Tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực con người trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Trong các văn kiện của Đại hội Đảng gần đây, nội dung công nghiệp hóa, hiện đại hóa đều được xác định là nội dung quan trọng nhằm thực hiện quá trình công nghiệp hóa rút ngắn để sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta có khẳng định: “Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức; hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” . Bằng cách “Nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ, đổi mới và sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế” 2 và “Quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu phát triển nguồn lực và thị trường lao động” 3.
Phát triển nguồn lực con người được coi là khâu đột phá để thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; là đòi hỏi khách quan, là nhân tố quyết định thắng lợi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, điều đó được cắt nghĩa bởi những lý do chính sau đây:
Thứ nhất, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung, của quá trình CNH, HĐH nói riêng. Đảng ta luôn luôn xác định: Con người là vốn quý nhất, chăm lo cho hạnh phúc của con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất của chế độ ta… Chúng ta cần hiểu sâu sắc những giá trị lớn lao và ý nghĩa quyết
định của nhân tố con người chủ thể của mọi sáng tạo, mọi nguồn của cải vật chất và văn hóa, mọi nền văn minh của các quốc gia. Thực tiễn lịch sử loài người đã và đang ngày càng chứng minh rằng coi trọng nhân tố con người và phát triển nguồn lực con người - nhất là chất lượng nguồn nhân lực - là bí quyết thành công của mỗi quốc gia dân tộc, ưu thế của sự phát triển bền vững.
-2-3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2016, Tr. 22,27.
Vai trò của nguồn lực con người và phát triển nguồn lực con người cần phải đặt trong quan hệ với các nguồn lực khác, đồng thời phải đặt CNH trong điều kiện hiện nay, khi cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, lao động trí tuệ ngày càng gia tăng và trở thành xu thế phổ biến của nhân loại, khi CNH phải gắn với HĐH mà thực chất là hiện đại hoá LLSX... thì vai trò của nguồn lực con người và phát triển nguồn lực con người càng trở nên quan trọng. Sở dĩ như vậy là vì:
Một là, các nguồn lực khác như vốn, tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý… tự nó chỉ tồn tại dưới dạng tiềm năng, chúng chỉ phát huy tác dụng và có ý nghĩa xã hội tích cực khi được kết hợp với nguồn lực con người, thông qua hoạt động có ý thức của con người. Nguồn lực con người là nguồn lực duy nhất biết tư duy, có trí tuệ và biết “chỉ huy” các nguồn lực khác gắn kết chúng lại với nhau, tạo thành sức mạnh tổng hợp cùng tác động vào quá trình CNH, HĐH. Các nguồn lực khác là những khách thể, chịu sự cải tạo khai thác của con người và tất cả đều phục vụ cho nhu cầu, lợi ích con người, nếu con người biết tác động và chi phối quy luật vì thế trong các yếu tố cấu thành LLSX người lao động là yếu tố quan trọng nhất, V.I Lênin đã từng khẳng định: Lực lượng sản xuất hàng đầu của toàn thể nhân loại là công nhân, là người lao động.
Hai là, các nguồn lực khác là hữu hạn, có thể bị khai thác cạn kiệt, trong khi đó nguồn lực con người mà cái cốt lõi là trí tuệ con người là nguồn lực vô hạn. Tính vô hạn của trí tuệ con người biểu hiện ở chỗ, nó là khả năng không chỉ tái sinh và tự sản sinh về mặt sinh học, mà còn tự đổi mới không ngừng, phát triển về chất trong con người, nếu biết chăm lo bồi dưỡng và khai thác hợp lý thì đó là cơ sở để cho năng lực nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người phát triển như một quá trình vô tận, xét về bình diện cộng đồng nhân loại.
Ba là, trí tuệ con người là sức mạnh vô cùng to lớn một khi nó được vật hoá, trở thành LLSX trực tiếp. Dự báo vĩ đại của C. Mác đã và đang trở thành hiện thực, sự phát triển như vũ bão của cách mạng khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại đã dẫn các nền kinh tế của nhiều nước công nghiệp phát triển tiệm cận đến kinh tế tri thức. Ở những nước này, lao động trí tuệ ngày càng chiếm tỷ lệ cao, nguồn lợi mà họ thu được từ lao động chất xám chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị tài sản quốc gia. Giờ đây, sức mạnh của trí tuệ đạt đến mức, nhờ nó con người có thể sáng tạo ra những máy móc “bắt chước” hay “phỏng” theo những đặc tính trí tuệ của chính con người.
