CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA GIÁO SƯ, TIẾN SĨ KHOA HỌC, VIỆN SĨ, NHÀ GIÁO NHÂN DÂN PHẠM MINH HẠC
TCGCVN - Ngày 26 tháng 7 năm 2024 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục cùng với Hội Cựu giáo chức Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học: “ Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Viện sĩ, Nhà giáo nhân dân Phạm Minh Hạc với sự nghiệp phát triển khoa học giáo dục Việt Nam”. Trong Hội thảo này, tác giả Tô Bá Trượng đã có bài viết về “Cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư, Viện sĩ, Nhà giáo nhân dân Phạm Minh Hạc (Độc giả có thể tìm đọc trong tác phẩm “Giáo sư, Viện sĩ, Nhà giáo nhân dân Phạm Minh Hạc với sự phát triển khoa học giáo dục Việt Nam-Nhà xuất bản Dân trí, 2024). Ở đây tác giả xin giới thiệu với bạn đọc những nét chủ yếu về Cuộc đời và Sự nghiệp của Giáo sư.
GS,VS,NGND Phạm Minh Hạc
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, phát biểu tại Hội thảo
Bộ trưởng xem các sách của GS Phạm Minh Hạc
“Trong dòng chảy của lịch sử, có những con người bằng tài năng và trí tuệ của mình đã để lại dấu ấn không thể phai mờ, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Viện sĩ, Nhà giáo nhân dân Phạm Minh Hạc là người như thế. GS Phạm Minh Hạc là một nhà giáo dục học, tâm lý học, giá trị học và con người, đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp "trồng người" của Việt Nam. Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước đầy biến động, Giáo sư, đã không ngừng nỗ lực, cống hiến trí tuệ và tâm huyết của mình cho sự nghiệp khoa học giáo dục Việt Nam.
Bài viết này không chỉ là nói một phần của bức tranh về Cuộc đời và Sự nghiệp của Giáo sư, mà còn là lời tri ân sâu sắc đến một nhân cách lớn, một trí tuệ uyên thâm, đã hy sinh cả cuộc đời mình cho sự nghiệp "trồng người". Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu và trân trọng những đóng góp to lớn mà GS Phạm Minh Hạc đã dành cho khoa học giáo dục Việt Nam.
Giáo sư Phạm Minh Hạc sinh ngày 07/5/1935 tại thôn Đông Phù, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước và hiếu học. Ông nội là Cụ Phạm Thượng Chí, là một trong sáu Đảng viên đầu tiên đứng ra thành lập chi bộ Đảng Cộng sản năm 1930 ở làng Đông Phù. Cha Ông là Cụ Phạm Phượng, tham gia cách mạng từ năm 1938.
Ông đi học từ năm 1940 ở trường Kiêm Bị Thanh Trì. 6 năm học tập ở Trường Kiêm Bị và tiểu học, trong kháng chiến chống Pháp, Ông học tại Trường Nguyễn Thượng Hiền, Liên khu III.
Năm 1954, giải phóng Thủ đô, trở về Hà Nội, Ông thi vào Đại học Văn khoa (nay là Đại học Sư phạm Hà Nội). Một năm sau Ông được cử sang Liên Xô học tại Khoa Giáo dục học của trường Đại học Sư phạm mang tên Lê Nin, sau đó chuyển sang chuyên ngành Tâm lý học tại trường Đại học Tổng hợp Lô mô nô xốp Mát scơ va. Năm 1962, Ông trở về nước, công tác tổ Tâm lý Giáo dục, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sau đó tiếp tục đi làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô.
Khi nói về cuộc đời và sự nghiệp của Ông, không thể không nói đến gia đình nhỏ của ông. Khi dạy học ở trường đại học Sư phạm Hà Nội, Ông cảm tình với một cô sinh viên vừa đẹp người, vừa đẹp nết, mà Ông cho là ông Trời đã ban tặng cho Ông. Cô sinh viên có tên là Hoàng Anh. Về Hà nội, Ông đến thăm bố mẹ Hoàng Anh, ngỏ ý muốn được yêu Hoàng Anh, được gia đình chấp nhận. Thế là Ông báo cáo với bố mẹ Ông và xin phép bố mẹ hai bên cho làm lễ cưới.
