Họa sĩ Lê Phương gieo Nhân Tâm, gặt hái tình người
TCTLGC - “Tôi đã vẽ cuộc đời vào những tháng năm vui buồn ngược xuôi trăm hướng vạn đường mưu sinh... Mang tâm nhân ái giữa đời cưu mang. Những bất hạnh đó đây cho dù xuôi ngược trăm đường vẫn không buông không bỏ tình thương... “ Lời bài hát đã phần nào nói lên mong muốn, ước vọng cuộc đời ông họa sĩ.
Tác phẩm “Hai mặt” minh họa cho cuốn tiểu thuyết của tác giả trẻ Đỗ Mỹ Dung – Chất liệu sơn dầu (Ảnh do tác giả cung cấp).
Họa sĩ Lê Phương tên đầy đủ là Lê Thành Phương, sinh ngày 18/3/1959, ông xuất thân từ trường dòng tu, học trường mỹ thuật Gia Định nay là trường đại học mỹ thuật Thành Phố Hồ Chí Minh. Gặp ông, dù là ai cũng sẽ “phải” nghe ông khoe về ngôi trường đặc biệt của mình thay vì chia sẻ về hội họa.
Là hội viên hội mỹ thuật Thành Phố Hồ Chí Minh, ông đã từng tham gia và tổ chức nhiều sự kiện triển lãm mỹ thuật với tư cách tập thể cũng như cá nhân và nhận được nhiều chứng nhận khen ngợi đến từ các tổ chức xã hội. Đặc biệt đoạt giải huy chương bạc triển lãm mỹ thuật Thành Phố Hồ Chí Minh. Đồng thời ông cũng là họa sĩ hoạt động nhân đạo và là người thành lập mái ấm giúp trẻ em với tên gọi là Nhân Tâm từ năm 1991.
“Hèn sang chung một nụ cười nhân tâm” (Ảnh do họa sĩ cung cấp).
Ngôi trường dành cho trẻ mồ côi và khuyết tật. Được chính thức cấp giấy phép vào năm 2004, đây là một tổ chức hoạt động xã hội trực thuộc hội dạy nghề thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên đến ngày 16/7/2013 bắt đầu có quyết định mới “Thành lập trung tâm nhân đạo Nhân Tâm trực thuộc hiệp hội trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam”. Đây là tổ chức phi lợi nhuận, tự cân đối và hạch toán kinh tế độc lập, hoạt động từ thiện, tổ chức nuôi dạy nghề cho các đối tượng thanh thiếu niên khuyết tật, mồ côi và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từ 6 – 16 tuổi. Tuy rằng quy mô còn chưa đủ lớn mạnh về hạ tầng nhưng rất mạnh về chuyên môn. Bao gồm các ngành nghề: Điêu khắc, sơn mài, vẽ, mộc mỹ nghệ, may, thêu tay, đan lát, thủ công mỹ nghệ, thiết kế đồ họa… Tuy nhiên các bộ môn của các ngành nghề đều được nghiên cứu và soạn thảo theo chương trình giáo án phù hợp với người khuyết tật tay chân, người khuyết tật khiếm thính, trẻ mồ côi, người nghèo hoặc có hoàn cảnh đặc biệt.
Đặc biệt họa sĩ Lê Phương đã sáng tác gần 600 họa phẩm, tác phẩm với nhiều thể loại chất liệu như sơn dầu, sơn mài, giấy gió và điêu khắc. Phần lớn đã được bán và trao tặng (tranh chân dung). Tất cả phần lớn số tiền kiếm được từ hoạt động mỹ thuật ông dành cho quỹ hỗ trợ trực tiếp cho trẻ em kém may mắn. Được biết trong số những tác phẩm của ông được nhiều thương gia yêu thích mỹ thuật sưu tập và sở hữu.
Mang tâm nhân ái giữa đời sẻ chia ( Ảnh do họa sĩ cung cấp).
