KẾT QUẢ PHỔ CẬP GIÁO DỤC MẦM NON, TIỂU HỌC, TRUNG HỌC CƠ SỞ THEO CHỈ THỊ SỐ 10-CT/TW, NGÀY 05/12/2011 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ KHÓA XI
Phổ cập giáo dục là quá trình tổ chức hoạt động giáo dục để mọi công dân trong độ tuổi đều được học tập và đạt đến trình độ học vấn nhất định theo quy định của pháp luật, nhằm nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phổ cập giáo dục. Năm 2010, cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở, cùng với nhiều yếu kém được chỉ ra, Bộ Chính trị khóa XI tiếp tục ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 05/12/2011 “về phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở”. Năm 2021, sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị, một đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị đã được thực hiện. Bài viết này tổng quan lại các kết quả thực hiện phổ cập giáo dục theo tinh thần Chỉ thị số 10-CT/TW và đề xuất một số giải pháp tiếp theo cho thực hiện giáo dục bắt buộc với giáo dục tiểu học.
1. Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phổ cập giáo dục
Phổ cập giáo dục là quá trình tổ chức hoạt động giáo dục để mọi công dân trong độ tuổi đều được học tập và đạt đến trình độ học vấn nhất định theo quy định của pháp luật, nhằm nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phổ cập giáo dục.
Ngày 12/8/1991, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VIII đã thông qua Luật Phổ cập giáo dục tiểu học với 5 chương, 28 điều. Luật xác định rõ “Nhà nước thực hiện chính sách phổ cập giáo dục tiểu học bắt buộc từ lớp một đến hết lớp năm đối với tất cả trẻ em Việt Nam trong độ tuổi từ 6 đến 14 tuổi” và khẳng định “Giáo dục tiểu học là bậc học nền tảng của hệ thống giáo dục quốc dân, có nhiệm vụ xây dựng và phát triển tình cảm, đạo đức, trí tuệ, thẩm mỹ và thể chất của trẻ em, nhằm hình thành cơ sở ban đầu cho sự phát triển toàn diện nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Luật cũng chỉ rõ “Cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, gia đình, công dân có trách nhiệm tham gia vào việc thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học”; vai trò, trách nhiệm của học sinh, nhà trường, gia đình, xã hội, cơ quan quản lý nhà nước trong phổ cập giáo dục tiểu học.
Sau gần 10 năm thực hiện Luật Phổ cập giáo dục tiểu học, cả nước đã đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học. Đây là cơ sở quan trọng để Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 61-CT/TW, ngày 28/12/2000 về việc thực hiện phổ cập trung học cơ sở với mục tiêu “nâng cao mặt bằng dân trí một cách toàn diện, làm cho hầu hết công dân đến 18 tuổi đều tốt nghiệp trung học cơ sở, kết hợp phân luồng sau cấp học này, tạo cơ sở cho việc tiếp tục đổi mới cơ cấu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong những thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, phát huy cao độ tính độc lập, năng động, sáng tạo và bản lĩnh chính trị của thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Chỉ thị đã nêu ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp tương đối toàn diện cho công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
Với nhận định “Chỉ thị số 61-CT/TW đã được cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương tổ chức quán triệt và triển khai nghiêm túc, rộng khắp với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, tạo được sự chuyển biến nhận thức về vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong việc phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Năm 2010, cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở, cùng với nhiều yếu kém được chỉ ra, Bộ Chính trị khóa XI tiếp tục ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 05/12/2011 “về phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở” với mục tiêu tổng quát là “Nâng cao trình độ dân trí một cách toàn diện, mở rộng giáo dục mầm non, hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và trung học cơ sở với chất lượng và hiệu quả ngày càng cao, tiến tới phổ cập giáo dục trung học ở những nơi có điều kiện; cơ bản xóa mù chữ và ngăn chặn tái mù chữ ở người lớn; đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở đi đôi với phát triển mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và giáo dục phổ thông gắn với dạy nghề nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đất nước”. Chỉ thị nêu ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đầy đủ và toàn diện cho công tác phổ cập, phân luồng.
Đến năm 2019, phổ cập giáo dục và giáo dục bắt buộc được luật hóa tại Điều 14 trong Luật Giáo dục. Trong đó, giáo dục tiểu học là bắt buộc; Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở; Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của nhà nước, công dân, gia đình trong việc thực hiện phổ cập giáo dục và giáo dục bắt buộc.
Chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đã tạo định hướng, hành lang pháp lý triển khai đạt nhiều kết quả về phổ cập giáo dục trong giai đoạn qua.
2. Một số kết quả phổ cập giáo dục theo chỉ thị số 10-CT/TW
2.1. Cả nước đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi; tỷ lệ huy động trẻ từ 3 đến 5 tuổi được học mẫu giáo từng bước tăng lên
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 10, mạng lưới trường lớp, giáo viên mầm non được củng cố, mở rộng và phân bố đến hầu hết các địa bàn dân cư xã, phường, thôn, bản đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đưa trẻ đến trường1. Các địa phương đã thực hiện khá tốt công tác quản lý, sử dụng, tuyển dụng đội ngũ giáo viên, số lượng giáo viên mầm non tăng, cơ bản đáp ứng yêu cầu phổ cập mầm non 5 tuổi2.
Tỷ lệ huy động trẻ từ 3 đến 5 tuổi học mẫu giáo tăng, năm 2011 huy động được 3.771.483 trẻ, năm 2020 huy động được 5.306.501 trẻ. Tỷ lệ trẻ mẫu giáo 5 tuổi huy động ra lớp tăng rất cao, năm 2010 đạt 96,40%; năm 2015 đạt 99,486%, năm 2019 đạt 99,96% (tăng 1,2%), năm 2020 đạt 99,78%. Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành Chương trình giáo dục mầm non (GDMN) đạt 99,7%. Công tác chăm sóc, giáo dục trẻ 2 buổi/ngày từng bước được nâng dần về số lượng và chất lượng, tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi được học 2 buổi/ngày đạt 99,9%.
Năm 2017, cả nước hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi3. Năm 2020, Chương trình giáo dục mầm non mới đã thực hiện ở 100% các cơ sở GDMN. Cả 63/63 tỉnh, thành phố duy trì, củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, 713/713 đơn vị cấp huyện (100%) duy trì phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi (PCGDMNTNT), có 99,3% đơn vị cấp xã đạt chuẩn PCGDMNTNT.
Tuy nhiên, tỷ lệ huy động trẻ các độ tuổi mẫu giáo ra lớp có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng, miền; tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 3 đến 4 tuổi còn thấp chỉ đạt 90,4%, ảnh hưởng tới sự bền vững của PCGDMNTNT4; tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi từ 03 tháng đến dưới 36 tháng ra lớp thấp đạt 28%. Hiện nay, toàn quốc còn 07 xã chưa đạt chuẩn PCMNTNT5. Một số địa phương, nhất là vùng núi cao, vùng kinh tế - xã hội khó khăn chưa hoàn thiện quy hoạch, chưa xây dựng đủ trường, lớp mầm non. Trường, lớp mầm non thiếu công trình vệ sinh, công trình nước sạch, bếp ăn, đồ dùng, đồ chơi. Nhiều nơi chưa dành đủ quỹ đất để xây dựng trường, lớp, nhất là ở những thành phố lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất6. Tình trạng thiếu giáo viên mầm non ở nhiều địa phương vẫn chưa được khắc phục7. Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung tỷ lệ giáo viên/lớp rất thấp8. Một số địa phương còn lúng túng trong việc thực hiện tinh giảm biên chế; việc thực hiện chính sách đối với giáo viên hợp đồng chậm. Chính sách chưa phù hợp với đặc thù công việc của đội ngũ giáo viên mầm non.
2.2. Phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở được củng cố, duy trì vững chắc, nhiều địa phương đã đạt phổ cập giáo dục tiểu học ở mức độ 3
Phổ cập giáo dục tiểu học: Tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào học lớp một của cả nước tăng lên hàng năm (năm 2011 đạt 98,7%; năm 2016 đạt 99,3%; năm 2020 đạt 99,67%). Tỷ lệ lưu ban và bỏ học giảm mạnh (năm 2011 là 1,43%; năm 2016 là 0,81%; năm 2020 là 0,79%9). Số đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đạt chuẩn phổ cập mức độ 2 được duy trì vững chắc10 (năm 2020: 100% cấp tỉnh; 100% cấp huyện; 100% cấp xã). Tính đến cuối năm học 2020 - 2021, có 22 tỉnh, thành phố được Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học (PCGDTH) mức độ 3 (đạt 35%); số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn PCGDTH mức độ 3 đạt 90,2%; số đơn vị cấp xã đạt chuẩn PCGDTH mức độ 3 đạt 92,1%.
Phổ cập giáo dục trung học cơ sở: Tỷ lệ trẻ hoàn thành chương trình tiểu học vào học lớp 6 tăng dần (năm 2011 đạt 97,42%; năm 2016 đạt 98,93%; năm 2020 đạt 99,03%). Tỷ lệ lưu ban và bỏ học giảm mạnh (năm 2011 là 3,5%; năm 2016 là 2,38%; năm 2020 là 1,81%). Số đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở (PCGDTHCS) mức độ 1 được duy trì và từng bước nâng lên (năm 2010: có 63/63 tỉnh đạt 100%, 695/695 huyện đạt 100%, 11036/11059 xã đạt 99,8% đạt chuẩn PCGDTHCS. Năm 2015, đạt chuẩn PCGDTHCS: cấp tỉnh 63/63 đơn vị, đạt 100%; cấp huyện đạt 100%; cấp xã đạt 99,94%. Năm 2020: đạt chuẩn PCGDTHCS mức độ 1: cấp tỉnh 63/63 đơn vị, đạt 100%; cấp huyện đạt 100%; cấp xã đạt 100%. Tháng 7 năm 2021 đạt chuẩn mức độ 2 là 07 tỉnh (chiếm 11,11%), mức độ 3 là 03
tỉnh11 (chiếm 4,76%).
Tuy nhiên, kết quả PCGDTH, PCGDTHCS còn chênh lệch lớn giữa các vùng, miền. Ở địa bàn vùng núi cao, vùng kinh tế - xã hội khó khăn, phổ cập giáo dục chưa vững chắc. Một số địa phương do sức ép thực hiện tiến độ phổ cập trong khi điều kiện chưa thật đầy đủ dẫn đến triển khai nóng vội, chưa coi trọng đúng mức đến chất lượng phổ cập, cá biệt còn tình trạng “học sinh ngồi nhầm lớp”. Nhiều trường còn thiếu cơ sở vật chất thực hiện dạy học 2 buổi/ngày theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Một số xã thuộc các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, có nhiều điểm trường còn tình trạng lớp ghép, lớp nhô. Ở một số tỉnh khó khăn, số học sinh lưu ban và bỏ học vẫn còn cao.
2.3. Năng lực và chất lượng đào tạo của các trường sư phạm đã được nâng lên; chính sách thu hút học sinh giỏi vào các trường sư phạm từng bước được hoàn thiện
Năng lực đào tạo của hệ thống các trường, khoa sư phạm trong cả nước đã đáp ứng đủ số lượng giáo viên cho ngành giáo dục, chất lượng bảo đảm so với yêu cầu giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông 2000. Hiện nay, cả nước có 115 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cấp học mầm non, phổ thông, trong đó có 15 trường đại học sư phạm, 27 trường cao đẳng sư phạm; 25 trường cao đẳng, 48 trường đại học đa ngành có đào tạo giáo viên.
Chất lượng giáo viên từng bước được nâng lên12; Chính phủ đã ban hành ba đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục13 (mầm non, phổ thông và đại học). Nhằm nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông phục vụ cho đổi mới chương trình, sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai Chương trình Phát triển các trường sư phạm (dự án ETEP), chỉ đạo các trường sư phạm trọng điểm, chủ chốt14 triển khai nghiên cứu xây dựng mới 50 chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn cho giảng viên sư phạm chủ chốt, cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán để đội ngũ này tiếp tục tập huấn cho toàn bộ giáo viên và cán bộ quản lý triển khai chương trình, sách giáo khoa mới.
Để thu hút học sinh giỏi vào học các ngành đào tạo giáo viên, Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên theo học ngành sư phạm tại các trường đại học, học viện, trường cao đẳng (được phép đào tạo giáo viên) thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu và đào tạo theo nhu cầu xã hội.
Tuy nhiên, chưa rà soát, sắp xếp quy hoạch lại hệ thống các trường sư phạm; hệ thống các cơ sở đào tạo giáo viên chưa được sắp xếp kịp thời, khoa học, nhất là các trường cao đẳng sư phạm ở địa phương15. Quy mô đào tạo của các trường sư phạm bị thu hẹp, điểm chuẩn đầu vào của sinh viên sư phạm thấp hơn nhiều ngành khác; lương giáo viên thấp16. Sự gắn kết giữa các cơ sở đào tạo giáo viên với nhà trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên chưa tốt, nhất là trong việc cung cấp các nội dung bồi dưỡng cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
2.4. Chính sách đãi ngộ nhà giáo từng bước được hoàn thiện, nhất là đối với giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, giáo viên giảng dạy trong các trường chuyên biệt
Nhà nước đã bổ sung, ban hành nhiều chế độ, chính sách về tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ và thu hút nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục: về lương, phụ cấp thâm niên, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp khu vực, phụ cấp ưu đãi… tạo điều kiện tốt hơn để nhà giáo yên tâm công tác.
Chất lượng đội ngũ nhà giáo từng bước được nâng lên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu dạy và học là do những năm gần đây, công tác quản lý giáo dục đã được quan tâm. Các văn bản quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập; tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên17; Chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông18 làm cơ sở để các địa phương tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức ngành giáo dục đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, triển khai mạnh mẽ. Một số chứng chỉ (ngoại ngữ, tin học) gây khó cho giáo viên đã được bãi bỏ.
Nhà giáo và cán bộ quản lý công tác tại các tỉnh miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn ngoài chính sách chung được hưởng, còn được hưởng thêm phụ cấp ưu đãi với mức cao hơn19.
Tuy nhiên, chính sách đối với nhà giáo hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, như: chưa thực hiện được chính sách lương cho giáo viên theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; phụ cấp nghề nghiệp chưa đưa vào lương nên khi giáo viên chuyển sang làm quản lý giáo dục không còn hưởng chế độ này. Phụ cấp nghề nghiệp của giáo viên thấp hơn phụ cấp nghề nghiệp nhiều ngành, nghề khác.
2.5. Nguồn lực trong xã hội tiếp tục được huy động để phát triển giáo dục, mở rộng mạng lưới trường, lớp; nâng cấp đồ dùng, thiết bị dạy và học
Trong các văn bản của Đảng và Nhà nước về giáo dục đều nhấn mạnh chủ trương khuyến khích huy động các nguồn lực của xã hội (xã hội hóa) để phát triển giáo dục. Chính phủ tập trung chỉ đạo 5 nhóm giải pháp20: Hoàn thiện thể chế; Cải thiện môi trường đầu tư; Đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục công lập; Tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục; Tiếp tục đẩy mạnh thông tin, truyền thông.
Chủ trương xã hội hóa giáo dục từng bước đi vào cuộc sống và thu được kết quả tốt. Nguồn lực của xã hội được huy động bằng nhiều hình thức, từ các cá nhân thông qua học phí và đóng góp thiện nguyện; các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp; đầu tư công - tư (PPP) trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo những năm gần đây đã được chú ý. Tính đến năm 2019, có trên 3.200 dự án đầu tư theo định hướng xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo với số vốn đăng ký trên 53.000 tỷ đồng21. Hiện nay, hệ thống trường dân lập, tư thục trên cả nước, có 3.299 trường mầm non, tăng 1.860 trường so với năm 2011, tiểu học có 306 trường, trung học cơ sở có 201 trường22.
Cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đã được đổi mới theo hướng tăng cường tính tự chủ, trách nhiệm giải trình theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, thông qua việc giao quyền tự chủ về nhân sự, về tài chính, tuyển sinh; đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập việc đổi mới cơ chế hoạt động chưa nhiều, chỉ thực hiện thí điểm ở một số địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, nhất là ở TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, hệ thống văn bản pháp luật về xã hội hóa, về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập ban hành chậm, chồng chéo, thiếu đồng bộ; cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa chưa đủ mạnh để tăng cường nguồn đầu tư xã hội cho phát triển giáo dục, nhất là ở vùng khó khăn. Nguồn lực thu hút đầu tư cho giáo dục chưa tương xứng với tiềm năng, mức độ huy động nguồn lực giữa các vùng, miền và giữa địa phương khác nhau, triển khai chậm và lúng túng.
3. Đánh giá chung
3.1. Ưu điểm
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 10, hầu hết các chỉ tiêu đề ra trong Chỉ thị đều đạt và vượt23. Chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh mầm non, tiểu học và trung học cơ sở được cải thiện, nhất là hiểu biết và năng lực tiếp cận tri thức, chất lượng giáo dục mũi nhọn được nâng cao là nhờ phổ cập giáo dục được củng cố vững chắc. Cơ chế, chính sách về giáo dục đã được bổ sung, từng bước hoàn thiện góp phần hỗ trợ bậc mầm non phát triển bền vững hơn.
Nhà nước huy động, tập trung nguồn lực phát triển giáo dục, mở rộng mạng lưới trường, lớp, nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung đồ dùng, thiết bị dạy và học giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả phổ cập giáo dục ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Tỷ lệ lưu ban và bỏ học đối với học sinh ở những vùng khó khăn, đặc biệt là học sinh người dân tộc thiểu số giảm.
Chính sách đãi ngộ đối với giáo viên từng bước được hoàn thiện. Nhà nước đã có chính sách thu hút, chính sách ưu đãi giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, giáo viên dạy trong các cơ sở giáo dục chuyên biệt. Năng lực và chất lượng đào tạo của các trường sư phạm từng bước được nâng lên; chính sách thu hút học sinh giỏi vào các trường sư phạm được chú trọng.
3.2. Hạn chế, yếu kém
Chế độ, chính sách đối với công tác phổ cập giáo dục (PCGD) chưa phù hợp với thực tế, thiếu chặt chẽ. Một số chính sách đã lạc hậu, nhất là chế độ chính sách đối với trường sư phạm, chính sách phát triển giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, đối với giáo viên. Chưa có chính sách hỗ trợ các trường ngoài công lập thực hiện phổ cập giáo dục.
Mục tiêu phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi chậm hai năm; tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 3 đến 4 tuổi đi học còn thấp chỉ đạt 90,4%, ảnh hưởng tới sự bền vững của PCGDMNTNT24. Tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào học lớp một thấp hơn mục tiêu đề ra (thấp hơn 0,33%). Chất lượng PCGD còn khác biệt lớn giữa các vùng, miền, ở một số vùng khó khăn còn thấp và chưa vững chắc, một số xã chưa đạt chuẩn. Tỷ lệ học sinh mắc các bệnh học đường còn cao25.
Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị, tỷ lệ chi cho giáo dục trong tổng ngân sách nhà nước từ 17,4% đến 20,2% và có xu thế giảm dần từ năm 2014 đến 202026. Nguồn lực đầu tư cho PCGD, cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ, giáo viên phục vụ công tác PCGD còn thiếu.
4. Một số đề xuất
(1) Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và trung học cơ sở.
(2) Triển khai các giải pháp toàn diện, đồng bộ để nhanh chóng thực hiện giáo dục bắt buộc đối với giáo dục tiểu học theo luật định.
(3) Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý của nhà nước, sự phối hợp liên ngành trong công tác phổ cập giáo dục. Tích cực tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức về công tác phổ cập giáo dục.
(4) Thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa giáo dục, xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người được học tập suốt đời.
(5) Đổi mới mạnh mẽ công tác đào tạo, bồi dưỡng; chính sách ưu đãi đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
-----------------------
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Chính trị (2000), Chỉ thị số 61-CT/TW của Bộ Chính trị khóa IX “về việc thực hiện phổ cập trung học cơ sở”, ban hành ngày 28/12/2000.
2. Bộ Chính trị (2011), Chỉ thị số 10-CT/TW của khóa XI “về phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở”, ban hành ngày 05/12/2011.
3. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1991), Luật Phổ cập giáo dục tiểu học, Luật số 56-LCT/HĐNN8.
4. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2019), Luật Giáo dục năm 2019, Luật số 43/2019/QH14.
Chú thích
1 Năm 2020 - 2021, toàn quốc có 15.480 trường mầm non, tăng 2.504 trường so với năm 2011 (có 12.827 trường) và hiện có 16.013 cơ sở độc lập (nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập). Số phòng học có 206.588 phòng, tăng 80.474 phòng so với năm 2011 (có 130.187 phòng).
2 Năm 2020 - 2021, toàn ngành có 377.103 giáo viên, so với năm 2011 tăng 180.464 người. Tỷ lệ giáo viên/lớp đạt 1,84 GV/lớp (tăng 0,53 GV/lớp so với năm 2010 - 2011). Giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên 78,4%, trong đó, trên chuẩn đạt 55,2% (theo Luật Giáo dục 2019).
3 Năm 2014 có 14 tỉnh đạt chuẩn phổ cập, năm 2015 có 36 tỉnh đạt chuẩn phổ cập.
4 Hiện nay, một số vùng tỷ lệ huy động trẻ mầm non còn thấp so với bình quân chung toàn quốc, như: ĐBSCL 81,2%, Tây Nguyên 87,3%, Bắc Trung Bộ 89% (nguồn: Bộ GD&ĐT).
5 Hiện nay, tỉnh Nghệ An còn 06 xã, Sóc Trăng còn 01 phường.
6 Phụ lục 1.
7 Hiện nay còn thiếu 45.242 biên chế giáo viên sau khi đã bổ sung 20.300 biên chế, năm học 2019 - 2020.
8 Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non.
9 Nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo.
10 Năm 2011, cấp tỉnh đạt 92,2%, cấp huyện đạt 93,7%; cấp xã đạt 96,8% (tiêu chuẩn chưa quy định mức độ). Năm 2016, cấp tỉnh đạt 100%; cấp huyện đạt 100%; cấp xã đạt 99,7%.
11 Mức độ 2: Hải Dương, Hưng Yên, Phú Thọ, Bắc Giang, Hà Nội, Điện Biên, Quảng Ninh; mức độ 3: Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình.
12 Quy định của Luật Giáo dục 2019 trình độ đào tạo đối với giáo viên mầm non là cao đẳng, giáo viên tiểu học và THCS là cử nhân.
13 Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 26/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 -2020, định hướng đến năm 2025; Quyết định số 33/QĐ-TTg ngày 08/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
14 Đề án đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025; Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 18/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý các cơ sở GDĐH đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT giai đoạn 2019 - 2030. Trường ĐHSP Hà Nội; Trường ĐHSP Hà Nội 2; Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường ĐHSP - Đại học Thái Nguyên; Trường ĐHSP - Đại học Đà Nẵng; Trường ĐHSP - Đại học Huế; Trường ĐHSP TP. Hồ Chí Minh; Trường Đại học Cần Thơ; Trường Đại học Quy Nhơn.
15 Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận sáp nhập vào Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh và tồn tại chỉ còn là Khoa Giáo dục.
16 Báo cáo của Sở GD&ĐT Hải Phòng, Sơn La, Cao Bằng.
17 Thông tư số 20, 21, 22, 23/2015/TTTL-BGDĐT-BNV ngày 16/9/2015 Bộ GD&ĐT và BNV; Thông tư số 01, 02,
03, 04/2021/TT-BGDĐT ngày 02/02/2021 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
18 Thông tư số 12/2019/TT-BGDĐT ngày 26/08/2019 của Bộ trưởng Bộ GDĐT; Thông tư số 17/2019/TT-BGDĐT ngày 01/11/2019 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; Thông tư số 19/2019/TT-BGDĐT ngày 12/11/2019.
19 Phụ cấp thu hút 70% mức lương hiện hưởng (hưởng không quá 05 năm), sau 05 năm hưởng phụ cấp công tác lâu năm (mức phụ cấp từ 0,5 đến 1,0). Đặc biệt, nhà giáo ở các trường chuyên biệt (phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú) được hưởng thêm phụ cấp trách nhiệm bằng 0,3 mức lương tối thiểu chung. Nhà giáo dạy lớp ghép ở tiểu học được hưởng phụ cấp từ 50% - 75% mức lương tối thiểu.
20 Ngày 04/6/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2025.
21 Theo báo cáo năm 2020, số dự án xã hội hóa giáo dục là 1.307 dự án với tổng số vốn đầu tư xấp xỉ 169.000 tỷ đồng.
22 Không thống kê các trường tư thục liên cấp (nguồn: Tổng cục Thống kê).
23 Năm 2017, cả nước hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Tỷ lệ trẻ mẫu giáo 5 tuổi huy động ra lớp tăng rất cao, năm 2010 đạt 96,40%, năm 2020 đạt 99,78%.
Phổ cập giáo dục tiểu học vững chắc: Tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào học lớp một của cả nước tăng lên hàng năm (năm 2011 đạt 98,7%; năm 2020 đạt 99,67%); Tỷ lệ lưu ban và bỏ học giảm mạnh (năm 2011 là 1,43%; năm 2020
là 0,79%).
Phổ cập giáo dục THCS được củng cố: Tỷ lệ trẻ hoàn thành chương trình tiểu học vào học lớp 6 tăng dần (năm 2011 đạt 97,42%; năm 2020 đạt 99,03%). Tỷ lệ lưu ban và bỏ học giảm mạnh (năm 2011 là 3,5%; năm 2016 là 2,38%;
năm 2020 là 1,81%).
24 Một số tỉnh có tỷ lệ huy động trẻ 3 - 4 tuổi thấp: Phú Yên, Ninh Thuận, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, đạt dưới 90%.
25 Học sinh cận thị 20 - 30%, bị cong vẹo cột sống chiếm 25%, mắc các bệnh về răng, miệng chiếm 50%, thừa cân, béo phì 15 - 40% (nguồn: Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược giáo dục 2010 - 2020).
26 Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược giáo dục 2010 - 2020.
Phan Văn Long
Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương,
Ủy viên Tiểu ban Giáo dục nghề nghiệp