Đề xuất miễn trách nhiệm dân sự và hình sự vì nghiên cứu khoa học 'rất rủi ro'
TCGCVN - Trong buổi thảo luận tại kỳ họp Quốc hội ngày 17/02/2025 về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhiều đại biểu đã đưa ra ý kiến và đề xuất quan trọng.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) đề xuất miễn trách nhiệm dân sự và hình sự đối với cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học nếu đáp ứng được các tiêu chí khách quan về quy trình thủ tục. Theo ông An, việc này là cần thiết để khuyến khích các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu, bởi hoạt động này mang tính rủi ro cao.
Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An đề nghị miễn cả trách nhiệm hình sự và dân sự cho người nghiên cứu khoa học
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cũng đồng tình với đề xuất này và cho rằng đây là "lối thoát, lối mở" để các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu. Ông Cường cũng đồng tình với chủ trương tháo gỡ nhiều nút thắt trong nghiên cứu khoa học hiện nay như: tăng mức hỗ trợ ngân sách, các chính sách giảm thiểu rủi ro trong nghiên cứu khoa học.
Đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) đề nghị bổ sung cơ chế “miễn trừ trách nhiệm” của các tập thể, cá nhân quyết định việc đầu tư, quản lý, sử dụng kết cấu hạ tầng phục vụ cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số khi xảy ra thất thoát, lãng phí mà "không có nguyên nhân từ tham nhũng, tiêu cực".
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) đề xuất các bộ, ngành, địa phương phải dành tối thiểu 20% ngân sách mua sắm công để đặt hàng sản phẩm khoa học công nghệ trong nước. Đồng thời, hàng năm bộ, ngành, địa phương phải ban hành “danh mục đặt hàng sản phẩm khoa học công nghệ” để các tổ chức, đơn vị nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, thậm chí cả các cá nhân có thể đăng ký tham gia, được hỗ trợ đầu ra sau khi nghiên cứu thành công.
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) cho rằng, để phát triển những ngành khoa học và công nghệ mới thì nhân sự luôn là vấn đề cơ bản nhất. Ông Hiếu đề xuất phải có chính sách tạo điều kiện để các doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu có thể tuyển dụng đội ngũ chuyên gia người Việt ở nước ngoài cũng như chuyên gia quốc tế tham gia đào tạo, nuôi dưỡng nhân tài ở Việt Nam, thông qua các chính sách như hỗ trợ về thị thực, miễn giảm thuế và các chính sách khác.
Các ý kiến và đề xuất của các đại biểu Quốc hội cho thấy sự quan tâm sâu sắc đến việc phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của đất nước. Việc miễn trách nhiệm dân sự và hình sự cho các nhà khoa học, tăng cường đầu tư ngân sách, tạo cơ chế thu hút nhân tài... là những giải pháp quan trọng để thúc đẩy lĩnh vực này phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Bùi Bình