ĐÀO TẠO CÁN BỘ LÀM CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO - ĐỘNG LỰC CHO GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG
Tóm tắt: Trong bài viết tác giả đánh giá vai trò quan trọng của đào tạo cán bộ làm công tác giảm nghèo trong hoạt động quản lý nhà nước về giảm nghèo bền vững. Qua đó, bài viết tổng kết những thành tựu đạt được, đồng thời chỉ ra một số hạn chế còn tồn tại trong hoạt động đào tạo cán bộ làm công tác giảm nghèo hiện nay. Từ đó, bài viết đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ làm công tác giảm nghèo. Những giải pháp này sẽ giúp nâng cao chất lượng công tác giảm nghèo bền vững, góp phần vào sự phát triển lâu dài của địa phương và đất nước.
Từ khóa: Cán bộ làm công tác giảm nghèo; Đào tạo; Đào tạo cán bộ; Giảm nghèo; Giảm nghèo bền vững.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Giảm nghèo bền vững là một trong những mục tiêu quan trọng của Việt Nam trên con đường phát triển kinh tế - xã hội. Dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong giảm nghèo nhưng tỉ lệ nghèo và cận nghèo vẫn còn tồn tại, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong bối cảnh đó, đào tạo và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo (cán bộ) đóng vai trò quan trọng, làm cầu nối giữa chính sách và người dân, đảm bảo việc triển khai hiểu quả các chương trình giảm nghèo. Việc đào tạo này không chỉ nhằm cung cấp kiến thức chuyên môn, mà còn rèn luyện kỹ năng quản lý, giao tiếp và giải quyết vấn đề trong thực tế. Bài viết này sẽ phân tích tầm quan trọng của đào tạo cán bộ trong hoạt động quản lý nhà nước về giảm nghèo bền vững, những hạn chế của công tác này hiện nay và đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo.
II. NỘI DUNG
1. Vai trò của cán bộ làm công tác giảm nghèo trong hoạt động quản lý nhà nước về giảm nghèo bền vững
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của cán bộ nói chung, Người cho rằng “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy, toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được” [1]
Trong quản lý nhà nước về giảm nghèo bền vững, cán bộ làm công tác giảm nghèo đóng vai trò trung gian giữa chính sách và người dân, là người trực tiếp triển khai các chương trình giảm nghèo tại cơ sở. Một đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao, tận tâm sẽ giúp:
Thứ nhất, xây dựng chính sách giảm nghèo sát với thực tiễn, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Cán bộ làm công tác giảm nghèo là những người trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng, triển khai chính sách giảm nghèo. Chính sách có hoa mỹ nhưng không phù hợp với tình hình thực tế cũng vô nghĩa. Vì vậy, việc xây dựng các chính sách khắc phục được tối đa tình trạng nghèo của người dân đòi hỏi cán bộ phải hiểu rõ tình hình địa phương, thường xuyên chủ động khảo sát điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương, đánh giá nguồn lực và những thách thức đối với người nghèo để đề xuất các chính sách thiết thực. Trong quá trình triển khai chính sách cần linh hoạt, không áp dụng một cách máy móc mà cần có sự điều chỉnh phù hợp, đảm bảo các đối tượng nghèo được hỗ trợ tối đa.
Thứ hai, hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn, kỹ thuật và dịch vụ xã hội. Cán bộ làm công tác giảm nghèo là người hướng dẫn và tư vấn cho người nghèo tiếp cận các chương trình tín dụng chính sách, giúp họ vay vốn với lãi suất ưu đãi. Họ phối hợp cới các tổ chức, doanh nghiệp để tổ chức đào tạo nghề, truyền giao kỹ thuật mới cho người nghèo. Bên cạnh đó, họ đóng vai trò hỗ trợ người nghèo tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, bảo hiểm xã hội để đảm bảo cuộc sống ổn định, giúp họ thoát nghèo bền vững.
Thứ ba, cán bộ làm công tác giảm nghèo đóng vai trò giám sát, đánh giá, điều chỉnh kịp thời các hoạt động nhằm đảm bảo nguồn lực được sử dụng hiểu quả, tránh tình trạng thất thoát, lãng phí.
Thứ tư, cán bộ làm công tác giảm nghèo là người khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường của người dân, giúp họ nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy từ “nhận-cho” sang “hỗ trợ - tự vươn lên”.
Vai trò to lớn của cán bộ là không thể phủ nhận trong quá trình giảm nghèo bền vững, khi họ là những người trực tiếp thực hiện và đảm bảo các chính sách, chương trình mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều cán bộ làm công tác giảm nghèo thiếu kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm trong triển khai các chương trình, dẫn dến tình trạng thực thi chính sách chưa hiệu quả, chống chế và lãng phí nguồn lực. Vì vậy, việc đào tạo cán bộ làm công tác giảm nghèo là yếu tố quan trọng trong việc phát huy, nâng cao tối đa các vai trò của cán bộ làm công tác giảm nghèo.
2. Thực trạng công tác đào tạo cán bộ làm công tác giảm nghèo hiện nay
Thời gian qua, đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo đã được đào tạo, bôi dưỡng tăng nhanh về số lượng, nâng cao về chất lượng, từng bước hình thành đội ngũ cán bộ chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, trình độ quản lý nhà nước về giảm nghèo bền vững. Theo Bộ Lao động – Thương binh và xã hội cho biết: trong 3 năm (2021-2023), số cán bộ làm công tác giảm nghèo được đào tạo theo “Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025” đã đạt 181.875 cán bộ với 1.412 lớp tập huấn, 36 đoàn học tập kinh nghiệm. [2]
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo cán bộ làm công tác giảm nghèo còn một số hạn chế:
Một là, một số cơ quan, địa phương chưa nhận thức đầy đủ và thiếu sự chủ động trong công tác đào tạo, bồi dưỡng; chưa xây dựng được kế hoạch đào tạo; còn bị động trong việc sắp xếp công việc, thời gian đề xử cán bộ tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng. Một bộ phận cán bộ làm công tác giảm nghèo còn e ngại việc học tập nâng cao, chưa tập trung nghiên cứu để nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn và có tư duy ỷ lại.
Hai là, công tác đào tạo cán bộ làm công tác giảm nghèo vẫn còn dàn trải và hình thức; việc phối hợp chưa có sự linh hoạt, nhịp nhàng và đồng bộ từ khâu bắt đầu cho đến kết thúc, nội dung còn nặng về lý thuyết, nhẹ thực hành. Phương pháp giáo dục, việc thi, kiểm tra, đánh giá chưa thực sự hiệu quả, thiếu thực chất. Phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ cho việc nghiên cứu và giảng dạy, học tập còn thiếu thốn do việc đầu tư cho giáo dục còn mang tính bình quân, cào bằng.
Ba là, chương trình đào tạo còn thiếu tính chuyên sâu về giảm nghèo bền vững; chưa có nhiều khóa đào tạo tập trung vào các kỹ năng cần thiết như quản lý dự án, tiếp cận nguồn vốn, huy động nhà tài trợ, ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp, phát triển kinh tế địa phương.
Bốn là, chất lượng đào tạo không đồng đều giữa các vùng miền. Đặc biệt, cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cùng sâu, vùng xa chưa có điều kiện tiếp cận các chương trình đào tạo bài bản.
3. Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ làm công tác giảm nghèo nhằm đảm bảo giảm nghèo bền vững
Để nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác giảm nghèo và biến công tác đào tạo thành động lực thực sự cho giảm nghèo bền vững, cần thực hiện một số giải pháp quan trọng sau:
Thứ nhất, thực hiện đầy đủ, hiệu quả việc nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo theo đúng phương hướng, nội dung “Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025”.
Thứ hai, hoàn thiện hệ thống thể chế và chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành sớm thực hiện khung đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác giảm nghèo phù hợp với điều kiện Việt Nam. Tiếp tục đổi mới căn bản nội dung, chương trình, tài liệu, phương pháp đào tạo, như: xây dựng các khóa học thực tiễn, tập trung vào các kỹ năng như quản lý dự án giảm nghèo, tiếp cận vốn vay ưu đãi, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế; mời các chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ tham gia giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm,... Đồng thời, có cơ chế giám sát việc chấp hành của các cơ quan, đơn vị nhà nước nhằm khuyến khích, động viên và công nhận trình độ, năng lực của cán bộ tham gia đào tạo.
Thứ ba, tăng cường đào tạo tại cơ sở. Các chương trình đào tạo, tập huấn tại chỗ nên được mở rộng, giúp cán bộ làm công tác giảm nghèo có thể áp dụng ngay kiến thức tại địa phương mình. Bên cạnh đó, các hội thảo, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm thực tiễn cần được tổ chức thường xuyên hơn giữa các địa phương, các cấp nhằm giúp cán bộ làm công tác giảm nghèo có thể chia sẻ, học hỏi được nhiều bài học mang tính thực tiễn mà không chỉ dừng lại ở lý thuyết thông thường.
Thứ tư, ứng dụng công nghệ trong đào tạo. Đối với các vùng có địa lý phức tạp, khó khăn trong tiếp cận trực tiếp, có thể tiếp cận các khóa đào tạo thông qua các phương tiện trực tuyến. Muốn vậy, cần tập trung hơn nữa trong xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến, giúp cán bộ ở vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận kiến thức một cách linh hoạt.
Thứ năm, cần quan tâm, nâng cấp, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hiện đại hóa trang thiết bị dạy và học tại các cơ sở đào tạo cán bộ làm công tác giảm nghèo nhằm bảo đảm các điều kiện dạy và học có chất lượng phù hợp với từng thời kỳ.
Thứ sáu, tập trung xây dựng, bổ sung và hoàn thiện chế độ, chính sách đối với đội ngũ giảng viên, các chuyên gia về đào tạo trong lĩnh vực giảm nghèo bền vững. Đồng thời, tăng cường các hoạt động nghiên cứu thực tiễn cho đội ngũ giảng viên, đưa giảng viên đi thực tế về cơ sở để có cơ hội học tập kinh nghiệm thiết thực, gắn sát với công tác đào tạo cán bộ làm công tác giảm nghèo. Quan tâm, xem xét chế độ phụ cấp, đãi ngộ, tiền lương cho đội ngũ giảng viên có thâm niên giảng dạy.
Thứ bảy, cần bổ sung và hoàn thiện chế độ đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác giảm nghèo khi được cử đi học nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình mới để cán bộ yên tâm học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Ngoài ra, tiếp tục thực hiện các biện pháp chế tài nghiêm khắc và mạnh dạn tinh giản biên chế hoặc loại khỏi bộ mát nhà nước đối với những cán bộ yếu kém năng lực, chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức, tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả cán bộ làm công tác giảm nghèo vẫn đang phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
III. KẾT LUẬN
Đào tạo cán bộ làm công tác giảm nghèo chính là chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo bền vững. Một đội ngũ cán bộ có kiến thức, kỹ năng và tâm huyết sẽ giúp chính sách giảm nghèo được triển khai hiệu quả, phù hợp với thực tiễn địa phương và thực sự mang lại lợi ích cho người dân. Vì vậy, đầu tư vào công tác đào tạo cán bộ không chỉ là nhiệm vụ của Nhà nước mà cần có sự chung tay của toàn xã hội. Chỉ khi có một đội ngũ cán bộ đủ năng lực, chúng ta mới có thể đảm bảo rằng mọi người dân đều có cơ hội vươn lên, thoát nghèo một cách bền vững, hướng tới một tương lau phát triển thịnh vượng cho đất nước.
Nhóm NCKH lớp Quản lý hành chính nhà nước - K42
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011, p. tr.68.
[2] Mard.gov.vn, “Những kết quả nổi bật sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025,” 21 11 2023. [Trực tuyến]. Available: https://www.a.gov.vn/Pages/nhung-ket-qua-noi-bat-sau-3-nam-thuc-hien-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-giam-ngheo-ben-vung--.aspx.
[3] Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Bùi Bình - Huyền Vy