NHỮNG THÀNH TỰU, HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT CỦA NGÀNH GIÁO DỤC NĂM 2024
TCGCVN - Ngành giáo dục năm 2024 nước ta, có những thành tựu, hoạt động nổi bật, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 91-KL/TW
Ban hành Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29, trình Quốc hội xem xét dự thảo Luật Nhà giáo là những thành tựu, hoạt động nổi bật của ngành GD trong năm vừa qua.
Đặt ra 8 nhiệm vụ trọng tâm với yêu cầu các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW, Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết khác của Đảng về GD&ĐT.
Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú cho 1.167 nhà giáo
Cùng với những chủ trương, định hướng lớn, năm 2024 tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước dành cho GD&ĐT thông qua các cuộc gặp gỡ, ghi nhận, động viên giáo viên và toàn ngành Giáo dục.
Nghị định số 35/2024/NĐ-CP ngày 02/4/2024 của Chính phủ có một số điểm mới so với Nghị định số 27/2015/NĐ-CP ngày 10/3/2015 để giải quyết vướng mắc trong thực tiễn và tiếp cận yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của Chính phủ quy định về xét tặng Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú.
Bộ GD&ĐT trình Quốc hội xem xét dự thảo Luật Nhà giáo
Ngày 9/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày trước Quốc hội nội dung tóm tắt tờ trình dự thảo Luật Nhà giáo với nhiều nhóm chính sách thúc đẩy sự phát triển lực lượng nhà giáo và được đưa ra thảo luận rộng rãi tại Kỳ họp.
Sau gần 20 năm ấp ủ, hơn một năm gấp rút chuẩn bị, dự thảo Luật Nhà giáo trình lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đã nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao của đại biểu Quốc hội với tinh thần thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang phối hợp với Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội chuẩn bị tài liệu phục vụ các phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và hoàn thiện bộ hồ sơ dự án Luật Nhà giáo phục vụ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV. Dự kiến, dự thảo Luật Nhà giáo sẽ được xem xét, thông qua tại Kỳ họp này.
Hoàn thành chu trình đầu tiên cửa quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018 đồng bộ đối với ba cấp trên cả nước
Năm 2024 đánh dấu thời điểm hoàn thành chu trình đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với ba cấp học đồng bộ trên cả nước. Danh mục sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 đã hoàn thành việc thẩm định và phê duyệt.
Theo đó, lần đầu tiên đánh giá theo hướng năng lực thay vì nội dung, kiến thức ở kỳ thi diện rộng cấp quốc gia và đạt ba mục tiêu: xét tốt nghiệp; đánh giá quá trình dạy và học; làm căn cứ tuyển sinh đại học và giáo dục nghề nghiệp.
Chuyển đổi số trong giáo dục tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng
Hoàn thành xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành và kết nối thành công với các cơ sở dữ liệu quốc gia. Việc ứng dụng CNTT phục vụ Kỳ thi tốt nghiệp THPT và công tác tuyển sinh đại học đã được triển khai đồng bộ, triệt để từ: đăng ký dự thi; đăng ký nguyện vọng xét tuyển; nộp phí xét tuyển và xác nhận nhập học được thực hiện theo hình thức trực tuyến đối với tất cả thí sinh.
Gia tăng thứ hạng các cơ sở giáo dục Việt Nam trong khu vực và thế giới
Trong năm 2024, Việt Nam có 17 cơ sở giáo dục đại học trong Bảng xếp hạng hàng đầu châu Á của QS, trong đó có 4 cơ sở giáo dục đại học nằm trong top 200; 9 cơ sở giáo dục đại học trong bảng xếp hạng đại học tốt nhất thế giới của Tổ chức Times Higher Education (THE), trong đó có 4 cơ sở giáo dục đại học nằm trong top 1000; 13 cơ sở giáo dục đại học trong Bảng xếp hạng tầm ảnh hưởng của THE.
Giáo dục Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn tích cực tại các cuộc thi quốc tế
Việt Nam có 7 đoàn học sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế với 38 lượt học sinh tham gia. Các đoàn học sinh Việt Nam đã mang về thành tích vượt trội khi tất cả đều đoạt giải, với 12 Huy chương Vàng, 15 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng và 1 Bằng khen; tăng 4 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc so với năm 2023.
Các đoàn học sinh của Việt Nam dự thi đều đạt thứ hạng cao, giữ vững vị trí tốp 10 của thế giới; nhiều học sinh Việt Nam đạt điểm số trong tốp cao nhất, đặc biệt điểm thi thực hành tăng so với các năm trước đó.
Trong Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế tại Hoa Kỳ đoàn Việt Nam cũng đã giành 1 giải Nhì - đây là giải cao nhất kể từ năm 2013 đến nay.
Thành tích xuất sắc của học sinh Việt Nam tại các cuộc thi quốc tế tiếp tục khẳng định chất lượng GDPT; sự cố gắng, nỗ lực trong học tập, rèn luyện của học sinh, giáo viên và các nhà trường. Đồng thời, khẳng định hướng đi đúng trong công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi của Bộ GDĐT.
Chung tay, nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ
Đầu tháng 9/2024, cơn bão số 3 (Yagi) cùng hoàn lưu bão đã gây ra những thiệt hại rất nặng nề cho các tỉnh khu vực Bắc bộ nước ta. Ngành Giáo dục cũng gánh chịu ảnh hưởng, thiệt hại rất lớn.
Trước, trong và sau cơn bão, Bộ GDĐT đã có những chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả đồng bộ, kịp thời. Trong bối cảnh khó khăn, thiệt hại, toàn ngành Giáo dục đã chung tay, nỗ lực khắc phục hậu quả để sớm nhất ổn định việc dạy và học. Ngành Giáo dục cũng nhận được nhiều hỗ trợ kịp thời, hiệu quả từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong cả nước.
Tổ chức thành công những sự kiện thể thao học đường lớn, mang tầm quốc gia, quốc tế
Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 với chủ đề “Kết nối cùng toả sáng”. Đại hội quy tụ 1.300 vận động viên học sinh, huấn luyện viên đến từ 10 quốc gia trong khu vực, gồm: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và chủ nhà Việt Nam. Các vận động viên tham gia tranh tài ở 6 bộ môn: Bơi, điền kinh, cầu lông, bóng rổ, pencak silat, vovinam với 107 nội dung thi đấu và 107 bộ huy chương.
Trải qua hơn 40 năm với 10 lần tổ chức đại hội, Hội khoẻ Phù Đổng toàn quốc năm 2024 (lần thứ 5) là kỳ đại hội thể thao học đường lớn nhất từ trước tới nay, với hơn 20.000 vận động viên học sinh và cán bộ của 63 tỉnh, thành phố tham gia tranh tài ở 15 môn thể thao.
Thúc đẩy phong trào thi đua xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời
Ngành Giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” và phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”.
Cho tới nay, Việt Nam có tổng số 5 thành phố được công nhận là thành viên "Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu". Đây là sự ghi nhận của quốc tế đối với những nỗ lực trong việc đẩy học tập suốt đời cho mọi người dân ở địa phương. Khẳng định những bước triển khai cụ thể các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về hội nhập quốc tế, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Để tiếp tục thúc đẩy phong trào, Bộ GDĐT đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Học tập suốt đời./.
Linh Tuệ