tạo nên điểm nhấn riêng của GS. Phạm Minh Hạc. Từ những đóng góp của Ông về lĩnh vực này, Ông đã được mời tham gia vào Hội đồng Khoa học của Hội đồng Nghiên cứu giá trị và Triết học ở Washington, Hoa Kỳ (2002-2007).
Có lẽ với ý đồ muốn đối thoại với người đọc về những biến đổi phức tạp của xã hội và con người Việt Nam từ thời kỳ Đổi mới đến nay, tác giả đã đưa vào cuốn sách một khối lượng hơn 20 bài viết mang tính chuyên khảo sâu sắc xung quanh chủ đề giá trị nhân cách. Có thể sắp xếp các bài viết theo chủ đề này thành tầng bậc, từ cổ điển đến hiện đại, từ Âu Mỹ đến Đông Á, rồi đến Việt Nam:
- Các công trình nghiên cứu ở các nước Âu Mỹ: ngoài luận điểm của học thuyết Mác xít về giá trị, với các tác giả khác, cho dù không cùng chung lập trường Mác xít, tác giả vẫn dành cho các học thuyết của họ sự trân trọng, sự đánh giá công bằng, khách quan nhằm tìm ra những giá trị phổ quát có thể vận dụng được vào hoàn cảnh Việt Nam. Người đọc có thể tìm thấy ở đây các khảo cứu về giá trị học trong các lý thuyết Hiện tượng học và Hiện sinh, trong cách tiếp cận của Robert S. Hatman, về các giá trị dân chủ nhân quyền ở Mỹ,…
- Những nghiên cứu về giá trị ở Đông Nam Á và Đông Á: phần này giúp người đọc hiểu được những giá trị đặc thù của Á châu, bên cạnh những giá trị chung với các nước Âu Mỹ. Và chính những giá trị Á châu đã giúp cho một số nước Đông Á khẳng định con đường phát triển của mình thành những mô hình, những cường quốc. Theo lôgic đó, người đọc sẽ tự suy nghĩ về những giải pháp phát triển bền vững của Việt Nam trong bối cảnh giao lưu và tiếp biến văn hoá.
- Những nghiên cứu về về giá trị ở Việt Nam: phần này tác giả nhấn mạnh những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, những giá trị nhân văn trong nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh và coi đó là định hướng cho hệ giá trị Việt Nam trong thời đại mới.
Các thế hệ Bộ trưởng Giáo dục - từ trái qua: Ông Nguyễn Minh Hiển, ông Phạm Minh Hạc,
bà Nguyễn Thị Bình, ông Nguyễn Thiện Nhân, ông Trần Hồng Quân, ông Phạm Vũ Luận
Sau khi điểm qua các nghiên cứu giá trị như trên, tác giả đi đến một khái quát rất thú vị về 3 giá trị phổ quát đã được thử thách trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại và phủ kín không gian của mọi châu lục: Chân, Thiện và Mỹ. Mặc dù bộ ba giá trị này đã được các bậc tiền nhân bàn đến nhiều, song đối với chúng tôi, 12 trang viết của tác giả về Chân Thiện Mỹ (PMH: Chân, Thiện, Mỹ - Ba giá trị phổ quát nhất, tr. 487-498) có sức cuốn hút kỳ lạ, vì sự ngắn gọn, súc tích với những lập luận sắc sảo đầy sức thuyết phục, kết nối được những tư tưởng của các vĩ nhân từ cổ đại đến hiện đại, từ Âu Mỹ đến phương Đông và đến Việt Nam. Về mối quan hệ giữa ba giá trị này, tác giả có cách bình luận thật ấn tượng: trong vốn từ vựng có thuật ngữ “toàn thiện, toàn mĩ”, chưa nghe nói “toàn chân”, có nghĩa là hiểu biết tri thức, chân lý luôn luôn vận động, không biết thế nào là hoàn hảo, còn “thiện” và “mĩ” trong một trường hợp nào đó, ở một thời điểm nào đó có thể thỏa mãn sự mong đợi của cộng đồng xã hội hay của cá nhân, có khi đến mức hoàn toàn thỏa mãn sự mong đợi, đến mức lý tưởng – ta nói “toàn thiện”, “toàn mĩ”. Những lệch lạc trong thực tiễn xa rời Chân, Thiện, Mỹ đều được tác giả phân tích từ góc độ của một nhà khoa học, không tư biện suy diễn từ lý luận, mà sử dụng khung lý luận để phân tích thực trạng của vấn đề từ kết quả của các công trình điều tra, nghiên cứu nghiêm túc. Do vậy, trong cuốn sách của tác giả, tiếp sau các luận điểm khoa học là một khối lượng phong phú các số liệu, tư liệu thực tiễn về thực trạng để người đọc cũng có thể dõi theo tư duy phương pháp qua những luận chứng và luận cứ khoa học dẫn đến phần luận bàn của tác giả.
Bộ ba giá trị Chân, Thiện, Mỹ có ưu thế là dễ nhớ, dễ vận dụng, có thể trở thành công cụ thường trực giúp các thầy cô giáo, các cán bộ quản lý và cán bộ nghiên cứu tự kiểm tra “hành trang giá trị” của mình xem có đầy đủ hay không và xem lại quy trình cũng như sản phẩm giáo dục đào tạo của mình có đạt được mục tiêu về giá trị hay không? Chúng ta đều ý thức được rằng, nếu như việc hình thành tri thức, năng lực kỹ thuật cho người học không phải là vấn đề quá khó, thì việc hình thành những giá trị nền tảng, phổ quát cho người học sẽ khó khăn, phức tạp hơn nhiều, đặc biệt là trong bối cảnh xã hội ngày nay. Và trong cuộc cách mạng giáo dục này, tâm lý học hoạt động với tiếp cận hệ thống – cấu trúc, nhân cách, giá trị, với bộ ba Chân, Thiện, Mĩ, theo gợi ý của GS. Phạm Minh Hạc, sẽ giúp chúng tôi - những nhà tâm lý giáo dục – trong việc xây dựng công cụ phân tích thực trạng về các vấn đề giáo dục hiện nay nhằm tìm kiếm những giải pháp khả thi và hiệu quả cho công cuộc Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của Việt Nam trong bối cảnh mới.
Tài liệu tham khảo:
- Phạm Minh Hạc (1994): Vấn đề con người trong công cuộc đổi mới. Đề tài KX-07, Hà Nội.
- Phạm Minh Hạc (1997, 1999): Tâm lý học Vygotsky. NXB Giáo dục.
- Phạm Minh Hạc (2014): Luận bàn về tâm lý học và nghiên cứu con người. NXB Giáo dục Việt Nam.
PGS. TS. Nguyễn Minh Đức
Nguyên Trưởng Khoa Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục