“BỘ ĐỘI CỤ HỒ” THỦY CHUNG SON SẮT VỚI LỜI THỀ SẴN SÀNG XẢ THÂN CHIẾN ĐẤU HY SINH VÌ NƯỚC, VÌ DÂN
Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
Quân đội nhân dân Việt Nam ngay buổi đầu thành lập đã cất cao lời thề xả thân chiến đấu hy sinh vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân. Qua 80 năm sinh trưởng, có tới 40 năm chiến đấu trong chiến tranh ác liệt, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, đem lại độc lập thống nhất cho quốc gia, tự do hạnh phúc cho nhân dân. Quân đội ta được nhân dân tôn vinh là “Bộ đội Cụ Hồ”. Ngày nay, Quân đội đang cùng toàn dân xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong hoàn cảnh nào, Quân đội cũng giữ trọn lời thề thiêng liêng đó.
Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam)
1. Lời thề thiêng liêng trước hồn thiêng sông núi
Quân đội nhân dân Việt Nam sinh ra từ trong phong trào cách mạng của nhân dân, được Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo và giáo dục, trở thành công cụ bạo lực sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong cách mạng giải phóng dân tộc, là lực lượng nòng cốt trong công cuộc củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Trong buổi lễ thành lập Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, đội tiền thân của Quân đội ta, toàn đội đã cất cao mười lời thề danh dự dưới lá cờ đỏ sao vàng cách mạng. Trong mười lời thề đó, lời thề đầu tiên là: “Xin thề: Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để tiêu diệt bọn phát xít Nhật, Pháp và bọn Việt gian phản quốc, làm cho nước Việt Nam trở nên một nước độc lập và dân chủ, ngang hàng với các nước dân chủ trên thế giới” [1, tr.90].
Đó là lời thề thiêng liêng trước hồn thiêng sông núi, trước Đảng và nhân dân, cũng là thể hiện lý tưởng, mục tiêu và động lực chiến đấu của toàn quân và của từng người. Lý tưởng, mục tiêu chiến đấu hy sinh vì nước, vì dân đã khẳng định ngay từ khi ra đời, Quân đội ta đã là một quân đội cách mạng của giai cấp vô sản và của nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Trong quá trình lịch sử chiến đấu và trưởng thành, Bộ đội Cụ Hồ luôn luôn giữ vững lời thề và hết lòng, hết sức thực hiện trọn vẹn lời thề đó.
2. Xin thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” trong thực tiễn cách mạng
Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân với 34 đội viên, vũ khí thô sơ, theo Chỉ thị của Bác Hồ, ngay sau khi thành lập, Đội đã dũng cảm, mưu trí đánh diệt hai đồn Phai Khắt, Nà Ngần, mở đầu truyền thống đánh thắng trận đầu của Quân đội nhân dân Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam Giải phóng quân đã cùng nhân dân đẩy mạnh phong trào giải phóng dân tộc, tiến tới cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945.
Cách mạng Tháng Tám là một cuộc khởi nghĩa vũ trang, lực lượng chính trị và vũ trang của quần chúng có lực lượng Giải phóng quân hỗ trợ và dẫn đầu, đã tràn lên áp đảo chính quyền thực dân phát xít và tay sai phong kiến, giành chính quyền cả nước trong vòng hai tuần lễ. Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Thực dân hiếu chiến Pháp ỷ vào sức mạnh quân đông, vũ khí hiện đại định dùng vũ lực xâm lược nước ta một lần nữa. Ngay sau Cách mạng Tháng 8, quân Pháp đã trắng trợn gây hấn ở Sài Gòn, tiếp đó chúng gây hấn tại Hà Nội và ra tối hậu thư đòi ta hạ vũ khí đầu hàng. Vệ quốc quân còn non trẻ, lực lượng nhỏ yếu, nhưng đã cùng với toàn dân kiên quyết hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” [2, tr.534], xin thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, chủ động nổ pháo tấn công, mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc (ngày 19 tháng 12 năm 1946). Trải 8 năm kháng chiến gian lao và anh dũng, Quân đội ta đã trưởng thành vững mạnh và giành nhiều chiến công.
Vào giữa năm 1953, thực dân Pháp có sự giúp đỡ của đế quốc Mỹ, thực hiện Kế hoạch Nava, xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương với quân số trên 16.200 quân, trang bị vũ khí hiện đại của Pháp, Mỹ. Giới quân sự, chính trị cả Pháp và Mỹ nhận định đây là một “pháo đài khổng lồ không thể công phá”, sẵn sàng “nghiền nát quân chủ lực Việt Nam” và hy vọng đây là trận chiến kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh Đông Dương của Pháp.
Về phía ta, Cuối năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy đã quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, xác định đây là trận quyết chiến chiến lược, quyết định thắng lợi cuộc kháng chiến.
