1. Vấn đề hôm nay
  2. >
  3. Tiêu điểm

Tư tưởng Hồ Chí Minh về người thầy giáo

07:51 | 14/11/2022
aA

Cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh gắn với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Hồ Chí Minh đã gắn chặt chẽ các mục tiêu giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Trong đó, giải phóng hoàn toàn con người vừa là mục tiêu chiến lược của mọi chiến lược, vừa là động lực quyết định tạo nên sức mạnh của cách mạng. Để thực hiện mục tiêu đó, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến giáo dục của nước nhà. Ngay từ thủa bình minh của tuổi trẻ, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành đã lựa chọn nghề dạy học để hoạt động cách mạng. Khi bôn ba ra nước ngoài tìm đường cứu nước, với những bút danh khác nhau, Hồ Chí minh đã lựa chọn giáo dục như một công cụ để đấu tranh với thực dân Pháp. Chính Hồ Chí Minh đã khai sinh ra nền giáo dục cách mạng Việt Nam, đã tổ chức nên các lớp học đầu tiên của nền giáo dục mới, đã trực tiếp giảng dạy và tham gia các hoạt động sư phạm như một người thầy giáo thực thụ của các lớp học đó. Quá trình hoạt động cách mạng gắn với hoạt động sư phạm đa dạng, phong phú đó, đã tạo cơ sở cho sự hình thành những tư tưởng độc đáo của Hồ Chí Minh về người thầy giáo. Hồ Chí Minh có quan niệm khá hoàn chỉnh về vai trò, nhiệm vụ, phẩm chất đạo đức, chuyên môn và phương pháp giảng dạy của người thầy giáo.

1.  Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò của người thầy giáo

Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này có nguồn gốc từ thực tiễn lịch sử vai trò của giáo viên đối với quá trình phát triển của các chế độ xã hội. Bất kỳ chế độ xã hội nào lực lượng thầy giáo vẫn là một bộ phận quan trọng mà chính quyền phải nắm giữ và sử dụng cho mục đích chính trị của mình. Dưới chế độ phong kiến ở các nước phương Tây, trường học thường được các thế lực tôn giáo nắm giữ và chi phối. Trường học và tôn giáo đã trở thành sức mạnh "thần quyền" bắt buộc các thế lực "vương quyền" phong kiến phải câu kết để thống trị xã hội. Dưới chế độ tư bản, nhà tư sản phải nắm thầy giáo, nắm nhà trường không chỉ như một công cụ để đào tạo nguồn nhân lực mà thầy giáo còn được sử dụng như một đội quân mở đường cho các cuộc chiến tranh xâm lược thuộc địa.

Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, các thầy, cô giáo đã trở thành một lực lượng tiên phong trong cuộc cách mạng tư tưởng văn hoá. V.I.Lê-nin nói: “Đội quân giáo viên phải đề ra cho mình những nhiệm vụ giáo dục to lớn và trước hết họ phải trở thành những đội quân chủ yếu trong sự nghiệp giáo dục xã hội chủ nghĩa”. V.I.Lênin đánh giá rất cao vai trò của đội ngũ nhà giáo, các thầy, cô giáo là một lực lượng mạnh mẽ, đầy trí tuệ, Đảng và những người lãnh đạo phải nắm lấy lực lượng này. Người cộng sản muốn lãnh đạo được cách mạng phải biết sử dụng các nhà sư phạm, phải "đưa các nhà sư phạm có tài hoặc có khả năng lên các chức vụ có trách nhiệm hơn, vào một phạm vi hoạt động rộng hơn"[1]. V.I.Lênin chỉ ra con đường để khẳng định quyền lãnh đạo của những người cộng sản là phải biết sử dụng các nhà sư phạm để phụ tá cho mình, coi việc sử dụng các nhà sư phạm như một tiêu chí đánh giá năng lực của người lãnh đạo: "Người cộng sản lãnh đạo chỉ có một cách duy nhất để chứng minh quyền lãnh đạo của mình, đó là tìm cho mình được nhiều, càng ngày càng nhiều, những người phụ tá trong số các nhà sư phạm thực hành, biết giúp đỡ họ làm việc, biết đề bạt họ, biết giới thiệu và chú ý đến kinh nghiệm của họ". [2]  

Trong lịch sử phát triển của nhân loại, nghề thầy giáo luôn được coi là một trong những nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Nhà giáo dục học vĩ đại Cô-men-xki đã từng nói: “Dưới ánh mặt trời, không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”. Đó vừa là sự tôn vinh vừa là yêu cầu của xã hội đối với người thầy giáo.

Ở Việt Nam, dưới chế độ phong kiến, người thầy có vị trí xã hội rất cao. Trong bậc thang giá trị xét theo cấu trúc “Quân - Sư - Phụ”, nhà giáo được xếp dưới vua nhưng trên cha mẹ. Từ thế kỷ XV, các bậc quân vương của chế độ phong kiến Việt Nam đã ý thức được rằng, “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí mạnh thì thế nước lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp. Vì vậy, các đấng thánh đế minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên. Kẻ sĩ quan hệ với quốc gia như thế, cho nên quý chuộng kẻ sĩ không biết thế nào là cùng”. Thầy giáo là người đào tạo, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Muốn có học trò giỏi phải có thầy giáo giỏi.

Kế thừa, phát triển những tư tưởng của nhân loại và dân tộc, Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò của người thầy giáo và chỉ ra chức trách nhiệm vụ của người giáo viên như sau:

- Những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh

Phát biểu tại Trường Đại học sư phạm Hà Nội (10-1964),  Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Người thầy giáo tốt, người thầy giáo xứng đáng là người thầy vẻ vang nhất, dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương. Song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang, nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân thì làm sao mà xây dựng Chủ nghĩa Xã hội được. Vì vậy nghề thầy giáo rất quan trọng, rất vẻ vang. Ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo thì phải sữa chữa"[3].

Khi nói thầy giáo là anh hùng vô danh tức là khẳng định công lao to lớn và đức tính hy sinh thầm lặng của thầy giáo, đồng thời nói lên đặc điểm của hoạt động sư phạm. Những đóng góp của thầy giáo cho xã hội không phải để đắp "tượng đồng, bia đá" hay để tính toán thành tích cá nhân mà đó là trách nhiệm lương tâm nghề nghiệp, là niềm vinh dự, tự hào của người thầy giáo. Đó là lĩnh vực hoạt động thầm lặng không có gì đột xuất, không có gì oanh liệt nhưng rất vẻ vang. Hồ Chí Minh đánh giá người thầy giáo tốt là người “vẻ vang nhất”. Đây là một sự đánh giá rất mới, hàm chứa trong đó cả những giá trị truyền thống và hiện đại về người thầy giáo và nghề dạy học. Ta cảm nhận được trong đánh giá của Hồ Chí Minh vẫn có bóng dáng về sự thanh cao của nghề dạy học, nhưng không phải thanh cao theo nghĩa “Vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu đọc thư cao”. Đó là cái thanh cao được gắn với vinh dự và trách nhiệm “vẻ vang nhất” của người chiến sĩ cách mạng, là vinh hạnh của sự nghiệp “trồng người”. Điều hết sức vẻ vang đó là việc chăm lo, dạy dỗ con em nhân dân thành người công dân tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt cho nước nhà. Hồ Chí Minh nói, hoạt động của thầy giáo  tuy không có “tượng đồng, bia đá” nhưng thầy giáo tốt thì sẽ “hữu xạ tự nhiên hương”, công lao của thầy giáo sẽ tồn tại vĩnh hằng trong nhân gian bằng “bia lòng”, “bia miệng”, đó là thứ bia không bị phai mờ bởi thời gian.

- Không có thầy giáo thì không có giáo dục

Khi nói về vai trò của sách, V.I.Lênin đã nói: “Không có sách thì không có tri thức, không có tri thức thì không có chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí Minh đã sử dụng cách nói đó để khẳng định vai trò của người thầy giáo: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục... không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hoá”[4]. Đây là cách nói vừa mang tính triết lý khoa học vừa mang tính dân gian phù hợp với tình hình thực tiễn xã hội Việt Nam. Bởi vì xã hội Việt Nam đang cần các thầy giáo tốt để phát triển giáo dục, phát triển kinh tế và văn hoá. Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của các cô giáo, thầy giáo đối với sự phát triển của xã hội. Muốn có chủ nghĩa xã hội thì phải có tri thức. Muốn có tri thức thì phải có giáo dục. Không có giáo dục thì không có tri thức. Không có tri thức thì không nói gì đến phát triển kinh tế và văn hoá. Một dân tộc không có tri thức là một dân tộc dốt và một dân tộc dốt là dân tộc yếu, một đất nước hưng thịnh là nhờ có một nền giáo dục hưng thịnh. Đó là một chân lý cho các dân tộc muốn phát triển, đồng thời là vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức nước nhà, trong đó đội ngũ thầy, cô giáo là trung tâm. Vì lẽ đó, Hồ Chí Minh luôn coi trọng sự nghiệp giáo dục, đào tạo, luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho đội ngũ giáo viên và những người làm công tác giáo dục. Trong tư tưởng của Hồ Chí Minh toát lên sự trăn trở, những yêu cầu, những lời dặn dò và kỳ vọng to lớn đối với việc xây dựng đội ngũ những người thầy trong xã hội.

“Không có thầy giáo thì không có giáo dục”, đó là sự khẳng định vai trò không thể thay thế của người giáo viên trong sứ mệnh đào tạo thế hệ trẻ. Trong tư  tưởng Hồ Chí Minh, giữa vai trò và nhiệm vụ của người thầy có mối quan hệ mật thiết, không tách rời nhau. Vai trò quan trọng của người thầy trong xã hội được thể hiện qua nhiệm vụ của họ đảm nhận. Người thầy đảm nhận tốt nhiệm vụ được giao là sự khẳng định vị trí, vai trò của họ trong xã hội. Hồ Chí Minh cho rằng, đội ngũ giáo viên luôn giữ một vị trí, vai trò vô cùng quan trọng, họ là người quyết định thành công sự nghiệp xây dựng và đổi mới nền giáo dục.

 “Không có thầy giáo thì không có giáo dục”, dưới góc độ của lý luận giáo dục, là sự khẳng định vai trò chủ thể của thầy giáo trong quá trình giáo dục. Quá trình giáo dục bao gồm hệ thống các thành tố, từ mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục đến nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục, hình thức tổ chức giáo dục, phương tiện và các điều kiện đảm bảo cho giáo dục, kết quả giáo dục, nhà giáo dục và đối tượng giáo dục. Trong hệ thống các thành tố đó, giáo viên là chủ thể quan trọng nhất, quyết định sự vận động của quá trình giáo dục. Giáo viên có trách nhiệm phải thâm nhập vào các thành tố khác, liên kết các thành tố đó trong hệ thống, định hướng sự vận động của các thành tố đó và làm cho các thành tố đó phát huy tác dụng cao nhất. Giáo viên có trách nhiệm tổ chức và xây dựng môi trường giáo dục. Giáo viên quyết định chất lượng giáo dục, “Học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu”[5]. Như vậy, người thầy giáo trong tư tưởng Hồ Chí Minh là nhân tố quyết  định quá trình vận hành của hệ thống giáo dục và chất lượng giáo dục.

- Thầy giáo là chiến sĩ trên mặt trận văn hoá giáo dục

Theo Hồ Chí Minh, trong nền giáo dục cách mạng, người giáo viên phải là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hoá. Đây là quan niệm rất mới, chỉ có đứng trên lập trường của người cộng sản mới có được quan điểm vừa mang tính cách mạng, vừa mang tính khoa học như vây. Người chiến sĩ tức là muốn nói tính chất cam go quyết liệt trên mặt trận văn hoá giáo dục. Văn hoá giáo dục không chỉ là một khoa học, một nghệ thuật mà còn là một cuộc cách mạng, đòi hỏi người giáo viên phải chiến đấu như một người chiến sĩ để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục mới do Đảng đã đề ra. Mọi hoạt động của người giáo viên phải  được xác định xu hướng chính trị tư tưởng rõ ràng.

