GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ - TƯ TƯỞNG CHO ĐOÀN VIÊN THANH NIÊN Ở CÁC NHÀ TRƯỜNG QUÂN ĐỘI TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI SỐ HIỆN NAY
Tóm tắt: Áp dụng công nghệ số vào giáo dục - đào tạo tại các cơ sở giáo dục nói chung, tại các nhà trường quân đội nói riêng đã từng bước được thực hiện, đem lại những tín hiệu khả quan, tích cực. Tuy nhiên, áp dụng chuyển đổi số trong giáo dục chính trị - tư tưởng cho đoàn viên thanh niên ở các nhà trường quân đội vẫn còn là một vấn đề lâu dài, đòi hỏi phải có những nghiên cứu chuyên sâu, có lộ trình, hoạch định cụ thể. Bài viết tập trung phân tích sự cần thiết và đề xuất một số giải pháp đổi mới giáo dục chính trị - tư tưởng cho đoàn viên thanh niên ở các nhà trường quân đội trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
Từ khóa: chuyển đổi số, giáo dục chính trị - tư tưởng, đoàn viên thanh niên, nhà trường quân đội
1. Đặt vấn đề
Giáo dục chính trị - tư tưởng (GDCT-TT) cho đoàn viên thanh niên (ĐVTN) có vị trí và tầm quan trọng đặc biệt với việc nâng cao nhận thức chính trị, củng cố niềm tin chính trị và cổ vũ hành động chính trị tích cực, đúng đắn; hoàn thiện nhân cách ĐVTN; nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ GD-ĐT đội ngũ cán bộ quân đội vừa “hồng” vừa “chuyên”; xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Hiện nay, trước yêu cầu, đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư, khi chuyển đổi số là xu thế tất yếu, công nghệ số, kỹ năng số được ứng dụng vào quá trình GD-ĐT nói chung, GDCT-TT cho ĐVTN nói riêng cũng cần phải có những thay đổi linh hoạt, phù hợp. Nâng cao chất lượng, hiệu quả GDCT-TT cho ĐVTN trong bối cảnh chuyển đổi số là đòi hỏi cấp bách hiện nay, là yêu cầu khách quan để nâng cao chất lượng GD-ĐT trong các nhà trường quân đội. Đây là trách nhiệm của tất cả các chủ thể GDCT-TT, bao gồm lãnh đạo, chỉ huy, các cơ quan chức năng, các tổ chức quần chúng, cán bộ, giảng viên các khoa mà nòng cốt là các chuyên ngành Khoa học xã hội và nhân văn, cán bộ chính trị và toàn thể lực lượng ĐVTN trong các nhà trường quân đội.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Thực trạng giáo dục chính trị - tư tưởng cho đoàn viên thanh niên ở nhà trường quân đội
GDCT-TT cho ĐVTN ở các nhà trường quân đội trong thời gian qua, bên cạnh những ưu điểm đạt được, thì hiện còn những hạn chế nhất định, chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ của Quân đội trong tình hình mới: một số cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng, cán bộ, giảng viên, nhân viên, hạ sĩ quan, chiến sĩ còn có biểu hiện nhận thức chưa đầy đủ về tính tất yếu thực hiện chuyển đổi số trong GDCT-TT; năng lực tiến hành CTĐ, CTCT, trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác GDCT-TT chưa đáp ứng yêu cầu GDCT-TT trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay; một số nội dung GDCT-TT còn chậm đổi mới, chưa tận dụng tốt ưu thế của công nghệ số, còn nặng về lý luận, chưa đi vào chiều sâu, chưa đạt kết quả như mong muốn; phối hợp các phương pháp, hình thức trong GDCT-TT còn chưa đa dạng, linh hoạt; phương tiện phục vụ công tác GDCT-TT trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa được quan tâm đầu tư thích đáng, hiệu quả sử dụng chưa cao…
Để khắc phục những hạn chế, đồng thời đổi mới GDCT-TT cho ĐVTN ở các nhà trường quân đội trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp phù hợp với xu thế vận động, phát triển của thực tiễn.
2.2. Giải pháp đổi mới giáo dục chính trị - tư tưởng cho đoàn viên thanh niên ở nhà trường quân đội
Một là, đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các chủ thể đối với GDCT-TT và chuyển đổi số trong GDCT-TT
Các nhà trường quân đội cần đẩy mạnh công tác giáo dục, quá triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định, hướng dẫn, đề án, chương trình, kế hoạch của Quân ủy Trương ương, Bộ Quốc phòng về GD-ĐT, GDCT-TT, GDCT-TT cho thế hệ trẻ, tập trung vào: Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”, Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”; Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030”, Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về “Đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới”; Chỉ thị số 2423-CT/QUTW ngày 09/11/2023 của Thường vụ QUTW về “Đổi mới nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị trong giai đoạn mới”; Kế hoạch số 588/KH-BTTM, ngày 04/3/2022 của Bộ Tổng Tham mưu về “Chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo ở các nhà trường Quân đội giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”. Nghiên cứu nắm chắc tình hình nhiệm vụ của cách mạng, nhiệm vụ quân đội, phát huy cao độ tinh thần chủ động, quyết tâm, quyết liệt về chuyển đổi số. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tạo bước chuyển biến rõ nét về nhận thức, trách nhiệm của các lực lượng trong GDCT-TT cho ĐVTN; bổ sung hoàn thiện các mục tiêu, yêu cầu đào tạo phù hợp với nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội trong thời kỳ mới; kịp thời bổ sung hoàn thiện chương trình, nội dung đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số. Coi trọng kiện toàn tổ chức biên chế, tạo nguồn, bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, các lực lượng để họ có đủ điều kiện và khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng, hiệu quả GDCT-TT cho ĐVTN trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
Quan tâm chỉ đạo tổ chức các hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các tổ chức, các cá nhân trong nhà trường. Tạo điều kiện để các cơ quan chức năng, các khoa giáo viên, các tiểu đoàn quản lý học viên phát huy tốt vai trò trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, chức trách; tăng cường hoạch định chủ trương, biện pháp cụ thể; gắn các mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số trong GDCT-TT với nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cơ quan, đơn vị; ban hành các văn bản, chỉ đạo nội dung, phương pháp giáo dục; bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện tiến hành GDCT-TT. Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đối với công tác GDCT-TT.
Hai là, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kĩ năng ứng dụng công nghệ thông tin, cập nhật các kiến thức về chuyển đổi số của đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý đối với công tác GDCT-TT
Tăng cường bồi dưỡng cho giảng viên nâng cao năng lực chuyên môn và khả năng sư phạm, tác phong công tác, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống. Quan tâm cử giảng viên đi đào tạo tại các lớp học tập trung trong và ngoài quân đội, đi thực tế, dự nhiệm. Đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm trong giảng dạy; thường xuyên phối hợp rà soát, phân loại chất lượng giảng viên bằng các hình thức phù hợp: dự giảng, seminar, thi giáo viên giảng dạy chính trị… Tạo cơ chế, chính sách nhằm động viên, khuyến khích giảng viên học tập, nâng cao trình độ, phát huy tinh thần, trách nhiệm, cống hiến, nỗ lực cho mục tiêu, lợi ích chung. Bản thân mỗi giảng viên cũng phải chủ động, tích cực học tập, nghiên cứu, rèn luyện năng lực nghiệp vụ sư phạm, trình độ ngoại ngữ, tin học, nâng cao kỹ năng sử dụng thiết bị công nghệ thông tin, công nghệ số phục vụ cho giảng dạy.
