TỔNG TIẾN CÔNG NỔI DẬY MÙA XUÂN 1975 - Ý NGHĨA LỊCH SỬ, NGUYÊN NHÂN THẮNG LỢI
Kỷ niệm 50 năm Đại thắng mùa Xuân 1975 (30/ 4/1975 – 30/4/2025)
1. Sự chuẩn bị chiến lược
Trước những thất bại và bế tắc trên chiến trường Việt Nam và sức ép chấm dứt chiến tranh của nhân dân Mỹ, Chính phủ Mỹ buộc phải xuống thang chiến tranh. Ngày 1 tháng 11 năm 1968, Tổng thống Mỹ Giônxơn tuyên bố chấm dứt hoàn toàn việc ném bom, bắn phá và mọi hành động chiến tranh chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chấp nhận họp Hội nghị Pari, đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Cùng với cuộc chiến diễn ra quyết liệt trên chiến trường miền Nam và cả cuộc “Điện Biên Phủ trên không” ở miền Bắc, cuộc đấu tranh ngoại giao gay go, phức tạp lâu dài với 4 năm, 9 tháng trên bàn hội nghị, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết vào ngày 27 tháng 1 năm 1973. Theo Hiệp định, Hoa Kỳ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam, rút hết quân Hoa Kỳ và quân các nước đồng minh cùng vũ khí, quân trang, quân dụng ra khỏi miền Nam Việt Nam, cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam.
Bộ đội lên máy bay vận tải vào miền Nam tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Hiệp định Pari ghi lại những thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đánh dấu bước ngoặt quan trọng cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta, đồng thời là thất bại nặng nề của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Tuy nhiên dù đã ký kết Hiệp định, nhưng đế quốc Mỹ vẫn chưa từ bỏ âm mưu thực hiện chủ nghĩa thực dân kiểu mới ở miền Nam nước ta mà tiếp tục tăng thêm viện trợ cho chính quyền Sài Gòn, thúc ép chính quyền tay sai phá hoại Hiệp định và tiến công cách mạng miền Nam. Trong mấy tháng đầu năm 1973, chính quyền Sài Gòn sử dụng khoảng 60% lực lượng mở các chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ” với hàng vạn cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng. một số địa phương ta không phát huy được khí thế chiến thắng khi quân Mỹ rút, không đối phó có hiệu quả hành động lấn chiếm của địch, dẫn tới để mất đất, mất dân.
Ngày 24 tháng 5 năm 1973, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp Hội nghị (mở rộng) bàn về cách mạng miền Nam. Hội nghị chủ trương: Trong khi địch dùng hành động quân sự đánh ta, ta vẫn cần phải chủ động tiến công địch, kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và pháp lý. Cuộc chiến đấu của ta vẫn tiếp diễn. Phải bảo vệ thành quả cách mạng đã giành được bằng xương máu. Hơn thế nữa, phải phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân trong điều kiện thuận lợi mới, đưa cách mạng miền Nam tiến lên.
Nghị quyết Hội nghị Bộ Chính trị tạo bước chuyển biến mới; đã giải quyết về nhận thức khắc phục tư tưởng hữu khuynh nghỉ ngơi, hòa hoãn. Đảng ủy các địa phương, đơn vị tiến hành tổng kết đánh giá tình hình, kịp thời đề ra những chủ trương mới nhằm củng cố nâng cao sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang, kiên quyết phản công và chủ động tiến công địch, giữ vững thế bố trí chiến lược để tiếp tục ngăn địch phá hoại Hiệp định Pari, đồng thời tích cực chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng cho tổng tiến công địch.
Từ giữa năm 1973, tình hình trên khắp các vùng, miền đã có chuyển biến rõ rệt. Lực lượng chủ lực được rút dần ra để củng cố bổ sung, huấn luyện theo hướng tác chiến hiệp đồng binh chủng. Các tiểu đoàn, đại đội bộ đội địa phương trở lại địa bàn cũ cùng du kích và nhân dân xây dựng thế trận đánh địch. Hoạt động lấn chiếm của địch đã bị chặn lại và thất bại về căn bản.