Với tư cách là người chiến sĩ trên mặt trận văn hoá giáo dục, trước hết người giáo viên phải có nhiệm vụ đào tạo cán bộ cho nước nhà, có trách nhiệm truyền bá cho thế hệ trẻ lý tưởng đạo đức chân chính, hệ thống các giá trị, tinh hoa văn hoá của dân tộc và nhân loại, bồi dưỡng cho họ những phẩm chất cao quý và năng lực sáng tạo phù hợp với sự phát triển và tiến bộ xã hội. Theo Hồ Chí Minh, người thầy giáo có sứ mệnh đào tạo lớp người có đức, có tài kế tục sự nghiệp cách mạng. Tại lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc (ngày 13 tháng 9 năm 1958), Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải  đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ  tốt cho nước nhà. Nhân dân, Đảng, Chính phủ giao các nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho các cô, các chú. Đó là một trách nhiệm nặng nề, nhưng rất vẻ vang”[6].

Người thầy giáo xã hội chủ nghĩa khác người thầy giáo dưới chế độ thực dân phong kiến. Hồ Chí Minh so sánh chỉ ra vai trò, trách nhiệm của người thầy giáo trong thời đại mới: “Thầy giáo ngày nay không phải như trước, chỉ biết gõ đầu trẻ, miễn là có bài cho học trò học, cuối tháng bỏ lương vào túi. Bây giờ thầy giáo có trách nhiệm với nhân dân, đào tạo cán bộ ra phục vụ nhân dân[7].

Trong thực tiễn cách mạng Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội ngũ giáo viên đã thực sự hoạt động như những người chiến sĩ. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, người thầy giáo được coi là chiến sĩ tiên phong trong phong trào diệt giặc dốt, có nhiệm vụ chống nạn mù chữ, thầy giáo, cô giáo phải “chịu cực khổ, khó nhọc, hy sinh phấn đấu, để mở mang tri thức phổ thông cho đồng bào, để xây đắp nền văn hoá sơ bộ cho dân tộc[8]. Việc nâng cao dân trí là cơ  sở để khẳng định vị  thế  của dân tộc ta trên trường quốc tế. “Đồng bào bây giờ phải biết chữ hết để trả lời cho thế giới biết nước ta là một nước văn minh, ai cũng biết chữ”[9].

Theo Hồ Chí Minh, người thầy giáo là chiến sĩ làm nhiệm vụ diệt giặc dốt, xoá nạn mù chữ là gián tiếp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ chính quyền cách mạng, góp phần  đưa công cuộc kháng chiến nhanh chóng đi đến thắng lợi. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, dốt nát cũng là kẻ địch. Địch dốt nát giúp cho địch ngoại xâm. Địch dốt nát tấn công ta về tinh thần, cũng như địch thực dân tấn công ta bằng vũ  lực. Địch thực dân dựa vào địch dốt nát để thi hành chiến lược ngu dân. Địch dốt nát dựa vào địch thực dân để đưa dân ta vào nơi mù quáng, do đó “tiêu diệt được giặc dốt, tức là tiêu diệt được một lực lượng hậu thuẫn của thực dân[10].

Như vậy, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay từ những ngày đầu của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, người thầy giáo đã đóng góp quan trọng trên nhiều phương diện của đời sống xã hội. Đó là tham gia vào sự nghiệp giải phóng con người, xây dựng nền văn hóa mới, phục vụ công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Đánh giá về việc làm và công lao của người thầy trong thời kỳ này, Hồ Chí Minh khẳng định: “Một phần tương lai của dân tộc nước nhà nằm trong sự cố gắng của anh chị em. . . đồng bào ta ai cũng biết đọc, biết viết. Cái vinh dự đó thì tượng đồng bia đá nào cũng không bằng[11].

Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược thắng lợi, cách mạng Việt Nam bước vào một giai đoạn mới, nhiệm vụ khôi phục kinh tế, phát triển văn hoá, đặt ra yêu cầu bức thiết về đội ngũ cán bộ chuyên môn có trình độ về khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý kinh tế, cán bộ  văn hóa. Nhiệm vụ then chốt của đội ngũ thầy, cô giáo là đào tạo “Thầy dạy tốt, trò học tốt, cung cấp đủ cán bộ cho nông nghiệp, công nghiệp, cho các ngành kinh tế và văn hoá. Đó là nhiệm vụ vẻ vang của các thầy giáo, cô giáo”[12]

Khi miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ của các thầy, cô giáo đã được Hồ Chí Minh chỉ ra là “đào tạo những công dân tốt, những cán bộ tốt sau này, góp phần xây dựng  chủ nghĩa xã hội làm cho miền Bắc vững mạnh thành hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà[13].

Như  vậy, vai trò và nhiệm vụ  của người thầy trong tư  tưởng Hồ Chí Minh luôn gắn liền với nhiệm vụ chính trị, đường lối phát triển giáo dục để đào tạo ra những con người đáp ứng yêu cầu của cách mạng trong từng giai đoạn. Với ý nghĩa  đó, người thầy giáo cũng là người chiến sĩ cách mạng.

2. Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu cao đối với người giáo viên

Đề cao vai trò của người thầy giáo cũng là đặt ra yêu cầu cao đối với người giáo viên. “Các thầy giáo có nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang là đào tạo cán bộ cho dân tộc”[14]. Nhiệm vụ của thầy giáo không phải chỉ có dạy chữ mà còn phải dạy người. Để xứng đáng là người thầy giáo xã hội chủ nghĩa, xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội,  người thầy giáo phải thật sự  là tấm gương mẫu mực để người học noi theo. Sự gương mẫu của người thầy không phải chỉ giới hạn về đạo đức nhân cách mà còn ở tài năng trong lĩnh vực chuyên môn nghề nghiệp, trên các mặt hoạt động thực tiễn chính trị, xã hội. Người thầy giáo xã hội chủ nghĩa phải đáp ứng yêu cầu rất cao của xã hội về phẩm chất đạo đức, nhân cách và năng lực, phải là kiểu mẫu về tư tưởng, đạo đức, lối làm việc.

- Người thầy giáo xã hội chủ nghĩa phải có giác ngộ xã hội chủ nghĩa.

Thầy giáo trong chế độ xã hội chủ nghĩa phải “luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, ... tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho”[15]. Người thầy giáo xã hội chủ nghĩa phải có đạo đức cách mạng: Trung với nước, hiếu với dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thương yêu con người và tinh thần quốc tế thủy chung trong sáng.

Theo Hồ Chí Minh, phẩm chất đạo đức quan trọng nhất của người thầy giáo là phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Phục vụ Tổ quốc gắn liền với phục vụ nhân dân. Phẩm chất đạo đức này được đề  cập trong nhiều bài viết, bài nói của Hồ Chí Minh. Nói chuyện với thầy giáo, cô giáo lớp Nghiên cứu chính trị Khoá 1 Trường Đại học nhân dân, Hồ Chí Minh căn dặn: “Chân lý là cái gì lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân không phải là chân lý. Ra sức phụng sự  Tổ quốc, phục vụ nhân dân tức là phục tùng chân lý[16]. 

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, phẩm chất đạo đức phục vụ Tổ quốc của người thầy giáo có nội dung rất cụ thể. Người thầy giáo phải đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trước hết, trên hết và bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải thực hiện tốt đường lối giáo dục của Đảng và Nhà nước, phải kính trọng nhân dân, tin vào sức mạnh của nhân dân. Trong bài nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khoá II, Trường Đại học nhân dân, ngày 8 tháng 12 năm 1956, Hồ Chí Minh giải thích “Nhân nghĩa là nhân dân. Trong bầu trời không có gì quí bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”[17]. Từ sự tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, Hồ Chí Minh cho rằng sự nghiệp giáo dục đào tạo nói chung và người thầy giáo nói riêng phải dựa vào dân, gắn bó với quần chúng nhân dân để được quần chúng nhân dân tin yêu và giúp đỡ. 

- Người thầy giáo xã hội chủ nghĩa phải có lương tâm nghề nghiệp, yêu người, yêu nghề.

Người thầy cần nhất là phải có cái tâm trong sáng. Cái tâm của người thầy là sự thể hiện của tình thương yêu con người. Cái tâm trong sáng được thể hiện ở đạo đức và hành vi hết lòng vì học sinh thân yêu, tận tâm dạy bảo học sinh. Cái tâm trong sáng được thể hiện ở hành động thiết tha với nghề nghiệp, luôn luôn tìm tòi, sáng tạo để tìm ra cách dạy hay nhất, tốt nhất. Cái tâm trong sáng được thể hiện ở chính lương tâm nghề nghiệp đó là sự công bằng, công tâm đối với học sinh. Không bị sa ngã bởi những cám dỗ vật chất tầm thường. Cái tâm ấy còn được biểu hiện ở sự kiên quyết đấu tranh chống những cái xấu, cái sai trong xã hội, trong chính bản thân mình và trong đồng sự. Hồ Chí Minh dạy thầy giáo và học sinh phải thật thà. Sống thật, nói thật, làm thật để cống hiến thật sự, để lời nói đi đôi với việc làm, làm có ích cho Tổ quốc, cho nhân dân và cho xã hội, cho chính bản thân mình.

Theo Hồ Chí Minh, người thầy giáo phải có phẩm chất đạo đức thương yêu học trò, phải quan tâm săn sóc học trò với một tình cảm sâu nặng như ruột thịt, song cách thể hiện phải phù hợp với từng lứa tuổi và cấp học. Ở tiểu học, mẫu giáo các thầy giáo, cô giáo “Phải thương yêu các cháu như con em ruột thịt của mình[18]. Ở cấp đại học và trung học chuyên nghiệp thì tình thương của người thầy đối với học trò, được xây dựng trên cơ  sở dân chủ, kỷ  cương và trách nhiệm. “Dân chủ nhưng trò phải kính thầy, thầy phải quý trò chứ không phải là cá đối bằng đầu”. Đây là mối quan hệ tốt đẹp của thầy và trò trong xã hội dân chủ, có sự kế thừa những giá trị đạo lý tôn sư trọng đạo của dân tộc.

Gắn liền với phẩm chất đạo đức thương yêu học trò là phẩm chất đạo đức “thật thà yêu nghề” của người thầy. Phẩm chất yêu nghề của người thầy được biểu hiện trước hết là sự gắn bó thiết tha với nghề nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nghề giáo là một nghề lao động khó nhọc, đòi hỏi phải đầu tư nhiều thời gian, công sức, nhưng  không phải là nghề có thu nhập cao. Nếu không thiết tha với nghề nghiệp sẽ bị dao động trước hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, Hồ Chí Minh thường căn dặn những người làm thầy “nên yên tâm công tác” không nên “đứng núi này trông núi nọ, muốn thay đổi công tác, kèn cựa vì địa vị”[19]  

- Người thầy giáo xã hội chủ nghĩa phải mô phạm về mọi mặt.

Thầy giáo thời nào cũng được xã hội tôn trọng, vinh danh bởi vì người thầy luôn tượng trưng cho những gì chuẩn mực nhất về đạo đức, lối sống, là “khuôn vàng, thước ngọc” cho học sinh noi theo. Hồ Chí Minh thường nhắc nhở: “các thầy, cô giáo phải trở thành tấm gương sáng, thành kiểu mẫu cho các em noi theo”, “phải làm kiểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối làm việc”[20]. Người thầy giáo như tấm gương trong cho học sinh soi vào và noi theo, trước hết là ở đạo đức và phẩm chất người thầy. Học sinh càng nhỏ, càng hay bắt chước ở thầy, cô giáo những hành vi, cử chỉ của những sinh hoạt hằng ngày, cho nên thầy, cô phải có cử chỉ và hành vi mẫu mực thật sự.