Bốn là, kinh nghiệm của nhiều nước và thực tiễn Việt Nam cho thấy, sự thành công của CNH, HĐH phụ thuộc rất lớn vào việc hoạch định đường lối, chủ trương chính sách cũng như tổ chức thực hiện, nghĩa là phụ thuộc vào năng lực nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người.
Tiềm năng sức lao động - con người với trí tuệ, kỹ năng, phẩm chất đạo đức và lao động được định hướng bởi trí tuệ đó, đã và đang là tài sản quý giá nhất, quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia.
Tại Đại hội lần thứ XI, Đảng ta xác định, một trong ba khâu đột phá để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 là “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ”4. Lựa chọn khâu đột phá này hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam và xu thế phát triển của cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại, của kinh tế tri thức trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập thế giới hiện nay.
Đối với nước ta, khi nguồn lực tài chính và nguồn lực vật chất còn hạn hẹp thì "nguồn lực con người là quý báu nhất, có vai trò quyết định" đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, với quá trình CNH, HĐH đất nước nói riêng. Chúng ta phải biết tiếp cận và vận dụng những thành tựu mới về khoa học và công nghệ của nhân loại, phải sử dụng và phát huy đến mức tối đa lợi thế vốn có của nguồn lực con người Việt Nam, biến nguồn lực con người thành động lực thúc đẩy sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển, coi nguồn lực con người là nguồn lực của mọi nguồn lực. Điều đó không chỉ coi nguồn lực con người chỉ là chủ thể quyết định sự vận động và phát triển xã hội, của quá trình CNH, HĐH đất nước, mà nguồn lực con người còn khách thể của quấ trình đó, là đối tượng mà chính sự phát triển kinh tế- xã hội phải hướng tới. Ở đây, con người mục tiêu và con người động lực có sự gắn bó chặt chẽ với nhau, trong đó con người mục tiêu dường như chi phối con người nguồn lực và con người nguồn lực lại hướng tới con người mục tiêu.
Thứ hai, con người - nguồn lực con người, vừa là sản phẩm, vừa là chủ thể của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Con người là sản phẩm của hoàn cảnh, nhưng hoàn cảnh lại do chính con người tạo ra và con người có khả năng làm thay đổi hoàn cảnh. Phê phán các nhà duy vật trước đây chỉ “cho rằng con người là sản phẩm của những hoàn cảnh và của giáo dục” mà không hiểu rằng “chính những con người làm thay đổi hoàn cảnh và bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục”. Đó là biện chứng của sự vận động và phát triển xã hội.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa không phải tự nhiên mà có và cũng không thể do ai đưa đến cho ta, đó phải là kết quả của những nỗ lực vượt bậc và bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân ta với những con người phát triển cả về trí lực, thể lực, khả năng lao động, sáng tạo và tính tích cực chính trị - xã hội cao. Quan điểm: cách mạng là sự nghiệp của nhân dân do nhân dân và vì nhân dân cần phải được quán triệt một cách sâu sắc trong quá trình tiến hành CNH,HĐH. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa chỉ thành công khi chúng ta huy động được toàn xã hội, huy động được mọi thành viên trong xã hội tích cực tham gia vào quá trình này; đồng thời Nhà nước cần có chính sách và nguồn ngân sách thích đáng để đẩy nhanh quá trình đó. Trong quan điểm chỉ đạo thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt ngày 19 tháng 4 năm 2011 có khẳng định “Phát triển nhân lực là sự nghiệp, là trách nhiệm của toàn xã hội. Nhà nước thực hiện chức năng quản lý vĩ mô, định hướng, dẫn dắt bằng hệ thống khung khổ pháp lý và chính sách khuyến khích phát triển nhân lực… Mỗi công dân, mỗi tổ chức kinh tế, xã hội có trách nhiệm tham gia tích cực vào phát triển nhân lực”.
Thực tế chỉ cho chúng ta thấy rằng, một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapo hay Đài Loan v.v... đều có diện tích nhỏ, mật độ dân số cao, tài nguyên thiên nhiên nghèo (ít về chủng loại và nhỏ về trữ lượng), thậm chí có nước (như Nhật Bản, sau đại chiến thế giới thứ hai) xuất phát điểm để phát triển kinh tế thấp, vốn đầu tư thiếu, kỹ thuật và công nghệ lạc hậu v.v... nhưng do họ biết phát huy nguồn lực con người, biết khơi dậy tính tích cực, chủ động, sáng tạo - nhất là truyền thống dân tộc, văn hóa dân tộc - mà đã phát triển, đã vươn lên một cách mạnh mẽ.
Phát triển nguồn lực con người trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa không phải chỉ là làm ra và đem lại cho con người những điều con người mong muốn mà điều quan trọng là không ngừng gia tăng tính tự giác, năng động, tự chủ, phát huy sức mạnh tiềm ẩn trong mỗi một thành viên, khơi dậy lòng tự hào, niềm tin, ý chí và nhiệt tình cách mạng để con người tự vươn lên, tự khẳng định mình trong cuộc sống.
Thứ ba, do yêu cầu ngày càng cao của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để thực hiện “quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế xã hội từ sử dụng lao động thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động cùng với công nghệ, phương tiện và phương pháp tiên tiến, hiện đại, dựa trên sự phát triển của công nghiệp và tiến bộ khoa học - công nghệ, tạo ra năng suất lao động xã hội cao”, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực (hay là nguồn lực con người) tương ứng cả về số lượng lẫn chất lượng - nhất là chất lượng nguồn nhân lực.
Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế xã hội là những hoạt động của con người, nói cách khác con người là chủ thể của quá trình đó. Để cho các hoạt động này phát triển theo đúng xu thế vận động và phát triển của lịch sử, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội ngày càng lớn, thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng của con người... đòi hỏi chủ thể hoạt động phải có sự phát triển tương ứng, phải không ngừng hoàn thiện mình về mọi mặt, cả số lượng lẫn chất lượng - nhất là chất lượng.
Ngay như chủ nghĩa tư bản, để tăng thu giá trị thặng dư họ đã phải tìm mọi cách tăng sức sản xuất của lao động, phát triển nguồn lực con người trong suốt quá trình phát triển, từ “Hiệp tác” giản đơn đến “Sự phân công lao động và công trường thủ công” cuối cùng là “Máy móc và đại công nghiệp”. So với sản xuất nhỏ cá thể, “hiệp tác tư bản chủ nghĩa” có những ưu thế sau: 1) tiết kiệm được tư liệu sản xuất; 2) xuất hiện không khí thi đua, kích thích nguyên khí làm tăng năng suất cá nhân của từng người riêng lẻ; 3) rút ngắn thời gian lao động cần thiết để làm ra sản phẩm; 4) trong hiệp tác người công nhân vứt bỏ được những giới hạn cá nhân và phát triển được những tiềm lực loài của mình.
Khác với công nhân truyền thống (công nhân đứng máy trong các xí nghiệp công nghiệp), công nhân hiện đại là sản phẩm của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại, nhất là từ khi thông tin trở thành nguồn lực quan trọng bên cạnh những nguồn lực truyền thống; khi mà tri thức và quá trình ứng dụng tri thức vào quá trình sản xuất xã hội ngày càng trở nên phổ biến, chuỗi giá trị toàn cầu xuất hiện ngày càng nhiều… thì yếu tố thể chất, kinh nghiệm, kỹ năng lao động của công nhân, của người lao động không còn giữ được vị trí như trước đây, thay vào đó là lao động trí tuệ, lao động sáng tạo đóng vai trò hết sức quan trọng.
Chúng ta thấy rằng, từ cách mạng khoa học công nghệ thế kỷ XVI-XVII đến cách mạng công nghiệp thế kỷ XVIII-XIX, bắt đầu ở Anh (khoảng 30 năm cuối thế kỷ XVIII- 25 năm đầu thế kỷ XIX) sau đó lan sang một số nước khác như Đức, Pháp, Mỹ v.v. cho đến cách mạng khoa học- kỹ thuật hiện đại, đòi hỏi việc nâng cao chất lượng nguồn lực con người ngày một lớn và trên thực tế nguồn lực con người đã có những bước phát triển vượt bậc, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó yếu tố tri thức có tốc độ gia tăng hết sức nhanh chóng với khả năng lan truyền và phổ biến với quy mô lớn cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Theo những tính toán mang tính định lượng thì cuối thế kỷ XX, lượng tri thức của nhân loại đã tăng thêm khoảng 1000 lần so với đầu thế kỷ, số lượng tạp chí và bài báo khoa học cứ 10 năm lại tăng lên gấp đôi, trung bình mỗi năm tăng 600 triệu trang”8.
Nếu như trước đây, tri thức chỉ gián tiếp tạo ra sự phát triển thì giờ đây tri thức khoa học trực tiếp tạo ra sự thịnh vượng và giàu có cho không ít quốc gia, đặc biệt là tri thức trong công nghệ mới, công nghệ cao mà cốt lõi là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới và công nghệ năng lượng mới - hệ thống công nghệ mới này đã tạo nên bước đột phá trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội của nhân loại. Với ý nghĩa đó, nếu nguồn lực con người không phát triển thì quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là không thể thực hiện được. C.Mác đã từng khẳng định: “Trong tất cả những công cụ sản xuất, thì lực lượng sản xuất hùng mạnh nhất là bản thân giai cấp cách mạng”9. V.I. Lênin cũng nhấn mạnh: “Lực lượng sản xuất hàng đầu của toàn thể nhân loại là công nhân, là người lao động”9.
Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt ngày 19 tháng 4 năm 2011 có khẳng định “phát triển nhân lực là khâu đột phá để thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội” nói chung, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói riêng. Mục tiêu tổng quát của chiến lược này là “đưa nhân lực Việt Nam trở thành nền tảng và lợi thế quan trọng nhất để phát triển bền vững đất nước, hội nhập quốc tế và ổn định xã hội, nâng trình độ năng lực cạnh tranh của nhân lực nước ta lên mức tương đương các nước tiên tiến trong khu vực, trong đó một số mặt tiếp cận trình độ các nước phát triển trên thế giới”. Có như vậy nguồn nhân lực Việt Nam mới có thể đáp ứng yêu cầu ngày càng cao sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
8. Minh Nhung, "Đã đến lúc quan tâm đến chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế", http://tinnhanhchungkhoan.vn/dau-tu/da-den-luc-quan-tam-den-chuyen-dich-co-cau-nganh-kinh-te-98330.html. Tr. 10.
9. C.Mác - Ph.Ăngghen, Toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1995, Tr. 257
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Phạm Ngọc Ánh (1995) “Nguồn lực con người trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, Tạp chí Nghiên cứu lý luận, (2).
2. Hoàng Chí Bảo (1993), “Ảnh hưởng của văn hóa đối với việc phát huy nguồn lực con người ở Việt Nam”, Tạp chí Triết học, (1).
3. Hoàng Chí Bảo (2006), Văn hóa và con người Việt Nam trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
4. Nguyễn Duy Bắc (Chủ biên) (2008), Xây dựng và phát triển con người Việt Nam trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức, Đề tài cấp Bộ, Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.
5. Mai Quốc Chánh (1999), Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
6. C.Mác - Ph.Ăngghen, Toàn tập, Tập 23, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1995.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011.
8. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1997.
Thông tin tác giả: ThS. Nguyễn Thị Thương Uyên
Trường Đại học Nghệ An
Email: [email protected]
Số Đt: 0976707771
Địa chỉ liên hệ: Khoa Khoa học cơ bản, Trường Đại học Nghệ An, Số 51, đường Lý Tự Trọng, Phường Hà Huy Tập, Thành phố Vinh, Nghệ An.
ThS. Nguyễn Thị Thương Uyên