NGUYỄN DU - TRUYỆN KIỀU TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA VIỆT NAM VÀ BẠN BÈ QUỐC TẾ
TCGCVN - Hơn 250 năm qua, Truyện Kiều của Nguyễn Du không lúc nào vắng người thưởng thức, Truyện Kiều là tâm điểm của hàng nghìn bài báo, bài nghiên cứu,... việc thể hiện sự trân trọng, ngợi ca, yêu quý Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều đã trở thành hoạt động mang tính văn hóa và được xem như một nếp sống tri thức đẹp, không chỉ với người Việt Nam trong nước mà còn ở đông đảo bạn bè quốc tế. Di cảo của Nguyễn Du đã được lan tỏa qua hàng loạt bản dịch, đến tay bạn đọc khắp các châu lục. Nhân dịp kỷ niệm 203 năm ngày mất của Đại Thi hào Nguyễn Du (16/9/1820 -16/9/2023), Tạp chí Giáo chức Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của Thạc sỹ Bùi Thiên Nga – Chủ tịch hội đồng Viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực.
1. Nguyễn Du- Truyện Kiều trong đời sống văn hóa Việt Nam
1.1. Nguyễn Du - Truyện Kiều trong không gian văn hóa làng xã và trong đời sống nhân dân lao động
Làng xã là một cộng đồng cư dân gồm nhiều thành phần, nhiều tầng lớp xã hội. Trình độ học vấn của mỗi thành phần xã hội khác nhau. Có người học vấn cao, có người học vấn ít ỏi, đại đa số ít biết chữ hoặc mù chữ. Trình độ học vấn đã ảnh hưởng đến cách ứng xử văn hóa, tiếp cận và tiếp nhận văn hóa, sinh hoạt văn hóa của mỗi tầng lớp xã hội trong không gian văn hóa làng xã.
Truyện Kiều của danh nhân Nguyễn Du là một tác phẩm văn chương bác học, nhưng khi được phổ biến vào môi trường văn hóa làng xã Truyện Kiều được văn hóa làng xã đón nhận nhanh chóng, nồng nhiệt và lập tức được lan truyền rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân từ thế hệ này đến thế hệ khác như một tác phẩm văn học dân gian.
Truyện Kiều trở thành một sản phẩm văn hóa dân gian hòa nhập vào không gian văn hóa dân gian làng xã.
Không chỉ một ông vua hay chữ như Tự Đức mê thơ Nôm Kiều đến mức :
Mê gì mê đánh tổ tôm
Mê ngựa hậu bổ, mê nôm Thúy Kiều.
Mà quần chúng nhân dân làng xã cũng mê Kiều không kém vua Tự Đức, thậm chí còn hơn thế nữa.
Nói về cách tiếp nhận và thưởng thức Tuyện Kiều của nhân dân lao động chúng ta thấy trong mọi tầng lớp nhân dân làng xã trước đây, ai ai cũng thuộc một ít câu Kiều, một số trường hợp thuộc lòng cả 3254 câu thơ Kiều.
Sự thần tình của Truyện Kiều là bất cứ chỗ nào trong thơ Kiều cũng nói hộ được tâm trạng, hoàn cảnh, cảnh ngộ, niềm vui, nỗi buồn cuộc sống quá khứ và mở ra niềm hy vọng tương lai của mỗi người, của mỗi gia đình. Dân gian đã tiếp nhận Kiều, trước hết là trong cách tiếp nhận văn hóa như thế ( Sức lan tỏa của truyện Kiều – Google)
Nhà Nghiên cứu Trần Đình Sử có viết “Từ khi ra đời đến nay Truyện Kiều của Nguyễn Du đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của đời sống tâm hồn dân tộc Việt Nam nói chung và đời sống văn hóa nói riêng”
Truyện Kiều là tác phẩm được nhiều người, đủ mọi tầng lớp thuộc lòng. Người ta đã dùng ngôn ngữ, lời lẽ trong Truyện Kiều để đối đáp trong sinh hoạt văn hóa của của cộng đồng ngày trước như lẩy Kiều, trò Kiều, vịnh Kiều, Bói Kiều, vẽ tranh Kiều, viết thư pháp Truyện Kiều, điêu khắc Truyện Kiều trên nhiều chất liệu khác nhau như gỗ, đá quý…, hát ví, giặm Nghệ Tĩnh bằng lời thơ trong Truyện Kiều, hát chèo về Kiều, trai gái thì lượm lặt câu Kiều để viết thư tình, rồi còn hát đối đáp để giao duyên với nhau, ra vế đối xem ai thuộc và hiểu biết Truyện Kiều hơn, đến nỗi nhà buôn cũng dùng tích Kiều để làm quảng cáo.