Đạo đức, lối sống của thầy cô giáo và các mối quan hệ sư phạm trong nhà trường sẽ là môi trường giáo dục mà ở đó tâm hồn, tình cảm, đạo đức của học sinh từng ngày, từng giờ được trưởng thành. Hồ Chí Minh đã nói: “Óc những người tuổi trẻ trong sạch như một tấm lụa trắng. Nhuộm xanh thì nó sẽ xanh. Nhuộm đỏ thì nó sẽ đỏ. Vì vậy sự học tập ở trong trường có ảnh hưởng rất lớn cho tương lai của thanh niên, và tương lai của thanh niên tức là tương lai của nước nhà[21]. Tấm gương của người thầy đối với học sinh là vô cùng quan trọng, “Thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh hưởng xấu”[22]. U-xin-xki cũng đã khẳng định: "Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác”.

- Người thầy giáo xã hội chủ nghĩa phải có trí tuệ và tài năng.

Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao vai trò của đạo đức, song không tuyệt đối hoá mặt đạo đức coi nhẹ lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ. Mối quan hệ giữa đức và tài là mối quan hệ giữa chuyên môn và chính trị, giống như thể xác và linh hồn không thể tác rời nhau. Hồ Chí Minh khẳng định “Chính trị là đức, chuyên môn là tài”, “Chính trị là linh hồn, chuyên môn là cái xác. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ còn cái xác không hồn[23]. Theo Hồ Chí Minh giữa đức và tài, hồng và chuyên, phẩm chất và năng lực của người thầy giáo có mối quan hệ hữu cơ và tác động qua lại lẫn nhau. Có đức là để tài năng phát triển đúng hướng, và có tài thì đức mới phát huy được tác dụng. Người thầy giáo phải chú ý cả tài cả đức, “Có tài mà không có đức là hỏng. Có đức mà chỉ i tờ thì dạy thế nào? Đức phải có trước tài[24]. Hồ Chí Minh  có quan điểm mới về vị trí đạo đức của người thầy giáo. Đó là từ đạo đức để đi đến tài năng, phải có chính trị trước rồi có chuyên môn, đức phải có trước tài.

Hồ Chí Minh luôn yêu cầu đội ngũ nhà giáo ngoài tài năng, học vấn phải có đạo đức cách mạng, “trong giáo dục không những phải có tri thức phổ thông mà phải có đạo đức cách mạng, có tài phải có đức”. Đối với người giáo viên tài và đức luôn thống nhất với nhau, chuyển hoá cho nhau trong hoạt động sư phạm. Đôi khi đức trở thành một phẩm chất không thể thiếu trong tài năng sư phạm. Bởi vì chỉ có những thầy giáo có đạo đức phát triển tốt thì mới có sức thuyết phục cao trong giáo dục học sinh. Ngược lại, người thầy giáo giỏi, có tài năng sư phạm thì mới đào tạo ra được những học trò ngoan, những cán bộ giỏi.

Theo Hồ Chí Minh, tài năng, trí tuệ của người thầy giáo trước hết phải được thể hiện ở trình độ chuyên môn. Tại Hội nghị lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập năm 1950, Hồ Chí Minh đã nói "Muốn huấn luyện thợ rèn, thợ nguội thì người huấn luyện phải thạo nghề rèn, nghề nguội"[25]. Ngoài kiến thức chuyên môn, người thầy giáo phải có những kiến thức lý luận Mác-Lênin và lý luận giáo dục. Bởi vì "Làm mà không có lý luận thì không khác gì đi mò trong đêm tối, vừa chậm chạp, vừa hay vấp váp. Có lý luận thì mới hiểu  được mọi việc trong xã hội, trong phong trào để chủ trương cho đúng, làm cho đúng"[26]. Thầy giáo phải nắm chắc quan điểm, đường lối giáo dục của Đảng.

Để dạy được cho học sinh, đòi hỏi thầy giáo phải thuần thục về phương pháp giảng dạy. Phương pháp giảng dạy phải quán triệt quan điểm: "Cốt thiết thực, chu đáo hơn tham nhiều". Hồ Chí Minh thường nhắc nhở các thầy, cô giáo rằng, giảng dạy phải phù hợp với đối tượng, theo khả năng nhận thức của người học, "cốt yếu là phải làm cho người học hiểu thấu vấn đề". Theo Hồ Chí Minh, người thầy giáo phải sâu sát, nắm rõ khả  năng nhận thức và hoàn cảnh của từng người học để tìm ra cách thức giảng dạy phù hợp. Có đối tượng phải tốn nhiều thời giờ, dạy tỷ mỉ thì mới hiểu vấn đề. Có đối tượng “cách dạy bao quát mà vẫn làm cho người học hiểu thấu được[27]. Hồ Chí Minh đưa ra quan điểm dạy theo người học, chứ không phải bắt người học phải học theo cách dạy của mình.

Ở cấp đại học là phải dân chủ trong sinh hoạt học thuật, tăng cường thảo luận để người học chủ động chiếm lĩnh tri thức, do đó, người thầy giáo “phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học". Phương pháp giảng dạy ở cấp tiểu học là phải "nhẹ nhàng và vui vẻ, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn[28]. Còn các cháu mẫu giáo, cần làm cho chúng vui, trong lúc vui cũng cần làm cho chúng học và phải làm kiểu mẫu trong mọi việc cho các em bắt chước. Hồ Chí Minh yêu cầu phương pháp giảng dạy phải sinh động, lý luận phải gắn với thực tiễn để người học dễ hiểu,“mau hiểu, mau nhớ", "tránh lối dạy nhồi sọ”.

- Người thầy giáo xã hội chủ nghĩa phải luôn cố gắng học thêm mãi.

Thầy giáo phải đại diện cho tinh thần và ý chí tự học, tự rèn. Hồ Chí Minh yêu cầu: “Các cô, các chú là những thầy giáo, những cán bộ giáo dục đều phải luôn luôn cố gắng học thêm, học chính trị, học chuyên môn. Nếu không tiến bộ mãi thì sẽ không theo kịp đà tiến chung, sẽ trở thành lạc hậu”. Theo quan niệm của Hồ Chí Minh, người đi huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình. Hơn ai hết, những người làm công tác huấn luyện phải thực hiện khẩu hiệu của V.I.Lênin: “Học, học nữa, học mãi”, phải đại diện cho tinh thần, ý chí “Học không biết chán, dạy không biết mỏi”.

