MỘT GIA ĐÌNH CÓ 5 ĐỜI LÀM NGHỀ DẠY HỌC
Từ hàng trăm năm qua, nghề dạy học đã trở thành một trong những truyền thống tốt đẹp của dòng họ Tô ở làng Thượng Tầm xưa, nay là thôn Thái Hòa, xã Đông Hoàng, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Thời nho học, nhiều vị người họTô đã đỗ Nhị trường, Tú tài, Cử nhân, rồi trở về dạy học. Trải qua những biến đổi sâu sắc của nền giáo dục nước nhà, đến nay dòng họTô làngThượngTầm đã có hơn 600 người tốt nghiệp đại học, hơn 80 người đỗ Thạc sỹ, gần 30 người có học vị Tiến sỹ và gần 10 người được phong học hàm Phó Giáo sư.Trong bối cảnh đó, nghề dạy học trở thành một nghề thanh cao, được nể trọng và nhiều gia đình truyền từ đời này qua đời khác.Tiêu biểu nhất là đại gia đình cụ Cử nhân Tô Văn Thống đến nay đã có 5 đời nối tiếp nhau theo nghề dạy học.
Gia đình Đại tá Tô Bỉnh (con cụ Giáo Thủy-cháu cụ Cử Tô)
Đời thứ nhất: Theo cuốn “Gia phả Phân chi 3-Chi 3-Phái Đệ nhị-Họ Tô làng Thượng Tầm”, cụ Tô Văn Thống sinh ngày 15 tháng Giêng năm Tân Dậu (1861), tự là Lạc Đồng. Năm 15 ruổi, Cụ đã nổi tiếng là người học giỏi, được gia đình cho vào huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình theo học cụ Án sát người làng Dịch Diệp, tỉnh Nam Định. Năm Cụ 24 tuổi (1884) có khoa thi Hương ở trường thi Nam Định, cũng là thời điểm vua Tự Đức ký Hòa ước nhượng Bắc kỳ cho thực dân Pháp, nên Cụ đã bàn với cụ Cử Gia ở xã Đông Động là đi thi, nhưng làm bài để không đỗ khoa này, khoa tới sẽ liệu sau. Năm 1888 lại có khoa thi, cụ đã dự thi và đỗ Cử nhân năm 28 tuổi, nhưng Cụ không ra làm quan, mà ở nhà mở trường dạy học. Môn sinh của Cụ khá đông, trước sau khoảng 50 người, trong số đó sau này nhiều người đã đỗ Nhị trường, Tú tài, Cử nhân. Nhiều năm Cụ là Tiên chỉ của làng Thượng Tầm. Cụ được cả làng, cả huyện kính trọng gọi là cụ Cử Tô.
Cụ Tô Văn Thống và cụ bà Vũ Thị Siêu sinh được 7 người con gồm 4 trai và 3 gái: Tô Thị Điếm; Tô Văn Lệnh (cụ Cửu Định); Tô Văn Trị (cụ Phán Trị); Tô Văn Mạnh (cụ Ba Mạnh); Tô Thị Đỗi; Tô Văn Thủy (cụ Giáo Thủy) và cụ Tô Thị Biển.
Đời thứ hai: Cụ Tô Văn Thủy (cụ Giáo Thủy), là người con trai thứ tư của cụ Cử Tô, sinh năm 1909, vào nghề dạy học từ năm 1938. Lúc đầu, Cụ dạy học ở xã Đôn Nông, huyện Duyên Hà (nay thuộc huyện Hưng Hà), sau chuyển về dạy ở xã Hội Châu, phủ Thái Ninh (nay là xã Đông Phong, huyện Đông Hưng). Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Cụ làm Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời xã Thượng Phương (nay là hai xã Đông Hoàng và Đông Á). Tiếp theo đó, Cụ làm Trưởng phòng Cung tiêu thuộc Chi cục Ngoại thương tỉnh Thái Bình. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Cụ dạy học ở các vùng du kích trong huyện nhà. Sau ngày Hòa bình lập lại năm 1954, Cụ làm Hiệu trưởng Trường tiểu học xã Đông Hoàng, rồi xã Đông Á cho đến khi nghỉ hưu. Do những công lao trong quá trình công tác, Cụ được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Ba.
Đời thứ 3: Những tư liệu hiện đã thu thập được cho thấy tất cả 4 người con trai của cụ Cử Tô đều có các con cháu làm nghề dạy học. Trong số 74 người cháu nội trai gái dâu rể của cụ Cử có tới 24 người nối nghiệp ông cha, chiếm gần 1/3. Trong đó có 2 Nhà giáo ưu tú và 3 người đảm nhiệm cương vị Hiệu trưởng trường phổ thông.
Đại gia đình cụ Cử Tô cũng là nơi hội tụ nhiều nhà giáo cấp cao. Cụ Đỗ Cao Chuyển (con rể cụ Cửu Định) nguyên là Vụ trưởng Vụ Mác-Lênin, Bộ Đại học và Trung học chyên nghiệp, nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cụ Đỗ Như Hiện (con rể cụ Phán Trị) nguyên là Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lương Ngọc Quyến, thành phố Thái Nguyên. Cụ Châu Vĩnh Phát (con rể cụ Phán Trị) nguyên là Hiệu trưởng Trường Y sỹ tỉnh Bạc Liêu. Phó Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Gia Cốc (con rể cụ Phán Trị) nguyên là Phó Viện trưởng Viện Nội dung và Phương pháp giảng dạy thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Phó Giáo sư Tiến sỹ Trần Văn Chu (con rể cụ Ba Mạnh) nguyên là Vụ trưởng Vụ 1, Bộ Thương Mại, giảng viên Trường Đại học Quản trị kinh doanh và Công nghệ, Hà Nội. Cụ Giáo Thủy có 2 người con rể làm nghề dạy học là Tiến sỹ Huỳnh Tấn Phát, Cán bộ Lão thành cách mạng, nguyên là giảng viên Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, và cụ Lê Hùng, nguyên là giáo viên của Trường Trung học phổ thông huyện Hưng Hà, Trường Trung học sư phạm tỉnh Thái Bình, Trường Trung học phổ thông Quảng Xương 2, tỉnh Thanh Hóa.
Suốt mấy chục năm qua, các cháu của cụ Cử Tô đã ra sức phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ cao quý “làm thầy”, đồng thời tích cực góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong số 24 nhà giáo nêu trên có 22 người đã được nhận Huân chương Kháng chiến, hai người được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” và 2 người là “Cán bộ Lão thành cách mạng”. Nhiều người được tặng thưởng Huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục” và/hoặc Kỷ niệm chương của Hội Cựu Giáo chức Việt Nam.
Đời thứ tư: Đời thứ tư trong đại gia đình cụ Cử Tô có 29 người làm nghề dạy học, trong đó 16 người là chắt nội và 13 người là chắt ngoại gồm trai gái dâu rể.
Đời thư năm: Thế hệ thứ năm các nhà giáo của gia đình cụ Cử Tô bao có 21 người gồm trai gái dâu rể làm việc tại các cơ sở giáo dục đa dạng, từ các trường mầm non cho đến đại học trên 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trải qua hơn 100 năm, đại gia đình cụ Cử Tô đã đóng góp cho đất nước gần 80 nhà giáo, góp phần to lớn vào sự nghiệp “trồng người”. Có thể tin tưởng chắc chắn rằng những thế hệ mai sau sẽ lại tiếp tục có nhiều người bước vào “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”.
PGS.TS.Tô Bá Trọng
Tài liệu tham khảo
- Lịch sử Đảng bộ xã Đông Hoàng (1930-2015).
- Sổ vàng Khuyến học-Khuyến tài của dòng HọTô làngThượng Tầm.
- Gia phả Phân chi 3-Chi 3-Phái Đệ Nhị-Họ Tô làng Thượng Tầm.
- Tô Bỉnh, Cụ Cử Tô, Tạp chí HọTô Việt Nam, số 25, 12-2022, tr. 30-31.
- Chúng tôi xin chân thành cảm ơn Đại tá Tô Bỉnh, cháu nội của cụ Cử Tô, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng HọTô Việt Nam, đã đọc kỹ và cho nhiều ý kiến quý báu chỉnh sửa và bổ sung bản thảo bài viết này.