XÂY DỰNG, BỒI DƯỠNG PHẨM CHẤT “BỘ ĐỘI CỤ HỒ” CHO ĐỘI NGŨ NHÀ GIÁO QUÂN ĐỘI - NHỮNG KINH NGHIỆM RÚT RA
Học viện Chính trị là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị và nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn quân sự hàng đầu của Quân đội, đội ngũ nhà giáo ở Học viện Chính trị có vai trò quan trọng, quyết định chất lượng công tác giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học. Xây dựng, bồi dưỡng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” cho đội ngũ nhà giáo là việc làm có ý nghĩa quan trọng và hết sức cần thiết, nhằm củng cố, tăng cường bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và lòng kiên nhẫn, vững vàng trước mọi khó khăn thử thách, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Phẩm chất nhà giáo của quân đội nói chung, Học viện Chính trị nói riêng là sự kế thừa, tiếp nối truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của thế hệ cha anh trong lịch sử, không ngừng được bồi đắp, phát triển trong thời kỳ mới. Đó là lòng trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân; có đạo đức cách mạng trong sáng, lối sống trung thực, khiêm tốn, giản dị; luôn tâm huyết, tận tâm, hết lòng vì học viên thân yêu; thường xuyên tích cực tu dưỡng, rèn luyện về mọi mặt, nhất là trình độ kiến thức, chuyên môn; có phương pháp, tác phong khoa học, trách nhiệm cao, mẫu mực, mô phạm, là tấm gương sáng cho học viên noi theo; có tinh thần kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện sai trái; có tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và xây dựng đơn vị.
Quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, nhất là Kết luận số 01- KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết số 847- NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Ban Giám đốc Học viện đã lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa, triển khai các chủ trương, biện pháp, chương trình, kế hoạch sát với đặc điểm, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn của Học viện [1], trong đó đã chú trọng quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo về mọi mặt; tập trung bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức lối sống, phương pháp, tác phong công tác; ý thức trách nhiệm, tình yêu nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo trong Học viện để ngày càng có nhiều giờ giảng tốt, bài giảng hay, những tấm gương nhà giáo mẫu mực, kiên trung, tận tụy với nghề, với sự nghiệp trồng người trong quân đội.
Thường xuyên chăm lo, xây dựng đội ngũ nhà giáo về số lượng, chất lượng và cơ cấu hợp lý, trong đó đã tập trung làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn để có được những con người “vừa hồng, vừa chuyên”, miệt mài trên bục giảng. Phát huy vai trò đội ngũ nhà giáo trong nghiên cứu khoa học, trong đấu tranh với các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch với những bài viết sâu sắc, thuyết phục và hiệu quả góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới. Qua các cuộc thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng các nhà giáo của Học viện luôn có những bài viết sắc sảo, thuyết phục, phản ánh hơi thở của cuộc sống, đạt được giải cao ở các cấp [2]. Bên cạnh đó, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao năng lực, trình độ sư phạm cho nhà giáo như: tạo điều kiện cho đội ngũ nhà giáo rèn luyện bản lĩnh sư phạm, nâng cao về tri thức, sáng tạo về phương pháp; chủ động tổ chức các hoạt động như hội thảo, giao lưu, tọa đàm, sinh hoạt học thuật, nói chuyện chuyên đề về nhà giáo... góp phần giúp đội ngũ nhà giáo có điều kiện học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, hoàn thiện chuyên môn và phẩm chất chính trị. Các cơ quan chức năng đã phát huy tốt vai trò tham mưu, đề xuất với cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì các cấp, phối hợp chặt chẽ với khoa giáo viên trong nâng cao phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” của đội ngũ nhà giáo; chủ động nắm, đánh giá thực chất phẩm chất chính trị của đội ngũ nhà giáo để có nội dung tham mưu đúng, trúng; thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động nâng cao và có nhiều biện pháp tạo điều kiện cho đội ngũ nhà giáo tự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống. Chủ động xây dựng kế hoạch đưa giảng viên vào hoạt động thực tiễn, đi thực tế ở đơn vị cơ sở để rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ chỉ huy, quản lý. Nhờ vậy, phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ” của đội ngũ nhà giáo ở Học viện không ngừng được nâng lên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục và đào tạo trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức quần chúng triển khai tổ chức tốt các đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền giáo dục với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng [3] như thông qua công tác giáo dục chính trị, giáo dục pháp luật, giáo dục KHXH&NV; qua sinh hoạt ngày Chính trị và văn hóa tinh thần, ngày Pháp luật; thông qua các buổi hội thảo, tọa đàm, giao lưu; qua việc triển khai phong trào thi đua quyết thắng; các cuộc vận động...qua đó tạo sự thống nhất về nhận thức, trách nhiệm, nâng cao quyết tâm chính trị, tinh thần tự giác tu dưỡng rèn luyện của từng tập thể, cá nhân.