Theo Hồ Chí Minh, thầy giáo dạy chữ phải đi đôi với dạy người. Nếu ít chữ, dạy không thông thì không thể dạy đức, dạy người tốt được. Cho nên làm nghề thầy phải thường xuyên học. Về điều này, Hồ Chí Minh đã yêu cầu đối với mọi người, nhưng đối với thầy giáo đây là một nhiệm vụ bắt buộc. Bởi vì không tự học, tự rèn thì không hoàn thành được nhiệm vụ. Thầy giáo phải gương mẫu trong việc tự học, tự rèn, xem đó như sự mô phạm cho học sinh noi theo.

Thầy giáo phải học suốt đời. Học hỏi là công việc phải làm suốt đời. Không ai có thể tự cho mình là biết đủ rồi, hiểu đủ rồi. Ai tự cho mình là biết đủ rồi, hiểu đủ rồi thì đó là kẻ dốt nhất. Người thầy giáo phải học hỏi nhiều lắm, từ học chữ, học chuyên môn, học cách thức dạy, phương pháp dạy, học tất cả kho tàng tri thức của nhân loại và học đạo đức mới, văn hoá mới. Việc học đối với người thầy giáo giống như cơm ăn nước uống hàng ngày. Còn sống, còn làm việc, còn hoạt động còn phải học. Hồ Chí Minh yêu cầu, những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục không được bằng lòng với kiến thức đã có, mà phải thường xuyên tích luỹ kiến thức. “Cán bộ và giáo viên cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ. Chớ tự túc, tự mãn, cho là giỏi rồi thì dừng lại. Mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, mình tự đào thải trước”[29].

Thầy giáo phải học mọi lúc, mọi nơi. Thầy giáo không chỉ học trong nhà trường mà phải học trong đời sống, trong nhân dân, trong xã hội, học trong công việc. Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc học trong nhân dân. Đối với người thầy giáo không chỉ học đạo đức trong nhân dân mà còn phải học cả tri thức trong nhân dân, học cách nói của dân. Học ở những người chung quanh và học ở chính công việc của bản thân mình. Trong công việc, trong cuộc sống sinh hoạt, trong cách xử lý, giải quyết các tình huống nảy sinh hằng ngày đều có cái ưu điểm và khuyết điểm để rút kinh nghiệm và học hỏi. Thầy giáo phải được đào tạo trong nhà trường với tự đào tạo trong thực tiễn, trong cuộc sống. Hồ Chí Minh yêu cầu các thầy giáo phải có kế hoạch và có phương pháp học mọi lúc, mọi nơi. Mỗi thầy giáo phải tự hình thành, tự lựa chọn cho mình cách thức tự học phù hợp nhất.

Đồng thời với việc đặt ra yêu cầu cao cho đội ngũ các nhà giáo, Hồ Chí Minh yêu cầu, Đảng và Nhà nước phải thường xuyên quan tâm đến thầy giáo, cô giáo cả tinh thần lẫn vật chất, và có như vậy mới có cơ sở để thầy, cô giáo sống thật tốt, dạy thật tốt. Để người thầy giáo thật sự xứng đáng với sự tôn vinh của nhân dân và xã hội, một mặt phải do chính bản thân người thầy tu dưỡng, rèn luyện và phấn đấu, mặt khác, rất cần và phải có sự quan tâm, chăm sóc của Đảng, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân, cũng như sự nghiệp trồng người phải được tạo thành từ sức mạnh toàn xã hội chứ không chỉ riêng nhà trường và các thầy, cô giáo.

Tóm lại, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, người thầy giáo xã hội chủ nghĩa là người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn hoá. Người thầy giáo luôn được xã hội tôn vinh, vì vậy mỗi thầy, cô giáo phải luôn phấn đấu vươn lên để xứng đáng với vinh dự đó. Thầy giáo phải có những phẩm chất đạo đức cách mạng, đồng thời phải có các phẩm chất của nhà sư phạm, có năng lực chuyên môn nghiệp vụ giỏi.

Ngày nay, người thầy giáo được coi như những cỗ máy cái mang tính quyết định sự nghiệp giáo dục và đào tạo - sự nghiệp đã được Đảng và Nhà nước ta xác định là quốc sách hàng đầu. Để xứng đáng với trọng trách đó, các thầy giáo, cô giáo phải không ngừng học tập về chuyên môn, nâng cao trình độ kiến thức mọi mặt, thực sự trở thành một lực lượng mạnh mẽ về trí tuệ, đủ sức cạnh tranh trong xu thế hội nhập và hợp tác quốc tế. Đồng thời phải trở thành lực lượng tiên phong trong cuộc cách mạng xã hội trên lĩnh vực văn hoá giáo dục, phải trau dồi đạo đức cách mạng, trở thành tấm gương trong sáng để học sinh noi theo.

 

[1] V.I.Lênin, Toàn tập, Tập 42, Nxb. Tiến bộ Mát-xcơ-va, 1977, trang 406

[2] V.I.Lênin, Toàn tập, Tập 42, Nxb. Tiến bộ Mát-xcơ-va, 1977, trang 407.

[3] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 11,  Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, tr.331

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, trang 184

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 9, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, trang 492

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 9, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, trang 222

[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, trang 225

[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, trang 220

[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, trang 60

[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, trang 379

[11] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, trang 220

[12] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, trang 138

[13] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 9, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, trang 494

[14] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, tr. 467

[15] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, tr. 403

[16] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, tr.216

[17] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, trang 276

[18] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, trang562

[19] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, trang 562

[20] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, trang 46

[21] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, trang 102

[22] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 9, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, trang 492

[23] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 9, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, trang 492

[24] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 9, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, trang 492

[25] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, trang 46

[26] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, trang 47

[27]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, trang 47

[28] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, trang 81

[29] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 9, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, trang 489