Sau lễ thành hôn, Hoàng Anh được điều động về trường làm công tác Đoàn. Ít lâu sau, được điều về khoa dạy tâm lý học. Năm 1984 được đi theo chế độ thực tập sinh 1 năm ở Mát scơ va, sau về tiếp tục công tác giảng dạy tâm lý học. Tại đây bà đã làm được luận án Tiến sĩ, và bảo vệ thành công năm 1991, Năm 2001 được phong Phó giáo sư Tâm lý học. PGS Hoàng Anh đã hướng dẫn nhiều thạc sĩ và tiến sĩ. Bà là tác giả và đồng tác giả một số sách như: Giao tiếp sư phạm (1995); Giáo trình tâm lý học giao tiếp (2004), v.v., Sách của bà rất nhiều giáo viên và học sinh sử dụng trong công tác giảng dạy và học tập. Hai Ông bà có hai con trai là Phạm Hoàng Minh Long, thạc sĩ giáo dục học, Tổng giám đốc công ty thiết bị dạy học Thắng lợi. Phạm Hoàng Minh Ly tốt nghiệp đại học Hum bôn ở Đức, hiện làm Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ cao.
Gia đình GS,VS, NGND Phạm Minh Hạc
Như trên đã nói, sau năm học thứ nhất tại Đại học Văn khoa với những thành tích học tập tốt, ông được cử đi học ở Liên xô. Theo tấm gương của những người thầy đi trước như Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Trần Đức Thảo… Ông muốn đi vào những lĩnh vực khoa học mới và khó trong khoa học giáo dục, đó là Tâm lý học và đã chọn Tâm lý học thần kinh để làm khóa luận tốt nghiệp đại học và luận án phó tiến sỹ với đề tài “Sự phát huy trí nhớ khi não trái bị tổn thương, tính cơ động của trí nhớ” (1971). Trở về nước ông làm Phó Ban Tâm lý học Viện Khoa học Giáo dục.
Sau khi bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ khoa học tại Liên Xô với đề tài “Hành vi và hoạt động”, với quá trình học tập và nghiên cứu ở Liên Xô, Ông đã có một sự hiểu biết sâu rộng về Tâm lý học thần kinh, về hai trường phái: Tâm lý học hành vi và tâm lý học hoạt động là những lĩnh vực tiêu biểu nhất trong Tâm lý học thế giới thế kỷ XX. Ông được xem là một trong rất ít chuyên gia hàng đầu ở Việt Nam trong lĩnh vực khoa học này.
Ông có 14 năm theo học ở Liên xô, Ông được cấp học vị Phó Tiến sĩ (nay là Tiến sĩ (năm 1971) và Tiến sỹ khoa học Tâm lý học (năm 1977) tại trường Đại học Tổng hợp Lô mô nô xốp Mát scơ va. Năm 1984 Ông được phong học hàm Giáo sư và đến năm 1999 được phong Viện sỹ Viện hàn lâm khoa học chính trị tại Nga.
Những năm 1991 – 2006, mặc dù bận công tác trên cương vị Phó Ban Thường trực Ban Khoa giáo Trung ương, nhưng Giáo sư Phạm Minh Hạc được giao phụ trách 3 chương trình khoa học – công nghệ cấp Nhà nước (KX-07, KHXH- 04, KX-05). Ông cùng các thành viên khác của chương trình hoàn thành có chất lượng các đề tài. Riêng ông đã có một số công trình chuyên đề như “Giá trị học – cơ sở lý luận góp phần đúc kết vào xây dựng hệ giá trị chung của người Việt thời nay” (2010), “Tìm hiểu các giá trị dân tộc Việt Nam với Tâm lý học và Giáo dục học” (2015), qua đó bắt đầu đề cập đến Tâm lý học giá trị, Giáo dục học giá trị, giá trị trong cấu trúc nhân cách, giá trị loài, giá trị dân tộc và giá trị bản thân.
Mới đây, Giáo sư, Viện sĩ Phạm Minh Hạc lại vừa mới công bố “Triết lý giáo dục thế giới và Việt Nam” (2012), “Học thuyết Tâm lý học Sigmund Freud” (2013), “Học thuyết Tâm lý học Lev Xêminônvich” (2015).
Với phong cách làm việc nghiêm túc và ý chí phấn đấu không ngừng nghỉ, Giáo sư Phạm Minh Hạc đã tham gia biên soạn, xuất bản hơn 80 đầu sách, phát hành cả trong nước và nước ngoài, trong đó gần 40 đầu sách là Chủ biên, đồng chủ biên, dịch giả, đồng dịch giả. Có thể nói Ông là ngọn cờ tiên phong trong khoa học tâm lý, giáo dục, con chim đầu đàn của khoa học giáo dục Việt Nam.
Trong Đại hội Đảng lần thứ VII, tháng 2/1986- Giáo sư Phạm Minh Hạc được bầu là ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và sau đó được cử làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, rồi thứ trưởng thứ nhất Bộ Giáo dục và Đào tạo, rồi sau đó nhận chức vụ Phó Trưởng ban thứ nhất Ban Khoa giáo Trung ương. Ông là người sáng lập và là Viện trưởng Viện nghiên cứu con người thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam từ năm 1999 – 2007. Từ năm 2013 – 2015 Ông giữ chức Viện trưởng Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người thuộc Liên hiệp Hội Khoa học – kỹ thuật Việt Nam.
GS Phạm Minh Hạc là người đồng sáng lập, đồng thời là người đứng đầu Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam. GS Phạm Minh Hạc đã cùng các đồng nghiệp tập hợp lực lượng các nhà nghiên cứu và giảng dạy tâm lý học, giáo dục học cả nước, nhằm góp phần phát triển tâm lý học, giáo dục học và khoa học giáo dục. Đến nay Hội đã tồn tại gần 30 năm. Hội đã thực sự trưởng thành với nhiều hoạt động đa dạng. Có được các thành tựu đó phải kể đến vai trò lãnh đạo của Chủ tịch Phạm Minh Hạc.
Năm 2004, Giáo sư Phạm Minh Hạc được bầu là Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam bên cạnh Chủ tịch danh dự là Nhà giáo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Đại hội lần thứ nhất (03/7/2004).
Suốt 15 năm trên cương vị Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, GS Phạm Minh Hạc đã xây dựng, phát triển Hội Cựu giáo chức Việt Nam, đến nay đã trở thành một hệ thống các Hội trong cả nước, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho những nhà giáo, cán bộ viên chức giáo dục về hưu như một sự tri ân đối với một người đã cống hiến cả cuộc đời cho giáo dục, đồng thời xác lập vị thế Nhà giáo trong xã hội.
Cả cuộc đời cống hiến cho giáo dục, cho nghiên cứu khoa học giáo dục, GS Phạm Minh Hạc đã được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân vào năm 2010; Năm 2000 được thưởng Huân chương Lao động hạng nhất và năm 2004 được thưởng Huân Chương Độc lập Hạng Nhất.
Với kiến thức khoa học uyên thâm, với tác phong công tác tỉ mỉ, sát thực tiễn, gần gũi với cấp dưới, GS Phạm Minh Hạc đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tin tưởng giao nhiều trọng trách, được bè bạn, đồng chí, học trò trân quý và kính trọng. Những bài viết tham luận và sự có mặt của hơn 130 các đại biểu tại hội thảo này, tuy ngắn ngủi về thời gian và điều kiện nhưng đã thể hiện những tình cảm, ký ức, kỷ niệm tốt đẹp về một Nhà khoa học, Nhà quản lý, Nhà hoạt động xã hội, Người thày, người bạn, Người đồng nghiệp chân thành, cởi mở.
Nhân dịp Giáo sư, sắp bước sang tuổi 90, xin kính chúc GS mạnh khỏe an vui với tuổi mới, kính chúc Đại gia đình giáo sư mạnh khỏe, thành công trong học tập và công tác”.
PGS.TS. Tô Bá Trượng
Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục