Hội thảo khoa học “THƠ ĐƯỜNG LUẬT THỜI NHÀ LÊ”
TCGCVN - Sáng 12/4/2024, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Trung tâm Minh Triết thơ Đường Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu văn hóa Minh Triết (Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam), đã tổ chức hội thảo khoa học "Thơ Đường luật thời Nhà Lê".
Đoàn chủ tịch Hội thảo
Các đại biểu về dự Hội thảo
Đến dự Hội thảo có ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tich UBND thành phố Hạ Long; nhà báo lão thành Hà Đăng-nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ-nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin-Thể thao và Du lịch; đại diện Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Hội Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử và hơn 250 đại biểu là các nhà nghiên cứu, trí thức, những người yêu thơ Đường luật trong cả nước, cùng đại diện dòng họ Lê ở Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Bình…
Hội thảo đã thu hút hơn 50 bài tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà thơ, nhà văn, đã cùng nhau tìm hiểu khai thác các giá trị văn hóa về thơ Đường dưới thời nhà Lê, một di sản văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai-Chủ tịch Hội đồng quản lý
Viện nghiên cứu Văn hóa Minh Triết, trình bày tham luận
Theo các nhà nghiên cứu, Triều đại Lê Sơ và kế tiếp là Lê Trung Hưng kéo dài tới 361 năm (1428-1789). Đây là thời kỳ chế độ quân chủ tập quyền vươn tới đỉnh cao của sự phát triển, kéo theo sự đổi mới của nền chính trị, kinh tế, văn hoá độc lập, tự chủ lên đến cực thịnh. Thời kỳ vua Lê Thánh Tông trị vì được gọi là Hồng Đức Thịnh Thế, nhà nước quân chủ đã sử dụng văn thơ giáo dưỡng để đào tạo nên những nhân tài gìn giữ và xây dựng đất nước.
Lực lượng sáng tác thời Lê sơ khá hùng hậu mà tập trung nhất trong Tao đàn Nhị thập bát tú, đã để lại thành tựu sáng tác rất lớn, dấu ấn đậm nét trong lịch sử văn học thời phong kiến của Việt Nam. Các thể loại văn học chính thời kỳ này gồm thơ, phú, chiếu, biểu, văn bia, truyện ký, cáo, chính luận.
Riêng với thơ Đường luật thời nhà Lê đã đạt được nhiều thành tựu, trở thành di sản văn hóa của dân tộc. Đặc biệt, vua Lê Thánh Tông trong một chuyến kinh lý duyệt quân ở biển An Bang, tức Quảng Ninh ngày nay, đã để lại cho vùng đất này một bài thơ tuyệt tác được khắc lên vách đá có thể coi như một tuyên ngôn độc lập bằng thơ. Bài Thơ cũng từ đó trở thành danh xưng cho một ngọn núi ở Quảng Ninh, ngày nay gọi là Núi Bài Thơ, là cơ sở cho sự ra đời Ngày thơ Quảng Ninh sau này và hơn nữa đó là Ngày thơ Việt Nam hàng năm được tổ chức tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám vào ngày Rằm Tháng Giêng.
Danh sử Ngô Sỹ Liên biên soạn Đại Việt sử ký toàn thư đã lưu lại đầy đủ nhiều công trình, sử liệu, văn học, thiên văn, quân chế… được hoàn thiện trong thời kỳ này.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai-Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện nghiên cứu Văn hóa Minh Triết nêu rõ, suốt gần 4 thế kỷ hưng thịnh, thời đại nhà Lê đã để lại những bộ sưu tập thơ đồ sộ, như: Bộ “Việt âm thi tập” là bộ sưu tập đầu tiên về thi ca cổ điển của nước Đại Việt thời kỳ đầu và hai bộ tinh tuyển Thơ Đường luật: “Tinh tuyển chư gia luật thi”, “Trích diễm thi tập”. Nhiều tập thơ ra đời như: “Ức Trai thi tập”, “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi, “Hồng Đức Quốc âm thi tập”, “Thánh Tông thi tập” của vua Lê Thánh Tông và nhiều nho thần khác.
Ban tổ chức tặng Thư pháp chữ Hán cho đại diện
lãnh đạo thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh
Nhìn chung, thơ Đường thời nhà Lê có nội dung và đề tài mở rộng, phong phú, sâu sắc, bao gồm: Thơ ngôn chí, thơ thế sự, thơ đề vịnh, thơ tặng đáp, thơ đi sứ, bang giao, thơ trữ tình, thơ vịnh sử, thơ tình yêu và phụ nữ, thơ nhàn dật, thơ du ký, ký sự, thơ trào lộng, thơ huấn ca (dạy con) và răn dạy người đời… tiêu biểu là thơ của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Huy Oánh và nhiều tác giả là những nhà văn hóa lớn có những tác phẩm tiêu biểu, góp phần làm rực rỡ nền văn hóa đất nước.
Hội thảo mang đến nhiều kiến thức, hiểu biết bổ ích cho những người yêu thơ Đường luật nói riêng và thơ đất Việt nói chung, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần trong nhân dân.
Tin và ảnh: NGUYỄN ĐỨC THẮNG