Vì sao Truyện Kiều có tính phổ biến như thế ? Theo Giáo sư Đào Duy Anh thì “Văn chương Truyện Kiều đủ tính nghiêm trang, đường hoàng điêu luyện, đủ khiến cho kẻ học thức phải khâm phục và yêu mến, mà lại đủ tính giản dị, phổ thông để khiến cho bình dân hiểu được và thưởng thức, âm điệu nhịp nhàng của câu văn êm như bài hát khiến ai cũng phải say mê từ những người nhà quê, những đứa trẻ chăn trâu, những con bé giữ em, hát những câu Kiều mà nó không hiểu gì cả. Người ta không cần nghĩ đến nghĩa, chỉ cốt để cho cái âm điệu véo von, uyển chuyển của câu hát ru mê hồn mà thôi” .
Trong nhân dân, nhiều người yêu quý Truyện Kiều đến mức lấy tên Thúy Kiều, Thúy Vân đặt tên con gái cưng của mình hay đặt tên khu vườn xinh đẹp của mình là “Vườn Kiều”. “Muốn sang thì bắc cầu Kiều. Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” (Ca dao).
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trong bài kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông” đã yêu mến, trân trọng khi cho rằng Sông Hương chính là nàng Kiều, “là người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya”
Các nhà tri thức đã không ngừng nghiên cứu, phê bình, nghị luận bằng đủ các loại như “bình văn” “tựa”, vịnh thơ, án Kiều, phú Kiều, dịch Truyện Kiều ra tiếng nước ngoài, soạn từ điển Truyện Kiều để người đọc tra cứu điển tích, ngữ nghĩa.
Án Kiều là một dạng sáng tác đặc biệt do Nguyễn Văn Thắng (1803- ?) soạn bằng văn Nôm (gồm 22 bản án soạn cho 22 nhân vật trong truyện với “phán quyết” kết tội, tha tội hay khen thưởng; sau này Kiều Án Mậu soạn thêm 2 án nữa thành 24 án cho 24 nhân vật).
Lẩy Kiều là lối vận dụng các câu thơ, đoạn thơ trong Truyện Kiều với những mục đích khác nhau (để đố, để bói, để hát) mà tính chất chung là tạo ra một văn bản có hàm nghĩa khác đi, tuy dùng toàn câu chữ Truyện Kiều. Ví dụ một đoạn trong bài lẩy Kiều của Nguyễn Bính năm 1965:
“…Trăm năm trong cõi người ta
Một thiên tuyệt bút gọi là để sau
Khen tài nhả ngọc phun châu
Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình
Mấy lời ký chú đinh ninh
Rằng nên tài trọng mà tình nên thương
Khen rằng giá đáng Thịnh Đường
Thì treo giải nhất chi nhường cho ai…”.
Tập Kiều là một thú chơi tao nhã trong các dịp giao tiếp giữa những người yêu thích văn thơ. Mỗi bài tập Kiều là một sáng tác theo kiểu mô phỏng (tức là nhại theo ý nghĩa của thể loại của nó)lời thơ Truyện Kiều; trong bài tập Kiều vừa có những chữ lấy từ Truyện Kiều, vừa có những chữ câu do người làm đặt ra. Ví dụ một đoạn trong bài dài của Dương Lâm:
“Trăm năm trong cõi người ta
Chữ cường, chữ nhược khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng…”.