Đội ngũ cán bộ quản lý học viên là người luôn thường xuyên, gần gũi ĐVTN nhất, có ảnh hưởng trực tiếp đến tư tưởng, nhận thức, tâm lý, tình cảm, của ĐVTN. Đội ngũ cán bộ bộ quản lý cần nắm chắc mục tiêu, những yêu cầu cơ bản của chương trình, các quy chế, quy định đào tạo, chức trách, nhiệm vụ để quán triệt cho ĐVTN. Bên cạnh đó, chủ động, nỗ lực học tập, nghiên cứu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào quá trình điều hành các hoạt động giáo dục. Trong quá trình quản lý học viên, mỗi cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ đoàn phải luôn gần gũi, hòa đồng với ĐVTN; tích cực xây dựng môi trường văn hóa, đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Thanh niên Quân đội rèn đức, luyện tài, xung kích, sáng tạo, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới”, phong trào sáng tạo trẻ, hoạt động Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo; thường xuyên nắm các thông tin, trào lưu và xu hướng của giới trẻ để nắm, định hướng tư tưởng ĐVTN. Mỗi cán bộ phải là tấm gương sáng về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong công tác; là lực lượng tiên phong, xung kích thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động GDCT-TT.
Bên cạnh việc bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, việc tiếp tục bồi dưỡng kỹ năng quản lý, vận động, thuyết phục, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Một trong những biện pháp hiệu quả để nâng cao trình độ công nghệ thông tin cho cán bộ, giảng viên là thông qua các lớp tập huấn về công nghệ thông tin. Các lớp tập huấn có thể tổ chức với nhiều hình thức, quy mô khác nhau. Nội dung tập huấn nên tập trung vào việc nâng cao kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin, đảm bảo để mỗi cán bộ, giảng viên đều đạt chuẩn sử dụng công nghệ thông tin cơ bản trở lên. Ngoài ra, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn về phương pháp xây dựng phần mềm dạy học, phần mềm mô phỏng; sử dụng các phần mềm dùng chung, giới thiệu các phần mềm mới... Bên cạnh đó, cũng cần tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, giảng viên được trang bị, cập nhật, bổ sung các kiến thức, nội dung cơ bản về chuyển đổi số, về bản chất và các công nghệ cốt lõi của cuộc CMCN lần thứ tư.
Ba là, đổi mới nội dung, đa dạng hóa các phương pháp, hình thức GDCT-TT theo hướng tận dụng tốt ưu thế của công nghệ số
Thực hiện đổi mới nội dung, chương trình GDCT-TT nhưng phải đảm bảo tính vừa sức, tính khái quát cao về lý luận song lại luôn theo sát, cập nhật với thực tiễn chiến đấu của quân đội. Nội dung giáo dục ngắn gọn, dễ hiểu, cơ bản, toàn diện, nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, mềm dẻo, liên thông, mở, phát triển và phù hợp với từng khóa học, từng chuyên ngành; không hàn lâm lý luận, gắn nội dung GDCT-TT với các nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, lịch sử, thẩm mỹ... Đổi mới nội dung giáo dục chính trị cho ĐVTN không nhất thiết phải hoàn toàn giống nhau mà tùy đặc điểm ĐVTN, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể ở các nhà trường để có nội dung giáo dục phù hợp, tuy nhiên vẫn phải hướng đến mục tiêu chung. Nội dung giáo dục cần khắc phục tình trạng khô khan, một chiều, máy móc, xa rời thực tiễn. Phải gắn chặt nội dung giáo dục chính trị với các nội dung và các mặt hoạt động khác của cơ quan, đơn vị; đảm bảo gần gũi với đời sống, sinh hoạt thường ngày của bộ đội, qua đó khơi gợi được tinh thần, ý thức trách nhiệm, hứng thú học tập, rèn luyện, nghiên cứu của ĐVTN.
Cùng với đổi mới nội dung, cần chú trọng đổi mới phương pháp, đảm bảo phong phú, đa dạng, đồng thời phù hợp với đặc điểm tâm lý của ĐVTN. Thực tế cho thấy, các phương pháp dạy học tích cực đã khắc phục được những điểm yếu của phương pháp giảng dạy truyền thống. Việc sử dụng công nghệ thông tin, công nghệ số đã góp phần khơi gợi hứng thú học tập của ĐVTN. Do đó, từng bộ môn, khoa trong nhà trường cần triển khai xây dựng bài giảng điện tử cho tất cả các môn học. Bài giảng điện tử cần đảm bảo đáp ứng chuẩn kiến thức theo chương trình đã được duyệt và chuẩn đầu ra của từng nội dung giảng dạy. Thường xuyên nâng cấp bài giảng điện tử truyền thống Powerpoint, tích hợp với các phần mềm tạo bải giảng trực tuyến, sử dụng bảng tương tác như Activinspire, Ispring… và sử dụng các dạng bài giảng mulitimedia. Cùng với đó, đội ngũ giảng viên cần kết hợp đa dạng các phương pháp dạy học, tích cực sử dụng các phương pháp như: nêu vấn đề, trao đổi, đàm thoại, tranh luận, đóng vai… trong quá trình giáo dục.
Bên cạnh các hoạt động học tập chính khóa trên lớp, cần tích cực tổ chức cho ĐVTN tham gia vào các hoạt động chính trị - xã hội: các cuộc thi tìm hiểu về Đảng, Bác Hồ, quân đội; thi tìm hiểu nghị quyết, pháp luật; thi Olympic các môn khoa học xã hội và nhân văn; các phong trào, hoạt động tình nguyện, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nông thôn mới, dân vận… Tăng cường tuyên truyền, tôn vinh, nhân rộng những tấm gương điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường. Phát huy thế mạnh của ngày sinh hoạt chính trị và văn hóa tinh thần ở đại đội, tận dụng triệt để thế mạnh của hình thức tuyên truyền miệng, các kênh thông tin hiện đại có ảnh hưởng rộng rãi như truyền thanh nội bộ, mạng nội bộ, mạng xã hội. Chú trọng xây dựng các không gian triển lãm lịch sử trực tuyến, những video clip ngắn (dạng shorts, reels, clip Tiktok…), các ấn phẩm truyền thông hiện đại trên nền tảng số (infographic, poster, potcasd…) để tuyên truyền, GDCT-TT cho ĐVTN. Phương pháp tuyên truyền cần ngắn gọn, dễ nhớ, dễ vận dụng, phù hợp với ĐVTN. Nên nghiên cứu bố trí thời gian phát truyền thanh nội bộ phù hợp với không gian và tính chất thời gian biểu học tập của ĐVTN. Đồng thời cần nghiên cứu xu hướng của giới trẻ để thiết kế nội dung thông tin sao cho vừa có tác dụng giải trí vừa đạt hiệu quả giáo dục. Coi trọng tổng kết thực tiễn, chú trọng hình thức giáo dục định hướng về cội nguồn, tham quan, học tập truyền thống.
Một xu hướng khác trong GDCT-TT cho ĐVTN hiện nay là sử dụng các phần mềm trực tuyến để tổ chức các cuộc thi tìm hiểu; sân khấu hóa, trò chơi hóa các nội dung giáo dục chính trị bằng các ứng dụng: facebook, youtube, tiktok; sử dụng các ứng dụng di động: zalo, wechat, telegram, zoom, skype để quản lý đoàn viên, điều hành, tổ chức triển khai các hoạt động CTĐ, CTCT, hoạt động công tác đoàn và phong trào thanh niên... Không thể phủ nhận vai trò của công nghệ, tuy nhiên, cũng phải tính đến tác động hai mặt của nó. Do đó, cần khéo léo, tinh tế khi lựa chọn phương pháp, hình thức GDCT-TT cho ĐVTN, tăng cường ứng dụng công nghệ số đáp ứng nhu cầu của tuổi trẻ ưa mới mẻ, tìm tòi, khám phá nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với nội dung giáo dục, không gian, thời gian giáo dục, an toàn, an ninh số, bí mật quân sự và chất lượng, hiệu quả.
Bốn là, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, huy động các nguồn lực đầu tư hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, công nghệ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của chuyển đổi số trong giáo dục chính trị - tư tưởng
Sử dụng hiệu quả, phát huy nhân tố con người trong GDCT-TT cho ĐVTN. Thường xuyên kiện toàn bộ máy của hoạt động GDCT-TT bằng việc bổ sung đội ngũ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, nâng cao hiệu suất từng vị trí công tác của cán bộ quản lý, giảng viên trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ từng người. Phát huy sức mạnh của các tổ chức, các lực lượng trong và ngoài quân đội, đặc biệt của tổ chức Đoàn trong nắm tình hình, diễn biến tư tưởng và kịp thời giải quyết những bức xúc, vướng mắc về tư tưởng của ĐVTN. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, nhân dân địa phương và gia đình trong bám, nắm tình hình tư tưởng của ĐVTN, kịp thời xử lý, giải quyết các vấn đề phát sinh, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho hoạt động GDCT-TT.
Quản lý chặt chẽ và sử dụng hợp lý, tiết kiệm kinh phí, thời gian và cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật. Một trong những cái khó trong GDCT-TT cho ĐVTN ở các nhà trường quân đội đó là mọi hoạt động của ĐVTN đã được kế hoạch hóa từ đầu năm. Ngoài các giờ học chính khóa trên lớp, ĐVTN còn phải thực hiện 11 chế độ trong ngày, 3 chế độ trong tuần, rèn luyện thể lực, để đáp ứng các chuẩn đẩu ra do đó hoạt động GDCT-TT dễ bị coi nhẹ vì lý do không có thời gian. Để khắc phục tình trạng này phải đi từ quan niệm GDCT-TT cũng là một hoạt động GD-ĐT, cũng có ý nghĩa và tầm quan trọng tương đương với các hoạt động khác. Các nhà trường quân đội cần phải có chương trình, lộ trình rõ ràng, phân bổ quỹ thời gian cho GDCT-TT một cách nghiêm túc, đúng mục đích. Kết hợp hài hòa, phối hợp đa dạng các hình thức, phương pháp, phương tiện giáo dục.
Tích cực huy động các nguồn lực đầu tư hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, công nghệ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của chuyển đổi số trong GDCT-TT. Để làm tốt vấn đề này, các nhà trường quân đội cần nắm bắt thành tựu mới về khoa học, công nghệ, đặc điểm tâm lý ĐVTN để lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiện đại phù hợp với mục tiêu, nội dung ứng dụng trong từng nhiệm vụ chính trị cụ thể. Tập trung đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở vật chất cơ bản, đồng bộ. Trong đó, ưu tiên hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin, mạng nội bộ; đầu tư trang thiết bị đầu cuối kết nối toàn diện, thông suốt hệ thống phòng học, phòng thực hành, phòng Hồ Chí Minh, nhà truyền thống, thư viện số, thư viện điện tử. Chú trọng xây dựng kho học liệu số dùng chung; xây dựng mới hệ thống bài giảng, giáo trình, tài liệu điện tử theo tiêu chuẩn thống nhất ở tất cả các môn học, học phần. Đẩy mạnh quá trình mã hóa, số hóa hệ thống giáo trình, tài liệu, sách tham khảo, ngân hàng câu hỏi, đề thi, đáp án; các đề tài, sáng kiến khoa học, luận văn, luận án; số hóa thông tin quản lý; ứng dụng Big Data để quản lý, điều hành các hoạt động. Chủ động tiếp cận các ứng dụng phần mềm, các nền tảng để các hoạt động dạy, học, huấn luyện chính trị bảo đảm tính tương thích và kết nối với nhau.
Các nhà trường quân đội cũng cần cân đối tính toán, nghiên cứu cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật đảm bảo đời sống văn hóa tinh thần của bộ đội. Đối với cơ sở vật chất đã sẵn có, bên cạnh mặt tận dụng một cách triệt để cần nâng cao ý thức sử dụng, bảo quản của mỗi cán bộ, giảng viên, ĐVTN. Các cơ quan, đơn vị cần tập huấn cách sử dụng các phương tiện mới, hiện đại, phân công quản lý, sử dụng cụ thể đến từng người; thường xuyên rà soát cơ sở vật chất phục vụ GDCT-TT để có phương án sử dụng, thay thế, loại bỏ, bổ sung kịp thời.