PGS.TS Trần Đình Tuấn

Ý kiến bạn đọc
GIẢI PHÁP GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC CHO HỌC SINH THEO QUAN ĐIỂM  “HỌC THẬT, THI THẬT, NHÂN TÀI THẬT, ĐẠO ĐỨC THẬT”
Giáo dục và văn hóa là hai lĩnh vực luôn phát triển song hành cùng nhau, thâm nhập vào nhau. Trong tác phẩm “Luận bàn về Giáo dục - Quản lý Giáo dục - Khoa học giáo dục”, Giáo sư Phạm Minh Hạc có kiến giải: “Giáo dục và văn hóa có quan hệ mật thiết nhất, mật thiết đến mức nhiều lúc đã đồng nghĩa hai thuật ngữ này: trong lí lịch khai trình độ văn hóa – thực ra là trình độ học vấn; nói bổ túc văn hóa – thực ra là Giáo dục Bổ túc, Giáo dục Thường xuyên. Nói cách khác, ta cứ xem định nghĩa về văn hóa thì thấy văn hóa bắt nguồn từ giáo dục – theo nghĩa rộng của từ này: văn hóa là gieo trồng, lĩnh hội và sáng tạo trong quá trình sinh sống và hoạt động xây dựng nên một chất lượng mới từ những học vấn kinh nghiệm sống… do từng người, từng cộng đồng, từng dân tộc và cả loài người tạo lập nên sự phong phú tinh thần của mình”.
Hòa trong không khí tưng bừng của cả nước chào mừng tri ân các nhà giáo, vừa qua THCS-THPT Newton long trọng tổ chức “Lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11” nhằm tôn vinh những thầy giáo, cô giáo đang từng ngày từng giờ say sưa trên bục giảng để cống hiến to lớn cho sự nghiệp trồng người.
Khi nói về công lao của những thầy, cô giáo đối với sự nghiệp giáo dục miền núi Nghệ An, không thể không nói đến cố Nhà giáo Ưu tú Lô Xuân Minh – cố Hiệu trưởng Trường THSP Miền núi Nghệ An.
Hằng năm, cứ vào mùa khai trường, vào những ngày của tháng 11, trong tâm trí tôi lại sống dậy mạnh mẽ những kỉ niệm vui buồn, sâu sắc của một thuở đi dạy học nhiều gian nan vất vả, nhiều khó khăn và thương nhớ. Với tôi, tình cảm tôn sư trọng đạo, đạo lí tôn sư trọng đạo luôn luôn âm thầm, sâu lắng nhưng cũng hết sức mạnh mẽ và cao cả. Xin chia sẻ đôi điều về những ngày thương khó của một thuở đi dạy học như là sự tri ân đối với nghề nghiệp cao quý mà mình đã mang duyên nợ suốt cả cuộc đời. Và, cũng từ những ngày dạy học thương khó đó rút ra được những suy ngẫm sâu sắc về truyền thống tôn sư trọng đạo trong dòng chảy văn hóa Việt.                           
Ngày 03/11/ 2022 Hội Cựu Giáo chức tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội nghị biểu dương hội viên tiêu biểu và Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022)
Ngày 01/11/2022 Hội Cựu Giáo chức Học viện Ngân Hàng tổ chức Đại hội lần thứ 2 nhiệm kỳ 2022 -2027tại hội trường lớn Học viện Ngân hàng. Dự Đại hội có 158/235 hội viên đã được triệu tập. Đại hội vinh dự được đón tiếp các đại biểu, khách mời đại diện cho Hội Cựu giáo chức Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, Lãnh đạo Học viện Ngân Hàng.  
GCVN: Kì thi Học sinh giỏi các môn văn hóa và khoa học được tổ chức thường niên là một hoạt động chuyên môn quan trọng nhằm đánh giá chất lượng giáo dục mũi nhọn của các trường THCS.
Dạy học trực tuyến là phương thức dạy học từ xa với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, người dạy và người học thực hiện các hoạt động tương tác với nhau thông qua màn hình ảo nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ dạy học theo chương trình, kế hoạch đã xác định. Cơ sở khoa học của dạy học trực tuyến là các luận điểm triết học duy vật biện chứng về quy luật nhận thức của người học và những thành tựu của Tâm lý học, Giáo dục học hiện đại. Dạy học trực tuyến là xu thế tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, của quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục.
Kính lễ với người thầy là truyền thống đạo lý tốt đẹp của người Việt ta. Từ xa xưa người Việt hầu như ai từng đi học cũng đều thuộc câu ca: “Muốn sang thì bắc cầu kiều / Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Yêu kính thầy cô, quý trọng tri thức và vì thế vị trí của người thầy luôn được đặt rất cao trong nấc thang xã hội. Theo đà phát triển của xã hội, một số quan niệm không còn phù hợp trong xã hội hiện đại; trong đó liên quan đến môi trường giáo dục, người học có thêm nhiều phương thức, tự do hơn trong học tập. Vai trò, vị thế của người thầy và quan hệ giữa thầy cô với học sinh, với cha mẹ học sinh cũng có những thay đổi. Giáo dục không còn đơn thuần một chiều, thụ động.
Hệ thống giáo dục 4.0 áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, trên 3 ứng dụng: Một là, sử dụng các thiết bị thông minh để hỗ trợ cho giáo dục và đào tạo. Hai là, tổ chức các khóa học trực tuyến thông qua mạng Internet. Ba là, ứng dụng sáng tạo mở, kết hợp người học và máy tính để thực hiện các nhiệm vụ học tập sáng tạo.
Sáng ngày 18/10/2022, chương trình Báo cáo Dự án “Văn học sáng tạo” mùa 2 của thầy và trò trường TH - THCS Pascal (Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã diễn ra thành công tốt đẹp. Các bạn học sinh với diễn xuất ấn tượng đã mang tới buổi báo cáo những tiểu phẩm sân khấu hóa đặc sắc được lấy cảm hứng từ các bài thơ, trường ca của nhà thơ Trần Đăng Khoa  và tái hiện lại trên sân khấu. Bên cạnh đó, các bạn học sinh đã cùng tham gia hoạt động trải nghiệm trưng bày, trao đổi sách vô cùng thú vị và bổ ích.
Đam mê công nghệ thông tin thôi thúc Nguyễn Văn Hiệp xin nghỉ việc, dành toàn thời gian học lập trình online ở tuổi 25 và chuyển nghề sau ba tháng.
Sau 5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, nhiệt tình, trách nhiệm và hiệu quả, sáng 11/10/2022, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Vinh tổ chức Lễ Bế mạc đợt khảo sát chính thức đánh giá chất lượng giáo dục 04 chương trình đào tạo trình độ đại học các ngành: Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước, Kinh tế chính trị.
GD&TĐ - Hàng loạt giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Tiểu học đã được ngành giáo dục Lào Cai đưa ra để các nhà trường triển khai, tháo gỡ.
GD&TĐ - Giờ dạy có sự hài hòa giữa lý thuyết, bài tập, thực hành để học sinh nắm vững nội dung cốt lõi nhưng không được cắt xén hay giảm tiết môn học.
Điện ảnh là ngành được xác định là tiên phong trong công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Làm sao để Điện ảnh phát triển, thực sự đem lại GDP, quảng bá văn hóa con người Việt Nam ra thế giới, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Vi Kiến Thành- Cục trưởng Cục Điện ảnh để làm rõ hơn vấn đề này.
Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Hàn Quốc mới đây cho biết nhạc hội văn hóa đầu tiên trong khuôn khổ triển lãm K Expo Vietnam 2022 đã diễn ra tại thủ đô Hà Nội, mở màn cho sự kiện giao lưu văn hóa giữa Hàn Quốc và Việt Nam.
Văn hóa giao thông có lẽ là thuật ngữ được nhiều người nhắc đến từ người tham gia giao thông cho đến các bạn học sinh khi còn ngồi ghế của nhà trường. Nhưng để hiểu văn hóa giao thông là gì? Và tham gia như thế nào để thể hiện sự văn hóa thì không phải ai cũng nắm rõ được. Hãy cùng Anycar tìm hiểu rõ vấn đề này qua bài viết này nhé!
(DNTO) - Trong giai đoạn hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thành công trong chiến lược chuyển đổi số bởi rất nhiều nguyên nhân. Nhiều doanh nghiệp cho biết hiện tiến trình chuyển đổi số đang rất chậm do thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực và cả đơn vị cung cấp giải pháp.
(DNTO) - Tuần qua, bộ 3 cổ phiếu thép “đình đám” là CTCP Tập đoàn Hòa Phát HPG (+10,5%), Công ty Cổ phần Thép Nam Kim NKG (+14.9%), Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen HSG (+19,9%), đều ghi nhận mức tăng khá ấn tượng.
GD&TĐ - Nếu nhiễm lại một tuýp virus dengue khác, bệnh nhân có thể bị nặng hơn, dễ trở thành sốt xuất huyết dengue hoặc sốc dengue.
GD&TĐ - Chào mừng 92 năm ngày phụ nữ Việt Nam, Công đoàn Formosa Hà Tĩnh tổ chức giải kéo co cho nữ công nhân với những trận đấu hấp dẫn, kịch tính.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký ban hành Nghị định số 83/2022/NĐ-CP ngày 18/10/2022 quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
GD&TĐ - Một siêu thị Điện Máy Xanh ở TP. Đà Nẵng đã bị mất 130 chiếc điện thoại trị giá hơn 1,2 tỷ đồng khi cho người dân vào tránh lụt đêm 14/10.
GD&TĐ - Đầu năm 2022, khoảng 75% trường học ở Mỹ yêu cầu học sinh, giáo viên đeo khẩu trang khi học trực tiếp, theo số liệu từ Trung tâm Thống kê Giáo dục quốc gia. Đến trước khi nghỉ hè, con số này giảm xuống 15%.
GD&TĐ - Trường ĐH Oxford, Anh, tiếp tục đứng đầu danh sách trường đại học thế giới năm 2023 của THE trong 7 năm liên tiếp.
GD&TĐ -Tại Hàn Quốc, chương trình giáo dục phổ thông không tổ chức dạy thể dục cho học sinh lớp 1 và lớp 2, những năm đầu tiểu học.
GD&TĐ - Nhiều gia đình khó khăn tại Indonesia buộc phải cho con nghỉ học do không đủ khả năng chi trả học phí.
GD&TĐ - Trung Quốc đang cần hàng triệu công nhân lành nghề để duy trì hoạt động của nền kinh tế như thợ sửa ô tô, chữa điện lạnh, kỹ thuật viên máy tính… Tuy nhiên, hệ thống giáo dục nghề nghiệp nước này đã rơi vào tình trạng hỗn loạn, khiến nền kinh tế của họ không đủ khả năng để thay thế hàng triệu người có tay nghề cao sắp nghỉ hưu trong bối cảnh dân số già và lực lượng lao động bị thu hẹp.
20 năm qua đã có rất nhiều ý kiến tâm huyết của cá nhân hoặc tập thể các nhà giáo dục, các nhà khoa học trong và ngoài nước đóng góp cho sự nghiệp GD-ĐT nước nhà. Có thể kể một số kiến nghị chính sau đây: Kiến nghị của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cuối năm 1996(2), 2000(3), 2005(4); Kiến nghị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2004-2006(5); Kiến nghị của 24 GS và nhà khoa học trong và ngoài nước do GS Hoàng Tụy chủ biên năm 2004(6); Đề án kiến nghị của nhóm trí thức người Việt ở nước ngoài do GS Vũ Quang Việt chủ biên năm 2005(7); Báo cáo “lựa chọn thành công” trong đó có một phần đánh giá về GD-ĐT của nhóm GS và chuyên gia thuộc trường Đại học Harvard trình trực tiếp thủ tướng cuối năm 2007(8); Kiến nghị của nhóm nghiên cứu đề tài khoa học cấp Nhà nước do bà Nguyễn Thị Bình làm chủ nhiệm 2008(9); Riêng mảng cơ cấu hệ thống giáo dục nói chung và hệ thống dạy nghề nói riêng có kiến nghị năm 2011(10) của Đặng Danh Ánh và một số kiến nghị của 30 nhà khoa học trong và ngoài nước đã được in thành sách năm 2007(11).
GD&TĐ -Từ năm học 2022 - 2023, Bộ Giáo dục Bờ Biển Ngà ban hành quy định học sinh có điểm trung bình năm học dưới 8,5 trên thang điểm 10 sẽ bị đuổi học.