FRIEDRICH ENGELS- CÂY VĨ CẦM THỨ HAI, BÊN CẠNH MARX
Kỷ niệm 203 năm Ngày sinh Friedrich Engels (28-11-1820 / 28-11-2023)
FRIEDRICH ENGELS- CÂY VĨ CẦM THỨ HAI, BÊN CẠNH MARX
TCGCVN - Ngày 28-11-2023, những người cộng sản và công nhân thế giới kỷ niệm lần thứ 203 năm ngày sinh của Friedrich Engels, lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản, người bạn chí tình, chí nghĩa của Karl Marx. Tuy có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp của Karl Marx, nhưng Engels chỉ khiêm nhường coi mình là “cây vĩ cầm thứ hai, bên cạnh Marx”.
Ph. Ăngghen (1820 - 1895)
Friedrich Engels sinh ngày 28-11-1820 trong một gia đình chủ xưởng dệt ở thành phố Barmen, tỉnh Rhein, Vương quốc Phổ (ngày nay là nước Đức). Cuối năm 1842, Ông sang Anh và sống ở thành phố Manchester là thành phố công nghiệp đầu tiên trên thế giới. Tại đây, Engels đã tập trung nghiên cứu đời sống kinh tế-chính trị nước Anh; trực tiếp tham gia phong trào công nhân mới. Chứng kiến sự khổ cực của giai cấp công nhân (GCCN) và các tầng lớp nhân dân lao động ngay trong xã hội tư bản, Ông đã viết tác phẩm “Tình cảnh GCCN Anh” (1844). Trong đó, Engels miêu tả một cách chân thực, sâu sắc nhất cuộc sống khốn cùng của GCCN và nhân dân lao động. Ông được coi là người đầu tiên phát hiện sứ mệnh lịch sử của GCCN trong cuộc đấu tranh giải phóng người lao động, xây dựng xã hội mới không có áp bức, bóc lột. Trước khi gặp Marx, Ông đi sâu nghiên cứu và xuất bản cuốn “Lược thảo phê phán khoa kinh tế chính trị” (1843), chỉ rõ chế độ tư hữu TBCN là cơ sở của toàn bộ sinh hoạt vật chất và tinh thần của xã hội tư sản. Đó là những tác phẩm khởi thảo về khoa học chính trị, kinh tế học của giai cấp vô sản, được Marx đánh giá rất cao.
Cuối tháng 8-1844, Engels gặp Marx ở thành phố Paris (Pháp), mở đầu cho một “tình bạn vĩ đại”, gắn bó hai nhà bác học thiên tài, hai lãnh tụ của phong trào cộng sản và công nhân thế giới trong thế kỷ XIX. Trong suốt thời gian từ năm 1844 cho đến lúc Marx từ trần (3-1883), hai ông đã viết cho nhau 1.386 bức thư, trao đổi về nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, khoa học, quân sự, xã hội... Đặc biệt, Marx và Engels đã dày công nghiên cứu thực tiễn xã hội tư bản, tổng kết lý luận, sáng lập ra CNXH khoa học; cùng hợp sức viết và công bố nhiều tác phẩm lý luận nổi tiếng, như: “Gia đình thần thánh”, “Hệ tư tưởng Đức”…
Trong thời gian sống ở Paris, Engels quan tâm nhiều đến hoạt động của “Liên đoàn những người cộng sản” và trở thành Ủy viên Ban chấp hành của Liên đoàn. Năm 1847, Đại hội “Liên đoàn những người cộng sản” đã ủy nhiệm cho Marx và Engels cùng soạn thảo bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (xuất bản lần đầu tháng 2-1848 bằng tiếng Anh, tại Luân Đôn). Đây là một văn kiện có tính chất cương lĩnh cách mạng, trở thành vũ khí lý luận, tư tưởng sắc bén của giai cấp vô sản thế giới trong cuộc đấu tranh nhằm lật đổ sự thống trị xã hội của giai cấp tư sản, xây dựng một chế độ xã hội mới tốt đẹp hơn. Nội dung chủ yếu của tác phẩm này gồm các vấn đề liên quan đến cả ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác, đó là: Triết học, Kinh tế chính trị học và Chủ nghĩa cộng sản khoa học. Với thái độ khách quan, khoa học, hai ông đã trình bày một cách sâu sắc những tư tưởng của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử; chỉ rõ vai trò Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định hàng đầu để giai cấp vô sản và nhân dân lao động hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Đồng thời, chứng minh tính tất yếu của cách mạng XHCN và việc thủ tiêu chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, thiết lập chế độ sở hữu xã hội mà trước hết là chế độ sở hữu nhà nước (chế độ sở hữu toàn dân); trình bày cương lĩnh kinh tế cải tạo XHCN; phân tích có tính phê phán các quan điểm tư sản, cải lương, xét lại…
Sự ra đời “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” đã thức tỉnh GCCN, nhân dân lao động ý thức được vai trò lịch sử của mình; đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong quá trình phát triển của các tư tưởng XHCN từ không tưởng trở thành khoa học. Đồng thời, đánh dấu tình bạn mẫu mực của hai nhà bác học, hai chiến sĩ cách mạng kiên cường đã sáng tạo nên một tác phẩm kinh điển của CNXH khoa học mang tầm vượt thời đại; tạo bước ngoặt, thúc đẩy phong trào đấu tranh của GCCN chuyển từ tự phát tới tự giác và làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình.
Tháng 3-1848, Engels trở thành một trong những người lãnh đạo “Câu lạc bộ công nhân Đức”, do Ban chấp hành Trung ương “Liên đoàn những người cộng sản” lập ra. Ông cùng với Marx soạn thảo “Những yêu sách của Đảng Cộng sản Đức”, được coi là một văn kiện có tính chất cương lĩnh cho hành động của giai cấp vô sản ở nước Đức thời đó. Tháng 4-1848, hai ông cùng trở về Đức tham gia các hoạt động cách mạng, xuất bản tờ “Báo Rê-na-ni mới”. Trên những trang báo này, Ông trực tiếp viết nhiều bài chính luận về chính trị-xã hội, kêu gọi nhân dân Đức kiên quyết đấu tranh chống chế độ nông nô và chế độ chuyên chế phong kiến, vạch trần sự phản bội của giai cấp tư sản Đức và tính không triệt để của những người dân chủ tiểu tư sản; kiên quyết bảo vệ chủ trương đấu tranh cho một nước Đức cộng hòa, dân chủ và thống nhất. Tháng 5-1849, Engels trực tiếp tham gia cuộc khởi nghĩa nhân dân vũ trang ở Tây và Nam nước Đức, được sung vào Ban quân sự. Tại đây, Ông đã vạch ra một kế hoạch hoạt động quân sự, thành lập quân đội, phát động phong trào đấu tranh trên toàn nước Đức và trực tiếp tham gia chiến đấu trong quân đội cách mạng.
Trong hai mươi năm (1850-1870), Engels sống ở thành phố Manchester nước Anh. Ông đi sâu nghiên cứu các môn khoa học tự nhiên, quân sự, chính sách quốc tế; viết nhiều bài tổng kết kinh nghiệm về cuộc cách mạng ở nước Đức; trong đó, có các tác phẩm nổi tiếng như: “Tiểu luận về chiến tranh”, “Cách mạng và phản cách mạng ở Đức”, “Cuộc chiến tranh nông dân ở Đức”… Trong thời gian này, Ông làm việc ở Văn phòng thương mại phụ trách doanh nghiệp ngành sợi bông của gia đình. Điều này đã tạo điều kiện cho ông có thể giúp đỡ về vật chất và là chỗ dựa tinh thần cho Marx hoạt động cách mạng, dồn tâm sức viết bộ sách “Tư bản”.
Trong thời gian này, gia đình Marx gặp nhiều khó khăn về kinh tế, thậm chí có lúc lâm vào cảnh túng thiếu. Vì vậy, ngoài việc quyên góp tiền, nhu yếu phẩm từ bạn bè, đồng chí để giúp đỡ gia đình Marx vượt qua khó khăn, Engels còn tận tình giúp người bạn, người đồng chí thân thiết bằng số tài sản có được từ việc làm thư ký trong hãng buôn của cha mình để Marx hoàn thành sự nghiệp vĩ đại. Đồng thời, Engels tập trung nghiên cứu, viết những bài về quan hệ quốc tế, nghệ thuật quân sự và những lĩnh vực khác và luôn trả lời đầy đủ và cặn kẽ mọi vấn đề do Marx đặt ra. Điều đó thể hiện sự hiểu biết sâu sắc, tầm nhìn rộng lớn, khả năng nhận định thiên tài trên nhiều lĩnh vực khoa học và cuộc sống của Engels.
Đối với hoạt động đấu tranh cách mạng, Engels luôn đi sâu tìm hiểu thực tế đời sống của các tầng lớp nhân dân và phong trào đấu tranh của GCCN trong xã hội tư bản đương thời. Trong những ngày tháng khó khăn của cách mạng, ông vẫn luôn giữ vững liên lạc với những người lãnh đạo phong trào công nhân ở các nước. Khi tham gia Quốc tế thứ nhất, Engels cùng với Marx đấu tranh không khoan nhượng các trào lưu tư tưởng phi vô sản, cải lương, cơ hội; ủng hộ và tích cực giúp đỡ các chiến sĩ Công xã Paris (1871). Để bảo vệ quan điểm Học thuyết Mác, Engels đã có nhiều bài viết với nội dung khoa học, sắc bén trên nhiều vấn đề quan trọng của triết học, khoa học tự nhiên và xã hội, nhằm phản bác mọi quan điểm tư sản, cơ hội chủ nghĩa, trong đó nổi bật là cuộc luận chiến “Chống Đuyrinh”, góp phần to lớn vào việc hoàn thiện lý luận Học thuyết Mác.
Ngày 14-3-1883, Karl Marx qua đời khi công trình khoa học đồ sộ nhất của ông là bộ “Tư bản” mới xuất bản được quyển I, còn lại là hàng ngàn trang bản thảo với chi chít những dòng chữ rất khó đọc và rất nhiều những chú thích, ký hiệu cần trích dẫn nhưng chưa ghi rõ nguồn gốc. Engels đã gác những công trình nghiên cứu của mình, dành toàn bộ sức lực biên tập, hiệu đính, bổ sung và xuất bản hai tập cuối của bộ “Tư bản”. Hơn mười năm lao động miệt mài trong hoàn cảnh tuổi già, bệnh tật, bằng sự uyên bác và mẫn cảm khoa học, cùng với sự đồng điệu về tư tưởng và tâm hồn, Ông đã cho xuất bản trọn vẹn quyển II (1885) và quyển III (1894) của bộ “Tư bản”. Sau khi Marx qua đời, Ông đảm nhiệm vai trò lãnh đạo tổ chức những người theo CNXH ở châu Âu; dành nhiều thời gian, công sức truyền bá tư tưởng, lý luận cách mạng và khoa học của Marx, xây dựng các tổ chức cách mạng của GCCN; đấu tranh chống các trào lưu tư tưởng cải lương, xét lại, cơ hội chủ nghĩa, bảo vệ sự trong sáng của học thuyết Mác.
Những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, Engels dồn sức nghiên cứu, hoàn thành nhiều cuốn sách có giá trị; tiêu biểu là các tác phẩm: “Biện chứng của tự nhiên”, “Nguồn gốc của gia đình, sở hữu tư nhân và Nhà nước”, “Lút-vích Phơ-bách và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức”, “Vấn đề nông dân ở Pháp và Đức”, “Phê phán cương lĩnh Ecphuốc”... Engels kiên quyết phê phán việc vận dụng Học thuyết Mác một cách giáo điều, máy móc, mà không căn cứ vào tình hình và điều kiện cụ thể phong trào cách mạng ở từng nơi, của mỗi nước. Đồng thời khẳng định: Học thuyết của các ông là học thuyết của sự phát triển, chứ không phải là một giáo điều mà người ta phải học thuộc lòng và lặp lại một cách máy móc.
Cống hiến của Engels đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế nói chung, với Học thuyết Mác nói riêng là rất to lớn, trường tồn. Song, Ông là con người hết mực khiêm nhường và thường nhắc đi nhắc lại rằng, công lao sáng lập ra triết học và khoa kinh tế chính trị học mác-xít chủ yếu thuộc về Marx. Ông chỉ tự nhận mình là “cây vĩ cầm thứ hai”, bên cạnh “cây vĩ cầm thứ nhất” là Marx. Tình bạn, tình đồng chí giữa Friedrich Engels với Karl Marx thật sâu sắc, thủy chung, cảm động. Đánh giá công lao của Engels, V.I.Lênin viết: “Engels đã dựng cho người bạn thiên tài của ông một đài kỷ niệm trang nghiêm, trên đó Engels cũng không ngờ là đã khắc luôn cả tên mình bằng những chữ không bao giờ phai mờ được”[4, tr.12].
Kỷ niệm ngày sinh Friedrich Engels, mỗi chúng ta mãi trân trọng tất cả những gì Ông đã cống hiến cho khoa học, cho cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản vì lương tri và phẩm giá con người, vì sự bình đẳng và tiến bộ xã hội của các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Đồng thời, cũng hết sức trân trọng và học tập ở Ông tấm gương sáng ngời về nhân cách của người chiến sĩ cộng sản, đức khiêm tốn, sống có nghĩa, có tình, trong sáng, thủy chung với người bạn, người đồng chí của mình là Karl Marx. V.I. Lênin đã khẳng định: “Engels là nhà bác học và người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong toàn thế giới văn minh. Từ ngày mà vận mệnh đã gắn liền Karl Marx với Engels thì sự nghiệp suốt đời của hai người bạn ấy trở thành sự nghiệp chung của họ. Cho nên, muốn hiểu Engel đã làm gì cho giai cấp vô sản thì phải nhận rõ ý nghĩa của học thuyết và hoạt động của Marx đối với sự phát triển của phong trào công nhân hiện đại”[4, tr.3].
Ngày nay, mặc dù tình hình thế giới có nhiều thay đổi lớn so với thời các ông sống, nhưng tình bạn mẫu mực, vĩ đại và cảm động giữa Karl Marx và Friedrich Engels luôn là niềm tự hào của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới, trở thành một tấm gương sáng cho các thế hệ ngày hôm nay học tập và noi theo.
Tài liệu tham khảo
1. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.36, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998,
2. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.37, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997,
3. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.38, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997,
4. V.I.Lê-nin, Toàn tập, tập 2, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1978
5. Nguyễn Văn Quyết, Ph.Ăngghen bảo vệ, phát triển chủ nghĩa xã hội khoa học giai đoạn 1883-1895, Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2020
Đại tá, ThS. NGUYỄN ĐỨC THẮNG
Viện Khoa học Xã hội Nhân văn Quân sự