TPHCM: Tôn vinh nhà giáo đi B, nhà giáo nội đô nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam
TCGCVN - Những ký ức về một thời kỳ chiến trận đầy gian nan, vất vả mà cũng thật anh dũng, hào hoa đã được nhiều nhà giáo cùng nhau ôn lại trong buổi gặp mặt do Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức ngày 11/11 vừa qua.
Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư thường trực thành ủy TPHCM và ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố tri ân nhà giáo đi B, nhà giáo nội đô tại buổi họp mặt.
Buổi họp mặt diễn ra trong không khí thân mật, ấm cúng. Nhiều thầy cô không khỏi xúc động khi nhắc tới những kỷ niệm cũ bên đồng đội. Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư thường trực thành ủy TPHCM bày tỏ sự biết ơn, tri ân sâu sắc đối với quý thầy cô - những con người đã sống hết mình vì một thời hoa lửa, vì sự nghiệp trồng người cao quý và vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất dân tộc.
Ngày nay, khi nhắc đến cụm từ “nhà giáo đi B” hay “nhà giáo nội đo”, có thể nhiều bạn trẻ không biết. Nhưng 60 năm trước, đã có nhiều giáo viên, sinh viên miền Bắc “đầu đội trời, chân đạp đất”, “không biết sợ chết là gì”, vào chiến trường miền Nam chi viện.
Việc đi B là hoàn toàn bí mật, do Ủy ban Thống nhất Trung ương quản lý và cán bộ đi B phải gửi lại tư trang, hồ sơ, kỷ vật và toàn bộ sơ yếu lý lịch, phiếu cán bộ, thẻ Đảng, thẻ Đoàn, ảnh gia đình, nhật ký.
Ông Nguyễn Hồ Hải phát biểu tại buổi gặp mặt.
Trong giai đoạn từ năm 1961 đến 1973, đã có 10 chuyến đi B với hơn 2.700 thầy cô giáo rời bục giảng các trường phổ thông và đại học ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố miền Bắc vượt Trường Sơn vào miền Nam, được phân công về các chiến trường trọng yếu, từ miền Trung - Tây Nguyên đến Đông - Tây Nam Bộ và đã trở thành những “nhà giáo cầm súng”.
Còn nhà giáo nội đô là những thầy, cô giáo hoạt động âm thầm trong các đô thị miền Nam. Họ góp phần quan trọng trong truyền bá tư tưởng cách mạng, khích lệ lòng yêu nước và bảo vệ văn hóa dân tộc ngay giữa lòng địch. Ngoài ra, họ còn tham gia phát triển nền giáo dục giải phóng ở các căn cứ lõm và vùng địch hậu.
Sau khi chiến tranh kết thúc, các thầy cô trở về cuộc sống thường nhật, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp trồng người cao quý, mang tri thức và kinh nghiệm truyền lại cho thế hệ trẻ.
Nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, câu chuyện về các nhà giáo đi B và nhà giáo nội đô không chỉ là niềm tự hào của TP.HCM, mà còn là nguồn cảm hứng lớn lao cho thế hệ giáo viên hôm nay. Những thầy cô ấy đã truyền lại không chỉ kiến thức mà còn cả tinh thần dân tộc, tinh thần cống hiến không mệt mỏi vì nền giáo dục. Kế thừa những giá trị ấy, thế hệ giáo viên trẻ hôm nay sẽ tiếp tục hành trình trồng người, giữ vững truyền thống dạy học và cống hiến cho đất nước.
Bảo Quyên