“Đôi chân cầm phấn” vượt nghịch cảnh trao con chữ yêu thương
TCGCVN - Nhắc đến “đôi chân cầm phấn” rất nhiều thế hệ học sinh sẽ nhớ tới thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký – Người thầy đầu tiên viết chữ bằng chân tại Việt Nam. Người đem cả cả cuộc đời mình để truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ học trò với nghị lực và quyết tâm phi thường. Câu chuyện về thầy cũng được đưa vào sách giáo khoa và trở thành biểu tượng của lòng kiên trì, ý chí học tập suốt cuộc đời không mệt mỏi.
Cô giáo Thắm hạnh phúc đứng trong hàng ngũ giáo viên trường TH&THCS Đông Thịnh năm đầu tiên.
Nếu như Hải Hậu, Nam Định có thầy Nguyễn Ngọc Ký, thì Đông Thịnh Thanh Hóa có cô giáo Lê Thị Thắm vẫn đang ngày ngày noi theo gương thầy Ký, vượt lên mọi nghịch cảnh cuộc đời để gieo mầm cho các em học sinh nghèo nơi đây qua những tiết học ngoại ngữ không đồng cho các em thuộc diện gia đình khó khăn.
Cô giáo Thắm từng nghĩ, trước kia thầy Nguyễn Ngọc Ký sống trong thời kỳ khó khăn như thế mà thầy còn nghị lực làm nên cả một sự nghiệp tuyệt vời, đáng ngưỡng mộ, tại sao mình sống ở thời điểm hiện đại như hiện nay đầy đủ hơn, sung sướng hơn mà không làm nên được thành tựu gì giúp đời, giúp người. Vậy là hơn 20 năm sau những đớn đau của những lần bật máu chân vì tập viết, cuộc đời cô Thắm ngày một “nở hoa” thật sự.
Để chứng minh cho mọi lời nói châm chọc ngoài kia, từ một cô gái tật nguyền, đôi chân bỗng trở thành “đôi tay” thần kỳ. Cùng với một thân hình bé nhỏ, cô gái ấy đã trở thành người có ích cho xã hội. Để có được như ngày hôm nay, không thể kể hết những đau đớn ở những ngày đầu tập viết của cô Thắm, cũng không thể kể hết được tình yêu thương của bố mẹ và gia đình đồng hành dành cho cô.
Hình ảnh mới nhất của cô giáo Thắm chụp cùng phóng viên.
Phóng viên ghé thăm cô vào một buổi sáng không hẹn trước, nhưng vẫn có duyên để chúng tôi trò chuyện thong thả trong những ngày học sinh nghỉ hè. Từ đầu ngõ dẫn vào nhà cô, lúa phơi vàng ươm suốt dọc ngõ nhỏ, mẹ cô Thắm đang tranh thủ phơi cho xong sân lúa vì mấy hôm nay được nắng. “Các cô vào nhà đi, trời nắng lắm. Thắm cũng mới ở viện về, ốm với mệt suốt đấy”. Cái thời tiết khắc nghiệt quá, lạnh thì lạnh quá, mà nắng cũng nắng chói chang nên cô cứ ho bệnh mãi không khỏi. Lại thêm những căn bệnh cũ, hàng tháng vẫn phải ghé trò chuyện với bác sĩ như một “thói quen” đấy các cô. Người phụ nữ thoăn thoắt chân tay, và thân thiện ấy vừa là người mẹ tần tảo chăm từng bữa ăn tới giấc ngủ, vừa là bác sĩ trong những ngày con đau nhức không ngủ được, vừa là người bạn tâm sự sẻ chia mỗi ngày.
Trong ngôi nhà khang trang nằm cuối con ngõ nhỏ ở thôn Đoàn Kết, xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi được hai mẹ con cởi mở chia sẻ về cuộc sống của gia đình. Thắm chia sẻ trong năm học vừa qua em có thật nhiều kỷ niệm với các em học sinh và đồng nghiệp của mình. Khi bắt đầu sự nghiệp trồng người ở môi trường mới em đã rất lo lắng, em không nghĩ mình có thể hòa hợp và thích ứng nhanh ở môi trường mới được như vậy, mừng là mọi việc trôi qua đều thuận lợi. Tập thể nhà trường quan tâm và tạo điều kiện hết mức để em có thể phát huy được hết tố chất và khả năng của mình. Các học trò cũng rất quý, yêu thương, giúp đỡ và thích thú trong giờ học với cô giáo Thắm.
Nhìn những dòng chữ và bằng khen treo trên tường, ít ai biết được, để làm được điều kỳ diệu ấy, cô giáo Thắm đã trải qua những tháng ngày tập luyện gian khổ. Với nghị lực phi thường, không cho phép mình gục ngã trước khó khăn, Thắm đã tốt nghiệp phổ thông với thành tích đáng nể 12 năm liên tiếp là học sinh giỏi. Không chỉ thế, học lớp 5 Thắm còn đạt giải Xuất sắc cuộc thi viết chữ đẹp, đạt giải Nhì cuộc thi vẽ toàn tỉnh Thanh Hóa. Cuộc thi vẽ tranh do Hội Mỹ thuật tỉnh Thanh Hoá tổ chức cuối năm 2007. Đặc biệt, những trang vở do Thắm viết bằng chân trái đã có mặt trong cuộc triển lãm mang tên “Những phụ nữ vượt lên số phận” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Góc nhỏ xinh mà bất cứ ai bước vào căn nhà cũng không thể bỏ qua.