Năm là, khơi dậy tính chủ động, tự giác, xung kích của đoàn viên thanh niên trong giáo dục chính trị - tư tưởng
Chú trọng xây dựng động cơ, nhu cầu, thái độ, trách nhiệm đúng đắn về hoạt động tự giáo dục của ĐVTN. Các chủ thể giáo dục thông qua hoạt động giảng dạy, huấn luyện chính trị cần quán triệt, nâng cao nhận thức cho ĐVTN về vị trí, vai trò của tự giáo dục; bồi dưỡng, khơi gợi ý thức chủ động, tự giác, tinh thần ham học hỏi, cầu tiến bộ. Từ đó, hình thành trong mỗi ĐVTN nhu cầu về nâng cao tri thức, khả năng tư duy độc lập, sáng tạo.
Các chủ thể quản lý nhà trường phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tạo điều kiện thuận lợi để ĐVTN tự giáo dục. Cán bộ chỉ huy các cấp cần duy trì nghiêm túc kỷ luật quân sự, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc; làm cho quá trình tự giáo dục của ĐVTN diễn ra trong môi trường có tổ chức, kỷ luật tự giác và nghiêm minh. Đồng thời, phát huy tinh thần tự quản, kết hợp giữa quản lý hành chính quân sự với quản lý nội dung công việc, lấy việc hoàn thành nhiệm vụ của từng ĐVTN theo chức trách làm chính. Tích xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong ĐVTN về tinh thần chủ động, sáng tạo, tự giác trong công việc cũng như học tập.
3. Kết luận
Thế mạnh của ĐVTN ở các nhà trường quân đội đó là tuổi trẻ, năng động, ham hiểu biết, thích tìm tòi, khám phá cái mới, sôi nổi nhiệt tình, dám dấn thân vào những khó khăn, gian khổ. Tuy nhiên, ở ĐVTN vẫn còn thiếu kinh nghiệm, bồng bột. Vì vậy, phải có biện pháp động viên, hướng dẫn, xây dựng phương pháp tư duy khoa học và đức tính kiên trì, bền bỉ trong tự học, rèn luyện cho ĐVTN.
Đội ngũ giảng viên, cán bộ chính trị là những chủ thể nòng cốt, đóng vai trò quan trọng trong việc động viên, khuyến khích cũng như hướng dẫn phương pháp học tập đúng đắn cho ĐVTN. Bản thân mỗi cán bộ, giảng viên phải là tấm gương sáng về chủ động, tự giác, là người trực tiếp chia sẻ, hướng dẫn kiến thức, kinh nghiệm bản thân về học tập, kinh nghiệm sống, khuyến khích ĐVTN hình thành, duy trì và phát huy tinh thần tự giác.
Người chỉ huy phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ĐVTN tự giác học tập. Bố trí thời gian tự học, tự nghiên cứu một cách hợp lý, bảo đảm các điều kiện về vật chất, tinh thần, mà trước hết phải bổ sung hệ thống tài liệu, sách báo, phát huy hiệu quả hoạt động phục vụ của hệ thống thư viện, phòng truyền thống của các cơ quan, đơn vị. Thường xuyên tổ chức các hoạt động phong trào, tạo dư luận tập thể tích cực, xây dựng phong trào tự học, kịp thời cổ vũ, động viên, khích lệ các cá nhân, tập thể có tinh thần chủ động, sáng tạo, tự giác./.
Tài liệu tham khảo
1 - Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”
2- Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030”
3- Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về “Đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới”
4- Chỉ thị số 2423-CT/QUTW ngày 09/11/2023 của Thường vụ QUTW về “Đổi mới nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị trong giai đoạn mới”
5- Kế hoạch số 588/KH-BTTM, ngày 04/3/2022 của Bộ Tổng Tham mưu về “Chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo ở các nhà trường Quân đội giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”
ThS. Lê Minh Thu
Học viện Kỹ thuật quân sự