Tiết học liên kết, tiền về tay ai?
(TCGCVN) – Hiện nay, tại nhiều trường tiểu học trên toàn quốc có tình trạng chèn một số tiết học liên kết vào giờ học chính khoá. Việc này khiến không ít phụ huynh bức xúc. Một phụ huynh có con đang học lớp 1 tại TPHCM nhẩm tính số tiền học phí mà nhà trường thu từ các môn liên kết có thể lên đến gần 2 tỷ đồng/ tháng.
Thời khoá biểu của một lớp Tiểu học tại TP Thủ Đức, TP HCM. Trong đó, các môn kỹ năng sống, STEM, CLB… được chèn vào giờ học chính khoá
Thời khoá biểu của một lớp Tiểu học tại TP HCM bao gồm cả các tiết học liên kết
Hiện nay, hầu hết các trường Tiểu học đều đưa các tiết dạy Tiếng Anh tăng cường, Giáo dục kỹ năng sống, Giáo dục STEM… vào chương trình học chính khoá. Tuy nhiên, những tiết học này lại được dạy thông qua hình thức liên kết với các trung tâm bên ngoài. Trên thực tế, những nội dung giáo dục này là rất tốt đối với học sinh, nhưng cách làm của các nhà trường lại khiến những tiết học này trở thành vấn đề được nhiều người bàn cãi.
Thực chất, khoản tiền mà các trung tâm nhận được từ việc dạy liên kết này cho các trường học chỉ là một phần trong tổng số chi phí thu từ học sinh. Còn lại, nhà trường có thể giữ lại phần “hoa hồng” khá lớn. Vậy khoản thu này ai quản lý? Nó được phân bổ như thế nào?... Điều đáng nói nữa ở đây là việc chèn các tiết học liên kết vào thời khoá biểu chính khóa như vậy là sai quy định: Theo thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ GD&ĐT quy định về việc áp dụng mô hình giờ học tiết kiệm thời gian và mô hình giờ học liên kết trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, các trường học được phép áp dụng mô hình giờ học liên kết, nhưng không được phép chèn những tiết học liên kết vào giờ học chính. Thay vào đó, giờ học liên kết sẽ được xác định và tổ chức riêng, không ảnh hưởng đến giờ học chính của học sinh.
Một phụ huynh có con học lớp 1 tại trường Tiểu học ở TP HCM bức xúc: "Các cháu vừa vào lớp 1 mà phải học thêm tới 6 tiết "tự nguyện". Trong khi trường đang quá tải, mỗi lớp 47-50 học sinh, không đủ phòng cho các cháu học bán trú. Lớp con tôi chỉ được 2 ngày học bán trú, 4 ngày học 1 buổi. Cô chủ nhiệm kêu không có đủ thời gian để kèm các cháu”. Bức xúc hơn, một phụ huynh khác cho biết, khi gia đình từ chối đăng ký học thêm các tiết học ngoài thì bị cô giáo phản ứng gay gắt: “Nếu không học thì con sẽ phải ra khỏi lớp trong gờ học đó”.
Vậy câu hỏi đặt ra là: Tại sao giờ học chính khóa theo quy chế của Bộ Giáo dục mà học sinh phải ra khỏi lớp, hay nói đúng hơn là “bị đuổi ra khỏi lớp” để dành lớp học cho các “GIỜ HỌC TỰ NGUYỆN”? Các cháu sẽ ở đâu trong những giờ học ấy? Ai sẽ quản lý các cháu? Nếu xảy ra trường hợp bất trắc, ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Và điều này có khác gì là bắt ép các cháu phải học các chương trình núp dưới danh nghĩa là “tự nguyện”? Mặt khác, nhiều phụ huynh cho biết là con mình không có sự biến chuyển gì sau khi tham gia các giờ học này.
Một phụ huynh khác tính toán và cho biết số tiền học phí của các môn liên kết mà nhà trường nơi con anh đang theo học thu về mỗi tháng là không nhỏ. Cụ thể, mỗi khối có 17 lớp, mỗi lớp tối thiểu 45 học sinh, cả trường có 5 khối lớp tương đương với 3.825 học sinh. Nếu 100% học sinh đăng ký tham gia đầy đủ 6 tiết liên kết với mức học phí 500.000 đồng/tháng, số tiền nhà trường thu về là hơn 1,9 tỷ đồng/tháng. Số tiền hoa hồng mà nhà trường thu được qua hình thức liên kết này là khá lớn. Có lẽ vì thế, những giờ học “tự nguyện” đã ngang nhiên chiếm vị trí của những giờ học chính khóa của một số môn học khác, khiến học sinh và phụ huynh bức xúc.
Rất nhiều chương trình học thêm, học liên kết được đưa vào chương trình của nhà trường
Theo điều tra của phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo chức Việt Nam, không chỉ xuất hiện ở một vài cơ sở giáo dục, rất nhiều trường Tiểu học trong và ngoài thành phố đang áp dụng việc “kết hợp” các tiết học liên kết vào thời khoá biểu chính khóa như vậy. Điều này rất cần sự chấn chỉnh của ngành giáo dục.
Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng quý độc giả trong việc làm rõ vấn đề này.
Bùi Bình