Cùng với hoạt động đánh địch lấn chiếm, ta khẩn trương củng cố bổ sung lực lượng, chuẩn bị cơ sở vật chất đảm bảo. Hội đồng Chính phủ ra Quyết định củng cố, mở rộng đường chiến lược Trường Sơn. Bộ Quốc phòng đã huy động 1 sư đoàn, 17 trung đoàn, 40 tiểu đoàn công binh cùng với hàng vạn thanh niên xung phong mở rộng và phát triển đường Trường Sơn, đáp ứng yêu cầu vận chuyển bộ đội, vũ khí, quân trang, quân dụng phục vụ chiến trường miền Nam và hai nước bạn. Trong 2 năm 1973, 1974 ta đã củng cố, mở rộng hơn 2.000km đường chiến lược và hơn 5.500km đường chiến dịch. Đây là công trình có ý nghĩa chiến lược đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung và trực tiếp cho cuộc tổng tiến công giải phóng miền Nam nói riêng. Hơn 10 vạn cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc bổ sung cho chiến trường miền Nam. Tính cả lực lượng tuyển quân tại chỗ thì đến cuối năm 1973, lực lượng vũ trang ba thứ quân ở miền Nam đã có bước phát triển lớn. Ta đã có 10 sư đoàn, 24 trung đoàn, 102 tiểu đoàn bộ binh và binh chủng được biên chế đủ quân, được bổ sung vũ khí trang bị kỹ thuật. Dân quân du kích có khoảng 12 vạn. Tuyến xăng dầu từ miền Bắc được nối thông ra chiến trường. Hệ thống kho tàng, gạo, đạn dự trữ được tổ chức theo các hướng chiến lược, chiến dịch.
Cục diện chiến trường và so sánh lực lượng ngày càng có lợi cho ta, thời cơ chiến lược đang chín dần.
Các quân đoàn chủ lực được thành lập: Ngày 24 tháng 10 năm 1973, Quân đoàn 1 mang tên Binh đoàn Quyết Thắng ra đời; ngày 17 tháng 5 năm 1974, Quân đoàn 2 (Quân đoàn Hương Giang ra đời; ngày 20 tháng 7 năm 1974, Quân đoàn 4 (Quân đoàn Cửu Long) ra đời. Khối chủ lực mặt trận Tây Nguyên gồm 2 sư đoàn bộ binh, 2 trung đoàn pháo binh, 2 trung đoàn phòng không, 2 trung đoàn công binh, 1 trung đoàn đặc công, 1 trung đoàn xe tăng, 1 trung đoàn thông tin… là lực lượng khá mạnh làm nòng cốt để thành lập Quân đoàn 3 (Quân đoàn Tây Nguyên) vào ngày 26 tháng 3 năm 1975. Việc thành lập các quân đoàn chủ lực đánh dấu bước trưởng thành mới về quy mô tổ chức lực lượng của quân đội ta. Với các quân đoàn binh chủng hợp thành, có trang bị khá mạnh, có sức đột kích lớn, sức cơ động cao, có khả năng chiến đấu liên tục, quân đội ta có thể mở các chiến dịch tiến công bằng lực lượng binh chủng hợp thành quy mô lớn trên các hướng chiến lược để kết thúc chiến tranh giải phóng một cách thắng lợi.
Nhạy bén phát hiện thời cơ chiến lược giải phóng miền Nam phù hợp với so sánh lực lượng trong nước cùng bối cảnh quốc tế lúc đó, tháng 10 năm 1974 Bộ Chính trị hạ quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975 và 1976. Quân ủy Trung ương xác định trong mùa khô 1974 – 1975; hướng tiến công chủ yếu của bộ đội chủ lực là Nam Tây Nguyên, mục tiêu then chốt là thị xã Buôn Ma Thuột.
Để thăm dò phản ứng của Mỹ và khả năng tác chiến của quân đội Sài Gòn, cuối năm 1974, quân ta mở Chiến dịch 14 - Phước Long, Quân đoàn 4 tiến công chi khu quân sự Bù Đăng. Sau 5 ngày, ta đã làm chủ khu Bù Đăng, diệt và bắt sống 2.000 tên địch, giải phóng một khu vực dài hơn 100km dọc đường 14 với 14.000 dân. Phát huy thắng lợi, quân ta diệt tiếp chi khu quân sự Bù Đốp và chi khu quân sự Đồng Soài. Tiếp theo, Quân đoàn 4 cùng các lực lượng phối hợp tiến công giải phóng thị xã Phước Long. Đây là tỉnh đầu tiên được giải phóng kể từ sau ký kết Hiệp định Pari. Mất Phước Long Mỹ không phản ứng gay gắt và quân đội Sài Gòn chịu thất bại mà không dám tổ chức phản công đánh chiếm lại thị xã Phước Long.
2. Chiến dịch Tây Nguyên
Tây Nguyên là một vùng cao nguyên rộng khoảng 53.000km2, gồm các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Phú Bổn, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Tuyên Đức và Quảng Đức (nay là 5 tỉnh: Gia lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng). Đây là vùng rừng núi rộng lớn, nằm trên dải cao nguyên thuộc miền Tây Trung Bộ, tiếp giáp với Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia và nối liền với hậu phương miền Bắc bằng đường chiến lược Đông - Trường Sơn.
Từ Tây Nguyên có thể phát triển xuống phía Nam bằng đường 14 và về phía Đông bằng các đường 9, 7 và 21. Tây Nguyên là địa bàn có tầm quan trọng chiến lược với cả ta và địch.
Bước vào mùa khô 1974 – 1975, quân địch hoàn toàn nhận định chủ quan sai lầm về lực lượng, khả năng và phương hướng tiến công của ta. Nên chỉ tập trung bố trí lực lượng tăng cường cho Quân khu1 từ Quảng trị đến Quảng Ngãi) và Quân khu 3 (các tỉnh Bắc Sài Gòn và Sài Gòn). Ở Tây Nguyên, địch chỉ tăng cường phòng thủ ở hướng Gia Lai, Kon Tum.
Về phía ta, để thực hiện quyết tâm chiến lược, đã tăng cường lực lượng cho Tây Nguyên, thực tế là ta ém quân để chuẩn bị đánh Buôn Ma Thuột, nhưng ta nghi binh để địch bị lừa là nếu ta có đánh Tây Nguyên thì sẽ đánh ở mặt Bắc (Gia Lai và Kon Tum).
Địa hình Buôn Ma Thuột có lợi cho ta triển khai lực lượng và binh khí kỹ thuật, lại có thể tiến công từ bốn phía. Ở Buôn Ma Thuột, lực lược địch mỏng và yếu. Nếu ta chiếm được Buôn Ma Thuột sẽ phá vỡ được hệ thống phòng ngự của địch ở cả Tây Nguyên, tạo ra một thế trận hiểm và có thể làm thay đổi nhanh cục diện cả chiến trường.
Chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu bằng cuộc tiến công đồng loạt bất ngờ thị xã Buôn Ma Thuột vào đêm mùng 9 rạng ngày 10 tháng 3. Quân địch không kịp trở tay, hoàn toàn bị động, chống đỡ yếu ớt. Đến 17 giờ 30 phút ngày 10, bộ đội ta đã chiếm được hầu hết các mục tiêu trong thị xã. Chiều 10 tháng 3, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu mới biết tin Buôn Ma Thuột bị tiến công và vội vã ra lệnh cho quân sĩ còn lại “tử thủ” đề chờ viện binh.
Sang ngày 11 đến ngày 13 tháng 3, quân ta tiến công tiêu diệt nốt các cứ điểm địch con lại trong thị xã và chuẩn bị đón đánh viện binh địch phản kích. Ngày 13 tháng 3, địch cho máy bay đổ bộ quân xuống Đông Bắc thị xã Buôn Ma Thuột. Pháo cao xã của ta bắn rơi một số máy bay lên thẳng của địch, pháo binh ta tập trung bắn vào nơi địch đổ quân; tiếp theo, bộ đội ta tiến công tiêu diệt số còn lại. Cuộc phản kích nhằm “tái chiếm” Buôn Ma Thuột của địch hoàn toàn thất bại. Thị xã Buôn Ma Thuột được giải phóng hoàn toàn.
Chiên thắng Buôn Ma Thuột đã đẩy nhanh tốc độ phát triển của Chiến dịch Tây Nguyên, tạo thế chia cắt địch về chiến lược, đẩy quân địch ở Tây Nguyên đến nguy cơ tan vỡ hoàn toàn, mở đầu bước suy sụp không thể cứu vãn của quân đội và chính quyền Sài Gòn. Ý nghĩa của trận Buôn Ma Thuột đã vượt phạm vi thắng lợi của một chiến dịch, mà mang tầm vóc, ý nghĩa chiến lược. Do thất bại quá nhanh, bất lực trước diễn biến của tình hình, nên ngày 14 tháng 3, Nguyễn Văn Thiệu đã quyết định bỏ Tây Nguyên, nhanh chóng rút quân về giữ vùng duyên hải Trung bộ.
Cuộc truy kích địch trên đường số 7 của bộ đội ta được bộ đội địa phương và nhân dân phối hợp diễn ra thần tốc trong 8 ngày từ 17 đến 28 tháng 3 đã thắng lợi giòn giã. Toàn bộ cánh quân địch rút chạy khỏi Tây Nguyên bị đánh cho tan tác, chỉ thoát về Tuy Hòa 11 xe và một bộ phận của tiểu đoàn 6 biệt động. Ta bắt sống 8.000 tên, thu và phá hủy 1.400 xe quân sự. Toàn bộ Tây Nguyên được giải phóng.
Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi đánh dấu sự lớn mạnh, trưởng thành và phát triển vượt bậc của quân và dân ta. Cục diện chiến lược trên toàn miền Nam đã có sự thay đổi nhanh chóng, thời cơ lớn đã tới.
3. Chiến dịch Trị Thiên Huế
Ngày 18 tháng 3 năm 1975, Bộ Chính trị họp mở rộng. Hội nghị nhận định thời có chiến lược đã tới, quyết tâm chuyển cuộc tiến công chiến lược thành cuộc tổng tiến công chiến lược, giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975. Ngày 24 tháng 3, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp để đánh giá tình hình và đề ra chủ trương mới. Hội nghị nhận định: Cuộc Tổng tiến công chiến lược của ta đã bắt đầu với Chiến dịch Tây Nguyên. Thời cơ chiến lược mới đã đến. Nắm vững thời cơ chiến lược, tranh thủ thời gian cao độ, tập trung nỗ lực cả nước, hành động nhanh chóng, táo bạo, bất ngờ, đánh cho địch không kịp trở tay, giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa và dự kiến có thể giành toàn thắng trước mùa mưa.
Trên hướng Trị Thiên Huế, ngày 19 tháng 3 các lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Trị tiến công địch, giải phóng thị xã và phần lớn tỉnh Quảng Trị. Tiếp đó, các lực lượng chủ lực và bộ đội địa phương quân khu Trị Thiên tiến công giải phóng Huế và toàn tỉnh Thừa Thiên vào ngày 26 tháng 3.
Địch bị mất hai tỉnh phía Bắc miền Nam, tập đoàn phòng ngự mạnh ở Quân khu 1 về cơ bản đã bị đập nát, âm mưu co cụm chiến lược vùng ven biển miền Trung phá sản, quân đội Sài Gòn lâm vào tình thế nguy khốn không gì cứu vãn nổi.
