Tâm thư của những người làm thư viện - thiết bị trường học
TCGCVN - Thư viện được xem là một nơi không thể thiếu đối với tất cả các hệ thống trường học, là nơi để mọi người tìm kiếm, trao đổi thông tin nhằm trau dồi kiến thức, phát triển bản thân đồng thời cũng phục vụ cho công việc học tập tại trường học. Cơ sở nào cũng có người trông coi quản lý đó là nhân viên thư viện. Hiện nay, nhiều nhân viên thư viện – thiết bị trường học đã phải xin nghỉ việc vì lương không đủ sống, nguyên nhân là cách tính lương chưa tương xứng với đóng góp của họ.
Tiết đọc thư viện trên lớp
Trích tâm thư của nhân viên thư viện, thiết bị trường học gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước trình bày nguyện vọng được quan tâm, tăng lương để yên tâm công tác, gắn bó với công việc của mình.
1. Thực trạng về công việc:
Giờ dạy thư viện tích hợp giáo dục đạo đức và kĩ năng sống cho học sinh toàn trường vào tiết chào cờ
Chúng tôi đang được xếp vào tổ văn phòng, hưởng lương và làm việc của nhân viên hành chính. Theo yêu cầu mới, nhân viên thư viện còn phải học hỏi, trau dồi thêm kiến thức như phần mềm thư viện, thư viện số, thư viện điện tử, liên thông thư viện, phải soạn giáo án tiết đọc thư viện và lên lớp như một giáo viên, trợ giảng cho giáo viên dạy tiết học tại thư viện.
- Thực trạng về thu nhập:
Ngoài mức lương cơ bản theo quy định và có thể có mức phụ cấp độc hại (Tuỳ một số huyện, tỉnh áp dụng, một số huyện, tỉnh không áp dụng) cho Nhân viên thư viện, chúng tôi không được hưởng bất kỳ khoản phụ cấp hay thu nhập nào thêm.
Các tiết đọc ở thư viện ngoài sân trường vào giờ ra chơi
Chia sẻ của chị Phạm Thị Chiêm - nhân viên thư viện Trường Tiểu Học Kim Đồng ( Tp Thái Bình, tỉnh Thái Bình) :
“Ngoài thực hiện các công việc chuyên môn của Thư viện như: Bảo quản, xử lý sách mới đúng quy trình, cho giáo viên, học sinh mượn trả theo lịch, chúng tôi còn phải thực hiện các công việc của 1 giáo viên: lên kế hoạch bài dạy, và dạy tích hợp giáo dục kĩ năng sống, giáo dục đạo đức trong các tiết chào cờ. Tổ chức các hoạt động đọc tại lớp, tại phòng đọc của trường, tại các điểm thư viện ngoài sân trường vào giờ ra chơi. Hàng tháng đi kiểm tra sách vở, đồ dùng học tập của học sinh, giám sát nề nếp học tập của học sinh một cách toàn diện.
Bên cạnh đó, tôi còn phải kiêm nhiệm công tác văn thư, công tác phổ cập, trực y tế, bán trú ... thậm chí, còn đi trợ giảng, hỗ trợ gv soạn giảng các tiết chuyên đề, các hội thi GVG ...
Với rất nhiều công việc nhưng chúng tôi hiện chưa được hưởng bất kì loại phụ cấp nào theo các Thông tư quy định của các Bộ, ngành (trong đó có phụ cấp nghề độc hại 0,2 và phụ cấp bằng hiện vật). Theo Thông tư 16/2023 của Bộ GD&ĐT, chúng tôi phải thực hiện các tiết học, phải soạn kế hoạch bài dạy cho tiết học đó, sắp xếp lịch cho tiết học..., vậy tại sao chúng tôi ko được hưởng quyền lợi nào của ngành giáo dục? Từ xưa đến nay chúng tôi vẫn luôn bị đối xử như con ghẻ của ngành giáo dục, con nuôi của ngành VH. Chúng tôi chơi vơi và bị bỏ rơi giữa các Thông tư, các Quyết định của cả hai ngành.Như thế có quá bất công với chúng tôi hay không? 17 năm công tác mới được 5,280,000đ một tháng liệu có đủ nuôi sống bản thân?”.
Tiết đọc của thư viện
Tâm sự của chị Dương Thị Diệu- làm ở Trường TH Và THCS Triêu Dương, P. Hải Ninh, TX nghi sơn, tỉnh Thanh Hoá:
“Với đồng lương ít ỏi, lại đi làm xa nhà, tính riêng việc tiền vé xe bus và gửi xe đã mất đi một phần lương của tôi.Hiện hưởng mức lương hơn 5 triệu nhưng tiền xe buýt và gửi xe đã mất 640k/tháng thêm tiền xăng xe 140 000 đ/ tháng nữa”.
Với những đóng góp như vậy nhưng tiền lương quá thấp, không thể lo cho bản thân gia đình và trang trãi cuộc sống.
Qua những chia sẻ trên, có thể thấy nhân viên thư viện- thiết bị trường học có nhiều đóng góp cho nền giáo dục. Tuy nhiên, đồng lương hiện tại trả còn thấp khiến cuộc sống khó khăn. Để theo được nghề phải bươn chải làm thêm để sống, lo cho con cái học hành.
Văn Anh, Nguyễn Thiết, Xuân Diệu