Để phát huy tốt hơn nữa phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ của đội ngũ nhà giáo ở Học viện trong thời gian tới, cần quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho đội ngũ nhà giáo thấm nhuần sâu sắc giá trị chuẩn mực phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ". Phát huy vai trò tự giác tu dưỡng, rèn luyện của đội ngũ nhà giáo trước hết là cán bộ chủ trì các cấp trong giữ gìn và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng trong giữ gìn và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới. Xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh trong các nhà trường Quân đội làm cơ sở cho đội ngũ nhà giáo phấn đấu, rèn luyện, cống hiến trưởng thành. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các sai phạm. Chăm lo xây dựng tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy trong sạch, vững mạnh, các tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc, tạo điều kiện thuận lợi để đấu tranh quyét sạch chủ nghĩa cá nhân, làm cho phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” được phát huy và lan tỏa sâu rộng.
Từ thực tế phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ của đội ngũ nhà giáo ở Học viện Chính trị trong thời gian qua có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho đội ngũ nhà giáo thấm nhuần sâu sắc giá trị chuẩn mực phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ".
Cấp ủy, chỉ huy các cấp tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục, cụ thể hóa các hoạt động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với nhiệm vụ giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng Học viện; tổ chức tốt việc quán triệt, thực hiện Chỉ thị, Kết luận của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với Nghị quyết 847 của Quân ủy Trung ương, làm cho đội ngũ nhà giáo thấy rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Cuộc vận động, nâng cao tính tự giác tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, năng lực và phương pháp, tác phong công tác, phấn đấu theo chuẩn mực “Bộ đội Cụ Hồ” đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Nội dung cần tập trung vào những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; giá trị cốt lõi của phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, mục tiêu lý tưởng cách mạng, phẩm chất người quân nhân cách mạng: cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, sãn sàng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc vì chủ nghĩa xã hội; về truyền thống tốt đẹp của dân tộc, quân đội, những chuẩn mực đạo đức, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới.
Hai là, phát huy vai trò tự giác tu dưỡng, rèn luyện của đội ngũ nhà giáo, trước hết là cán bộ chủ trì các cấp trong giữ gìn và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới.
Hằng năm, cán bộ chủ trì các cấp xây dựng kế hoạch phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện; trong đó phải quán triệt, cụ thể hóa các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 646-QĐ/QUTW ngày 6-11-2012 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý các cấp trong quân đội; 5 nội dung chuẩn mực xứng danh Bộ đội Cụ Hồ theo Chỉ thị số 855-CT/QUTW ngày 12-8-2019 của Thường vụ Quân ủy Trung ương, gắn với thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; qua đó phát huy vai trò tự tu dưỡng, rèn luyện của đội ngũ nhà giáo, xác định đây là một nội dung quan trọng để đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ hàng năm. Quá trình thực hiện phải đề cao tính chiến đấu, tự phê bình và phê bình, tự soi, tự sửa; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Ba là, phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng trong giữ gìn và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới.
Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa việc xây dựng, bồi dưỡng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” sát với đặc điểm tình hình các cơ quan, đơn vị và từng đối tượng, đồng thời làm tốt công tác biểu dương, khen thưởng, đánh giá, nhận xét, phân tích chất lượng tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên tạo điều kiện cho đội ngũ nhà giáo phấn đấu, tu dưỡng rèn luyện trưởng thành. Cơ quan chính trị cần làm tốt công tác tham mưu, đề xuất chỉ đạo, hướng dẫn việc triển khai thực hiện việc xây dựng, bồi dưỡng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” ở từng đơn vị một cách cụ thể, có cơ chế kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, nghiêm túc… nhằm động viên đội ngũ nhà giáo đề cao trách nhiệm, ra sức phấn đấu giữ vững, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới. Tích cực phát huy hiệu quả các mô hình, những cách làm hay, trong công tác nắm, định hướng, giải quyết tư tưởng... Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường đối thoại giữa Thủ trưởng Học viện với đội ngũ nhà giáo, giữa cấp trên và cấp dưới, lắng nghe, tiếp thu và giải quyết kịp thời vướng mắc, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong Học viện.
