Cảnh báo sự trở lại của các loại ma túy nguy hiểm “núp bóng” thực phẩm và nước giải khát
Thời gian gần đây, Việt Nam đã ghi nhận việc xuất hiện ma túy “núp bóng” dưới hai dạng, thứ nhất là các loại hàng hóa (bánh, kẹo, thực phẩm chức năng, dược phẩm...) có chứa chất ma túy; thứ hai là ma túy được pha trộn, tẩm ướp vào thực phẩm, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điện tử...
Mới đây nhất, ngày 29/11/2023, 11 học sinh trường THCS Nguyễn Quý Đức, vào hồi 13h40 ngày 29-11-2023, phòng y tế nhà trường tiếp nhận 11 học sinh (gồm 10 học sinh lớp 6 và 1 học sinh lớp 7) có dấu hiệu đau đầu, buồn nôn. Đây là các học sinh không ăn bán trú, không ngủ trưa ở trường. Trên đường đi đến trường, các học sinh này mua một loại kẹo (không rõ nguồn gốc, vỏ bao kẹo màu xanh, chữ nước ngoài) và cùng chia nhau ăn. Sau khi học sinh ăn xong khoảng 45 phút thì có dấu hiệu mệt, đau đầu, buồn nôn.
Kẹo không rõ nguồn gốc được chia sẻ rất nhiều trên mạng trong những ngày gần đây
Nhận diện các loại ma túy "núp bóng"
Các loại ma túy này "núp" rất tinh vi dưới dạng các gói trà giảm cân, đông trùng hạ thảo, hoặc các gói bột nước trái cây có in các dòng chữ dễ gây nhầm lẫn như Crispy fruit, Crispy fruit grape, Mango hoặc "nước dâu," "nước vui," càphê "White Coffe," "CHALI."
Ngoài ra, còn có nhiều dạng ma túy “núp bóng” khác như bánh cần, bánh lười “lazy cakes” chứa cần sa; tinh dầu thuốc lá điện tử; nước nho Ribena chứa ketamine, trà chanh, nước giải khát chứa chất ma túy ketamine, MDMA; ma túy “đông trùng...”; các loại kẹo có hương vị trái cây mà học sinh thậm chí cả người lớn cũng yêu thích…
Trong những năm qua, truyền thông đưa tin về hàng loạt vụ việc sử dụng ma túy "núp bóng" bị phát hiện, điển hình là vụ bán bánh cần sa trên mạng Internet xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, triệt xóa tháng 12/2019.
Vụ nhóm học sinh tại Hoành Bồ (Quảng Ninh) sử dụng kẹo có chứa chất ma túy (THC- cần sa), bị ngộ độc phải cấp cứu tháng 10/2021;
Vụ bán “nước xoài” có chứa chất ma túy tại Thành phố Hồ Chí Minh tháng 10/2020; vụ bán “nước nho” có chứa chất ma túy tại quận Hải Châu (thành phố Đà Nẵng) tháng 4/2022.
Vụ sử dụng chocolate có chứa chất ma túy ADB-BUTINACA (thuộc danh mục IIC của Nghị định 57/2022/NĐ-CP ngày 25/8/2022 của Chính phủ) tại Đông Anh, Hà Nội tháng 6/2022.
Cơ quan Công an cho biết các loại ma túy này được vận chuyển về Việt Nam theo dạng hàng hóa xách tay, đường bộ, đường thủy, đường hàng không, được rao bán tại các shop online, các tụ điểm vui chơi giải trí, quán bar, pub…
Đáng lưu tâm là những kẻ xấu đang nhằm vào các cơ sở giáo dục, các trường đại học, trung học… để lôi kéo, dụ dỗ học sinh, sinh viên sử dụng chất ma túy; tham gia vào việc tiếp tay, bán hàng cho một số đối tượng xấu để được trả tiền hoặc được trả bằng các sản phẩm gây nghiện…
Một số hình ảnh thực phẩm, đồ uống bị cơ quan chức năng thu giữ trước đây
Khuyến cáo toàn dân nâng cao cảnh giác
Trước tình hình ma túy “núp bóng” thực phẩm, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điện tử… diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, đề nghị người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, thường xuyên cập nhật, theo dõi các thông tin tuyên truyền về tác hại của ma túy (đặc biệt là các loại ma túy mới); phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm về ma túy để nhận biết, phòng ngừa tránh các nguy cơ, rủi ro liên quan đến ma túy đối với bản thân, gia đình và xã hội. Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý các loại hàng hóa là thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc để phòng ngừa tác hại đối với cộng đồng. Phối hợp với các đoàn thể xã hội tổ chức các hoạt động phối hợp tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tham gia phòng ngừa tệ nạn xã hội và tội phạm về ma tuý…
Các đối tượng cũng thay đổi phương thức giao dịch, vận chuyển bằng cách sử dụng các đơn vị vận chuyển trung gian như Grab, Bee… để vận chuyển, mua bán ma túy nhằm đối phó sự phát hiện, điều tra, khám phá của cơ quan chức năng. Những kẻ vận chuyển, tàng trữ, mua bán các loại ma túy "núp bóng" này khi bị bắt thường che giấu ý thức chủ quan, khai nhận không biết là ma túy nhằm chối tội.
Tuy nhiên người dân cũng nên chọn lọc, tránh bị “nhiễu thông tin”; gây hiểu nhầm các loại kẹo có bao bì gần giống nhau, làm ảnh hưởng tới các cơ sở, DN sản xuất, thương mại chân chính.
Lực lượng Công an khuyến cáo khi người dân phát hiện các gói trà, nước trái cây, thực phẩm có đặc điểm như trên cần trình báo ngay với cơ quan công an; đồng thời, giáo dục con em nêu cao tinh thần cảnh giác, không sử dụng các loại thực phẩm, đồ uống lạ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ để bảo vệ sức khỏe bản thân.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đề nghị các đơn vị, trường học chỉ đạo cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên nêu cao tinh thần trách nhiệm để chủ động phát hiện các cơ sở quanh khu vực cổng trường kinh doanh sản phẩm, thực phẩm không nguồn gốc và báo ngay cho chính quyền địa phương để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng những chính sách pháp luật của nhà nước về công tác phòng chống ma tuý, tác hại của ma tuý, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội về ma tuý, cách nhận biết ma tuý, các loại thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử dễ bị tội phạm lợi dụng pha trộn nhằm cảnh báo tới nhà trường, phụ huynh và giới trẻ cũng như toàn xã hội về tác hại của các loại ma túy "núp bóng".
Linh Tuệ (T/H)