4. Chiến dịch Quảng Đà
Trên hướng Đà Nẵng, ngày 23 tháng 3, Thường vụ Khu ủy 5 và Tư lệnh Quân khu 5 quyết định tập trung toàn bộ lực lượng, đẩy mạnh tiến công giải phóng Tam Kỳ (Quảng Nam) và tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 24 tháng 3 quân ta giải phóng Tam Kỳ; tiếp đó tỉnh Quảng Ngãi được hoàn toàn giải phóng. Đà Nẵng trở nên bị cô lập. Trong tình thế lâm nguy và tuyệt vọng, Nguyễn Văn Thiệu điện cho Tổng thống Mỹ G. Pho khẩn thiết kêu cứu. Bộ trởng Quốc phòng Mỹ nêu lên giải pháp duy nhất có thể cứu chế độ Nguyễn Văn Thiệu là ném bom nguyên tử. Nhưng đó là điều chính quyền Mỹ không thể làm. Mỹ đành thúc thủ, bỏ mặc Nguyễn Văn Thiệu. Điều duy nhất Mỹ đành phải làm là phái một đoàn tàu biển đến để di tản cố vấn Mỹ cùng một số quan chức chính quyền tay sai ở Đà Nẵng.
Ngày 28 tháng 3, trên tất cả các hướng, bộ đội ta đồng loạt công kích Đà Nẵng bằng pháo binh, xe tăng, bộ binh, đập tan sự chống cự quyết liệt của địch. Ngày 29 tháng 3, thành phố Đà Nẵng được hoàn toàn giải phóng.
Chiến dịch Quảng Đà kết thúc thắng lợi. Trong chiến dịch này, ta đã đánh chiếm căn cứ liên hiệp quân sự lớn thứ hai của địch ở miền Nam Việt Nam, làm tan rã hoàn toàn quân đoàn 1 và Quân khu 1 cùng toàn bộ sư đoàn 3 bộ binh, sư đoàn thủy quân lục chiến và liên đoàn 15 biệt động quân của địch. Tính chung cả hai chiến dịch Trị Thiên và Quảng Đà, ta đã giải phóng thêm 5 tỉnh, giành thêm một địa bàn chiến lược rất quan trọng, tạo thế trận mới, thời cơ mới. Việc để mất Tây Nguyên, Trị Thiên - Huế, Đà Nẵng, trong đó có hai thành phố lớn Huế, Đà Nẵng đã đẩy chính quyền Sài Gòn vào tình thế tuyệt vọng, buộc phải rút chạy về phía Nam.
5. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử
Trên đà tiến công thần tốc như vũ bão của quân đội ta, ngày 31 tháng 3 năm 1975, Hội nghị Bộ Chính trị một lần nữa bổ sung quyết tâm chiến lược Giải phóng Sài Gòn – Gia Định trong thời gian sớm nhất, chậm nhất là trong tháng 4 năm 1975. Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng vơi phương châm Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng của quân và dân ta đã bắt đầu. Toàn bộ lực lượng quân ta đã hình thành 5 hướng tiến công vào Sài Gòn, mỗi hướng có từ 30.000 đến 50.000 người cùng các phương tiện kỹ thuật và hỏa lực.
Để phối hợp với các mũi tiến công của lực lượng vũ trang, Thành ủy Thành đội và đưa 17.000 cán bộ xuống cơ sở vận động, tổ chức cho quần chúng sẵn sàng nổi dậy và ủng hộ, giúp đỡ khi bộ đội chủ lực đánh vào nội đô.
Địch lâm vào tình trạng hoang mang, bế tắc, nhưng vẫn hy vọng có thể kéo dài cuộc chiến tranh. Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu vẫn chủ trương giữ toàn bộ Quân khu 3 và Quân khu 4, tức là từ Phan Rang xuống đến cả Nam Bộ., trong đó coi trọng tuyến phòng ngự Phan Rang, hy vọng có thể ngăn chặn các binh đoàn chủ lực quân ta ở đây.
Ở Sài Gòn, địch bố trí lực lượng mạnh, khống chế các tuyến đường lớn dẫn vào thành phố.
Ngày 1 tháng 4 năm 1975, phối hợp với các lực lượng vũ trang địa phương và sự nổi dậy của quần chúng, bộ đội ta tiếp tục tiến công giải phóng Quy Nhơn, (Bình Định), Tuy Hòa (Phú Yên). Ngày 2 tháng 4, ta giải phóng Ninh Hòa, Nha Trang và ngày 3 tháng 4, giải phóng thị xã Cam Ranh (Khánh Hòa).