Lê Phương là một họa sĩ tài năng, có tấm lòng nhân ái đã giúp đỡ cho rất nhiều trẻ mồ côi, khuyết tật, kém may mắn trong suốt bao năm với nhiều tâm huyết tại cơ sở dạy nghề thủ công mỹ nghệ Nhân Tâm. “Sớm hôm trăn trở cõi lòng. Thương đàn em dại tìm cò nuôi tôm” Để kỉ niệm 30 năm gắn bó với hội họa, ông đã triển lãm 20 tác phẩm hội họa hôm 18/3/2024
Trong những căn nhà lụp xụp, chật chội có một người thầy đã nuôi dưỡng và dạy nghề cho không biết bao nhiêu lớp trẻ, khuyết tật trong suốt hơn 30 năm qua. Đó là cơ sở dạy nghề thủ công mỹ nghệ Nhân Tâm của họa sĩ Lê Thành Phương (bút danh Lê Phương). Với quy mô nhỏ về hạ tầng và cơ sở vật chất nhưng trung tâm dạy nghề thủ công mỹ nghệ Nhân Tâm phát triển rất mạnh về chuyên môn.
Để duy trì và phát triển Tất cả những tác phẩm của ông bán đi đều được dùng để xây dựng mái ấm, cở sở dạy nghề nhân đạo tại số 11 đường 748 ấp chợ cũ, xã An Nhơn Tây, Củ Chi, TP Hồ Chí Minh. Chia sẻ với phóng viên, họa sĩ Lê Phương nói, 60% nguồn quỹ hỗ trợ mái ấm Nhân Tâm là do những hoạt động mỹ thuật, còn lại là sự ủng hộ của cộng đồng.
Được biết trong số những tác phẩm của ông, được rất nhiều thương gia yêu thích mỹ thuật sưu tập sở hữu. Hi vọng sẽ còn nhiều giá trị mỹ thuật được họa sĩ khai thác. Ông đi nhiều, sống nhiều, lao động nghệ thuật nghiêm túc, nét thời gian không làm mòn đi những khao khát “gieo Nhân Tâm, gặt hái tình người”. Tất cả những đứa trẻ may mắn hay kém may mắn đều xứng đáng có một tuổi thơ trọn vẹn niềm vui, đó là ký ức tuổi thơ đầy niềm vui, yên bình, không quá vội vã giữa dòng đời tấp nập... Điều mà người cha già Lê Phương mong mỏi.
Kể về mái ấm Nhân Tâm hồi đó, họa sĩ Lê Phương vừa tự hào, vừa hài hước nói mình là “người đàn ông nhiều vợ” “nhiều con” nhất Việt Nam. Thực ra 8 bà vợ đó là 8 cộng tác viên, Học trò ở cơ sở tuy rất đông nhưng cũng biến động vì tất cả học trò ở đây đều thuộc diện đặc biệt. Nhớ cái thời đầu phải mượn cái gara cũ của một người quen để làm cơ sở truyền nghề cho những đứa trẻ. Có tác phẩm lại đem bán cho khách du lịch để trang trải. Cả ngàn tác phẩm ra đời của cả thầy và trò đem bán nhưng có lúc đại gia đình Nhân Tâm ấy vẫn trắng tay khi bị đòi đất. Có lúc cả gia đình ấy cũng lâm vào cảnh “nhà hết gạo” để thử thách người cha ấy phải xoay sở khắp mọi phương để các con không bị đói. Từ năm 1991 tới nay trung tâm đã hỗ trợ cho hơn 500 bé tạm “đủ lông, đủ cánh” để hòa nhập và có một cuộc sống đầy ý nghĩa.
Họa sĩ lần đầu triển lãm tranh chân dung phụ nữ vào năm 2015, nhằm tri ân các phụ nữ tiêu biểu có các hoạt động nhân đạo với cộng đồng nói chung và với trung tâm nhân đạo Nhân Tâm nói riêng. Thời điểm ấy đã có 50 bức tranh chân dung với chất liệu sơn dầu, sơn mài được trưng bày tại triển lãm.
Tới nay chương trình “chung sức tình người” đã đến số 27 do họa sĩ sáng lập đã được diễn ra tại nhà văn hóa thành phố Đà Lạt vào năm 2023 vừa qua.
Chúc họa sĩ Lê Phương luôn khỏe mạnh, sáng tác thêm thật nhiều tác phẩm nghệ thuật có nhiều giá trị. Bên cạnh đó sẽ dần nâng cấp nhà xưởng ngày một rộng rãi, mua sắm được những trang thiết bị và dụng cụ dạy nghề cần thiết để trung tâm ngày một vững vàng, giúp được nhiều mảnh đời còn kém may mắn.
Lê Hoa