Những điểm mới trong quy định khám sức khỏe người lái xe từ năm 2025
TCGCVN - Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 36/2024 quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe đối với người lái xe.
Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm cấp giấy phép lái xe tại chỗ sau khi có kết quả sát hạch. (Ảnh: QUÝ HIỀN)
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 36/2024 quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng; việc khám sức khỏe định kỳ đối với người hành nghề lái xe ô tô; cơ sở dữ liệu về sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng quy định (Thông tư 36).
Thông tư 36 đã đưa ra 7 điểm thay đổi quan trọng so với các quy định trước đây. Cụ thể, các nội dung mới bao gồm: phân nhóm đối tượng áp dụng, bổ sung yêu cầu xét nghiệm ma túy và nồng độ cồn, loại bỏ mẫu sổ khám sức khỏe định kỳ trong thông tư cũ, cập nhật quy định về cơ sở dữ liệu sức khỏe người lái xe và người điều khiển xe máy chuyên dùng, tăng thời hạn giá trị của giấy khám sức khỏe lái xe, bỏ quy định khám thai sản và điều chỉnh một số tiêu chuẩn sức khỏe liên quan đến các chuyên khoa như tâm thần, mắt, tai mũi họng…
Về phân nhóm đối tượng, Thông tư 36 chia tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe và người điều khiển xe máy chuyên dùng thành ba nhóm:
Nhóm 1: Áp dụng cho người khám sức khỏe để cấp giấy phép lái xe hạng A1, B1 và điều khiển xe máy chuyên dùng.
Nhóm 2: Dành cho người khám sức khỏe để cấp giấy phép lái xe hạng A và B.
Nhóm 3: Áp dụng cho người khám sức khỏe để cấp giấy phép lái xe các hạng từ C1, C, D1, D2, D, BE đến các hạng C1E, CE, D1E, D2E và DE.
So với quy định cũ, sự phân chia nhóm này có sự điều chỉnh. Trước đây, nhóm 1 chỉ dành cho hạng A1, nhóm 2 cho hạng B1, và nhóm 3 bao gồm các hạng A2, A3, A4, B2, C, D, E, FB2, FC, FD, FE.
Đặc biệt, Thông tư 36 quy định rằng giấy phép lái xe được cấp trước ngày 1/1/2025, nếu có nhu cầu đổi sang hạng A theo quy định tại điểm a khoản 3 điều 89 của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, sẽ áp dụng tiêu chuẩn sức khỏe của nhóm 1 để thực hiện khám sức khỏe.
Đối với người khuyết tật, Thông tư có một điểm thay đổi quan trọng. Người khuyết tật xin cấp giấy phép lái xe hạng A1 hoặc hạng B theo khoản 2 điều 57 của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ không cần khám chuyên khoa Cơ xương khớp. Tuy nhiên, các yêu cầu sức khỏe khác sẽ được đánh giá dựa trên tiêu chuẩn tại Phụ lục 1 ban hành kèm Thông tư 36.
Những thay đổi này nhằm đảm bảo quy trình khám sức khỏe ngày càng phù hợp hơn với từng đối tượng lái xe, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật khi tham gia giao thông, trong khi vẫn đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn.
Huyền Vy