Yêu cầu sửa đổi, bổ sung chế độ tiền lương, phụ cấp cho giáo viên
TCGCVN- Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ chủ trì rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp, ưu đãi của nhà giáo theo đúng chủ trương và lộ trình cải cách tiền lương.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 32 kế hoạch thực hiện Nghị quyết 686/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết 88/2014 và Nghị quyết 51/2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Chính phủ yêu cầu sửa đổi, bổ sung chế độ tiền lương, phụ cấp cho giáo viên
Theo đó, Chính phủ giao Bộ GD&ĐT đề xuất, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính xây dựng thang bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo và phụ cấp ưu đãi theo nghề (nếu có) đối với viên chức chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp, ưu đãi của nhà giáo theo đúng chủ trương và lộ trình cải cách tiền lương.
Bộ Tài chính chủ trì sửa đổi, bổ sung các quy quy định về cơ chế quản lý, cấp phát ngân sách nhà nước đối với cơ sở giáo dục phổ thông. Việc sửa đổi thực hiện theo hướng chuyển từ hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục phổ thông công lập sang hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng người nghèo, đối tượng chính sách.
Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nghị định về tăng cường các điều kiện bảo đảm triển khai đổi mới giáo dục phổ thông thay thế Nghị định 111/2022, Nghị định 76/2019 bảo đảm phù hợp thực tiễn.
Đáng chú ý, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT bố trí bảo đảm ngân sách cho GD&ĐT theo quy định, ưu tiên bố trí ngân sách chi thường xuyên cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
Đồng thời, Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT đề xuất hình thức hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho địa phương nhằm bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong giai đoạn 2024-2025 và các năm tiếp theo, nhất là các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Đối với các địa phương, Chính phủ yêu cầu tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại địa phương; thực hiện linh hoạt, bố trí, sắp xếp giáo viên đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu theo quy định…
Thu Hà