Giữ vững Truyền thống Văn hóa Tôn sư Trọng đạo
Dân tộc ta có nhiều truyền thống văn hóa tốt đẹp được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Tôn sư trọng đạo là một trong những truyền thống văn hóa tốt đẹp ấy đã góp phần tạo nên một xã hội ân tình, đạo nghĩa, hiếu học.
Về ngữ nghĩa, tôn sư trọng đạo là từ Hán Việt gồm hai từ ghép: tôn sư và trọng đạo. Tôn sư là tôn kính người thầy, trọng đạo là coi trọng tri thức và đạo lý làm người.
Tôn sư trọng đạo bắt nguồn từ Nho giáo thời Phong kiến đề cao vai trò của người thầy, đại diện cho tri thức, đạo đức, cho những gì cao quý, đáng tôn kính nhất trong xã hội lúc bấy giờ.
Mối quan hệ thầy trò được xem trọng trong xã hội “quân, sư, phụ” là quan niệm mà Khổng Tử đề xướng từ 2.500 năm trước, vị trí của người thầy được xếp sau vua và trên cha. Học trò suốt đời biết ơn những người đã dạy dỗ mình nên người “công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”, “sống tết, chết giỗ” đã được ghi lòng tạc dạ đối với mỗi học trò.
Từ xa xưa đối với mỗi học trò tôn sư trước hết là tôn kính sự hiểu biết và đạo đức của người thầy, biết ơn sự dạy dỗ và làm theo những điều thầy đã dạy bảo. “Cha mẹ sinh thành, thầy cô dạy dỗ”, kính trọng người thầy như kính trọng cha mẹ mình, đó là đạo lý, là nhân nghĩa. Ở bất cứ nơi đâu khi gặp thầy cô, học trò cũng cung kính, lễ phép, đó là đạo đức của người học trò, “kính thầy, yêu bạn”, “tiên học lễ, hậu học văn” là những bài học đầu tiên khi trẻ đến trường, cần ghi nhớ để thực hiện.
Đối với xã hội, tôn sư không chỉ là tôn kính người thầy cụ thể đã dạy mình, mà là đề cao vai trò của đội ngũ nhà giáo đã hết lòng vì sự nghiệp “trăm năm trồng người”. Người xưa cho rằng “lương sư hưng quốc”, đất nước muốn hưng thịnh thì phải có nền giáo dục phát triển, thầy cô có đạo đức trong sáng, có kiến thức uyên thâm để giảng dạy và dân chúng được học hành mở mang hiểu biết. Tài năng và đạo đức nhà giáo có tầm ảnh hưởng lớn đến tương lai của mỗi học trò “không thầy, đố mày làm nên”.
Xã hội quý trọng những người tài cao, trí lớn, kiến thức uyên thâm, đạo đức trong sáng, trọng đạo chính là tôn trọng tri thức, sự hiểu biết và đạo lý làm người. Trọng đạo phản ánh tinh thần “hiếu học” của nhân dân, sự say mê học tập của học trò, “tầm sư học đạo” tìm thầy để học đạo lý làm người. Cha mẹ nuôi con ăn học, con cái cố gắng, siêng năng học hành để thành người, một xã hội cần có nhiều người được học tập.
Trải dài theo dòng lịch sử, tôn sư trọng đạo đã trở thành nét đẹp trong truyền thống văn hóa của dân tộc ta, không ai có thể phủ nhận bằng bất cứ lý do nào hay một biện minh nào.
Ngày nay truyền thống tôn sư trọng đạo đã bắt nhịp được với những tư tưởng tiên tiến của thời đại, cần được mài dũa cho trong sáng hơn.
Trong xã hội hiện đại, giáo dục được khẳng định là một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Luật Giáo dục Việt Nam đã ghi rõ “phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”.
Vai trò của nhà giáo cũng được xã hội khẳng định đó là những người trực tiếp tham gia vào quá trình giáo dục “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ và xây dựng một xã hội học tập“. “Nhà giáo là nhân tố đảm bảo phương hướng và chất lượng giáo dục và đào tạo”, không có nhà giáo giỏi, có đạo đức tốt, thì không thề nói tới chất lượng giáo dục tốt. Trong xã hội hiện đại nghề dạy học vẫn được tôn vinh, được coi là một nghề cao quý, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Dạy học là nghề cao quý trong những nghề cao quý ”.
Thật vậy, dạy học là một nghề cao quý, bởi vì mục tiêu dạy học là hình thành một lớp người có phẩm chất nhân cách, có năng lực lao động sáng tạo sẵn sàng tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Phương tiện lao động là đạo đức, nhân cách và tài năng sư phạm của chính nhà giáo, có ảnh hưởng rất lớn trong suốt cuộc đời của học trò.
Dạy học là nghề mô phạm, nhà giáo gương mẫu từ lời nói, đến hành vi, cử chỉ “lấy tri thức dạy tri thức, lấy đạo đức dạy đạo đức, người thầy là tấm gương sáng cho học sinh noi theo”.
Dạy học là nghề thanh cao, dù cuộc sống chưa thật dư dật, nhưng nhà giáo vẫn luôn hết lòng “vì học sinh thân yêu”, lấy việc giữ gìn đạo lý làm niềm vui trong cuộc sống “an bần lạc đạo”.
Nhìn ra thế giới văn minh Tổ chức văn hóa, giáo dục, khoa học của Liên hiệp quốc (UNESCO) cho rằng có bốn trụ cột giáo dục của thế kỷ XXI, đó là “học để biết, học để làm việc, học để chung sống và học để làm người”. Nhà giáo là những người dẫn dắt, giáo dục học sinh để trở thành những người có năng lực tư duy sáng tạo, có đạo đức, có kỹ năng lao động, sống hạnh phúc, tức là thực hiện các mục tiêu trụ cột đó.
Có thể khẳng định trong bất cứ thời đại nào người dân Việt Nam cũng luôn dành tình cảm yêu mến, tôn trọng đối với nhà giáo, bởi vì hầu hết mọi người đều đã là học trò.
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 là dịp để mọi người dân bày tỏ sự kính trọng, lòng biết ơn đối với các thầy cô đã dạy dỗ mình nên người. Chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam, học sinh, sinh viên và cả cựu học sinh, sinh viên trên khắp miền đất nước dành những bông hoa đẹp để kính tặng thầy cô. Sự biết ơn của học trò là món quà quý giá nhất đối với các nhà giáo.
Nhà nước ta có chiến lược phát triển hệ thống giáo dục quốc dân từ trung ương tới địa phương, có chủ trương xây dựng một xã hội học tập, có kế hoạch đảm bảo cho mọi trẻ em được học hành. Chính phủ có chiến lước đào tạo, bồi dưỡng từng bước nâng cao trình độ nhà giáo, có chính sách tuyển dụng, đãi ngộ và tôn vinh, khen thưởng đối với nhà giáo, cũng như đảm bảo điều kiện làm việc thuận lợi.
Hiện nay, do mặt trái của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, có những hiện tượng đáng tiếc xảy ra liên quan đến đạo đức học đường, một số nhà giáo và học sinh vi phạm đạo đức học đường gây bức xúc trong dư luận xã hội, đây chính là hồi chuông cảnh tỉnh giúp ngành giáo dục xem lại hiệu quả của hoạt động giáo dục trong nhà trường.
Chúng ta cần thiết phải có biện pháp nhắc nhở mỗi nhà giáo và học sinh xem lại thái độ và cách ứng xử của mình trong công việc. Nhà nước cần có chính sách thu hút tài năng vào ngành giáo dục, có chế độ chính sách đảm bảo cuộc sống cho nhà giáo xứng đáng với công sức và giá trị nghề nghiệp mà họ đang theo đuổi.
Tôn sư trọng đạo là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta, là lẽ sống có nhân nghĩa, thủy chung, coi trọng đạo lý làm người, giúp xã hội tiến xa hơn trên bước đường văn minh, hiện đại.
PGS. TS. Phạm Viết Vượng - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội