Ngữ liệu ngoài SGK: Giáo viên và hành trình đổi mới phương pháp dạy Ngữ văn
TCGCVN - Việc đưa ngữ liệu hoàn toàn mới vào đề thi Ngữ văn từ năm 2025 đã đặt ra một thử thách hoàn toàn mới, đòi hỏi giáo viên phải không ngừng cập nhật kiến thức, tìm kiếm những nguồn tài liệu phong phú và đa dạng, đồng thời phải có khả năng thiết kế các bài giảng sáng tạo, phù hợp với đặc điểm của từng đối tượng học sinh.
Trước đây, khi kiểm tra và đánh giá học sinh môn Ngữ Văn, chúng ta thường sử dụng ngữ liệu từ sách giáo khoa (SGK). Cách tiếp cận này giúp đảm bảo rằng học sinh nắm vững kiến thức cơ bản và cốt lõi cần thiết trong quá trình học tập. Hơn nữa, việc sử dụng ngữ liệu từ SGK cũng duy trì tính công bằng trong đánh giá giữa các học sinh.
SGK Ngữ văn lớp 12 - Tập 1 Chương trình cũ (Ảnh minh họa)
Việc kiểm tra Ngữ Văn sử dụng ngữ liệu từ sách giáo khoa trước đây không chỉ giúp đảm bảo tính công bằng mà còn giảm áp lực cho cả học sinh và giáo viên trong bối cảnh xã hội Việt Nam vốn nặng dấu ấn Nho giáo và coi trọng bằng cấp. Tuy nhiên, phương pháp này dần bộc lộ hạn chế, khi nó không đánh giá toàn diện khả năng của học sinh, đặc biệt là về tư duy phản biện và sáng tạo. Học sinh có xu hướng học vẹt, học thuộc lòng thay vì phát triển khả năng cảm thụ và tư duy cá nhân. Điều này dẫn đến việc dạy và học Ngữ Văn trở nên rập khuôn, xa rời mục tiêu phát triển năng lực thực sự của học sinh.
Do đó, việc chuyển sang cách ra đề không sử dụng ngữ liệu từ sách giáo khoa là một bước thay đổi tất yếu, phù hợp với lộ trình cải cách giáo dục mà chúng ta đã đặt ra, đặc biệt với việc hoàn thiện chương trình GDPT 2018 từ năm học 2024-2025, với việc áp dụng sách giáo khoa mới lớp 5, lớp 9, lớp 12, chúng ta chính thức hoàn thiện chương trình 2018 với tất cả các khối lớp.
SGK Ngữ văn 12 - Tập 1 Chương trình mới ( Ảnh minh họa)
Để kiểm tra và đánh giá năng lực học sinh môn Ngữ Văn một cách hiệu quả, việc ra đề không sử dụng ngữ liệu từ sách giáo khoa cần được thực hiện thận trọng. Giáo viên cần điều chỉnh phương pháp giảng dạy, khuyến khích học sinh đọc và phân tích các văn bản ngoài chương trình, tham gia các hoạt động như câu lạc bộ sách, thảo luận và viết nhật ký đọc. Điều này giúp học sinh phát triển kỹ năng tư duy phản biện, sáng tạo, và phân tích.
Giáo viên cần có những phương pháp dạy học mới mẻ và hiệu quả đối với học sinh ( Ảnh minh họa)
Để đảm bảo công bằng, đề thi nên kết hợp giữa ngữ liệu trong và ngoài sách giáo khoa, với các câu hỏi mở hướng đến phân tích, tổng hợp và ứng dụng kiến thức. Các cấp quản lý cần đưa ra hướng dẫn rõ ràng và đào tạo giáo viên về phương pháp ra đề mới. Việc tổ chức các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận sau mỗi kỳ kiểm tra sẽ giúp cải thiện chất lượng đề thi và phương pháp giảng dạy.
Huyền Vy