Năm 2016 học hết lớp 12, Thắm được tuyển thẳng vào ngành Sư phạm tiếng Anh Trường Đại học Hồng Đức. Khi đó Thầy Nguyễn Mạnh An, Hiệu trưởng Đại học Hồng Đức nhà trường đã nhận hồ sơ xin đặc cách theo học ngành sư phạm đối với nữ sinh Lê Thị Thắm. Hiệu trưởng Đại học Hồng Đức cũng tìm kiếm các suất học bổng giúp Thắm có điều kiện trang trải cuộc sống. Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi (Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội) cũng từng là nhà tài trợ học bổng cho Thắm. Cảm thông hoàn cảnh của gia đình, nhà trường đã bố trí ký túc xá cho hai mẹ con và nhận bà Tình vào làm lao công để tiếp tục ở gần giúp đỡ Thắm trong sinh hoạt vào thời điểm đó.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Thắm về quê mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho các em gần nhà. Ước mơ trở thành cô giáo của Thắm được hiện thực hóa bằng nỗ lực bền bỉ của hai mẹ con. Hy vọng trẻ em nơi thôn quê có thể nói lưu loát được tiếng Anh, cùng với niềm tin mình sẽ được sống và cống hiến như bao người. Ngay từ kỳ nghỉ hè năm nhất, Thắm đã nhận các em nhỏ trong xóm để kèm cặp tiếng Anh miễn phí đồng thời tích lũy kinh nghiệm cho mình. Dần dần, các em nhỏ có thể giao tiếp tiếng Anh trôi chảy, nhiều phụ huynh tin tưởng tìm đến gửi con và động viên Thắm mở lớp. Ra trường năm 2020, Thắm về làng và bắt đầu thực hiện ước mơ lớn hơn một chút đứng trên bục giảng của mình. Lớp học tại nhà của cô giáo tí hon rộng chưa đến 20 m2, được xây cạnh sân nhà.
Ước mơ của Thắm đã thành hiện thực, 28/7/2023 tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, diễn ra lễ trao quyết định tuyển dụng viên chức ngành giáo dục và đào tạo năm 2023 cho cô giáo Lê Thị Thắm. Đúng vào dịp đặc biệt và có ý nghĩa. Ngày 9/6 tỉnh Thanh Hóa tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc"; sơ kết 3 năm thực hiện kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII và biểu dương các điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Suốt 3 năm làm cô giáo làng Thắm dạy học ở nhà cho các em, chưa bao giờ Thắm nghĩ mình có thể được đứng trên bục giảng của nhà trường. Tất cả như một giấc mơ. “Trước đây, ngày khai giảng em chỉ là học sinh, đứng xếp hàng ở dưới. Lần khai giảng này, em được ngồi lên bàn ghế phía trên cùng với các thầy cô của mình. Cảm giác đó em không thể diễn tả thành lời”. Cô nói mình “Rất xúc động và tự hào, bản thân cô cần phải có trách nhiệm hơn với học trò nhà trường và xã hội bởi trọng trách mới”. Lần đầu trong năm học qua được đón ngày nhà giáo Việt Nam đúng nghĩa.
Hình ảnh lễ ra mắt câu lạc bộ vượt khó “Đi về phía mặt trời” vào tháng 2/2024.
Vào tháng 2/2024 câu lạc bộ “Đi về phía mặt trời” ra đời khi thầy Hiệu trưởng Lê Bá Lực đưa ra ý tưởng, chủ nhiệm CLB là cô giáo Lê Thị Thắm. Cô vừa là người cô, người chị luôn chia sẻ, động viên, khích lệ và truyền cảm hứng cho các em học sinh. Phần nào giúp các em không ngừng phấn đấu, vượt lên trên hoàn cảnh khó khăn của mỗi người để khẳng định bản thân mình, giúp ích cho đời.
Có thể nói cuộc sống của mỗi con người đều có những khó khăn nhất định và khi vượt qua sẽ trưởng thành và tự tin hơn. Nhưng không phải ai cũng dám đối đầu với những khó khăn và thử thách. Dù không có tay, nhưng cô giáo Lê Thị Thắm muốn tự mình viết lên cuộc đời đầy tươi sáng của mình, để “tàn nhưng không phế” và em sẽ tiếp bước học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh. Chúc cô giáo “bé nhỏ” Lê Thị Thắm có thật nhiều sức khỏe, luôn kiên cường, an vui bên gia đình, đồng nghiệp và những cô cậu học trò nhỏ.
Lê Hoa