Đề xuất nhiều hành vi bị nghiêm cấm với giáo viên
TCGCVN - Giáo viên bị nghiêm cấm ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức, nộp các khoản tiền ngoài quy định của pháp luật.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa chính thức công bố dự thảo Luật Nhà giáo (lần 3) nhằm lấy ý kiến của nhân dân trước khi trình Quốc hội xem xét lần đầu tại kỳ họp thứ Tám vào tháng 10/2024, với kế hoạch thông qua tại kỳ họp thứ Chín vào tháng 5/2025.
Dự thảo luật lần này chứa đựng nhiều nội dung quan trọng, trong đó nổi bật là các quy định về những hành vi bị nghiêm cấm đối với giáo viên cũng như các cá nhân, tổ chức khác có liên quan đến giáo dục.
Theo đó, Bộ GD&ĐT đã đưa ra một danh sách cụ thể các hành vi không được phép thực hiện, nhằm bảo vệ quyền lợi của người học và duy trì sự công bằng trong môi trường giáo dục.
Theo Điều 13 của dự thảo, Bộ GD&ĐT đề xuất nghiêm cấm nhà giáo có các hành vi sau:
- Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, thân thể của người học, đồng nghiệp và nhân dân;
- Phân biệt đối xử giữa những người học dưới mọi hình thức;
- Gian lận, cố ý làm sai lệch kết quả trong các hoạt động tuyển sinh, kiểm tra, thi, đánh giá người học;
- Xuyên tạc nội dung giáo dục; lợi dụng hoạt động giảng dạy, giáo dục để tuyên truyền các nội dung trái đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền chính sách thù địch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc;
- Ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức, nộp các khoản tiền ngoài quy định của pháp luật;
- Lợi dụng chức danh nhà giáo và hoạt động giảng dạy, giáo dục để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; cho người khác sử dụng giấy phép hành nghề dạy học dưới mọi hình thức;
- Tự ý bỏ việc, tham gia đình công trái pháp luật;
- Vi phạm đạo đức nhà giáo và các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, để bảo vệ nhà giáo, Bộ GD&ĐT cũng đề xuất các hành vi bị nghiêm cấm với tổ chức, cá nhân:
- Nghiêm cấm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo;
- Cản trở hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo;
- Phân công nhà giáo không đúng với thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng dạy học;
- Phân biệt đối xử giữa những nhà giáo dưới mọi hình thức;
- Trả lương không đúng theo hợp đồng; thực hiện không đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách của nhà giáo theo quy định;
- Công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo và trong trường hợp các sai phạm chưa đến mức phải thu hồi giấy phép hành nghề dạy học.
Ngoài các đề xuất trên, Bộ GD&ĐT cũng đề xuất nhiều quy định mới trong Dự thảo Luật Nhà giáo như: Giáo viên mầm non và giáo viên trường lớp dành cho trẻ khuyết tật được nghỉ hưu sớm 5 năm so với quy định; giáo viên vẫn được giữ phụ cấp thâm niên, các loại phụ cấp ưu đãi nghề và được xếp lương cao nhất trong bảng lương hành chính sự nghiệp. Giáo viên công tác ở các vùng khó khăn, giáo viên trẻ được hỗ trợ các chế độ về nhà ở, đào tạo, bồi dưỡng trong một số trường hợp…
Bùi Bình