Đố Kiều là hình thức sinh hoạt trong các giao tiếp văn hóa dân gian; có những hình thức đố nhau liên quan đến Truyện Kiều hoặc câu chữ Truyện Kiều như: đố nhau về các sự việc, nhân vật trong truyện (năm nào Kiều bán mình?), năm nào lấy Thúc Sinh?. . . , đố nhau về mức độ thuộc lòng văn bản Truyện Kiều (ví dụ: đố nhau kể tất cả những câu có chữ “trăm năm”, “mười lăm năm”, một câu tóm cả truyện; một câu toàn chữ Nho; những câu có năm người , mười người; mượn ý trong truyện để đố (ví dụ: Hoa gì thường nở bên sông?/ Hoa gì được gặp gió đông mỉm cười?- người giải đố phải thuộc tác phẩm để lấy các từ “phù dung, “hoa đào”, điền thành câu giải), ngoài ra còn có các cách đố khắc lấy văn chương Truyện Kiều làm cơ sở.
Bói Kiều là một sinh hoạt phong tục- nghi lễ đặc biệt, vừa mang màu sắc dị đoan, vừa mang tính trò chơi, ở đây văn chương TK (dưới dạng cắt rời và lắp ghép lại theo lối “tập Kiều”, “lẩy Kiều” nói trên) được xem như những lời thiêng liêng, chứa đựng những điều dự đoán, dự báo số phận của người bói. Cách bói dân dã thông thường là người bói cầm một quyển Kiều, rồi tâm niệm điều ao ước, băn khoăn và thành tâm, có khi còn thắp hương khấn vái, đọc một câu: “lạy vua Từ Hải, lạy vải Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều, con tên là…, ở…, xin được… câu đầu, cuối hoặc giữa trang, rồi theo luật “trai tay trái, gái tay phải” lật sách tìm câu ứng nghiệm, căn cứ vào câu ấy mà đem tình cảnh riêng ra so sánh, suy ngẩm. Trong các hình thức bói toán ở sinh hoạt dân gian, bói Kiều tuy có sắc thái mê tín, nhưng vẫn là một trò chơi. Bản thân sự xuất hiện hình thức bói Kiều chứng tỏ tác phẩm đã thâm nhập sâu vào tâm thức cư dân các thế hệ trong cộng đồng người Việt”( tham khảo tại Wikipedia Tiếng Việt)
1.2. Nguyễn Du - Truyện Kiều trong thời kì kháng chiến
Trong những năm khói lửa chiến tranh ác liệt, những năm tháng mưa bom bão đạn, bên cạnh những giây phút chiếu đấu trên chiến trường, những người lính còn có những giây phút gắn bên nhau. Những người lính với cây đàn, những khúc ca ngân lên đầy sức sống mãnh liệt, vượt qua những khó khăn, gian khổ để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Và truyện Kiều cũng như những vần thơ, bài ca đó gắn bó, gần gũi với người lính.
Đó là những câu ngâm Kiều của các anh, các chị đứng tuổi. Đó là những lời ghẹo trêu của các cô chú thanh niên
Ví dụ như:
Nữ:
Bây giờ mới gặp gỡ nhau đây
Mà lòng đã chắc những ngày một hai
Khăng khăng cửa đóng then gài
Nhị đào chờ đợi con người tình chung.
Nam:
Hai ta quyết chí hai ta
Đá vàng cũng quyết, phong ba cũng liều
Tóc tơ căn vặn hết điều
Hôm sau hẹn gặp Kim Kiều kết giao.
Hay đó là những câu đố vui xuất phát từ truyện Kiều:
“Truyện Kiều anh đã thuộc lòng,
đố anh kể được một câu năm người”
Hay:
Kim Kiều có phải công nhân
Xưa kia từng đã góp phần đấu tranh?
Đáp:
Kim Kiều chính cánh thợ ta
Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ!
Đố:
Thời Kiều đã có ngân hàng
Em đây chưa tỏ, xin chàng chỉ cho?
Đáp:
Nhà băng… đưa mối rước vào
Tiền nong thanh toán việc nào chẳng xong
Đó là những giay phút bên nhau của những chàng trai, cô gái trong môi trường bom đạn. Truyện Kiều đã đi vào trong kháng chiến như thế.
1.3. Nguyễn Du- Truyện Kiều với chủ tịch Hồ Chí Minh
Với đồng bào, chiến sĩ cả nước, Người thường xuyên sử dụng lẩy Kiều trong công tác tuyên truyền, làm nổi bật những vấn đề cần nhấn mạnh. Ngày 22/12/1954, nhân kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát chặng đường trưởng thành của Quân đội ta với những vinh quang và cũng không ít khó khăn, gian khổ gắn liền với lịch sử dân tộc:
“Quân ta công trạng lớn lao
Mười năm lịch sử biết bao nhiêu tình!”
Trong công cuộc chiến đấu, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, vấn đề cấp thiết đặt ra là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tất cả hướng về tiền tuyến. Năm 1960, khi nói chuyện về vấn đề "Mừng Tết Nguyên đán như thế nào?", Chủ tịch Hồ Minh khéo léo nhắc nhở đồng bào, chiến sĩ cả nước:
Trăm năm trong cõi người ta
Cần kiệm xây dựng nước nhà mới ngoan
Mừng Xuân, Xuân cả thế gian
Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới Xuân.
Khi về nước hoạt động, trong các bài ca tuyên truyền cách mạng, Bác Hồ cũng dùng nhiều câu tập cổ như vậy. Bài "Lịch sử nước ta" viết năm 1942, do Việt minh tuyên truyền bộ xuất bản, có nhiều câu na ná văn Kiều:
"Anh hùng thay ông Lý Bôn,
Tài kiêm văn võ sức hơn muôn người".
"Hai lần đại thắng nguyên binh,
Làm cho Tàu phải thất kinh rụng rời…".
"Mấy phen sông Nhị núi Lam,
Thanh gươm yên ngựa Bắc Nam ngang tàng…"
Trong "Bài ca sợi chỉ" có câu:
"Mạnh gì sợi chỉ con con,
Khuôn thiêng biết có vuông tròn cho chăng.
Về sau, trong thơ ca, bài nói, bài viết của Bác ta càng gặp nhiều câu phỏng Kiều, tập Kiều hơn. Vào dịp tết năm Bính Tuất (1946), nữ sĩ Hằng Phương gửi cam biếu Hồ Chủ Tịch, kèm theo bài thơ với 4 câu đầu là:
"Cam ngon Thanh Hóa vốn dòng,
Kính dâng Chủ tịch tỏ lòng mến yêu.
Đắng cay cụ nếm đã nhiều,
Ngọt bùi trời trả đủ điều từ đây…".
Đọc bài thơ phỏng Kiều trên, Bác Hồ liền làm bài thơ 4 câu "Cảm ơn người tặng cam" với câu kết tập Kiều:
"Cảm ơn người biếu gói cam,
Nhận thì không đúng, từ làm sao đây?
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai?"
Câu thơ Kiều vừa dí dỏm, vừa chân thật, là một câu hỏi mà cũng là một câu đáp, là niềm tin, là lời khẳng định thắng lợi của cách mạng.
Nói chuyện trong các cuộc họp của Quốc hội, của Đảng hay trước cán bộ, nhân dân, Bác vẫn dùng những câu như vậy.
Câu phỏng Kiều này còn được Bác dùng khi trở về Kim Liên sau 50 năm xa quê. Gặp bà con làng xóm, Bác xúc động đọc:
"Quê hương nghĩa nặng tình sâu,
Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình".
Trong lời khai mạc Đại hội Đảng lần thứ III, Bác dùng trọn một câu Kiều:
"Đến bây giờ mới thấy đây
Mà lòng đã chắc những ngày một hai".
Lên đường đi thăm 9 nước bạn trong 1 tháng, Bác tươi cười nói với cán bộ, đồng bào ra tiễn Người ở sân bay:
"Tiễn đưa nhớ buổi hôm nay,
Vui mừng xin đợi ngày này tháng sau".
Ngay cả khi giao tiếp với bạn bầu quốc tế, Bác Hồ cũng dùng những câu thơ phỏng Kiều, gây thêm không khí vui vẻ, thân mật.
Lần tiễn đại biểu các Đảng anh em dự đại hội lần thứ III của Đảng ta lên đường về nước, trong lời chào, Bác đọc: "Quan san muôn dặm một nhà/Bốn phương vô sản đều là anh em" làm cho các đại biểu vừa vui, vừa xúc động.