Ở đồng bằng sông Cửu Long, quân và dân Quân khu 9 cùng lúc tiến công và bức rút nhiều đồn bốt địch, làm chủ đường 14, uy hiếp đường 4, áp sát Vĩnh Long, vây ép Mỹ Tho, chuẩn bị tiến công Cần Thơ, làm chủ một vùng rộng lớn ở bờ Tây sông Vàm Cỏ Đông, tạo bàn đạp tiến công Sài Gòn từ hướng Tây.
Ở miền Đông Nam Bộ, các đội biệt động, bộ đội đặc công cùng lực lượng vũ trang địa phương áp sát các vị trí xung yếu quanh thành phố Sài Gòn, bức rút hàng loạt đồn bốt dọc các hành lang vào nội đô.
Ngày 6 tháng 4, Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ Chỉ huy Chiến dịch Sài Gòn – Gia Định và quyết định Chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn – Gia Định mang tên Chiến dịch Hồ chí Minh.
Ngày 9 tháng 4, Quân đoàn 4 nổ súng tiến công Xuân Lộc. Cuộc chiến đấu ở Xuân lộc diễn ra quyết liệt. Đến ngày 20 tháng 4, quân địch phải rút chạy về Sài Gòn.
Sáng 14 tháng 4, năm 1975, quân ta nổ súng tiến công Phan Rang, Các trận chiến đấu diễn ra quyết liệt. Ngày 16 tháng 4, tuyến phòng ngự Phan Rang bị quân ta đập tan, Phan Rang và toàn tỉnh Ninh Thuận được giải phóng.
Sau thời gian khẩn trương chuẩn bị, ngày 26 Tháng 4 năm 1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mở màn với lực lượng tham gia mạnh nhất trong lịch sử tác chiến chiến dịch của quân đội ta. Năm cánh quân của chiến dịch gồm 5 quân đoàn và tương đương. Bộ binh có 15 sư đoàn, 2 lữ đoàn, 3 trung đoàn. Pháo binh có 20 lữ đoàn, trung đoàn và tiểu đoàn, 1 trung đoàn tên lửa; 6 trung đoàn đặc công; 4 lữ đoàn xe tăng - thiết giáp, các đơn vị quân binh chủng… Ngoài ra, tham gia chiến địch còn có bộ đội địa phương, dân quân du kích và các lực lượng quần chúng nhân dân phối hợp chiến đấu.
Lực lượng địch phòng thủ ở Sài Gòn có 6 sư đoàn, 4 lữ đoàn, 3 liên đoàn bảo an, cảnh sát, phòng vệ dân sự, cùng một số lực lương pháo binh, không quân. Như thế, lực lượng quân ta áp đảo hoàn toàn quân địch.
Đúng 17 giờ ngày 26 tháng 4 năm 1975, trận tổng công kích vào thành phố Sài Gòn bắt đầu. Các lực lượng binh đoàn thọc sâu cùng xe tăng của ta phá vỡ vành đai phòng thủ phía ngoài, diệt nhiều sư đoàn địch. Đến 5 giờ sáng ngày 29 tháng 4, cả 5 cánh quân ta đồng loạt tiến vào Sài Gòn. Từ các hướng, bộ đội ta tiến công với khí thế và sức mạnh không gì ngăn nổi.
Sáng 30 tháng 4, Đại sứ Mỹ chạy khỏi sài Gòn. Dương Văn Minh lên làm Tổng thống thay Trần Văn Hương liên tục đề nghị ta ngừng bắn để “bàn giao chính quyền”.
Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương điện khẩn chỉ đạo Bộ Chỉ huy chiến dịch: Tiếp tục tiến công theo kế hoạch, giải phóng Thành phố, tước vũ khí quân địch, giải thể chính quyền địch. Các mũi tiến công của ta nhanh chóng đánh chiếm các cứ điểm trọng yếu trong Thành phố.
