Cần bổ sung yêu cầu về thực hành sư phạm và kinh nghiệm thực tế đối với giáo viên
TCGCVN - Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo, ĐBQH đề xuất bổ sung yêu cầu về thực hành sư phạm, kinh nghiệm thực tế, từ đó khắc phục tình trạng dạy chay, học chay hiện nay.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng
Phát biểu thảo luận tại phiên họp, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) nhấn mạnh với sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo. Việc xây dựng và ban hành một đạo luật riêng về Nhà giáo không chỉ thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với nghề giáo – nghề được tôn vinh là nghề cao quý nhất – mà còn khẳng định sự chú trọng đến thế hệ trẻ, những người sẽ gánh vác trọng trách phát triển đất nước trong tương lai. Luật sẽ đóng vai trò quan trọng trong công cuộc đổi mới giáo dục, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Về đối tượng áp dụng của Luật, đại biểu đề xuất mở rộng phạm vi để không chỉ bao gồm đội ngũ giảng dạy, mà cả những người làm nhiệm vụ giáo dục trong các cơ sở giáo dục. Đồng thời, bà kiến nghị cần bổ sung các nhóm viên chức quản lý và giảng viên đại học – những người vừa thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học vừa phục vụ cộng đồng – vào phạm vi điều chỉnh của Luật.
Liên quan đến quyền và nghĩa vụ của nhà giáo, đại biểu đề nghị bổ sung quy định yêu cầu nhà giáo phải liên tục học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, đồng thời trau dồi tư tưởng và đạo đức. Đây là yếu tố cốt lõi để duy trì và phát triển chất lượng đội ngũ giáo viên. Ngoài ra, đại biểu nhấn mạnh nhà giáo cần có nghĩa vụ bảo mật thông tin cá nhân của người học, đặc biệt không được công khai điểm số hoặc các thông tin liên quan trên mạng xã hội.
Về vấn đề tuyển dụng, đại biểu tỉnh Lâm Đồng đồng tình với việc trao quyền tuyển dụng và sử dụng nhà giáo cho các cơ quan giáo dục. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh cần bổ sung các yêu cầu về thực hành sư phạm và kinh nghiệm thực tế, nhất là đối với đội ngũ giảng viên đại học, nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng giảng dạy. Việc này cũng sẽ góp phần khắc phục tình trạng “dạy chay, học chay” trong giáo dục hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn ĐBQH Bắc Ninh
Góp ý quy định về đạo đức nhà giáo, tính nêu gương của nhà giáo; công tác đào tạo, nâng cao chuẩn mực đạo đức nhà giáo, đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn ĐBQH Bắc Ninh) nhấn mạnh, thời nào cũng vậy, giáo viên luôn gánh trên mình trọng trách vinh quang, lớn lao, nhưng rất đỗi nhọc nhằn. Đó là trách nhiệm “trồng người”.
Theo đại biểu, một người thầy không chỉ cần vững vàng về chuyên môn hay kỹ năng sư phạm mà còn phải có cái “tâm” đối với nghề. Điều này đòi hỏi giáo viên luôn ý thức tự trau dồi, hoàn thiện bản thân, đặc biệt về phẩm chất đạo đức, để xứng đáng với vai trò người truyền cảm hứng, người dẫn đường cho muôn thế hệ học sinh.
Tuy nhiên, bà cũng bày tỏ lo ngại về một số trường hợp giáo viên vi phạm chuẩn mực đạo đức, có lời nói hoặc hành vi không phù hợp trong môi trường giáo dục. Những sự việc này không chỉ làm tổn thương tinh thần và thể chất của học sinh mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh và uy tín của nghề giáo trong xã hội. Nguyên nhân của tình trạng này có thể đến từ sự thiếu kiên nhẫn, thiếu kỹ năng sư phạm của giáo viên hoặc do công tác đào tạo chưa chú trọng đúng mức đến việc rèn luyện phẩm chất đạo đức và năng lực ứng xử.
Để khắc phục tình trạng này, đại biểu đề xuất cần quy định rõ ràng, cụ thể hơn về các chế tài xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo. Tại Điều 34 về bồi dưỡng nhà giáo, Dự thảo mới chỉ tập trung vào nội dung nâng cao kiến thức chuyên môn và năng lực quản lý, mà chưa đề cập đến việc bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp.
Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Hà kiến nghị Ban soạn thảo bổ sung nội dung bồi dưỡng chuẩn mực đạo đức và hành vi cho nhà giáo, đảm bảo đội ngũ giáo viên không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn sáng ngời về nhân cách và đạo đức, xứng đáng với sự tin yêu của học sinh và phụ huynh.
Bảo Quyên