Bác Hồ của chúng ta rất thuộc Kiều, hiểu Kiều và vận dụng những câu Kiều vào thơ ca, bài nói của mình cũng tự nhiên, tinh tế như vận dụng ca dao, tục ngữ vậy
Khác với lối phỏng Kiều của các cụ ngày xưa, những câu phỏng Kiều, lẫy Kiều của Bác Hồ chứa đựng nội dung tư tưởng, tình cảm hoàn toàn mới. Đồng thời, cấu trúc câu, cách sử dụng ngôn ngữ cũng mới mẻ, phóng khoáng, nhưng đọc lên vẫn phảng phất câu thơ Kiều, vẫn mang nét đậm đà, ý vị của thơ ca truyền thống Việt Nam. Ngay cả khi Bác dùng nguyên một câu Kiều, thì câu thơ ấy cũng chứa đựng nội dung mới, vì nó nằm trong văn cảnh của bài nói, bài viết.
Bác Hồ yêu thích và trân trọng vốn văn hóa của ông cha, trong đó có Truyện Kiều. Như con ong hút nhụy của hoa thơm, làm nên mật ngọt, Bác nắm lấy cái tinh, bắt lấy cái thần của tâm hồn dân tộc trong thơ xưa, trong thơ Kiều, sáng tạo nên những câu thơ, câu ca hiện đại mà không xa lạ với nhân dân.
Đọc lại câu văn vần - hay câu thơ trong Di chúc thiêng liêng của Bác:
"Còn non, còn nước, còn người,
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay".
Ta thấy rõ đây là câu văn rất mới, hiện đại: "Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay", như là một khẩu hiệu, như là một lời dặn, một lời hứa, một lời thề. Nhưng lại làm ta liên tưởng đến một câu Kiều:
"Còn non, còn nước, còn dài
Còn về còn nhớ đến người hôm nay".
Thật là kỳ diệu, câu văn vần của Bác rất Việt Nam, rất "Cụ Hồ".
Như thế truyện Kiều đã lan rộng ở mọi môi trường: giáo dục, kháng chiến, đời sống
2. Truyện Kiều với bạn bè quốc tế
Sức lan tỏa của Truyện Kiều của Nguyễn Du đã vượt ra khỏi giới hạn của một dân tộc để đến với bè bạn khắp bốn biển, năm châu. Cho đến nay, Truyện Kiều đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng khác nhau như: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc, tiếng Đức, tiếng Hung- ga- ry, tiến Bulgary, tiếng Tiệp Khắc, tiếng Ba Lan, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Trung Quốc, tiếng Lào, tiếng Thái Lan v...v. Truyện Kiều là một trong những tác phẩm văn học cổ điển Việt Nam được nghiên cứu, lược dịch và đưa vào giảng dạy trong những khoa tiếng Việt và bộ môn Văn học Phương Đông trong các trường Đại học ở Liên Xô trước đây và Liên bang Nga hiện nay cũng như nhiều nước khác trên thế giới. Chúng ta càng tự hào hơn khi các chính khách, các nhà nghiên cứu văn học uy tín trên thế giới đã không tiếc nhưng lời ngợi khen, lời đánh gia rất cao về thiên tài Nguyễn Du và Kiệt tác Truyện Kiều, tiêu biểu có các bài nghiên cứu: Truyện Kiều và xã hội Á Đông của Rơnê Crayxắc; Nguyễn Du và Đoạn Trường Tân Thanh của G. Boudaven; Một nhà thơ và chiến tranh của SácLơ fuaniô; Nguyễn Du, nhà thơ kiệt xuất Việt Nam và Truyện Kiều của ông của Lưu Thế Đức và Lý Tu Chương; Nguyễn Du nhà thơ nhân đạo lỗi lạc của N. I. Niculin; Đề tặng bản Kiều dịch ra tiếng Đức của Jôhan ĐichMan; Nguyễn Du nhà thơ vĩ đại của dân tộc Việt nam của CatĐua Mamxatxi. . . Trong bài nghiên cứu của mình, các tác giả đã có những lời ngợi ca như sau: “Trên thế giới, ít nhà thơ tìm thấy được ngay giữa lòng nhân dân nước mình một tiếng vang lớn như nhà thơ Nguyễn Du ở Việt Nam. Truyện Kiều của ông là cuốn sách kinh điển trong văn học Việt Nam, nhưng là thứ kinh điển mà mọi người đều biết, không sót một ai. Người nông dân nơi đồng ruộng cũng có thể ngâm thuộc lòng từng đoạn Kiều. Và có lẽ ở thời trước thời mà nạn mù chữ đang ngự trị hầu như tuyệt đối ở nông thôn, người ta còn thuộc Kiều nhiều hơn là thời nay nữa…Hệt như những bài dân ca mà các nghệ sĩ hát rong đã hát ở miền Nam nước Pháp thời trung cổ, Truyện Kiều được nhân Việt Nam ngâm nga thuộc lòng ngay trong những nếp nhà tranh nghèo khổ nhất … ”. (Joocjơ Budaven, người Pháp). Cùng quan điểm đó, nhà văn Cu Ba Fêlích Pita Rôđriget cho rằng “Thiên tài sáng tạo của Nguyễn Du và sự thông cảm sâu sắc của ông đối với tâm hồn của nhân dân nước ông đã kết hợp với nhau, khiến cho nhà thơ đã có thể đưa sự nghiệp vĩ đại- làm cho ngôn ngữ Việt Nam có một giá trị vĩnh viễn- lên một đỉnh cao.Với một trình độ học vấn uyên bác, là một trong số ít người thời đó hiểu biết gia tài phong phú của nền văn hóa Trung Quốc, Nguyễn Du đã biết tìm và đã tìm được tài sản phong phú của nền văn hóa dân gian Việt Nam và đã kết hợp cả hai nền văn hóa đó một cách sáng tạo thiên tài, ông đã làm cho ngôn ngữ Việt Nam vốn đã phong phú lại càng rực rỡ hơn”. Còn Joohan Đíchmam: Giáo sư tiến sĩ, Chủ tịch Quốc hội nước cộng hòa dân chủ Đức cho rằng: “Với tác phẩm này, độc giả Đức tìm thấy một thế giới văn học mà cho tới nay họ chưa biết tới: trước mắt họ, thấm nhuần trong Truyện Kiều là cả một kho tàng nhân văn, đỉnh cao tuyệt vời của nền văn hóa dân tộc Việt Nam.
Với nước Mỹ, một đấy nước đã từng xâm lược nước ta, sau hòa bình lập lại, ít nhất có 3 vị tổng thống Mỹ đã sử dụng một số câu thơ trong tác phẩm Truyện Kiều trong bài diễn văn trang trọng của họ. Lần thứ nhất, trong diễn văn đáp từ của Tổng thống Bill Clinton tại cuộc chiêu đãi trọng thể của Chủ tịch nước Trần Đức Lương tối ngày 17 tháng 11 năm 2000 “ Sen tàn cúc lại nở hoa, sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”. Lần thứ hai, trong diễn văn của Phó Tổng thống Mỹ Joe Binden, thay mặt Tổng thống Barack Obama chủ trì, tại buổi tiệc trưa ngày 7 tháng 7 năm 2015 chiêu đãi trọng thể Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu Việt Nam tại Nhà Trắng. Trong cuộc hội đàm với Tổng bí thư nước ta, ngài phó tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã mượn câu Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời” để nói về mối quan hệ tươi sáng Việt- Mỹ trong tương lai.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng nâng ly tại cuộc chiêu đãi trọng thể của Chính phủ Mỹ - Ảnh: Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội
Lần thứ ba, Tổng thống Barack Obama trích dẫn Truyện Kiều trong bài phát biểu trước 2000 người Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ngày 25 tháng 5 năm 2016 với câu Kiều “ Rằng trăm năm cũng từ đây – Của tin gọi một chút này làm ghi”.
Gần đây nhất, trong diễn văn đáp từ Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại tiệc chiêu đãi cấp nhà nước ngày 11 tháng 9 năm 2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trích dẫn hai câu thơ trong truyện Kiều: "Vinh hoa bõ lúc phong trần / Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày". Nhà lãnh đạo nước Mỹ nói thêm "đây là ngày chúng ta có thể cảm nhận được vinh hoa và ấm áp của những cơ hội vô hạn mở ra trước mắt"…
Các bài diễn văn nói trên thể hiện sự am tường lịch sử, văn hóa Việt Nam và sự chuẩn bị công phu, tinh tế của những người đứng đầu nước Mỹ, vai trò quan trọng của đội ngũ cố vấn, chuyên gia và cả những người phiên dịch Việt Nam. Họ đã vận dụng, đưa văn hóa Việt Nam, đặc biệt là văn chương Việt Nam, vào ngoại giao, chính trị. Những diện mạo văn hóa tiêu biểu nhất của Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực Chính trị, Quân sự, Tôn giáo, Ngoại giao, Khoa học, Văn học nghệ thuật. Một vị Tổng thống (hoặc Phó Tổng thống Mỹ) lẩy Kiều “cho thấy rõ một thực tế: Truyện Kiều đã được thế giới mặc định là tác phẩm tiêu biểu tại Việt Nam, gắn với văn hóa Việt Nam” (Cúc Đường, Khi người Mỹ lẩy Kiều, http://thethaovanhoa.vn)
Tổng thống Joe Biden phát biểu tại Phủ Chủ tịch ngày 11/9.
Đặc biệt hơn, tối ngày 5/12/2015, tại Quảng trường trung tâm thành phố Hà Tĩnh, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, UBMTTQ Việt Nam, Bộ VHTT&DL và tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du – Danh nhân văn hóa thế giới.
Trong buổi lễ, có bà Katherine Muller Marin - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, ngài Phôm Ma Xi Phế Na - Công sứ Đại sứ quán Lào tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo tỉnh Bôlykhămxay (Lào) cùng đồng hành.
Dưới nhãn quan của người làm công tác khoa học, giáo dục và văn hóa, bà Katherine Muller Marin - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam nhận thấy tầm vóc của Nguyễn Du không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà còn ở cả nhân loại.
Bà Katherine Muller-Marin cho rằng, ở tác phẩm Nguyễn Du đã có mối liên hệ chặt chẽ với các lĩnh vực trọng tâm của UNESCO, tiêu biểu như: liên quan đến khát vọng hòa bình, chủ nghĩa nhân văn, giá trị gia đình, truyền thống văn hóa. Tác phẩm của Nguyễn Du còn có mối liên hệ với bình đẳng giới - lĩnh vực hoạt động của UNESCO.
Bà đại sứ Unesco tại việt nam tại buổi lễ kỷ niệm 250 ngày sinh Nguyễn Du
Văn bản của Hội đồng Liên minh Kỷ lục thế giới đánh giá: Truyện Kiều của Nguyễn Du (1765-1820) gồm 3.254 câu thơ lục bát là một kiệt tác văn học. Tác phẩm này đã chinh phục các thế hệ công chúng trong hơn 200 năm qua. Truyện Kiều cũng đã được chuyển ngữ sang hơn 20 thứ tiếng khác nhau trên thế giới như Anh, Nga, Pháp… với trên 35 bản dịch. Có thể thấy Truyện Kiều của Việt Nam đã vượt ra ngoài biên giới đến với độc giả nhiều nước trên thế giới. Với Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du đã được vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới.
Bằng chứng nhận của Tổ chức Liên minh Kỷ lục thế giới cấp cho Truyện Kiều
Như vậy, với một ý nghĩa to lớn, Truyện Kiều đã có sứ mệnh gắn kết các dân tộc xích lại gần nhau, trân trọng nền văn hóa của nhau, hiểu và chia sẽ, sát cách bên nhau đánh đuổi kẻ thù xâm lược, xóa bỏ chiến tranh, xây dựng cuộc sống hòa bình. Truyện Kiều của danh nhân Nguyễn Du là kiệt tác của văn học Việt Nam, tự hào đứng cùng những tác phẩm bất hủ thế giới được bạn đọc trong và ngoài nước yêu mến. Từ khi ra đời đến nay Truyện Kiều là món ăn tinh thần gần gũi với người dân Việt Nam, trở thành nơi để con người gửi gắm niềm tin về vận mệnh của mình, của dân tộc mình. Truyện Kiều trở thành một hình tượng dân gian mang đậm tính chất tâm linh. Truyện Kiều và Nguyễn Du là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam.
--------------------------------------------