11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, xe tăng quân Giải phóng băng qua cánh cổng sắt đánh chiếm Phủ Tổng thống nguỵ quyền Sài Gòn, kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thắng lợi
Đúng 11giờ 30 phút, quân ta tiến vào Dinh Độ lập, treo cờ cách mạng. Tổng thống Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện. Theo lệnh quân cách mạng, Dương Văn Minh phải đến Đài phát thanh Sài Gòn đọc lời tuyên bố đầu hàng, kêu gọi binh sĩ quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí, đầu hàng quân giải phóng và tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương giải tán hoàn toàn. Thành phố Sài Gòn được hoàn toàn giải phóng. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Sau chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, số chính quyền và quân đội Sài Gòn ở đồng bằng Nam Bộ và các đảo tan rã, quân và dân ta thừa thắng giải phóng toàn bộ đất nước.
Nhân viên Đại sứ quán Mỹ tháo chạy lên máy bay, rời khỏi Sài Gòn.
6. Ý nghĩa và nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
“Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc” (Đảng Cộng sản việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 37, Hà Nội 2004, tr. 471).
Đối với dân tộc ta, thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa đế quốc trên đất nước ta, khôi phục hoàn toàn nền độc lập, thống nhất của dân tộc, mở ra bước ngoặt lịch sử, đưa dân tộc ta bước vào thời kỳ cả nước độc lập, thống nhất, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Đối với thế giới, thắng lợi của nhân dân ta đã phá vỡ khâu mạnh nhất trong phòng tuyến của chủ nghĩa đế quốc ở Đông Nam Á, góp phần quan trọng làm đảo lộn chiến lược toàn cầu phản động của chủ nghĩa đế quốc, tạo ra những điều kiện thuận lợi mới cho phong trào cách mạng thế giới.
Thắng lợi của dân tộc Việt Nam một lần nữa làm sáng tỏ chân lý của thời đại mới: Trong thời đại ngày nay, một dân tộc dù nhỏ, nhưng có sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, dám đứng lên quyết chiến, quyến thắng, có đường lối và phương pháp đúng đắn, phát huy được tiềm lực của đất nước, tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế, thì nhất định đánh thắng được bất cứ giặc ngoại xâm nào, dù chúng mạnh đến đâu và từ đâu tới.
Sài Gòn mừng vui chào đón Uỷ ban Quân quản thành phố ra mắt 7/5/1975
Có được thắng lợi đó, trước hết là nhờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam có bản lĩnh vững vàng, có tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, đề ra được đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo, tiếp tục giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xác định mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược chung cả nước và hai nhiệm vụ chiến lược ở hai miền; lãnh đạo quân và dân ta đánh thắng mọi chiến lược chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và tay sai, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn.
Có được thắng lợi vĩ đại đó là nhờ đồng bào và chiến sĩ hai miền Nam, Bắc đã phát huy tinh thần yêu nước bất khuất của dân tộc, cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc, không ngại gian khổ, không sợ hy sinh, biết đánh và biết thắng vì đôc lập, tự do của Tổ quốc, vì phẩm giá con người Việt Nam, cũng vì lợi ích chung của phong trào cách mạng và nền hòa bình thế giới.
Có được thắng lợi vĩ đại đó còn nhờ sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ tận tình, to lớn, có hiệu quả của các nước xã hội chủ nghĩa, của hai nước láng giềng anh em trên bán đảo Đông Dương, của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới, kể cả nhân dân Mỹ.
Năm nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhìn lại chặng đường 50 năm qua và những thành tựu của đất nước hôm nay, chúng ta càng nhớ tới Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong bản Di chúc 1969, Bác viết: “Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta còn phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn. Tôi có ý định ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc để thăm hỏi đồng bào, cán bộ và các chiến sĩ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta. Kế theo đó, tôi sẽ thay mặt nhân dân đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe Xã hội chủ nghĩa và các nước bầu bạn năm châu, đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.”
Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, càng tự hào về lịch sử vẻ vang của dân tộc, chúng ta càng nhớ tới các anh hùng, liệt sĩ, những thế hệ người dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước ngày nay, đất nước ta đang đứng trước nhiều thời cơ và thách thức mới. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thế hệ chúng ta hôm nay cũng kiên quyết giữ vững và tiếp bước trên con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, nhân dân ta đã lựa chọn.
PGS, TS, NGƯT Vũ Như Khôi
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng