Đề nghị gỡ khó về thuế, cơ chế tài chính cho cơ quan báo chí
TCGCVN - Nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí cho biết, hoạt động của cơ quan báo chí đã khó khăn nay càng khó khăn hơn khi kinh phí sản xuất ngày càng tăng, nhưng cơ chế về thuế, định mức tối đa... chưa bắt kịp với tình hình thực tế.
Đề nghị gỡ khó về thuế, cơ chế tài chính cho cơ quan báo chí
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) sửa đổi với đề xuất bổ sung hoạt động báo chí khác (ngoài báo in) vào đối tượng được ưu đãi thuế thu nhập DN.
Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng thuế suất ưu đãi 15% cho hoạt động báo chí khác (ngoài báo in), giảm 5% so với hiện hành. Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị tất cả đưa về thuế suất ưu đãi 10%.
Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh các cơ quan báo chí gặp nhiều khó khăn về thuế và cơ chế tài chính do nguồn thu quảng cáo sụt giảm và thủ tục hành chính phức tạp.
Nguồn thu của cơ quan báo chí bị đe doạ
Năm 2022, và nhất là năm 2023 doanh thu của các cơ quan báo chí giảm gần như theo chiều thẳng đứng.
Tại hội thảo "Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số" vừa được tổ chức ngày 14/6, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết doanh thu của các báo, tạp chí 9 tháng đầu năm 2023 đã giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2022.
Còn tổng nguồn thu năm 2023 của các đài phát thanh truyền hình giảm hơn 20% so với năm 2022.
Hầu hết các đài đều không khai thác được hết thời lượng quảng cáo/ngày/kênh chương trình theo quy định cho phép của Luật Quảng cáo (tức 10% tổng thời lượng phát sóng/ngày; 5% tổng thời lượng phát sóng đối với kênh truyền hình trả tiền). Có đài, thời lượng quảng cáo trên kênh chỉ đạt vài phút/ngày.
"Theo thống kê từ Bộ Thông tin và Truyền thông, nguồn thu của các cơ quan báo chí hiện trải rộng từ 200 đến 300 triệu đồng cho tới mức 4.000-5.000 tỷ đồng.
Song thực tế hiện nay, số cơ quan báo chí có nguồn thu ở mức nghìn tỷ đồng chỉ còn khoảng một vài đơn vị", bà Lan Anh nêu và cho biết, tổng doanh thu khối báo năm 2021 giảm 30,6% so với năm 2020 và tổng doanh thu khối tạp chí năm 2021 giảm 44,6%.
Làm thế nào để kiến tạo được nguồn thu, để đảm bảo được kinh tế cho tòa soạn là nỗi trăn trở thường trực, lớn nhất và là bài toán hóc búa cấp thiết cần lời giải nhất hiện nay của tất cả lãnh đạo các cơ quan báo chí, đặc biệt là những đơn vị đang tự chủ hoàn toàn về tài chính.
Các cơ quan báo chí cần được hỗ trợ cơ chế, chính sách tài chính để vượt qua khó khăn trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay
Trong đó, dù có xu hướng sụt giảm nhưng tới thời điểm hiện tại, phần lớn các tòa soạn tại Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc vào hai nguồn thu chủ yếu là quảng cáo và phát hành. Trong đó doanh thu từ quảng cáo chiếm đến 90%.
Chỉ có một số ít tòa soạn báo đã từng bước tạo thương hiệu, thu tiền của độc giả từ việc thu phí trực tuyến, bán nội dung số, tăng thêm nguồn thu từ việc tổ chức các sự kiện nhưng tỷ lệ từ nguồn thu này là không đáng kể.
Với kinh phí sản xuất ngày càng tăng trong tất cả các lĩnh vực, từ thù lao chi trả cho nguồn nhân lực, tổ chức sản xuất, chi phí in ấn, xuất bản, thậm chí là chi phí bản quyền,... đã, đang khiến nguồn thu của các cơ quan báo chí bị đe dọa nghiêm trọng.
Trước thực trạng kinh tế báo chí thời gian qua gặp nhiều khó khăn, nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí cho rằng, Nhà nước cần có cơ chế đặt hàng cho các cơ quan báo chí, đặc biệt là trong truyền thông chính sách.
Ngoài ra, các đơn vị chủ quản cần có hỗ trợ đối với các cơ quan báo chí hoặc có cơ chế nhằm tạo điều kiện để tòa soạn tiếp cận được các nguồn kinh tế.
Thu Hà - Bùi Bình