Giả danh vô gia cư, trục lợi từ lòng tốt
TCGCVN - Hiện tượng mạo danh người vô gia cư đang tái diễn tràn lan trên đường phố. Điều này gây ra những tác động tiêu cực đối với các tổ chức tình nguyện và những người thật sự cần sự giúp đỡ.
Thân phận giả, hệ lụy thật
Khoảng 10 giờ tối trên phố Tràng Thi, ba đối tượng được nhóm phóng viên nghi vấn giả danh người vô gia cư đã chuẩn bị kỹ lưỡng trước sự xuất hiện của những người hoạt động từ thiện. Họ chủ động tìm sự giúp đỡ, liên tục kể về hoàn cảnh khó khăn của mình.
Ba đối tượng trên liên tục kể về việc có người thân đang nằm viện, không có nhà cửa, thiếu thốn lương thực. Cụ thể, khi được hỏi về vấn đề nơi ở, một trong ba đối tượng trình bày: “Chúng tôi ngủ nghỉ ở đây vì không có nhà cửa, sáng dậy là lại vào bệnh viện trông người ốm”.
Sự bất thường dần xuất hiện khi câu trả lời về lai lịch, hoàn cảnh mà nhóm đối tượng này đưa ra đều hết sức trơn tru, chi tiết đi kèm thái độ niềm nở. Thậm chí các đối tượng còn “tung hứng”, trả lời thay cho nhau những câu hỏi mà nhóm phóng viên đặt ra. Tuy nhiên, khi được đề cập về biến cố cụ thể của gia đình dẫn đến hoàn cảnh hiện tại, nhóm người tự xưng là vô gia cư này thể hiện rõ thái độ lảng tránh, từ chối trả lời.
Quan sát ngoại hình, nhóm phóng viên tiếp tục phát hiện một trong ba đối tượng có đeo nhẫn bạc. Dù chưa thể xác minh được giá trị món trang sức, nhưng chi tiết này tạo ra mâu thuẫn với lời kể hoàn cảnh đói khổ mà nhóm đối tượng này liên tục nhấn mạnh.
Ba đối tượng nghi ngờ giả danh người vô gia cư. (Ảnh: Mạnh Đức)
Cả ba không xuất hiện cùng tư trang cá nhân, bên cạnh chỉ có duy nhất một chiếc xe đạp, theo lời họ kể là kế sinh nhai: “Hằng ngày chúng tôi kiếm tiền bằng việc đi thu gom ve chai, đồng nát, sắt vụn”.
Khi được cung cấp những nhu yếu phẩm như thức ăn và nước uống, các đối tượng ngay lập tức thể hiện thái độ, thản nhiên đề nghị được “hỗ trợ” một khoản tiền. Điều này trái ngược hoàn toàn với lời cả ba đã khẳng định trước đó: “Có thế nào thì chúng tôi nhận thế ấy”.
Hành tung của nhóm này tỏ ra tương đối bí hiểm khi chỉ ít phút sau khi nhận những món quà từ thiện và kết thúc phần trao đổi với nhóm phóng viên, các đối tượng đã nhanh chóng di chuyển sang một địa điểm khác.
Những biểu hiện trên tuy mới chỉ dừng lại ở mức độ nghi vấn nhưng cũng gợi lên không ít hoài nghi về lai lịch và mục đích thực sự của những người vẫn được cho là cho là có hoàn cảnh khó khăn.
Trăn trở của các tổ chức thiện nguyện
Thực trạng trên gây ra các tác động tiêu cực đến các tổ chức tình nguyện. Anh Mã Thành Đạt - đội phó đội Tình nguyện Xung Kích (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã có hơn ba năm gắn bó với công tác tình nguyện cho biết, trong suốt thời gian này, anh không chỉ chứng kiến niềm vui mà còn phải đối mặt với không ít thử thách.
Anh Đạt chia sẻ rằng một trong những vấn đề nghiêm trọng mà các tổ chức tình nguyện gặp phải là việc một số đối tượng đóng vai người vô gia cư để trục lợi từ sự giúp đỡ của cộng đồng. Theo anh, nguyên nhân của hiện tượng này xuất phát từ vấn đề đạo đức, lòng tham “vô đáy” và sự thiếu hiểu biết. “Họ không nghĩ đến hậu quả của hành động này sẽ gây tác động xấu đến đời sống xã hội” anh nhấn mạnh.
Anh Đạt và quá trình chuẩn bị hoạt động thiện nguyện. (Ảnh: NVCC).
Hành động giả mạo người vô gia cư đang “cướp đi” cơ hội của những người thật sự cần giúp đỡ. “Tuy nhiên, nếu chúng ta hoài nghi quá mức và thiếu niềm tin vào các hoạt động tình nguyện, lòng tốt sẽ khó có thể đến đúng nơi cần nhận”, anh khẳng định. Vì vậy, những người làm công tác tình nguyện cần duy trì sự tỉnh táo, xác minh rõ ràng đối tượng cần giúp đỡ, đảm bảo sự hỗ trợ được phân bổ chính xác và hiệu quả.
Anh Đạt cho biết thêm: “Việc xác minh hoàn cảnh của từng đối tượng trước khi thực hiện bất kỳ hoạt động từ thiện nào là bước cần thực hiện. Trước khi phát quà hay tham gia vào các chương trình, tôi luôn dành thời gian tìm hiểu kỹ lưỡng về người cần giúp đỡ. Chính sự cẩn trọng này giúp tôi yên tâm rằng sự hỗ trợ sẽ đến đúng tay những người thực sự cần, tránh tình trạng trao nhầm”.
Thực trạng này đã diễn ra trong một thời gian dài và cần triển khai những phương án kịp thời, hiệu quả, nhằm ngăn chặn tình trạng tái diễn, đồng thời bảo vệ sự minh bạch và hiệu quả của các chương trình hỗ trợ xã hội.
Thúy Hiền - Khánh Chi