Sau nửa năm chuẩn bị chiến trường và 56 ngày đêm chịu đựng gian khổ “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non” và kiên cường đánh địch theo cách “vây, lấn, tấn, diệt” của quân và dân trên mặt trận Điện Biên Phủ, chiều ngày 07 tháng 5 năm 1954, là cờ Quyết chiến quyết thắng của Bác Hồ tặng quân đội đã phất cao trên nóc hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát, chiến dịch Điện Biên Phủ của ta đã toàn thắng. Thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ chấp nhận thất bại, chấm dứt chiến tranh, rút quân về nước. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài hơn 20 năm. Dân tộc ta phải đương đầu với tên đế quốc xâm lược giàu mạnh nhất phe đế quốc. Cuộc đọ sức giữa Việt Nam với đế quốc Mỹ thật sự là không cân sức. Trước thử thách cam go đó, cả dân tộc Việt Nam từ Bắc chí Nam, triệu người như một thấm nhuần chân lý của thời đại do Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã nhất tề đứng lên chống Mỹ, cứu nước. Lực lượng vũ trang ta nhất nhất chấp hành mệnh lệnh của Người: “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải chiến đấu, quét sạch nó đi”.
Ở miền Bắc, bộ đội và dân quân thực hiện khẩu lệnh khí phách của chính trị viên Nguyễn Viết Xuân “Nhằm thẳng quân thù, Bắn!”, bắn rơi hàng nghìn máy bay, trong đó có nhiều máy bay chiến lược; đồng thời bắn cháy hàng chục tàu chiến, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc Miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Miền Bắc còn làm tròn nhiệm vụ hậu phương lớn của chiến trường Miền Nam. Nhân dân thì thực hiện “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Tay cày tay súng”, “Tay búa tay súng”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì Miền Nam ruột thịt”, chấp nhận đói ăn, thiếu mặc, xa chồng, vắng con, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vẫn đảm bảo “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Hàng triệu cán bộ, chiến sĩ xẻ dọc Trường Sơn và đi “tàu không số” vào chiến trường Miền Nam quyết đánh Mỹ đến cùng.
Ở Miền Nam, trước sự thống trị tàn bạo, khát máu của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai, đồng bào đã vùng lên “Đồng khởi”, sau đó, cùng quân và dân cả nước đánh thắng các chiến lược chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Vào mùa Xuân năm 1975, khi quân địch còn đông hơn, vũ khí địch nhiều hơn, hiện đại hơn ta, quân ta, nhưng với ý chí quyết chiến quyết thắng, quân và dân ta mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh với khí thế thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, tiến quân như vũ bão, đập tan mọi cuộc kháng cự của địch, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kể cả quần đảo Trường Sa.
Qua 40 năm chiến tranh ác liệt, Quân đội ta có hàng triệu liêt sĩ được Tổ quốc ghi công, hàng triệu thương binh, bệnh binh cống hiến một phần xương máu nơi chiến trường để đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Lời thể từ thủa khai sinh đã trở thành hiện thực.
3. Sáng ngời phẩm chất bộ đội cụ Hồ trong thời bình
Vì nhân dân quên mình
Ngày nay, đất nước ta đang có độc lập, hòa bình để xây dựng cuộc sống mới, nhưng tình hình thế giới và khu vực, nhất là tình hình Biển Đông vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường. Các thế lực phản động quốc tế luôn gây sự xâm phạm độc lập, chủ quyền thiêng liêng của nước ta. Quân đội nhân dân Việt Nam đang được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó trách nhiệm canh giữ vùng trời, vùng biển đảo, biên cương nơi tuyến đầu của Tổ quốc. Dù khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, Bộ đội Cụ Hồ luôn coi đó là niềm vinh dự, tự hào mà tận tâm, tận lực làm tròn trách nhiệm của mình và nếu chiến tranh chống xâm lược xảy ra thì chính họ lại tự nguyện sẵn sàng chiến đấu trên tuyến đầu bảo vệ Tổ quốc.
Thường ngày, bộ đội ta vẫn cùng các ngành, các cấp tuyên truyền, giáo dục đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng cơ sở, chăm lo giúp đỡ đồng bào các dân tộc ở biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa chống thiên tai, địch họa, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, giữ gìn cuộc sống yên lành hạnh phúc cho nhân dân.
Quân đội còn là lực lượng phát triển công nghiệp quốc phòng để trang bị vũ khí, khí tài, quân trang, quân dụng ngày càng hiện đại cho bộ đội, đồng thời góp phần phát triền khoa học kỹ thuật, sản xuất máy móc phục vụ dân sinh.
Suốt quá trình lịch sử, Quân đội ta luôn giữ vững và thực hiện trọn vẹn lời thề từ thủa ban đầu. Ngày nay, đất nước đã chuyển sang thời kỳ mới, tình hình và nhiệm vụ của Quân đội có nhiều thay đổi, nhưng nhất định Bộ đội Cụ Hồ mãi mãi giữ gìn và thực hiện trọn vẹn lời thề thiêng liêng từ 80 năm trước.
Tài liệu tham khảo
[1]. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2006.
[2]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4.
Đại tá, PGS. TS. NGƯT Vũ Như Khôi
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng