Quy hoạch hệ thống giáo dục đại học và sư phạm giai đoạn 2021-2030
TCGCVN - Ngày 18/11 vừa qua, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội thảo nhằm lấy ý kiến đóng góp cho hồ sơ quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Toàn cảnh hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Quyết Chiến, Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng một quy hoạch tổng thể, mang tính chiến lược cho hệ thống giáo dục đại học và sư phạm, giúp đáp ứng được các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, và thúc đẩy sự phát triển bền vững cho đất nước.
PGS,TS Tô Bá Trượng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hợp tác phát triển giáo dục phát biểu tại hội thảo.
PGS.TS Tô Bá Trượng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hợp tác Phát triển Giáo dục, đánh giá cao tính khả thi của kế hoạch nếu được thực hiện đúng đắn. Ông nhấn mạnh rằng để đạt được mục tiêu đề ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, các trường đại học và đội ngũ chuyên gia. PGS.TS Tô Bá Trượng cũng chỉ ra rằng, việc đầu tư nâng cấp hạ tầng giáo dục và chú trọng chuyển đổi số, là những ưu tiên hàng đầu. Ông đề xuất phân bổ nguồn lực hợp lý giữa các vùng miền, đặc biệt là ở các khu vực khó khăn, đồng thời khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình phát triển giáo dục. Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cùng với việc thiết lập cơ chế đánh giá và điều chỉnh linh hoạt, nhằm đảm bảo hiệu quả triển khai kế hoạch.
Đối với việc quy hoạch các trường đại học sư phạm, PGS, TS Phạm Viết Vượng (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) đề xuất nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài và xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước. Không chỉ vậy, ông còn nhấn mạnh cần thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm quy hoạch hợp lý và hiện đại hóa các trường đại học sư phạm. Điều này bao gồm việc đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao năng lực đào tạo, và xây dựng đội ngũ nhà giáo chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu hội nhập và đổi mới giáo dục.
Hội thảo cũng ghi nhận những ý kiến đóng góp quan trọng từ các đại biểu về thực trạng và định hướng phát triển của hệ thống giáo dục đại học và sư phạm. Những thách thức như sự phân bổ nguồn lực chưa hợp lý, sự chênh lệch giữa các vùng miền, và hạn chế trong chuyển đổi số đã được thảo luận chi tiết. Các đại biểu cũng phân tích các kịch bản phát triển, hướng tới việc xây dựng một hệ thống giáo dục đại học và sư phạm hiện đại, chất lượng cao, có khả năng đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số.
Bảo Quyên