Bốn là, xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh làm cơ sở cho đội ngũ nhà giáo phấn đấu, rèn luyện, cống hiến trưởng thành.
Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh phong phú là điều kiện quan trọng để khơi dậy tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện. Xây dựng môi trường văn hóa phải đồng thời làm tốt việc xây dựng không gian văn hóa và các mối quan hệ tốt đẹp trong từng cơ quan, đơn vị. Theo đó, phải thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng doanh trại, các công trình văn hóa, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, chính quy, hài hòa, phù hợp với điều kiện tự nhiên và kiến trúc, thẩm mỹ, văn hóa vùng miền; đầu tư trang, thiết bị phục vụ học tập, sinh hoạt... tạo không khí vui tươi, lành mạnh trong Học viện; không để văn hóa phẩm xấu độc thẩm thấu vào đơn vị... Bên cạnh đó, cần chú trọng xây dựng đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân tốt; đội ngũ nhà giáo có tinh thần bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai, giải quyết tốt những vấn đề nảy sinh trong quá trình học tập, công tác, trong các mối quan hệ...; nâng cao "sức đề kháng" trước những tác động tiêu cực của xã hội...
Năm là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các sai phạm.
Để tạo sức mạnh trong đấu tranh, ngăn chặn và quyét sạch chủ nghĩa cá nhân, cấp ủy, tổ chức đảng các học viện, nhà trường quân đội cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, kiểm soát theo nguyên tắc: mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, quyền hạn, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; nhất là trong công tác cán bộ và các lĩnh vực dễ để chủ nghĩa cá nhân chi phối dẫn đến nảy sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp phải làm tốt công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất để kịp thời cảnh báo, phòng ngừa và xử lý sai phạm. Phối hợp chặt chẽ giữa công tác bảo vệ chính trị nội bộ với công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, chủ động nắm chắc tình hình mọi mặt của cơ quan, đơn vị, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các biểu hiện, hành vi của chủ nghĩa cá nhân, vi phạm đạo đức, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” từ sớm, từ xa. Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật đảng, kỷ luật Quân đội. Chăm lo xây dựng tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy trong sạch, vững mạnh, các tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc, tạo điều kiện thuận lợi để đấu tranh quyét sạch chủ nghĩa cá nhân, làm cho phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” được phát huy và lan tỏa sâu rộng.
Các chú thích
[1]. Kế hoạch số 50/HV ngày 23/12/2021 về thực hiện Kết luận số 01-KL/TW; Kế hoạch số 91-KH/ĐU ngày 15/4/2021 của Đảng ủy Học viện về sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW; Kế hoạch số 18-KH/ĐU ngày 21/3/2022 của Đảng ủy Học viện về thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của BCHTW
[2]. Trong cuộc thi lần thứ nhất năm 2021, tác phẩm “”Đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận đường lối quốc phòng toàn dân của đồng chí Trung tướng Nguyễn Văn Bạo, Giám đốc Học viện đạt giải Ba. Cuộc thi lần thứ 2, năm 2022 Học viện có 1.257 tác phẩm dự thi, có 23 tác phẩm được trao giải cấp Học viện,9 giải cấp toàn quân ( 3 giải A, 3 giải B, 2 giải C, 1 giải KK), 1 tác phẩm đạt giải B toàn quốc. Cuộc thi lần thứ 3, năm 2023 Học viện có 2.236 tác phẩm dự thi, có 28 giải cấp Học viện, 15 giải cấp toàn quân (3 giải A, 4 giải B, 2 giải C, 6 giải KK), có 01 giải KK cấp toàn quốc.
[3]. Tổ chức tốt đợt sinh hoạt chính trị “Tự soi, tự sửa” và các đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng; tổ chức tốt hội thi tuyê truyền về “phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ” ; Đoàn thanh niên tổ chức tốt các buổi tọa đàm “Tuổi trẻ học và làm theo Bác”, “Mỗi ngày 1 tin tốt, mỗi tuần 1 câu chuyện đẹp”; tổ chức sinh hoạt chính trị “Thanh niên Học viện phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân”. Phụ nữ có phong trào “Phụ nữ Quân đội trí tuệ, bản lĩnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới”...
Thượng tá Hoàng Anh Tuấn,
Trưởng Ban Tuyên huấn, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng