PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA TRUNG ĐỘI TRƯỞNG TRONG GIÁO DỤC HẠ SĨ QUAN, BINH SĨ
Tóm tắt: Trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung đội trưởng là người quản lý, chỉ huy, huấn luyện, giáo dục Hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc quyền, chịu trách nhiệm trước cấp ủy, chi bộ, chỉ huy đại đội về kết quả hoàn thành nhiệm vụ trung đội. Đây là người thầy đầu tiên trong Quân đội của Hạ sĩ quan, binh sĩ. Bài viết phân tích đặc điểm mối quan hệ giữa Trung đội trưởng và Hạ sĩ quan, binh sĩ từ đó đề xuất giải pháp phát huy vai trò của Trung đội trưởng trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao.
Từ khóa: Trung đội trưởng; Hạ sĩ quan, binh sĩ; Quân đội nhân dân Việt Nam...
1. Mở đầu
Trung đội là đơn vị trong tổ chức biên chế của các đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam, là một tập thể quân nhân gần gũi bao gồm Trung đội trưởng (người chỉ huy trực tiếp của trung đội là sĩ quan) và một số lượng Hạ sĩ quan, binh sĩ (HSQ, BS) nhất định (thường từ 20 đến 40 người). Để thực hiện tốt nhiệm vụ cấp trên giao, trung đội phải đoàn kết thống nhất, các hoạt động được chỉ huy, điều hành bởi Trung đội trưởng. HSQ, BS là những người trực tiếp, tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh để hoàn thành nhiệm vụ trên các mặt công tác từ công tác giáo dục chính trị, công tác huấn luyện, xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật và tăng gia sản xuất.
Trong quá trình hoạt động đó, Trung đội trưởng cùng sinh hoạt, học tập công tác với HSQ, BS, hướng dẫn, chỉ bảo cho họ về mọi mặt, giáo dục nhân cách, bồi dưỡng tri thức quân sự cho họ từ những ngày đầu tiên bước vào môi trường quân ngũ. Do đó, hiểu được mối quan hệ gắn bó giữa Trung đội trưởng và HSQ, BS để phát huy tốt vai trò của người chỉ huy trung đội góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ của đơn vị là vấn đề rất cần thiết.
2. Trung đội trưởng và Hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam
Trung đội trưởng là người trực tiếp chỉ huy, quản lý, giáo dục, rèn luyện HSQ, BS; là người luôn bám sát, nắm chắc, hiểu rõ tâm lý, sở trường, sở đoản của từng học chiến sĩ, hướng dẫn hành động, xây dựng phẩm chất, bồi dưỡng năng lực cho chiến sĩ thuộc quyền. Trung đội trưởng là người cán bộ gần gũi, luôn bám sát mọi hoạt động của bộ đội, nhất là trong quản lý, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, thực hiện các nhiệm vụ được giao. Trung đội trưởng là tấm gương cho học hạ sĩ quan binh sĩ học tập, noi theo nhất là về phẩm chất và kỹ năng thực hành kỹ chiến thuật, điều lệnh và thể lực. Mỗi lời nói, hành động, việc làm của Trung đội trưởng có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, tình cảm, niềm tin, trách nhiệm, kiến thức, kỹ năng của chiến sĩ trong trung đội. Tại buổi nói chuyện với cán bộ, giảng viên, học viên Trường Sĩ quan Lục quân Việt Nam (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1) ngày 15/4/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh huấn thị: “Bây giờ các chú học ra là phụ trách trung đội thì các chú chẳng những học chính trị, kỹ thuật mà còn phải học cách làm sao nắm được một trung đội. Có khi học kỹ thuật nắm một trung đội khó hơn học kỹ thuật đơn thuần... Bộ đội của ta là thanh niên cả nước tụ họp lại. Người miền xuôi có, người trung du có, người miền thượng có, trí thức có, nông dân có, công nhân có. Vì vậy, mình phải biết tâm lý riêng của họ... Có như thế mới nắm được chứ không phải mệnh lệnh là làm được đâu. Mệnh lệnh là cái lý, còn phải làm sao cho bộ đội, tất cả chiến sĩ trong trung đội yêu thương mình, tin mình, phục mình” (1).
Hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam là “công dân đang phục vụ trong lực lượng thường trực của QĐND và lực lượng Cảnh sát biển.”(2). HSQ, BS Quân đội nhân dân Việt Nam là danh từ chỉ hai đối tượng quân nhân trong quân đội là hạ sĩ quan và binh sĩ. Hạ sĩ quan là quân nhân “có quân hàm hạ sĩ, trung sĩ, thượng sĩ phục vụ trong QĐND Việt Nam theo Luật nghĩa vụ quân sự” (3). Binh sĩ là quân nhân “có quân hàm binh nhất, binh nhì phục vụ trong QĐND Việt Nam theo Luật nghĩa vụ quân sự” (4). Hạ sĩ quan là những binh sĩ đã qua huấn luyện chiến sĩ mới, huấn luyện chuyên môn kỹ thuật (đối với HSQ, BS chuyên môn kỹ thuật), tốt nghiệp lớp đào tạo tiểu đội trưởng (khẩu đội trưởng) và tương đương. Cơ bản HSQ, BS được tuyển chọn chặt chẽ về lý lịch chính trị, quan hệ xã hội của gia đình và bản thân trước khi vào quân đội. Trình độ học vấn của HSQ, BS tốt nghiệp phổ thông trung học và trung học cơ sở là chủ yếu, tuy nhiên một số đơn vị miền núi phía bắc trình độ tiểu học còn khá nhiều. HSQ, BS xuất thân từ nhiều tầng lớp nhân dân, chủ yếu từ gia đình làm nông nghiệp, lao động tự do, đa dạng về dân tộc, tôn giáo, vùng, miền. HSQ, BS có đặc điểm tâm lý - sinh lý của tuổi trẻ đang trưởng thành, có tuổi đời khoảng từ 18 đến 25 tuổi, không quá 27 tuổi [52, tr.8]; có sức khỏe tốt, hăng say, nhiệt huyết, nhạy bén với cái mới nhưng dễ bị lôi kéo, kích động; thích sáng tạo, phiêu lưu, mạo hiểm, không thích bị gò bó, bắt buộc, “đường mòn, lối cũ”; luôn muốn thể hiện trí tuệ, năng lực của mình trước tập thể và được tập thể ghi nhận. HSQ, BS là lực lượng chiếm số đông trong quân đội, có vai trò rất quan trọng, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, lao động sản xuất và công tác, xây dựng quân đội, đơn vị vững mạnh toàn diện và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Mỗi quan hệ giữa Trung đội trưởng và HSQ, BS là quan hệ giữa chỉ huy và phục tùng sự chỉ huy, song trên thực tế đây là mỗi quan hệ rất đăc biệt. Trung đội trưởng vừa là người anh, người chị, người bạn của HSQ, BS cũng là người thầy đầu tiên khi HSQ, BS bỡ ngỡ mới bước vào môi trường quân đội. Phẩm chất năng lực của Trung đội trưởng có ảnh hưởng trực tiếp, là tấm gương cho HSQ, BS thuộc quyền noi theo. Từng cử chỉ, hành động, lời nói của Trung đội trưởng có tác động rất lớn đến phẩm chất nhân cách, năng lực thực hiện nhiệm vụ của cấp dưới. Trong thời bình ảnh hưởng đó biểu hiện ra là bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức lối sống, trình độ kỹ chiến thuật, thể lực..., trong chiến đấu đó là lòng trung thành, là ý chí quyết tâm, là tinh thần sãn sàng chiến đấu hy sinh, khả năng chiến đấu anh dũng kiên cường của HSQ, BS. Trung đội trưởng không chỉ là người thầy theo nghĩa truyền đạt tri thức quân sự thông thường mà là người thầy trên tất cả các mặt công tác của HSQ, BS trong trung đội mình.
3. Phát huy vai trò của Trung đội trưởng trong giáo dục Hạ sĩ quan, binh sĩ ở các đơn vị trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Để phát huy vai trò của Trung đội trưởng trong giáo dục HSQ, BS cần tiến hành đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng về vai trò của Trung đội trưởng trong giáo dục HSQ, BS ở các đơn vị trong quân đội.
Đây là giải pháp có ý nghĩa quan trọng giữ vai trò quan trọng trong việc phát huy vai trò của đội ngũ Trung đội trưởng các đơn vị. Điều này có ý nghĩa rất to lớn, tạo nên định hướng, chỉ đạo hoạt động và phát huy vai trò của Trung đội trưởng trong thực hiện chức trác, nhiệm vụ. Để tiến hành giải pháp trên cần xây dựng nhận thức đúng đắn cho các tổ chức, lực lượng về tầm quan trọng của đội ngũ Trung đội trưởng, vai trò và khả năng giáo dục chiến sĩ của họ; sự cần thiết bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng toàn diện nhất là những tri thức quân sự và kỹ năng tiến hành công tác đảng, công tác chính trị; sự cần thiết phải quan tâm, tao điều kiện thuận lợi cho Trung đội trưởng hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Trong thực hiện nhiệm vụ, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chỉ huy các cấp thường xuyên quan tâm đến Trung đội trưởng; phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị, trực tiếp là chỉ huy đại đội, tiểu đoàn, chính trị viên và chính trị viên phó đại đội, tiểu đoàn trong bồi dưỡng năng lực tiến hành giáo dục HSQ, BS cho đội ngũ Trung đội trưởng; phát huy vài trò của tổ chức quần chúng, hội đồng quân nhân trong tham gia bồi dưỡng kỹ năng giáo dục HSQ, BS của đội ngũ Trung đội trưởng, tạo nên sức mạnh tổng hợp phát huy vai trò của Trung đội trưởng ở đơn vị.
Hai là, đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp bồi dưỡng năng lực tiến hành giáo dục cho đội ngũ Trung đội trưởng.
Đây là một trong những giải pháp chủ yếu quan trọng, làm nền tảng trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục HSQ, BS của Trung đội trưởng. Để thực hiện được điều này cần tiến hành các nội dung biện pháp đó là: Xác định và thực hiện đúng nội dung bồi dưỡng tập trung vào xây dựng và nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống cho Trung đội trưởng, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng tiến hành công tác đảng, công tác chính trị nhất là kỹ năng giáo dục HSQ, BS; xây dựng và thực hiện đúng kế hoạch bồi dưỡng cho đội ngũ Trung đội trưởng phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi đơn vị; đa dạng hóa các hình thức bồi dưỡng như tổ chức lớp bồi dưỡng, bồi dưỡng trực tiếp thông qua thực hiện nhiệm vụ, bồi dưỡng trong giao ban, triển khai công việc, trong sinh hoạt hàng ngày...
Ba là, phát huy tính tích cực, chủ động của Trung đội trưởng trong tự bồi dưỡng năng lực giáo dục HSQ, BS.
Đây là giải pháp chủ yếu trực tiếp củng cố và nâng cao bản lĩnh, nâng cao trình độ kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng, kỹ xảo tiến hành giáo dục HSQ, BS của Trung đội trưởng. Trung đội trưởng cần xây dựng động cơ, trách nhiệm đúng đắn của đội ngũ Trung đội trưởng trong thực hiện nhiệm vụ; tự tu dưỡng, rèn luyện bồi dưỡng cho bản thân phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, phương pháp tác phong công tác; không ngừng học tập nâng cao trình độ mọi mặt trong đó có kiến thức về giáo dục học, tâm lý học quân sự, kỹ năng tiến hành công tác đảng, công tác chính trị; xác định đúng mục tiêu, nội dung, hình thức, biện pháp và xây dựng kế hoạch tự bồi dưỡng, tự rèn luyện bản thân; luôn đề cao vai trò, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, không quản ngại khó khăn gian khổ; gần gũi dân chủ, có lý có tình trong giáo dục, thuyết phục, huấn luyện bộ đội, tạo uy tín trong tập thể làm cho HSQ, BS cảm phục, yêu mến, quý trọng.
4. Kết luận
Trung đội trưởng, người thầy đầu tiên của HSQ, BS trong Quân đội nhân dân Việt Nam, người trực tiếp quản lý, chỉ huy, giáo dục, huấn luyện, có quan hệ trực tiếp gắn bó với HSQ, BS trong thực hiện nhiệm vụ của trung đội. Nhận thức vai trò quan trọng của Trung đội trưởng và thấy được mối quan hệ giữa Trung đội trưởng và HSQ, BS để có những biện pháp phát huy vai trò của Trung đội trưởng, tiến hành tốt công tác giáo dục, thuyết phục HSQ, BS góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của trung đội và cấp trên./.
Tài liệu tham khảo
(1) Tổng cục Chính trị, Báo Quân đội nhân dân:
https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/dao-tao-sat-thuc-tien-nhin-tu-truong-si-quan-luc-quan-1-bai-1-hoc-lam-chi-huy-cap-phan-doi-724, truy cập lần cuối ngày 11/11/2014.
(2) Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật nghĩa vụ quân sự, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2015, tr.8.
(3), (4). Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Bộ Quốc phòng, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nhà xuất bản QĐND, Hà Nội, 2004. tr.438; 86.
Nguyễn Thế Viễn, Nguyễn Hải Biên –
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng