GIẢI PHÁP GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC CHO HỌC SINH THEO QUAN ĐIỂM “HỌC THẬT, THI THẬT, NHÂN TÀI THẬT, ĐẠO ĐỨC THẬT”
1. Đặt vấn đề
Giáo dục và văn hóa là hai lĩnh vực luôn phát triển song hành cùng nhau, thâm nhập vào nhau. Trong tác phẩm “Luận bàn về Giáo dục - Quản lý Giáo dục - Khoa học giáo dục”, Giáo sư Phạm Minh Hạc có kiến giải: “Giáo dục và văn hóa có quan hệ mật thiết nhất, mật thiết đến mức nhiều lúc đã đồng nghĩa hai thuật ngữ này: trong lí lịch khai trình độ văn hóa – thực ra là trình độ học vấn; nói bổ túc văn hóa – thực ra là Giáo dục Bổ túc, Giáo dục Thường xuyên. Nói cách khác, ta cứ xem định nghĩa về văn hóa thì thấy văn hóa bắt nguồn từ giáo dục – theo nghĩa rộng của từ này: văn hóa là gieo trồng, lĩnh hội và sáng tạo trong quá trình sinh sống và hoạt động xây dựng nên một chất lượng mới từ những học vấn kinh nghiệm sống… do từng người, từng cộng đồng, từng dân tộc và cả loài người tạo lập nên sự phong phú tinh thần của mình”.
Giáo dục và văn hóa là hai phạm trù vừa khu biệt nhau, vừa đồng nhất với nhau. Giáo dục là nền tảng của văn hóa, văn hóa là động lực cho giáo dục. Tuy nhiên, khi nhịp sống xã hội đang hòa vào dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 lại đặt ra những vấn đề đáng lo ngại, nền tảng văn hóa dân tộc đang bị trống vắng và đứt gãy, ngay cả những chính sách lớn cũng chưa làm cho hai lĩnh vực này quyện vào nhau.
Để chấn hưng giáo dục đạo đức cho học sinh phải đồng thời chấn hưng văn hóa. Phải xây dựng nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam trên cơ sở triết lý giáo dục Việt Nam, phù hợp với văn hóa Việt, phải đưa giáo dục trở về với văn hóa Việt Nam.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Chấn hưng văn hóa, chấn hưng giáo dục, thực hiện tam hóa
Chấn hưng văn hóa, chấn hưng giáo dục trong bối cảnh hiện nay là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết, phải quán triệt theo tinh thần tam hóa. Cụ thể là hiện đại hóa tinh hoa tư tưởng văn hóa/giáo dục của tiền nhân; Việt Nam hóa các giá trị văn hóa/giáo dục tiên tiến của thời đại; Lành mạnh hóa đời sống văn hóa/giáo dục thực tiễn đang diễn ra.
Thứ nhất, hiện đại hóa tinh hoa tư tưởng văn hóa/giáo dục của tiền nhân. Cần nghiên cứu chu đáo tư tưởng văn hóa giáo dục của tiền nhân qua di sản của các Nhà Văn hóa lớn như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh.
Như nhà giáo Chu Văn An đã từng huấn đức người thầy: “Cùng lý - Chính Tâm - Trừ tà - Cự bế”, nghĩa là dù thầy dạy bài học gì cũng phải đi đến cái lý lẽ sâu xa của bài học đó, luôn luôn phải giữ lòng mình cho trong sạch, tránh xa muội tâm, tà tâm, chống lại những điều sai lạc nhảm nhí và có nghị lực vượt qua những gian nan bế tắc.
Hay những gửi gắm của Nguyễn Trãi dành cho người học: “Nên thợ nên thày vì có học/No ăn, no mặc bởi hay làm”. Bác Hồ cũng từng gửi gắm đến thầy trò và các nhà trường “Đại học chi đạo tại minh minh đức, tại thân dân” (Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân).
Các thông điệp này đã được trang trọng nhắc lại và truyền thông rộng rãi cho các nhà trường, để các nhà trường vận dụng trong bối cảnh đất nước tiến sâu vào hội nhập Quốc tế.
Thứ hai, Việt Nam hóa các giá trị văn hóa/giáo dục tiên tiến của thời đại. Vận dụng các kinh nghiệm giáo dục hay của các nước trên thế giới mà dân tộc từng tiếp biến văn hóa như: Trung Quốc, Pháp, Xô Viết cũ, Hoa Kỳ, ASEAN, Nga và đề xuất sự áp dụng cho đất nước trong hoàn cảnh hiện nay.
“Việt Nam hóa có hai chiều, là tiếp nhận vào và lan tỏa ra. Theo tiến trình lịch sử, dân tộc ta đã tiếp biến văn hóa Hán, văn hóa Pháp, văn hóa Xô Viết, và ngày nay là tiếp biến các nền văn hóa, văn minh trên thế giới. Bên cạnh tiếp thu vào, chúng ta cần lan tỏa văn hóa dân tộc ra toàn thế giới”.
Thứ ba, lành mạnh hóa đời sống văn hóa/giáo dục thực tiễn đang diễn ra. Khuyến nghị các nhà trường thực hiện yêu cầu tổ chức dạy học mà Nhà Chính trị Phạm Văn Đồng từng nêu: “Trường ra trường, lớp ra lớp/ Thày ra thày, trò ra trò/ Dạy ra dạy, học ra học”
“Tam hóa” ngày nay phải đồng thời tác động vào cả giáo dục, vào văn hóa, thúc đẩy đất nước thực hiện được khát vọng 2045, thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam: Đất nước hùng cường – Dân tộc hạnh phúc và xã hội có trạng thái xã hội học tập đích thực.
2.3. Xây dựng một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế
Giáo dục Việt Nam phải hội nhập quốc tế nhưng cần giữ được hồn cốt dân tộc, phải có những ngôi trường mang tâm thức Việt Nam. Giáo dục và văn hóa là hai lĩnh vực không thể tách rời, muốn xây dựng, phát triển nền giáo dục thì cần phải gắn với văn hóa. Điều đáng lo ngại là tâm thức văn hóa dân tộc đang bị hẫng hụt trong một bộ phận gia đình Việt. Liệu có bao nhiêu em bé được lớn lên trong tiếng hát lời ru ầu ơ, có bao nhiêu trẻ thơ biết yêu những câu ca dao thấm đượm tình yêu quê hương đất nước?
Trong nhà trường, một số tác phẩm lớn của dân tộc chưa được dạy trọn vẹn, nhiều bạn trẻ ngày nay ít nhớ nổi một câu thơ Truyện Kiều. Liệu rồi trong tương lai, làm sao chúng ta có được những nhà thơ, nhà văn lớn như quá khứ từng có. Nhịp sống của thời đại 4.0 đẩy con người ta vào một cuộc chạy đua, để rồi chúng ta quên mất rằng, chúng ta cũng đang cần được ‘tắm mình’ trong dòng sông văn hóa, tâm hồn chúng ta cần được ‘nuôi dưỡng’ bởi suối nguồn văn hóa dân tộc, tinh thần, cốt cách Việt Nam.
Dẫu chúng ta có say sưa với câu chuyện hội nhập quốc tế cũng không thể bỏ quên văn hóa dân tộc. Với quan điểm đó, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, rất cần xây dựng một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam – Nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam đã từng được Bác Hồ nhắc đến trong năm 1945 vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập, hợp tác quốc tế và sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì vấn đề xây dựng nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh càng trở nên cấp thiết. Muốn phát triển phải hội nhập và tiếp thu những tinh hoa của thời đại, nhưng quan trọng là làm thế nào để giữ được hồn cốt dân tộc.
Những năm qua, ngành giáo dục đã xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Trường học thông minh”, “Trường học hạnh phúc”,… nhưng dù là mô hình trường học nào cũng cần phải giữ được tinh thần, hồn cốt dân tộc, văn hóa Việt Nam. Khi nói đến một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam là chúng ta phải có những ngôi trường mang tâm thức Việt Nam, dù có du nhập mô hình nào từ thế giới thì cũng cần được Việt Nam hóa để phù hợp với văn hóa, nếp sống con người Việt. Còn nếu áp dụng một cách máy móc, thô kệch, tư duy vội vàng, sống sượng thì sẽ dễ đi đến thất bại.
Một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam cần được xây dựng, hoàn thiện và phát triển theo 5 cấp độ, đi từ: Nền giáo dục; Hệ thống giáo dục quốc dân (giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, giáo dục kỹ thuật nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên); Nhà trường; Quá trình dạy học; Nhân cách/hệ giá trị. Trong nhà trường, hay trong mỗi gia đình đều phải lấy một hệ giá trị nhất định làm nền tảng. Đặc biệt, trong hoàn cảnh hiện nay văn hóa, giáo dục nên quy tụ vào 4 giá trị căn cốt: “Lễ - nghĩa – liêm –sỉ”. Lễ là văn hóa đạo đức. Nghĩa là tình nghĩa, như Bác Hồ đã từng dạy: “Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa”. Sau nghĩa là liêm, là liêm chính, trong sạch. Cuối cùng là sỉ - phải biết xấu hổ.
Văn hóa Việt Nam từ xưa cũng đã nói về sự học với bốn điều mà gia đình Việt truyền ngôn cho con em từ thế hệ này qua thế hệ khác: Học ăn (Học cách lĩnh hội); Học nói (Học cách diễn đạt); Học mở (Học cách khai triển); Học gói (Học cách kết thúc).
Có thể nói, trong đời sống văn hóa đã mang tinh thần giáo dục, và bản thân giáo dục cũng được soi đường bởi ánh sáng của văn hóa, hướng đến một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam là khi bước vào hội nhập quốc tế vẫn luôn phải giữ hồn cốt dân tộc, tâm thức Việt Nam.
2.4. Học thật, thi thật, nhân tài thật, đạo đức thật
Đầu tiên chúng ta phải khẳng định, "học thật" là nhân tố quyết định để có "thi thật, tài năng thật". Học thật, thi thật, tài năng thật là cơ sở để hình thành đạo đức thật. Chỉ một chữ "thật" ấy thôi nhưng không dễ gì đạt được, bởi vì nó còn liên quan tới nền tảng văn hóa, sự giáo dục truyền thống trong từng gia đình. Nhưng dù khó khăn đến đâu thì chúng ta cũng phải nỗ lực đạt được, vì chỉ khi xác định được sự thật, chấp nhận sự thật thì mới có giải pháp cần thiết, phù hợp.
Sự phát triển quan trọng nhất của một con người là nhân cách/tư cách, được hiểu khái quát đó là: Cốt cách là người; Phẩm cách làm người; Cách thức nên người. Nhân cách con người Việt (vô luận trong hoàn cảnh nào) cũng phải hài hòa cả ba mặt: Giữ gìn được “Nhân tính” (Sống theo đạo làm người); Bảo tồn được “Quốc tính” (Sống theo truyền thống dân tộc Việt); Khẳng định được “Cá tính” (Sống theo bản sắc tiến tới bản lĩnh).
Xã hội nào cũng có kỷ cương và lễ nghi, người tử tế tiếp nhận tinh thần của kỷ cương và lễ nghi với/ do lòng tự trọng chứ không bị lệ thuộc một cách mù quáng vào những quy ước của kỷ cương và lễ nghi. Xã hội nào cũng có tôn ty trật tự, người tử tế không gò mình vào trật tự này nhưng rất có ý thức về lẽ phải của thứ bậc. Nếu không quan tâm đến “sự tử tế”, “sự hẳn hoi” thì dần dà những người tử tế, hẳn hoi sẽ ít dần – đó là cái mất vô cùng to lớn cho dân tộc. Tiền có thể mất rồi kiếm lại được, nhưng đạo đức – sự tử tế phải xây dựng qua rất nhiều năm mới hình thành.
Trên thực tế chúng ta đã chứng kiến nhiều sự việc tiêu cực trong một vài kỳ thi, trong đó đáng chú ý nhất là kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, cơ quan chức năng đã phát hiện ra hàng trăm thí sinh được sửa điểm lên gấp nhiều lần, thậm chí có những học sinh cộng cả 3 môn chỉ được 10 điểm nhưng được sửa thành hơn 25 điểm. Gần đây trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, năm học 2024 - 2025 tại tỉnh Thái Bình đã làm cho dư luận xã hội bất bình, người dân và học sinh mất niềm tin. Tất nhiên là những người có liên quan đến sai phạm đã phải chịu trách nhiệm, nhưng qua những việc như thế lại cần phải xem xét và siết chặt xử lý những sai phạm (nghiêm minh) để ngăn chặn những việc tương tự có thể xảy ra. Nói như Bảng nhãn Lê Quý Đôn trong “Kiến văn tiểu lục” là con người cần “biết sợ - biết xấu hổ - biết chịu khó/chịu khổ”. "Biết sợ" theo Nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện nhấn mạnh là: “Sợ làm sai đạo lý”, “Sợ làm sai pháp lý”, “Sợ làm sai công lý”.
Nếu những gian dối trong các bài thi, kiểm tra không bị phát hiện thì đất nước có nguy cơ chịu hậu quả không thể lường hết, bởi vì kẻ gian dối kém năng lực phẩm chất đã lọt vào những trường đại học danh tiếng, rồi ra trường có khi lại vào những vị trí công tác ở những cơ quan lớn. Năng lực phẩm chất đều kém thì chắc chắn không làm được việc gì có lợi cho dân, cho nước. Và tai hại hơn nữa là những kẻ gian dối này đã tước đoạt mất cơ hội của những người giỏi, hiền tài, có phẩm chất đạo đức tốt.
Để đào tạo được những người vừa có tài vừa có đức thì phải học thật, thi thật, phải dẹp cho được những điều mà dư luận đã nhắc tới lâu nay là “hậu duệ, tiền tệ, quan hệ” thì “trí tuệ” mới thực sự được coi trọng. Chừng nào vẫn còn những kẻ yếu kém năng lực, phẩm chất đạo đức kém chui lọt vào các vị trí lãnh đạo thì người tài cũng sẽ không thể đóng góp cho đất nước.
2.5. Phát huy vai trò của người thầy, người cán bộ quản lý nhà trường
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị nghiên cứu, xác định rõ và tổ chức thực hiện hiệu quả phương châm: "Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể - Thầy cô giáo là động lực - Nhà trường làm bệ đỡ - Gia đình là điểm tựa - Xã hội là nền tảng" để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Người học là chủ thể trung tâm của tiến trình đào tạo, nhưng yếu tố quyết định có tính then chốt là người thầy. Muốn tạo ra học thật thì người thầy phải biết dùng ba phương thức: Ngôn giáo (lời của mình), Thân giáo (tấm gương sáng), Cảnh giáo (tạo ra hoàn cảnh để học sinh, sinh viên được rèn luyện chứ không chỉ học trong giảng đường).
Khi đến thăm trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò không thể thay thế của người giáo viên: “Còn gì vẻ vang hơn nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Người thầy giáo tốt, người thầy giáo xứng đáng là người thầy vẻ vang nhất, dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng Huân chương. Song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh… Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”. Người khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục... Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hóa”.
Gần đây có những ý kiến rất thẳng thắn chỉ ra rằng cử nhân thất nghiệp do nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có phần lớn lỗi của nhà trường và người thầy. Rõ ràng cùng là một môn học nhưng có những người giảng dạy rất hay, sát thực tế và sáng tạo, tiệm cận được đòi hỏi của thị trường lao động. Nhưng bên cạnh đó cũng có những thầy cô ít cập nhật dẫn tới sự truyền thụ kiến thức cũ kỹ, lạc hậu, khiến sinh viên thiệt thòi khi ra trường và ứng tuyển việc làm.
Giáo sư Klaus Schwab – nguyên Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới trong bài nói chuyện vào năm 2017 khi nhân loại sôi nổi bước vào cách mạng công nghiệp 4.0, có nêu bốn phạm trù mà bất cứ ai dù thuộc dân tộc nào, làm nghề gì cũng cần rèn luyện, đó là: Critical thinking/Tư duy phản biện; Creativity/Năng lực sáng tạo; Communication/Năng lực giao tiếp; Collaboration/Năng lực hợp tác.
Ý tưởng trên lại được học giả nổi tiếng người Israel – Yuval Noah Harari nồng nhiệt tán thành và chỉ rõ, nhiều chuyên gia sư phạm cho rằng trường học nên giảm bớt các kỹ năng kỹ thuật và nhấn mạnh vào các kỹ năng sống đa mục đích. Quan trọng hơn cả sẽ là khả năng đối phó với thay đổi, học điều mới và duy trì cân bằng tâm lý trong các tình huống xa lạ. Để theo kịp thế giới năm 2050, bạn không chỉ cần sáng tạo các ý tưởng và sản phẩm mới mà trên hết, bạn sẽ cần tự đổi mới mình hết lần này đến lần khác.
Bên cạnh năng lực giảng dạy, truyền thụ kiến thức thì người thầy cũng có vai trò rất quan trọng để phát hiện những học sinh, sinh viên có năng lực đặc biệt. Nhiều năm trước đây, trong một lần Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm trường Quản lý cán bộ giáo dục đào tạo đã kể một câu chuyện rất vui về nhà soạn nhạc thiên tài Beethoven. Là một thiên tài âm nhạc nhưng Beethoven không biết làm toán nhân, vì thế mỗi lần đi biểu diễn và nhận thù lao thì ông ấy phải cộng lại tất cả để biết được mình có bao nhiêu tiền. Điều mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng muốn nhắc nhở là người thầy hãy lưu tâm để phát hiện ra những năng lực sâu kín của trò. Ngày nay, chúng ta đang nói đến lý thuyết đa trí tuệ của Howard Gardner, đề cập tới trí thông minh của con người rất đa dạng, được nhìn nhận bằng nhiều cách. Người thầy không chỉ làm một việc là dạy học đại trà đồng loạt mà cần tìm ra những em có năng khiếu bẩm sinh để định hướng phát triển cho các em sâu hơn. Đặc biệt, người thầy không chỉ dạy cho học sinh biết học thật, thi thật, tài năng thật mà còn phải rèn cho học sinh có đạo đức thật. Với những chức năng đó, cho dù công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) có phát triển cao đến đâu cũng không thể thay thế vai trò then chốt của người thầy giáo.
Người cán bộ quản lý nhà trường (vô luận là mầm non hay đại học) luôn có ba sứ mệnh: Sứ mệnh Người Lãnh đạo (chú ý đến việc điều hành nhân tố con người); Sứ mệnh Người Quản lý (chú ý đến việc điều hành nhân tố công việc); Sứ mệnh Người Quản trị (chú ý đến việc điều hành nhân tố nguồn lực/tiền). Người lãnh đạo ở cấp nào cũng phải có tâm, có tầm và có tài. Người lãnh đạo cần thông thạo nhiều việc, nhưng trong đó điều quan trọng là phải giữ được đạo đức công tâm, sự công bằng, tường minh trong công việc thì mới giữ gìn được sự đoàn kết, khích lệ được sự sáng tạo của người thầy đưa ngôi trường phát triển. Còn nếu như tham lam, ích kỷ hẹp hòi thì sẽ gây ra những hậu quả không thể lường được.
Người thầy giáo, người cán bộ quản lý nhà trường phải biết học tập suốt đời. Trong Hồ Chí Minh toàn tập (Tập 13) có ghi lời huấn đức của Bác Hồ năm 1961: “Tôi năm nay 71 tuổi ngày nào cũng phải học... công việc cứ tiến mãi, không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau. Chúng ta là đảng viên già, hiểu biết của chúng ta hồi 30 tuổi so với sự hiểu biết của lớp trẻ bây giờ... thì chúng mình dốt lắm... Tôi cũng dốt lắm, nếu thế hệ già khôn hơn thế hệ trẻ thì không tốt. Thế hệ già thua thế hệ trẻ mới là tốt. Các cháu không hơn là bệt - bệt là không tốt. Người ta thường nói “Con hơn cha là nhà có phúc”. Ta hiểu như thế nhưng không có tư tưởng thụt lùi nạnh kẹ...”.
3. Kết luận
Chấn hưng giáo dục trong bối cảnh mới là hướng đến xây dựng một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam, trong khi bước vào hội nhập quốc tế vẫn luôn phải giữ hồn cốt dân tộc, tâm thức Việt Nam. Quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phải đứng trên cơ sở của triết lý giáo dục Việt Nam, phù hợp với nền văn hóa Việt Nam.
Chấn hưng giáo dục trong bối cảnh mới là gắn dạy chữ với dạy người, thực hiện phương châm “học thật, thi thật, nhân tài thật, đạo đức thật”. Gắn quá trình dạy học với quá trình giáo dục đạo đức, phát triển nhân cách của học sinh. Một quá trình dạy học thật sự khoa học sẽ đưa người học đến sự phát triển hài hòa cả năng lực và phẩm chất nhân cách, “vừa hồng, vừa chuyên”.
Thầy giáo và cán bộ quản lý nhà trường là nhân tố then chốt trong quá trình đổi mới thực hiện chấn hưng giáo dục. “Các thầy, cô giáo phải trở thành tấm gương sáng, thành kiểu mẫu cho các em noi theo, phải là kiểu mẫu về mọi mặt, tư tưởng, đạo đức, lề lối làm việc”.
Tài liệu tham khảo
[1]. Đặng Quốc Bảo (2015), Minh Triết Hồ Chí Minh về giáo dục, Nxb Giáo dục Việt Nam.
[2]. Phạm Minh Hạc (2013), Triết lý giáo dục thế giới và Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội.
[3]. Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002.
[4]. Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002.
PGS.TS. Đặng Quốc Bảo (Chủ Tịch Viện Trí Việt/IVM)